CHỌN CON ĐƯỜNG CỦA CHÚA

Hành trình theo đuổi sự thánh thiện dũng cảm của Thánh Luy Gônzaga.

Người thanh niên trẻ đứng sang một bên trong khi những người xung quanh nhảy múa.  Âm nhạc rất to và những lời bài hát thì khiếm nhã.  Việc khiêu vũ đã đi quá đà đến độ bất lịch sự.  Khi họ quay vòng, các người bạn đã chế nhạo Luigi: “Luigi, tại sao anh không tham gia cùng chúng tôi?  Tại sao anh quá nhút nhát, hay anh là một thiên thần?”  Hãy hạnh phúc khi được cho là ngại ngùng, Luigi gật đầu và bước ra khỏi phòng.

Điều này nghe có vẻ giống như một câu chuyện hiện đại, nhưng trên thực tế, đó là một cái nhìn thoáng qua trong cung của Đại Công tước Francesco de Medici ở Florence vào năm 1570.  Đó là nơi mà chàng trai trẻ Luy Gônzaga (Aloysius Gonzaga), còn được gọi là Luigi, được cha mình gửi đến để học cách cư xử lịch sự theo yêu cầu của chức vụ trong cuộc sống.  Mặc dù cách nhau hàng thế kỷ, nhưng nền văn hóa cuồng nhiệt với dục vọng và quyền lực không còn xa vời gì với chúng ta.  Ở giữa môi trường đó, Luy Gônzaga nổi bật như một thí dụ phản văn hóa.  Luy Gônzaga cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những người trẻ mà ngài là vị thánh bảo trợ thấy rằng có thể chống lại thế giới trần tục bằng cách để Chúa Kitô hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.

Một Người Con của Thiên Chúa tại Cung Điện.  Luy Gônzaga là một con người hơi đặc biệt.  Thông thường ngài được miêu tả trong kính màu mặc trang phục đen và trắng của một tu sĩ Dòng Tên.  Ngài cầm một cây huệ và cây thánh giá, với đôi mắt khiêm tốn nhìn xuống.  Luy Gônzaga có vẻ là mẫu gương tiêu biểu của sự hiền lành.  Chưa hết, chính chàng trai trẻ này đã được sinh ra nơi một trong những gia đình có ảnh hưởng chính trị nhất ở nước Ý.  Ngài đã được tiếp xúc với sức mạnh cùng với sự tàn bạo và ngài có tài sản kếch xù tùy ý sử dụng.

Chìa khóa cho sự phản ứng bất thường của Luy Gônzaga đối với hoàn cảnh của ngài cốt ở cam kết dâng hiến chính mình cho Chúa giữa những ảnh hưởng xấu của xã hội.  Đó không phải là một quá trình dễ dàng để từ chối tất cả những gì thế giới đang cung ứng cho ngài, nhưng tính cách cương quyết của Luy Gônzaga đã giúp ngài thực hiện những lựa chọn khó khăn và đứng vững khi ngài gặp phải sự phản đối.  Luy Gônzaga thường nói: “Làm một người con của Chúa thì tốt hơn là làm vua của cả thế giới!”  Như thế, Luigi đã đi từ hoàng tử nước Ý đến vị thánh dòng Tên như thế nào?

Một Mảng Ảnh Hưởng.  Luy Gônzaga sinh năm 1568, là con cả trong bảy người con của Don Ferrante Gonzaga, Hầu tước của Castiglione, Ý và Martha Tana Santena.  Luy Gônzaga là người thừa kế không chỉ đối với các chức danh và tài sản của cha mình mà còn của hai người chú họ không có con trai.  Luy Gônzaga chuyển đến trong lãnh địa hoàng gia: mẹ ngài từng là bạn tri kỷ của nữ hoàng Tây Ban Nha, và một trong những người bạn chơi thời thơ ấu của ngài là nữ hoàng tương lai của nước Pháp.

Gia đình Gônzaga là một gia đình Kitô giáo; những lời cầu nguyện và việc đọc những lá thư được viết bởi các nhà truyền giáo Dòng Tên là một phần của nhịp sống của chàng trai trẻ Luy Gônzaga.  Nhưng cuộc sống tại cung điện của Castiglione cũng chìm trong những ảnh hưởng của thế giới trần tục, sự ham khoái cảm dục vọng và tham vọng chung của thời đại.  Về phần mình, Luy Gônzaga xử lý bằng xu hướng nóng tính và bằng ý chí mạnh mẽ.

Don Ferrante muốn người con trai lớn đi theo bước chân của mình như một nhà lãnh đạo quân sự và ông cho làm một bộ áo giáp nhỏ cho con trai mình.  Luy Gônzaga yêu thích vũ khí và rất thích đi cùng cha mình đến các cuộc tập trận quân sự, điều này mang lại một chút kích động cho chàng trai trẻ.  Một lần, trong khi những người lính đang ngủ trưa, Luy Gônzaga, bốn tuổi, lấy một ít thuốc súng và tìm cách bắn một vũ khí, cậu đã khiến mọi người phát hoảng!  Sau đó, khi Luy Gônzaga trở về nhà, cậu bé đã làm mẹ ngạc nhiên với vốn từ vựng chua chát mà cậu đã học được từ những người lính.

Những Giải Pháp Thực Tế.  Vào năm bảy tuổi, Luy Gônzaga đã trải nghiệm điều gì đó về sự thức tỉnh tôn giáo.  Cậu giúp lễ trong thánh lễ mỗi ngày và bắt đầu có thói quen cầu nguyện hàng ngày.  Nhờ sự suy gẫm và sự trưởng thành đang phát triển này, Don Ferrante quyết định đào tạo Luy Gônzaga thành một chính khách (nhà chính trị sắc sảo và thiết thực).  Ông đã gửi Luy Gônzaga và em trai của mình đến cung điện hoàng gia nổi tiếng ở Florence.

Tại cung điện ở đó, các trò chơi khiêu vũ và phòng khách thường mang tính khiêu gợi.  Những cậu con trai mười bốn tuổi và những cô con gái mười hai tuổi được coi là có thể kết hôn, và những quý tộc trẻ tuổi được sử dụng tình dục bởi phụ nữ và đàn ông quý tộc lớn tuổi.  Trong khi có sự bảo trợ tuyệt vời của nghệ thuật và sự thịnh vượng, cũng có mưu đồ và bạo lực của cung điện.

Trong một môi trường như vậy, Luy Gônzaga chắc chắn không biết gì về những gì đang diễn ra, mặc dù cậu chỉ mới chín tuổi.  Trung thành với lời cầu nguyện hàng ngày và việc xưng tội thường xuyên, Luy Gônzaga đã quyết tâm cố gắng hết sức mình để dâng cuộc đời cho Thiên Chúa.  Nhưng làm thế nào cậu có thể bảo vệ sự trong trắng của mình?  Cậu bắt đầu bằng cách từ chối tham gia vào các điệu nhảy và trò chơi của cung điện.  Cậu tránh ở một mình với bất kỳ người phụ nữ nào tại cung điện.  Không muốn một danh tiếng thánh thiện, Luy Gônzaga để mọi người nghĩ rằng cậu là người nhút nhát.  Cuối cùng, Luy Gônzaga đã thực hiện lời khấn tư về sự khiết tịnh và dành thời gian với những người có thể trả lời những câu hỏi của cậu về những vấn đề tâm linh.

Những lựa chọn thực tế này đã giúp kiềm chế các ham muốn trong Luy Gônzaga đang được khuyến khích bởi môi trường xung quanh.  Không chỉ đơn giản là cố gắng tránh tội lỗi, Luy Gônzaga nói rằng cậu đang làm những gì cần thiết để nên thánh bằng cách xác định những gì sẽ kết hợp cậu với Thiên Chúa cách mật thiết hơn.

Kiên Trì Cầu Nguyện.  Khi Luy Gônzaga trở về nhà từ Florence, cậu đã xây dựng trên nền tảng đã được đặt ở đó.  Cậu đọc về cuộc sống của các vị thánh và viếng thăm các tu viện nơi cậu biết rằng mình có thể nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa khi cầu nguyện.  Lặng lẽ suy gẫm về cuộc đời của Chúa Giêsu đã giúp Luy Gônzaga hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của việc đi theo Chúa Giêsu.  Ở nhà và bất cứ nơi nào Luy Gônzaga đi, cậu bắt đầu đối xử với những người giúp việc gia đình bằng sự tôn trọng chu đáo.  Khi họ gọi Luy Gônzaga là “thưa ngài (ông chủ của tôi)”, cậu đã nhanh chóng nói rằng: “Phụng sự Thiên Chúa thì tốt hơn tất cả mọi vinh quang của thế gian.”

Khi Luy Gônzaga đào sâu sự dâng hiến của mình đối với Thiên Chúa, cậu bắt đầu tự hỏi liệu mình có thể được gọi vào công việc truyền giáo hay không.  Như một cách để thử điều đó, Luy Gônzaga thực hiện các chuyến đi vào thành phố để dạy giáo lý cho trẻ em nghèo.

Khi gia đình Luy Gônzaga chuyển đến Tây Ban Nha để phục vụ Vua Philip, các cận thần đã suy đoán rằng Luy Gônzaga sẽ trở thành một chính khách xuất sắc.  Don Ferrante, người dựa vào sự quyết định của con trai mình trong việc đàm phán các vấn đề kinh doanh, đã đồng ý với điều đó.  Nhưng Luy Gônzaga trở nên xác tín hơn rằng cậu đã được kêu gọi vào đời sống tu trì.  Năm mười sáu tuổi, Luy Gônzaga nói với cha mình rằng cậu muốn tham gia Dòng Tên, một dòng trong đó cậu có thể tránh được việc thăng chức trong nhà thờ và cậu có thể làm công việc truyền giáo.  Don Ferrante bừng bừng nổi giận và một trận chiến ý chí bắt đầu giữa người hầu tước bướng bỉnh và đứa con trai không kém phần kiên quyết của ông.  Ferrante đã gửi Luy Gônzaga trong chuyến đi kéo dài mười tám tháng ở Ý nhằm cố gắng thay đổi suy nghĩ của cậu con trai.  Nhưng Luy Gônzaga càng thấy điều đó, cậu càng không muốn lối sống vương giả của giới quý tộc.  Luy Gônzaga đã nếm trải những niềm vui của việc chiêm niệm và truyền giáo, và mọi thứ khác đều mờ nhạt khi so sánh.

Luy Gônzaga nhận thấy mình trong một tình huống khó khăn.  Cậu xác tín rằng Thiên Chúa đang kêu gọi mình vào Dòng Tên, nhưng cậu đã vâng lời cha mình một cách chân thành và sẽ không bước vào Dòng mà không có sự chấp thuận của cha.  Trải qua gần hai năm đấu tranh, Luy Gônzaga vẫn kiên trì.  Cuối cùng, nhận ra nỗi đau khổ của con trai mình, Ferrante đã mủi lòng.  Năm 1585, Luy Gônzaga từ bỏ quyền thừa kế của mình và được phép vào Dòng Tên.

Thành Công trong Mắt Thiên Chúa.  Cuối cùng được nhận vào đời sống tu trì, Luy Gônzaga thực sự đã có thể dễ chịu một chút.  Quy tắc Dòng Tên hài hòa hơn so với việc tự đền tội của mình.  Và thậm chí tốt hơn, sự căng thẳng giữa Luy Gônzaga và cha anh đã được giải quyết.  Thật không may, Luy Gônzaga đã chết vì bệnh dịch hạch năm 1591 ở tuổi hai mươi ba, trước khi trở thành linh mục.  Trong 450 năm kể từ khi sinh ra, Luy Gônzaga đã được coi là tấm gương cho giới trẻ, với hàng trăm trường học và xã hội mang tên thánh nhân.

Luy Gônzaga đã thực hiện những lựa chọn thực tế không để môi trường hay chức quý tộc quyết định căn tính của mình.  Lời kêu gọi trở thành con của Chúa luôn đến trước.  Mặc dù một số người có thể nhận thấy sự khiêm tốn của Luy Gônzaga vừa là sự thận trọng hoặc sự hiền lành vừa là một sự lãng phí tài năng, những lựa chọn của Luigi trẻ trung đòi hỏi sự can đảm, quyết tâm và khiêm tốn thực sự.  Giữ gìn sự tinh khiết, tôn kính cha mẹ và chống lại thế tục là điều có thể bởi vì Luy Gônzaga đã rút được sức mạnh và tiêu chuẩn của mình từ Thiên Chúa.  Luy Gônzaga cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể sống theo con đường (cách) của Thiên Chúa, ngay cả khi nền văn hóa xung quanh chúng ta không tôn vinh Thiên Chúa.  Đó là một bài học không chỉ cho những người trẻ tuổi mà còn cho mỗi người chúng ta.

Hallie RiedelTheo The Word Among Us [wau.org]
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

CHÚC LÀNH CỦA NGƯỜI CHA

Ðức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: “Tôi là con của giai cấp công nhân.  Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi.”  Cha tôi là một công nhân nghèo, người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện.  Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp.  Tôi đến gần cha tôi.  Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu.  Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi.  Tôi rụt rè thưa với cha tôi: “Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?”  Cha tôi trả lời: “Con ơi, ở tuổi con ba đã phải đi làm rồi.  Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn.”

Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi: “Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn trở thành linh mục.”

Bình thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm.  Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má…  Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.

Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: “Ba má đã hy sinh quá nhiều…  Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh.”

Mà quả thực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học.  Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn tin cha tôi đau nặng.

Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho tôi.  Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành linh mục.

Sau khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới công nhân.

Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn.  Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh sống cụ thể.  Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ làm việc…  Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện.  Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới.  Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt…

Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng, và sống với những người khác.  Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng…

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ.  Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô.  Từ gia đình, đến trường học, công sở… mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta.

Thánh Gioan Bosco đã nói: phần thưởng quan trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục.  Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi…

Sưu tầm

ÁNH MẮT CỨU ĐỘ

Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt.  Nhưng ngày nay người ta ít có thời giờ nhìn nhau, nên tình yêu không đến.  Người ta quá bận rộn vì cuộc sống ngày càng vội vã.  Ra đường là đi như chạy để tranh thủ thời gian.  Nên không có thời giờ nhìn, hỏi han, trò truyện, thông cảm.  Và vì bận rộn nên nhiều lần ta lẩn tránh không muốn nhìn những thảm cảnh chung quanh, ngay trước mắt ta.

Chúa Giêsu thì không như thế.  Người nhìn thấy đám đông và chạnh lòng thương.  Nếu nhìn một đám đông thoáng qua thì khó mà chạnh lòng thương.  Chạnh lòng thương tức là đã nhìn kỹ từng người, thấy rõ hoàn cảnh đáng thương của từng người.  Đứng trước một đám đông, Chúa vẫn có thời giờ nhìn kỹ từng người, vì Chúa quan tâm đến số phận của từng người.

Khi nhìn ngắm kỹ lưỡng, sẽ hiểu rõ.  Khi hiểu rõ sẽ dễ chạnh lòng thương.  Tuy nhiên từ ánh mắt đến trái tim là một khoảng cách rất gần mà cũng rất xa.  Trái tim con người thật khó hiểu.  Khi mở ra thì bao la ngàn trùng.  Nhưng khi khép lại thì vô cùng chật hẹp.  Một hạt bụi cũng khó lọt qua.  Khi thao thức thì vô cùng nhanh nhậy, chỉ một thoáng nhìn, chỉ một âm thanh mơ hồ cũng đã đủ làm xao xuyến, rộn ràng.  Nhưng khi ngủ yên thì vô cùng chai cứng, chậm chạp, dù có đập vào mắt, dù có la vào tai, cũng lạnh lùng dửng dưng.  Trái tim Chúa Giêsu luôn thao thức về con người, luôn rộng mở đón nhận con người, nên dễ chạnh lòng thương trước cảnh bơ vơ, khốn cùng của con người.

Tình thương của Chúa Giêsu không phải là thứ tình mơ mộng viễn vông, than mây khóc gió, nhưng là một tình thương mãnh liệt dẫn đến những hành động cụ thể.  Khi nhìn thấy đám đông tất tưởi, bệnh tật, đói khát, Người lập tức an ủi, chữa lành, nuôi dưỡng.  Việc Người an ủi, chữa lành, nuôi dưỡng đám đông không chỉ là những hoạt động do cảm tính nhất thời, nhưng là cả một kế hoạch rộng lớn, lâu dài.  Chính vì thế, Người đã chọn mười hai Tông đồ, huấn luyện, sai họ đi nối tiếp sứ mệnh của Người.

Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy tôi ba bài học.

Bài học thứ nhất: hãy biết nhìn người khác bằng ánh mắt cảm thông.  Ở Việt Nam phong trào đô thị hoá ngày càng mạnh.  Các thành phố ngày càng phình ra vì dân cư từ quê đổ ra tỉnh tìm đường làm ăn sinh sống.  Thành phố trở nên đông đúc chật chội.  Người sống trong thành phố đang trở thành những con số vô danh, chìm mất giữa đám đông vội vã.  Không ai biết ai.  Không ai nhìn ai.  Không ai quan tâm tới ai.  Vì ai cũng bận lo cho bản thân mình.  Hãy nhìn các đám đông trong chợ búa, ở trường học, ở công sở.  Hãy quan sát đám đông trongvùng kẹt xe hay ở ngã tư đèn đỏ.  Có biết bao linh hồn cô đơn buồn khổ.  Có biết bao thể xác đang bị bệnh tật bào mòn.  Có biết bao trái tim đang tan nát vì thất vọng.  Hãy nhìn và hãy cảm thông như Chúa Giêsu nhìn đám đông và cảm thương họ.

Bài học thứ hai: hãy có một trái tim biết cảm thương.  Đời sống ngày càng vất vả.  Nhu cầu ngày càng nhiều.  Vì thế con người ngày càng ích kỷ, chỉ lo cho bản thân hoặc gia đình mình.  Chính vì thế trái tim thường dễ khép lại, trở thành lạnh lùng, xơ cứng.  Khi trái tim xơ cứng, ta không thể đón nhận được những thông tin từ ánh mắt đem lại.  Và con đường từ ánh mắt đến trái tim trở thành muôn trùng diệu vợi.  Hãy mở lòng ra.  Hãy biết rung động.  Hãy để lòng mình thổn thức nỗi đau của người.  Hãy biết khóc thương những số phận hẩm hiu.  Hãy âu lo cho những cuộc đời bế tắc.  Hãy để cho niềm cảm thương dâng tràn trái tim như trái tim Chúa Giêsu đã cảm nghiệm.

Bài học thứ ba: công cuộc truyền giáo phải bắt đầu bằng tình thương.  Đức Chúa Cha, vì cảm thương thân phận tội lỗi đau khổ của loài người đã sai Chúa Giêsu xuống trần gian.  Chúa Giêsu, vì cảm thương đám đông tất tưởi, bơ vơ, đã sai các môn đệ ra đi, tiếp tục sứ mệnh gieo rắc tình thương khắp nơi.  Việc truyền giáo như thế là kết quả của lòng thương yêu vô biên của Thiên Chúa.  Tình yêu thương khởi đầu nơi trái tim Thiên Chúa phải được tiếp nối, đẩy mạnh, nhân rộng trong cuộc đời.  Vì thế người làm nhiệm vụ truyền giáo không bắt đầu bằng rao giảng, cũng không bắt đầu bằng cử hành bí tích mà phải bắt đầu bằng yêu thương.  Cứ yêu thương rồi tình yêu sẽ hướng dẫn ta biết phải làm gì.

Tất cả chúng ta là những người con của Chúa.  Tất cả chúng ta được Chúa mời gọi làm nhân chứng cho Chúa.  Ta hãy học theo gương của chúa Giêsu biết nhìn người khác với ánh mắt cảm thông, biết cảm thương những con người đau khổ.  Như thế chúng ta đã bắt đầu làm việc truyền giáo rồi.

Lạy trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống trái tim Chúa. Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

KINH NGUYỆN THÁNH THỂ CHO THẾ GIỚI ĐANG TỈNH GIẤC

Dịp lễ Chúa Biến Hình vào năm 1923, Pierre Teilhard de Chardin đang một mình trước ánh bình minh ở sa mạc Ordos, Trung Quốc, nhìn vầng dương tỏa những ánh cam vàng từ cuối chân trời.  Cha đang xúc động sâu sắc, cả về mặt con người lẫn lòng đạo.  Để đáp lại xúc động này, điều cha muốn làm nhất là cử hành thánh lễ, nhằm hiến dâng toàn thể thế giới lên Chúa.  Nhưng cha không có bàn thờ, không bánh, không rượu.  Nên cha quyết định lấy thế giới này làm bàn thờ, và những gì trên thế giới là bánh và rượu cho thánh lễ.  Và đây là lời cầu nguyện cha cầu cho thế giới đang tỉnh thức hướng về mặt trời.

Lạy Chúa, bởi con không có bánh rượu, mà cũng không có bàn thờ, nên con sẽ thoát khỏi những biểu tượng này, mà lấy toàn thể trái đất làm bàn thờ của con và trên đó, con dâng lên Chúa tất cả công khó và đau khổ của thế giới.

Khi mặt trời ló dạng như tấm màn lửa từ phía chân trời, trái đất tỉnh giấc, rùng mình và bắt đầu làm nhiệm vụ hàng ngày của nó.  Lạy Chúa, con sẽ đặt trên dĩa của con, hoa màu của lao công mới này.  Trong chén, con sẽ đổ dòng nhựa sống ép từ hoa trái của địa cầu hôm nay.  Dĩa và chén của con là những thẳm sâu linh hồn đang đang mở rộng với mọi uy lực trỗi lên từ mọi góc cùng trái đất, tất cả đồng quy vào Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin cho con biết tưởng nhớ và hiện tại hóa những con người đang được ánh dương thức tỉnh vào ngày mới.  Nghĩ đến đây, trước hết con nhớ đến những người đã chia sẻ cuộc sống với con, là gia đình, cộng đoàn, bạn bè, và đồng sự.  Và dù mơ hồ hơn nhưng rất chắc chắn, con cũng nhớ đến toàn thể nhân loại, đang sống và đã qua đời, và cả trái đất vật chất này nữa, khi con đang đứng trước Chúa, lạy Chúa con, như một phần của trái đất, như điểm trái đất mở ra và gắn bó với Chúa.

Và lạy Chúa, trên mọi sự sống triển nở, sum suê, con xin nói lại những lời: ‘Đây là Mình Ta.’ Và trên mọi thế lực sự chết đang chờ sẵn để gặm, để tàn, để chặt lìa, con xin nói lại những lời của Chúa bày tỏ mầu nhiệm tột đỉnh của đức tin: ‘Đây là Máu Ta.’  Trên dĩa của con, con dâng tất cả những con người hăng say sống ngày hôm nay, người trẻ, người khỏe, người mạnh, người đầy niềm vui.  Và trên chén này, con dâng tất cả những tan vỡ dày vò từ chính sức sống đó.  Trên bàn thờ bao la này, con dâng lên Chúa mọi sự trong thế giới, mọi sự trỗi dậy và mọi sự nằm xuống, và xin Chúa chúc lành cho nó.

Và sự thông hiệp của chúng con với Chúa sẽ chưa được thành toàn, sẽ chưa là theo Kitô, nếu như cùng với những thu tích của ngày mới này, chúng con không chấp nhận, nhân danh chúng con và thế giới, những tiến trình, dù ẩn giấu hay hiển hiện, của sự suy yếu, già đi và cái chết, vốn không ngừng đốt cháy vũ trụ này hướng đến ơn cứu độ và phán xét của mình.  Lạy Chúa, chúng con thả mình trao bản thân cho những thế lực tan rã đáng sợ này, khi tin tưởng dù mờ mịt rằng, điều này sẽ thay thế cái tôi hạn hẹp của chúng con bằng sự hiện diện thiêng liêng của Chúa.  Chúng con xin dâng lên trong cùng một lời nguyện, cả những hân hoan chúng con có và cơn khát những gì chúng con thiếu thốn.

Lạy Chúa, xin khóa chúng con trong những chiều thâm sâu của trái tim Chúa, giữ chúng con, đốt cháy chúng con, thanh luyện chúng con, thử lửa và biến đổi chúng con, cho đến khi chúng con hoàn toàn nên như những gì Chúa muốn, nhờ triệt tiêu mọi ích kỷ trong ích kỷ trong chúng con.  Amen.

Với cha Teilhard, tất nhiên không thể đánh đồng điều này với việc cử hành Phép Thánh Thể trong nhà thờ được, nhưng cha thấy đây là một ‘mở rộng’ của Phép Thánh Thể, nơi Mình và Máu Chúa Kitô trở nên hiện thể trong một bánh và rượu rộng lớn hơn, cụ thể là toàn thể thế giới vật chất đang bày tỏ mầu nhiệm thịt máu Thiên Chúa chiếu sáng hiển hiện.

Cha Teilhard là linh mục Công giáo La Mã, nhờ được thụ phong, mà được giao ước cử hành thánh lễ cho thế giới, đặt bánh và rượu lên dĩa và chén mà dâng lên Chúa thay cho thế giới.  Tất cả Kitô hữu chúng ta cũng vậy, nhờ phép rửa tội, chúng ta được thành các tư tế, và như cha Teilhard, được giao ước để cử hành thánh lễ cho thế giới, dâng trên chén và dĩa tượng trưng của chúng ta, những bánh và rượu của thế giới này trong mọi dạng thể của ngày sống.  Có nhiều cách để làm điều này, nhưng có lẽ bạn sẽ muốn thử thế này: Một buổi sáng khi vầng dương ló dạng ở chân trời, hãy để ánh vàng cam đó đốt cháy trái tim và lòng cảm thương của bạn để bạn vươn tay ra và cầu nguyện lời Kinh nguyện Thánh Thể của cha Teilhard cho thế giới đang trở mình thức tỉnh.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH ANTÔN PADUA, LINH MỤC – TIẾN SĨ HỘI THÁNH (1195 – 1231)

I . CUỘC ĐỜI
Hôm nay Giáo hội cho chúng ta mừng lễ thánh Antôn Padua, một vị thánh rất gần gũi và quen thuộc với cuộc sống của chúng ta.  Ngài sinh năm 1195 có lẽ gần Lisbonne, với tên gọi là Fernandô.  Cha Ngài là hiệp sĩ và viên chức tại triều đình hoàng đế Alphongsô thứ II, vua nước Bồ Đào Nha.  Fernadô được gởi đi học trường nhà thờ Chánh tòa tại Lisbonne.  Nhưng vào tuổi 15, Ngài gia nhập dòng thánh Augustinô.

Sau hai năm tại nhà dòng, Ngài xin được chuyển về Coimbra vì bạn bè đến thăm quá đông.  Tu viện Coimbra có một trường dạy Thánh Kinh rất danh tiếng.  Tám năm trời Fernadô nỗ lực học hỏi và đã trở thành học giả sâu sắc về thần học và Kinh Thánh.

2. Biến Cố Thay Đổi

Ngày kia với nhiệm vụ tiếp khách, Ngài săn sóc cho 5 tu sĩ Phanxicô đang trên đường tới Moroccô.  Về sau họ bị tàn sát dã man và thi hài họ được đưa về Coimbra để tổ chức quốc táng.  Fernadô mong ước hiến đời mình cho cánh đồng truyền giáo xa xăm.

Nôn nóng với ước vọng mới, Fernadô phải tiến một bước bất thường đầy đau khổ là rời bỏ dòng Augustinô để nhập dòng Phanxicô.  Nhà dòng đặt tên Ngài là Antôn và chấp thuận cho Ngài tới Moroccô.  Nhưng vinh dự tử đạo không được dành riêng cho Ngài.  Ngài ngã bệnh và phải trở về nhà, Trên đường về, con tàu bị bão thổi bạt tới Messina ở Sicily.  Thế là Antôn nhập đoàn với anh em Phanxicô nước Ý.  Có lẽ thánh nhân có mặt trong cuộc họp ở Assisi năm 1221, và gặp thánh Phanxicô ở đây.  Ít lâu sau Ngài được gởi tới viện tế bần ở Forli gần Emilia để làm những công việc hèn hạ.

2. Biến cố 2

Dầu vậy một biến cố bất ngờ khiến người ta khám phá ra khả năng đặc biệt của thánh nhân.  Trong một lễ nghi phong chức ở Forli nhà giảng thuyết đặc biệt vắng mặt.  Không ai dám thay thế.  Cha Giám tỉnh truyền cho Antôn lên tòa giảng.  Antôn làm cho khán giả kinh ngạc.  Người ta thấy ngay trước được rằng: Ngài là một nhà giảng thuyết bậc nhất.  Hậu quả tức thời Ngài được chỉ định làm nhà giảng thuyết trong cả Italia.  Đây là một thời mà Giáo hội cần đến những nhà giảng thuyết hơn bao giờ hết để chống lại các lạc thuyết.

Kể từ đó nhà tế bần Forli không còn gặp lại Antôn nữa.  Ngài du hành không ngừng bước từ miền nam nước Ý tới miền Bắc nước Pháp, hiến trọn thời gian và năng lực cho việc giảng dạy.  Sự đáp ứng của dân chúng đã khích lệ Ngài nhiều, các nhà thờ không đủ chỗ cho người đến nghe.  Người ta phải làm bục cho Ngài đứng ngoài cửa.  Nhưng rồi đường phố và quảng trường chật hẹp quá và người ta lại phải mang bục ra khỏi thành phố tới những cánh đồng hay sườn đồi, nơi có thể dung nạp những 20, 30, 40 ngàn người đến nghe Ngài . Nghe tin Ngài đến đâu, thì nơi đó tiệm buôn đóng cửa, chợ hoãn phiên họp, tòa ngưng xử án.  Suốt đêm dân chúng từ khắp hướng đốt đuốc tụ về.  Dường như bất cứ ai một lần chịu ảnh hưởng của thánh Antôn thì không có gì chống lại được sự lôi cuốn bởi các bài giảng của Ngài.

3. Và Ước Vọng

Ngài thường mạnh mẽ chống lại sự yếu đuối của hàng tu sĩ qua những tội nổi bật trong xã hội đương thời như: tính tham lam, nếp sống xa hoa, sự độc đoán của họ.  Đây là một giai thoại điển hình: khi Ngài được mời để giảng ở hội đồng họp tại Bourges, dưới sự chủ tọa của Tổng Giám mục Simon de Sully.  Với những lời mở đầu “Tibi loquor cornute” (Tôi xin thưa cùng Ngài đang mang mũ Giám mục trên đầu), thánh nhân tố giác vị Giám mục mới, làm mọi thính giả phải kinh ngạc.

Mùa Chay cuối cùng thánh Antôn giảng ở Padua.  Và người ta còn nhớ mãi về sau nhiệt tình mà thánh nhân đã khơi dậy.  Dân địa phương đã không thể nào tìm ra thức ăn lẫn chỗ ở cho đoàn người đông đảo kéo tới.  Nhưng sau mùa chay này, thánh nhân đã kiệt sức.  Ngài xin các bạn đồng hành đưa về nhà thờ Đức Maria ở Padua để khỏi làm phiền cho chủ nhà trọ.  Không nói được nữa.  Ngài dừng chân ở nhà dòng Đức Mẹ người nghèo ở Arcella.  Tại đây, người ta vực Ngài ngồi dậy và giúp Ngài thở.  Ngài bắt đầu hát Thánh Thi Tạ ơn và qua đời giữa tiếng ca ngày 13 tháng 6 năm 1231. (Internet)

II. SỰ NGHIỆP

Cuộc đời của thánh Antôn là cuộc đời đẹp lòng Chúa.  Chính vì thế mà Chúa đã thưởng công cho ngài, cho ngài làm nhiều phép lạ.  Các phép lạ do lời ngài cầu thay nguyện giúp rất nhiều.  Các phép lạ nổi tiếng nhất được minh họa trên nhiều ảnh tượng: các bích họa, các phù điêu trên tường của Titien ở Padoua, các tác phẩm Perugin, của Corrège, Murillo, Donatello, Van Dyck… thánh Antôn được minh họa lần lượt bằng hình ảnh ngài cầm quyển sách, một ngọn lửa, một hoa huệ tươi nở, bồng Hài Nhi Giêsu, hay đang rao giảng cho các đàn cá..  Người ta cầu khẩn Antôn Padua để được tìm thấy các đồ vật bị lạc mất..  Bản thân tôi cũng đã nhiều lần cầu nguyện với ngài xin ngài giúp tôi tìm thấy những gì tôi đánh mất và đã được nhậm lời.

Phép lạ người ta hay nhắc đến nhất.  Đó là phép lạ về Bí tích Thánh Thể tại Bourges.  Đây là phép lạ lừng danh nhất về một con lừa thờ lạy Bí tích cực trọng.  Hôm đó ngài gặp một người Do thái không tin phép Bí tích Mình Thánh.  Người này tỏ ra thách thức trước mặt thánh Antôn.

Thánh nhân nói:

– Nếu con lừa ông cưỡi mà quỳ xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình dưới hình bánh thì ông có tin không?  Người Do thái nhận lời thách thức.  Hai ngày ông ta không cho lừa ăn gì.  Ông để nó nhịn đó.  Sau đó ông dẫn tới chỗ họp chợ, giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua.  Con vật quên đi cơn đói của mình, quay sang thờ lạy Chúa.

Xin được kết thúc bằng một câu chuyện vui.

Một bà mẹ già đau răng.  Bà đã làm tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói lằng: Thánh nhân “chuyên trách” về bệnh này.

Ngày cuối của tuần chín ngày, bà vẫn còn đau.  Lúc đó một vị linh mục đến thăm bà.

– Xin cha nói cho con hay, có phải con lầm không?  Có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?

– Thưa bà, hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của một nha sĩ.  Hãy đi tìm bà ta và nói là tôi giới thiệu đến và bà ta sẽ làm không công cho bà.

– Trời đất ơi!  Một ông linh mục vô thần!

Kể ra cũng đau lòng – thánh Antôn tự nói – để nhậm lời cầu của bà, chính ta đã gởi đến cho bà vị linh mục này.

Không phải lúc nào Chúa cũng phải can thiệp một cách trực tiếp, nhưng Người có nhiều phương cách khác nhau để thể hiện ý muốn của Người!

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

HY LỄ THẬP GIÁ

Hôm nay lễ suy tôn Thánh Thể.  Nói đến Thánh thể người ta thường hay nói đến một bữa ăn, một bữa ăn Agape, bữa ăn huynh đệ.  Nhưng thực ra, “Bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá.  Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ” (Bí tích cứu độ).

Vì thế hôm nay, chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ.

Một họa sĩ người Ý, đã diễn tả giá trị thánh lễ qua bức tranh như sau: Khi linh mục dâng lễ, trên đầu ngài có 4 thiên thần bay lượn, miệng ngậm loa, sẵn sàng báo tin ngày chung thẩm của thế giới.  Nhưng xem ra các Ngài còn chờ đợi cho tới khi linh mục cuối cùng này cử hành xong thánh lễ giao hòa dâng lên Thiên Chúa, mới gióng lên tiếng loa định mệnh này.

Thực vậy, Mẹ Têrêsa thành Calcutta thường hay nói với các chị em trong dòng rằng: “Không có thánh lễ Misa, chúng ta sẽ ra sao, mọi sự dưới gầm trời này hẳn sẽ bị tiêu hủy, chỉ có thánh lễ mới ngăn được tay Thiên Chúa.  Không có thánh lễ, chắc chắn giáo hội sẽ không còn tồn tại và thế giới ắt sẽ bị diệt vong.”

Vì cử hành thánh lễ là hiện tái hóa hy tế thập giá năm xưa của Chúa Kytô trên thập giá.  Máu Thánh Chúa được tiếp tục đổ ra cho nhiều người được tha tội, được ơn cứư độ.  Hy tế thập giá của Chúa Kytô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn tiếp tục tái diễn để giao hòa thế gian với Thiên Chúa.

Nhìn vào thế giới hôm nay, người ta thấy tội lỗi mỗi ngày một gia tăng, sự dữ ngày càng ngập tràn.  Tại sao Thiên Chúa không trút cơn thịnh nộ xuống trên địa cầu?  Thưa, bởi vì hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, Con Chiên Thiên Chúa tế lễ trên bàn thờ, xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha, “và tước khí giới nơi bàn tay sẵn sàng sửa phạt của Ngài.”  Chúng ta không thể đếm được các tia lửa từ các ông khói tàu thủy tung tóe ra.  Thế mà, các tia lửa đó không gây hỏa hoạn.  Vì chúng rơi xuống biển và dập tắt ngay.  Cũng không thể đếm được các tội ác hằng ngày từ trái đất xông lên và đòi sự công thẳng của Thiên Chúa.  Nhưng nhờ sự giải hòa của Thánh lễ, chúng ta được đẩy vào đại dương của lòng từ bi Thiên Chúa và hình phạt đã không trút xuống địa cầu.

Thánh Laurensô Giustinianô nói: “lưỡi loài người không thể kể hết những ơn phúc từ thánh lễ: nào là tội nhân được giao hòa với Thiên Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xóa sạch, nết xấu được giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của ma quỷ bị bẻ gãy.”

Cha sở họ Ars: “Mọi việc lành họp lại cũng không thể so sánh với thánh lễ Misa, vì mọi việc lành là của loài người, còn thánh lễ là của Thiên Chúa.”

Thế nhưng, hôm nay nhiều người vẫn xem nhẹ thánh lễ.  Họ đi lễ nhưng thiếu tấm lòng đón nhận ơn cứu độ, ơn tha thứ của Chúa.  Đi lễ cho qua lần chiếu lượt.  Đi lễ vì luật buộc.  Vì người khác đi mình cũng được.  Có mấy ai ý thức giá trị của hiến tế thập giá.  Có mấy ai hiểu được hy tế thập giá cần phải được cử hành mỗi ngày để xin ơn tha tội và để Con Thiên Chúa lại tiếp tục đổ máu mình ra để giao hòa với Chúa Cha.

Bên cạnh đó, khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kytô.  Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kytô.  Chúa Kytô là Đầu Hội Thánh đã dâng chính mình làm tế lễ, còn chúng ta là những chi thể trong nhiệm thể của Người, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kytô, chúng ta có cùng chịu hiến tế chính mình như Đức Kytô là Đầu của Hội thánh hay không?  Liệu rằng, chúng ta có thể đứng nhìn Chúa chịu sát tế, còn mình không chịu làm gì cả, hay chỉ đứng đó như những khách bàng quang, đứng bên vệ đường nhìn xem máu Chiên Con vô tội đang đổ ra vì loài người, mà lòng mình không cảm thấy một chút hổ thẹn hay ái ngại lương tâm?  Chúa Kytô vẫn đang đổ máu vì tội lỗi loài người.  Giáo hội vẫn đang hiệp thông với đau khổ của Con Chiên Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ đóng góp phần vụ gì trong việc đền tội cho thế giới và cứu độ trần gian?

Chúng ta biết rằng, trên bàn thờ tế lễ Giáo hội buộc phải có tượng Chúa chịu nạn, chính là để nhắc nhở chúng ta phải hy sinh, phải dâng hiến mình như Chúa Giêsu đã hiến dâng.  Phải đóng góp phần chúng ta như Mẹ Maria đã đóng góp chính nỗi đau khổ xé nát lòng mình, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha.

Thiết tưởng để thánh lễ thực sự mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại.  Mỗi người chúng ta cũng phải biết gom góp hy sinh mỗi ngày như những hạt lúa bị nghiền nát, như trái nho ép thành chén rượu mới có của lễ để dâng trên bàn thờ.  Đó chẳng phải là mồ hôi nước mắt trong lao công con người làm nên hay sao?  Đó chẳng phải là những hy sinh, những chén đắng trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa hay sao?

Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa nghèo nàn này, nó thuộc về Chúa.  Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá Chúa gởi tới.  Xin cho con được nghiền nát cho Chúa, và xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền dâng lên trước tôn nhan Chúa. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

MẪU MỰC ĐỊNH HÌNH

“Thầy là người chân thật không vị nể ai… Vậy có nên nộp thuế cho Cêsarê không?”; “Của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa!”

Francois Fénelon là nhà giảng thuyết của hoàng gia thời vua Louis XIV.  Một Chúa Nhật nọ, khi vua và đòan tùy tùng đến nhà nguyện; ở đó, không có ai khác ngoài Fénelon.  Vua hỏi, “Thế này nghĩa là gì?”  Fénelon trả lời, “Tôi đã thông báo rằng, hôm nay ngài vắng mặt.  Nhờ đó, bệ hạ có thể xem ai là người phụng sự Chúa chân thật, ai là kẻ tâng bốc ngài!”

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị!  Trong Tin Mừng hôm nay, người Pharisêu và phe Hêrôđê sử dụng lại mánh khoé cổ lai đó – sự tâng bốc – để gài bẫy Chúa Giêsu.  Nhưng Ngài phá vỡ mánh lái của họ; đồng thời, tiết lộ cho chúng ta bí quyết cân bằng cuộc sống khi phải đứng trước những chọn lựa.  Qua đó, Ngài là ‘mẫu mực định hình’ cho bạn và tôi khi phải chọn Chúa và cái ‘ít hơn’ Ngài!

“Tâng bốc,” một trong những mưu chước có từ vườn địa đàng, với hạn sử dụng vô thời gian.  Nó có thể khiến chúng ta mất cảnh giác.  “Bạn thông minh, tại sao không…?”  Là Kitô hữu trong thế giới, thông thường, có nghĩa là sống giữa những người quỷ quyệt.  Chúa Giêsu từng cảnh báo, phải “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.”  Để duy trì sự cân bằng, bạn phải chỉ sống cho Chúa, chọn Ngài; và Chúa Kitô phải là ‘mẫu mực định hình’ ngày sống của mình!

“Có nên nộp thuế cho Cêsarê không?”  Họ đặt trước Chúa Giêsu một nan đề đầy thách thức.  Đó là “một trong hai;” “hoặc cái này, hoặc cái kia.”  Hoặc Ngài hoàn toàn chấp nhận Cêsarê, hoặc nổi dậy chống La Mã!  Đó là cách thế giới đòi buộc!  Nó sẽ là “một trong hai;” “hoặc cái này, hoặc cái kia.”  Hoặc là bạn theo thuyết tiến hoá của Darwin, hoặc bạn tin Đấng Tạo Thành; hoặc là bạn khoan dung với lối sống luôn đổi thay, hoặc bạn là kẻ cố chấp không thể chịu nổi.  Vậy mà, mọi thứ phức tạp hơn thế!  Bởi lẽ, đức tin Công Giáo thường đòi “cả hai”; “cái này và cả cái kia!”  Thật sao?

Đúng thế!  Nghĩa là, hãy trao cho Cêsarê những gì thuộc về ông ta và dâng Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài.  Vấn đề là làm thế nào để bạn quyết định những gì thuộc về ai?  Đó là nơi mọi thứ trở nên phức tạp!  Và đó là lý do tại sao bạn, một Kitô hữu, được kêu gọi để phát triển những quà tặng của mình: trí thông minh, đời sống cầu nguyện và sự phân định.  Công Giáo không phải là tôn giáo dành cho người máy, nó đòi mỗi người phải sử dụng tự do và ân sủng Chúa ban một cách có trách nhiệm để làm theo ý muốn của Ngài.  Nói cách khác, như Chúa Kitô, Chúa Cha phải là trên hết và trước hết!  Ngài là ‘mẫu mực định hình’ cho mọi chọn lựa!

Anh Chị em,

“Của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa.”  Bẫy bung, trò chơi kết thúc!  Câu trả lời của Chúa Giêsu đòi họ phải quyết định điều gì thuộc về ai.  “Bạn phải quyết định” là cụm từ đặc trưng của Karol Wojtyla với tư cách là một cha giải tội.  Không gì có thể làm chúng ta sợ hãi bằng sự tự do.  Nó khiến khán giả của Chúa Giêsu sợ hãi.  Lời Chúa mời gọi chúng ta xem lại cách thức sử dụng tự do, thời gian Chúa ban để làm nức lòng người đời hay để làm vui lòng Thiên Chúa.  Chúa Kitô có là ‘mẫu mực định hình’ cho mọi quyết định của bạn và tôi giữa một thế gian dăng mắc bao cạm bẫy?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không ít lần con bị lừa phỉnh bởi những lời tâng bốc.  Cho con luôn ước ‘chỉ cần Chúa khen,’ hầu có thể chọn cho mình quyết định mà ưu tiên hàng đầu phải là Ngài!”  Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CẦU NGUYỆN VỚI THIÊN CHÚA BA NGÔI

Mỗi lần thức dậy, mỗi khi đi ngủ, trước bữa ăn, khi vào nhà thờ và rất nhiều lần trong ngày, chúng con làm dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.  Đó là lúc con tuyên xưng Chúa Ba Ngôi trong mọi khoảnh khắc cuộc sống.  Dù chưa hiểu nhiều, nhưng con tin và con dần nhận thấy dấu ấn của Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời.

Truyện kể rằng, ngày xưa, có vị thánh thông thái nọ, muốn giải nghĩa tường tận về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.  Ngài cố gắng mãi mà vẫn chưa được.  Thế là, Ngài đi bộ dọc bờ biển để vừa giải trí cho thông thoáng, vừa tiếp tục ngẫm nghĩ.  Ngài gặp một em bé chơi bên bờ biển.  Bé lấy vỏ sò để múc nước đổ vào cái lỗ nhỏ.  Ngạc nhiên, thánh nhân dừng lại hỏi bé: Bé đang làm gì thế?  Bé hồn nhiên đáp lại: Con muốn tát cạn nước biển để đổ vào cái lỗ nhỏ này.  Rồi bé biến mất.  Thánh nhân vỡ lẽ ra nhiều điều.  Ngài hiểu rằng, em bé kia chính là thiên thần mà Chúa gửi đến để soi sáng cho mình.  Ngài hiểu rằng, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi quá cao vời khôn dò và trí khôn bé nhỏ của mình chỉ hiểu được chút ít.  Ngài thầm khiêm tốn tạ ơn Chúa và bình an bước tiếp.

Truyện kể rằng, có nhà truyền giáo kia, đến vùng truyền giáo nọ.  Ngài hết sức yêu mến Chúa Ba Ngôi, nên Ngài ra sức giảng giải cho bà con, với hy vọng mọi người hiểu được Chúa Ba Ngôi và hết lòng yêu mến Chúa.  Thấy bà con chăm chú lắng nghe, Ngài lấy làm thích thú.  Sau những bài giảng sôi nổi hùng hồn, cha hỏi lại bà con rằng: Mọi người có tin Chúa Ba Ngôi không?  Bà con vui vẻ đáp lại: Tin chứ thưa cha, Chúa là Thiên Chúa mà.  Cha hỏi tiếp: Mọi người có hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà tôi giảng giải không?  Bà con đáp lại hồn nhiên: Hiểu hiểu thưa cha.  Cha thêm phần phấn khởi.  Bà con nói tiếp: 4 hay 5 ngôi tụi con còn tin nữa là, 3 ngôi ăn thua gì thưa cha.  Đến khúc này, cha tiu nghỉu và không nói thêm được gì nữa.

Truyện kể rằng, có vị cha xứ nọ dạy giáo lý cho các em nhỏ.  Cha cũng thích thú dạy về bài Chúa Ba Ngôi.  Cha hỏi: Chúa Cha có là Thiên Chúa không?  Các em thưa: Dạ có.  Tiếp đến là các câu hỏi về Chúa Giêsu rồi về Chúa Thánh Thần.  Các em đều trả lời rất tốt, cha lấy làm vui và tặng kẹo cho các em.  Đến câu hỏi tiếp theo, cha nói: Thế là, có mấy Chúa?  Các em đồng thanh hồn nhiên: Dạ có 3 Chúa.  Cha cụt cả hứng, đòi lại kẹo và cho các em ngưng học bữa đó.

Ba câu chuyện trên thật hấp dẫn, thực tế và cụ thể, để nói về một mầu nhiệm khôn lường.  Ý thức được sự cao cả khôn thấu của Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nên có nhà truyền giáo lão luyện nọ đã viết lại kinh nghiệm mục vụ của mình rằng: Hầu hết người ta có thể hiểu được cuộc thương khó của Chúa Giêsu, ít người có thể kinh nghiệm được niềm vui đặc biệt của Cuộc Phục Sinh của Chúa, và càng ít người có thể hiểu được phần nào đó về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Khi một thầy chủng sinh hỏi cha giáo nhiều về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, cha giáo bình thản đáp lại: Nếu Chúa Giêsu không tỏ cho chúng ta, thì chúng ta chẳng bao giờ biết.  Trước đây, Thiên Chúa tỏ cho dân Do Thái rằng, Ngài là Thiên Chúa Duy Nhất.  Và Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta rằng: Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi là Cha, Con, và Thánh Thần.  Cha giáo nói tiếp: nếu ai muốn hiểu mầu nhiệm ấy, thì hãy tập trung vào cuộc đời Chúa Kitô, và xin ơn tập sống tập nhìn tập nghe Chúa, rồi dần dần sẽ hiểu.  Và hiểu như thế nào cũng tùy ơn Chúa ban cho từng người theo nhiều cách thế khác nhau.

Chúng ta hãy cũng nhau lắng nghe và suy ngẫm chính những lời mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ. Những lời này trực tiếp nói tới Chúa Ba Ngôi.  Đó là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu nói:

“Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con chưa thể hiểu được, bây giờ các con chưa có sức chịu nổi.  Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Ngài không tự mình mà nói, nhưng Ngài đã nghe gì thì sẽ nói như vậy, và Ngài sẽ nói cho các con những việc sẽ phải làm.  Ngài sẽ làm vinh danh Thầy, vì Ngài lãnh nhận tất cả từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.  Tất cả những gì Chúa Cha có, đều là của Thầy, thế nên như Thầy đã nói: Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.”

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, Ngài đang ngắm nhìn chúng con trong mọi cảnh huống cuộc đời.  Chúng con đây, nơi thì hòa bình, nơi thì chiến tranh, nơi giàu có, nơi nghèo khó, nơi sáng sủa, nơi tăm tối, nơi hạnh phúc, nơi khổ đau, người cười kẻ khóc, người no kẻ đói, người sống kẻ chết… với mọi màu da sắc tộc văn hóa ngôn ngữ…  Xin cho con nhận thấy rằng, Chúa biết mọi sự, Chúa thấy mọi người, và Chúa đang tìm mọi cách để cứu độ chúng con, để yêu thương chúng con.  Xin cho con sống tình con thảo với Chúa Cha, như người môn đệ trung thành và người anh em trung tín của Chúa Con, như người học trò nhanh nhạy của vị Thầy nội tâm là Chúa Thánh Thần.  Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài cao sang nhưng thật gần con, Ngài cao siêu nhưng rất cụ thể, Ngài cao cả nhưng rất khiêm tốn giản dị.  Xin cho con gặp được Ngài trong cõi lòng và trong cuộc đời.  Amen!

Tứ Quyết SJ

DÒNG SÔNG YÊU THƯƠNG

Trong chu kỳ của một năm phụng vụ, thông thường, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta để hiểu biết và nhận ra những gì Chúa đã làm vì yêu thương chúng ta.  Chúa Nhật hôm nay là lễ Chúa Ba Ngôi, phụng vụ hướng chúng ta đến một chủ đích hoàn toàn khác biệt: đó là chúng ta tìm hiểu xem Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là ai và bản chất của Ngài là thế nào.  Các bài đọc Lời  Chúa tìm cách đưa ra câu trả lời: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Chúa Ba Ngôi.  Ba Ngôi tách biệt nhưng chỉ là một Chúa.  Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Chúa Cha là Đấng Sáng tạo, Chúa Con là Đấng Cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa.  Như thế, mỗi người chúng ta đều là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, tức là được Chúa ban cho hiện hữu làm người, được Chúa cứu chuộc và hôm nay đang được Chúa thánh hóa hướng dẫn, để nhờ Chúa mà chúng ta đạt tới mức hoàn hảo, tức là thánh thiện.

Nói đến Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường nghĩ ngay đến một đề tài cao siêu, khó hiểu.  Đối với nhiều người tín hữu, xem ra Chúa Ba Ngôi không có liên quan gì nhiều đến đời sống của họ.  Thực ra, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi tuy vượt trí khôn của con người, nhưng có mối liên hệ mật thiết với đời sống người Kitô hữu.  Trọn vẹn đời sống của người tin Chúa được bao bọc trong mầu nhiệm này.  Nói cách khác, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và là đích điểm của cuộc đời chúng ta, có nghĩa nhờ Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tồn tại hiện hữu, và rồi lý tưởng mà chúng ta đang cố gắng đạt tới trong tương lai là hạnh phúc thiên đàng cũng là Chúa Ba Ngôi.  Bởi lẽ, hạnh phúc thiên đàng là được sống trong Chúa Ba Ngôi, nơi có hạnh phúc viễn mãn tràn trề.

Giáo Hội dạy chúng ta: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một trong “ba mầu nhiệm Cả,” cùng với hai mầu nhiệm kia là mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm Cứu độ.  Danh xưng “mầu nhiệm Cả” nói lên tầm quan trọng và cốt lõi Đức tin Kitô giáo.  Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một đặc tính làm cho Đức tin Kitô giáo của chúng ta khác với Đạo Do Thái và Đạo Hồi, là hai tôn giáo  cũng được gọi là “độc thần” như chúng ta.  Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều cùng tôn thờ Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp, tức là Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử qua các vị tổ phụ này.  Tuy vậy, chỉ có Đức tin Kitô giáo mới diễn tả Thiên Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Chính Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta điều ấy.  Trong giáo huấn của Người, Người dạy chúng ta nhận biết Chúa Cha và sống tình con thảo với Người.  Đức Giêsu cũng nhận mình là Đấng Thiên Sai, tức là được Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện thánh ý của Ngài.  Đức Giêsu cũng nói về Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ, Đấng ban sức mạnh và soi sáng các tín hữu để họ can đảm tuyên xưng Đức tin và thực hành những gì Người đã dạy.  Tổng hợp những gì Chúa Giêsu đã dạy, Giáo Hội tuyên xưng: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nói đến Chúa Ba Ngôi là chúng ta đề cập tới một lãnh vực thuần túy trừu tượng thiêng liêng.  Để có thể hiểu được phần nào, chúng ta phải dùng phương pháp “loại suy,” tức là so sánh với những thực tại trong cuộc sống thường ngày.  Hình ảnh dòng sông là một trong số nhiều hình ảnh được dùng để suy tư về Chúa Ba Ngôi.  Hình ảnh này diễn đạt ân sủng phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cho thấy đời sống nội tâm của người tín hữu trong Chúa Ba Ngôi là điều cần thiết như thế nào.

Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, làm cho cây cối được tươi tốt và đơm bông kết trái.  Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài.  Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có nước thì cuộc sống sẽ ra sao?  Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người.  Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy.  Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.  Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông, vũ trụ này sẽ không thể tồn tại nếu tách rời khởi tình yêu quan phòng và sáng tạo của Thiên Chúa.  Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái, nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại, con người sẽ không có sự sống nếu khước từ Thiên Chúa.  Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy.  Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lễ Chúa Ba Ngôi nhắc chúng ta về sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài trong vũ trụ và trong đời sống chúng ta.  Chính Thiên Chúa đã khẳng định và tình yêu thương của Ngài, khi Ngài xưng danh với ông Môisen: “Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và lòng thành tín!”  Suốt bề dày lịch sử nhân loại, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lòng từ bi và thương xót con người, mặc dù họ nhiều lần lầm lỗi và bội phản.  Đức Giêsu đã đến trần gian để mạc khải cho chúng ta rõ hơn về Thiên Chúa.  Vì yêu thương nhân loại, Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến trần gian.  Ai tin vào Con Thiên Chúa, sẽ tìm được bình an và sẽ được cứu độ.  Như thế, Chúa Giêsu được trao phó sứ mạng quảng diễn hình ảnh từ bi nhân hậu của Chúa Cha, để hết thảy mọi người đều có thể thân thưa với Chúa Cha với tình con thảo: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”.

Khi thiện chí sống tình con thảo với Thiên Chúa và khi chuyên cần thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu, người tín hữu như cây được tưới mát bằng dòng suối yêu thương là Chúa Ba Ngôi.  Hơn thế nữa, họ được hòa mình vào dòng chảy yêu thương của Chúa Ba Ngôi, để chia sẻ sức sống thiêng liêng và tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời Chúa ban cho người công chính.  Như thế, khi trọn tình yêu mến và hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, dù còn sống nơi trần gian, chúng ta đã được nếm trước vinh quang nước trời.  Bởi lẽ hạnh phúc đời đời là gì, nếu không phải là được hòa mình vào hạnh phúc của chính Ba Ngôi Thiên Chúa, để tận hưởng tình yêu viên mãn và bất tận nơi thiên quốc?

Sống trong Chúa Ba Ngôi, đòi hỏi người tín hữu phải có Đức tin và niềm xác tín.  Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, chúng ta chỉ có thể cảm nhận Ngài bằng trái tim và lý trí, tức là bằng tình yêu mến và cậy trông.  Làm thế nào để thể hiện tình yêu mến và cậy trông nơi Chúa Ba Ngôi?  Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy gắng nên hoàn thiện.  Hãy khuyến khích nhau.  Hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa.  Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương, sẽ ở trong anh em” (Bài đọc II).  Thì ra, Thiên Chúa cao sang là thế, lại hiện diện trong tâm hồn chúng ta là những con người nhỏ bé tầm thường.  Để được Ngài hiện diện, chúng ta chẳng phải khó nhọc tìm kiếm đâu xa, hoặc chẳng phải làm những gì to tát, nhưng đơn giản là sống hiền hòa với anh chị em mình.  Thiên Chúa ngự trong tâm hồn những người công chính và gắng tâm chu toàn luật yêu thương, vì “đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời,” như lời của một bài thánh ca chúng ta vẫn thường hát.

Khi suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta không quên nói đến việc làm dấu thánh giá.  Chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần trong ngày: khi thức dậy, trước khi ra khỏi nhà, trước khi lái xe, trước khi ăn cơm, trước và sau khi cầu nguyện, buổi tối trước khi đi ngủ… Dấu thánh giá đơn sơ là thế, nhưng lại là một nghi thức quan trọng.  Tuy vậy, không ít người vẫn chưa hiểu ý nghĩa của nghi thức làm dấu thánh giá: Đây là lời tuyên xưng Đức tin vào Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.  Đây cũng là cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta những ơn lành, nhất là biết sống ơn gọi của người Kitô hữu.  Dấu thánh giá được phác họa trên thân mình, nhắc cho chúng ta niềm xác tín vào tình thương của Chúa, thể hiện qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Đây cũng là lời kinh của lòng trông cậy, với niềm xác tín Chúa Ba Ngôi là nguồn suối yêu thương sẽ đổ chan hòa ơn thánh cho những ai yêu mến Ngài.  Sau cùng, dấu thánh giá cũng nhắc nhở chúng ta: người Kitô hữu bất kể làm điều gì, bất cứ ở đâu, phải luôn luôn nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.  Nói cách khác, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải hướng về Chúa, ý thức về những lời mình nói, những việc mình làm, để những lời nói và việc làm ấy không còn là nhân danh cá nhân, nhưng là nhân danh Chúa Ba Ngôi.  Hiểu và sống như thế, chúng ta sẽ thấm đượm chất men Tin Mừng trong mọi hành vi cử chỉ và lời nói của chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta được sống trong dòng sông ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ vậy, đời sống chúng ta sẽ luôn tìm thấy an bình.  Sống trong dòng sông này, chúng ta sẽ “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

HAI BÀ MẸ DIỄM PHÚC

Tin mừng ngày Lễ Thăm Viếng cho chúng ta chân dung của hai người mẹ diễm phúc nhất trần gian: Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế và Bà Isave, mẹ Gioan Tiền Hô.

Cụ bà U60 bày tỏ lòng biết ơn trước thiếu nữ 16: “Bởi đâu tôi được Mẹ của Chúa tôi đến viếng thăm.”   Bà Isave tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.  Bà nghe chuyển dạ lạ thường của thai nhi tháng thứ 6 nhảy hip hop trong bụng.  Bà ca tụng Đức Mẹ: “Em thật có phúc hơn mọi người phụ nữ.”

Đức Mẹ hát bài kinh Magnificat với cả tâm tình của mình.  Mẹ hát ca khen Thiên Chúa.  Mẹ hát cho chính Mẹ, cho tổ phụ và dân tộc của Mẹ.  Mẹ hát cho mọi người hết mọi đời.  Không biết bình thường Đức Maria có hay hát không, nhưng chỉ biết rằng, hôm đó Đức Mẹ đã hát rất hay để trở thành ngôi sao tỏa sáng với bài kinh kiểu mẫu tạ ơn, ngợi khen và mãi mãi là bài ca đi cùng năm tháng của mọi kẻ tin.  Mẹ hát ở cửa nhà bà Isave, rồi lưu lại đó ba tháng.  Mẹ hát một lần mà mãi vang vọng ngàn đời.

Một cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ chan chứa niềm vui, diễn ra trong bầu khí của ân sủng.  Thánh Thần tác động trên Maria.  Thánh Thần tràn đầy bà Isave.  Thánh Thần đã hoạt động nơi thai nhi Gioan (Lc 1,15).  Đó là một Lễ Ngũ Tuần đầu tiên, bà Isave và Mẹ Maria nói và hát dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Suy niệm về cuộc gặp gỡ kỳ diệu của hai bà mẹ cho chúng ta những bài học bổ ích.

Đức Maria đi thăm người chị họ Isave.  Dù đường sá xa xôi, vất vả, qua miền đồi núi, Đức Maria vẫn lên đường viếng thăm vì yêu thương.  Chính tình thương đã thúc đẩy bước chân Mẹ.  “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7).  Như thế, hình ảnh Đức Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế, băng ngàn để loan báo tin vui cũng chính là hình ảnh Isaia đã loan báo.

Cuộc viếng thăm là sự gặp gỡ giữa hai người mẹ, hai người con đang được cưu mang và giữa hai giao ước cũ và mới.

– Giữa hai người mẹ: Đức Maria thăm viếng là đem niềm vui có Chúa cho gia đình người chị họ.  Ở lại phục vụ người chị trong thời gian mang thai sinh con.  Bà Isave được ơn Thánh Thần đã xưng tụng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và đã ca tụng đức tin của Đức Mẹ.

– Giữa hai người con: Nghe lời chào của người mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, con trẻ Gioan trong lòng mẹ Isave nhảy mừng vui sướng.

– Giữa hai giao ước: Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ là cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước.  Thời đại mới mở ra giao ước mới.  Con Thiên Chúa làm người khai mở giao ước của thời đại ân sủng và tình yêu.

Cuộc viếng thăm của Đức Maria là cuộc viếng thăm của tình yêu.

Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong.  Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là một tình yêu đích thực.  Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui buồn.  Đức Phật nói: “Yêu nhau mà không được ở gần nhau, mà phải xa cách nhau thì sẽ đau khổ.”  Ngài gọi cái khổ ấy là “ái biệt ly khổ.”  Tục ngữ có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!” (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm).  Do đó, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau.

Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời.  Năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến.  Những người bệnh tật, già cả, những người nghèo hèn, đau khổ, những người khô khan thờ ơ, những gia đình rối rắm bất hoà…  Họ rất cần đựơc thăm viếng.  Đến thăm nhau là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của đạo Chúa.

Khi đến thăm bà Isave, Mẹ đem Chúa đến cho người thân của mình.  Nhờ Mẹ mang Chúa đến, nên không chỉ bà Isave vui mừng, mà hài nhi trong lòng bà cũng vui theo mà “nhảy lên” hân hoan.  Nhảy mừng diễn tả niềm vui.  Đây là niềm vui ơn cứu độ.  Sự hiện diện của Đức Maria mang đến niềm vui và còn có sự biến đổi khiến hai mẹ con bà Isave, được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Mẹ.  Gia đình Bà Isave là gia đình đầu tiên được Chúa Cứu Thế viếng thăm.  Đây là gia đình diễm phúc đón nhận niềm vui ơn cứu độ.

Đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng.  Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến.  Chính Thánh Thần trong ta sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện hơn.

Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe.  Đức Maria có nói gì về Chúa với Bà Isave đâu!  Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực.  Đến với nhau bằng tình thương, bằng niềm vui là sự gặp gỡ có Chúa hiện diện rồi.  Khi người ta mang hận thù oán ghét, ý nghĩ đen tối đến với nhau thì nảy sinh bất hoà chiến tranh và đau khổ.  Ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình.

Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên đã ban tặng Con yêu dấu là Đức Giêsu.  Người đến với con người trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm.  Người đem ơn cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người.  Khi còn tại thế, Đức Giêsu đã đến thăm nhiều người, nhiều gia đình.  Người quan tâm chăm sóc chữa lành những bệnh nhân.  Người giảng dạy và ân cần với những người nghèo.  Người cải hóa nhiều tội nhân.  Người biểu lộ tình yêu thương cho mọi người.  Đức Giêsu muốn chúng ta tiếp nối công việc của Người.

Một trong những vấn đề mục vụ hàng đầu của linh mục là thăm viếng giáo dân.  Khi đến một giáo xứ mới, công việc đầu tiên của linh mục là đi thăm tất cả các gia đình trong giáo xứ.  Như mục tử với đoàn chiên, linh mục biết tình hình chung, biết hoàn cảnh mọi gia đình trong xứ.  Từ đó có kế hoạch mục vụ để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đoàn.

Các tu sĩ, các hội đoàn trong giáo xứ có những thời giờ thăm viếng mục vụ.  Đến với các bệnh nhân, người già cả, người nghèo, gia đình rối, gia đình bất hoà luôn được coi là việc tông đồ.  Đem Chúa đến với anh chị em của mình là niềm vui và là sứ mạng của người tín hữu.

Đức Maria viếng thăm, phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Isave.  Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo Mẹ.  Dành thời giờ quý báu để thăm nhau.  Chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của con cái Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh chúng con.  Xin giúp chúng con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu để năng đến gặp gỡ, thăm viếng nhau, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của anh chị em.  Xin giúp chúng con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để giúp đỡ những nhu cầu chính đáng của họ.  Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An