ƠN GỌI CUỘC ĐỜI

Chúa thương chọn gọi ai thì Chúa biến đổi người ấy.  Isaia (x. Is 6, 1-2a. 3,8), Phêrô (x. Lc 5,1-11) và Phaolô (1Cr 15,1-11) là ba chứng nhân về điều nói trên.  Cả ba đều thú nhận mình bất xứng, nhưng Thiên Chúa yêu họ và họ đã đáp trả cách quảng đại.  Đúng là tình yêu Chúa biến đổi phận người.

Ơn gọi của Isaia

Trong một thị kiến uy nghi, Isaia được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và nghe tiếng các Thiên Thần sốt mến luân phiên tung hô: “Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang Chúa” (x. Is 6,2).  Điều đó khiến ông run sợ và cảm thấy mình bất xứng, nên đã thốt lên lời: “Vô phúc cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn” (x. Is 6,3).  Trước sự khiêm tốn ấy, Chúa sai sứ thần đến thanh tẩy ông bằng than lửa hồng, ông trở nên thanh sạch và được Chúa tuyển chọn, ông đã can đảm đáp lại: “Này  con đây, xin hãy sai con” (x. Is 6,8).  Tình yêu Chúa đã biến đổi Isaia thành đại ngôn sứ của Thiên Chúa.

Ơn gọi của Phêrô

Simon Phêrô đang ở trên thuyền đánh cá cùng đồng nghiệp, bỗng Chúa Giêsu bước xuống thuyền của Simon, rồi ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng, có Simon ở bên để giữ cho thuyền khỏi tròng trành, còn Chúa Giêsu thì cố gắng giảng dạy đám đông.  Về phương diện thể lý, Simon gần Chúa hơn, ông nghe Chúa rõ lời Chúa và lời Chúa thấm nhập vào ông.  Vừa giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5,4).  Phản ứng của Simon là: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,8).  Lời Chúa Giêsu đặt ông vào tình thế phải thả lưới bắt cá tiếp, dù kinh nghiệm ngư phủ là không thể.  Phêrô tin vào lời Chúa Giêsu, đức tin được nuôi dưỡng bằng tình Thầy trò, đức tin tái tạo cái mới và tôn vinh khả năng của con người.  Ông tin Chúa, nên bắt được một mẻ đầy cá.

Bảo Phêrô: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu“, là Chúa muốn ông bước ra ngoài sự an toàn, thói quen, chắc chắn, “và thả lưới bắt cá.”  Ðứng trước sự lạ lùng ấy, Simon Phêrô đã không ôm choàng lấy Chúa Giêsu để bầy tỏ lòng biết ơn vì thu lượm được nhiều cá quá sức mong đợi.  Nhưng, theo như thánh sử Luca ghi lại, ông đã quỳ xuống trước mặt Người và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con đi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi(Lc 5,8).  Chúa trấn an: “Ðừng sợ, từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5,10); ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Người.

Chúa Giêsu thật nhân lành!  Phêrô, kẻ chài lưới được Chúa gọi và trở nên nhà hùng biện đáng được ca ngợi nếu ông hiểu được công việc chài lưới người.  Đó là tại sao thánh Phaolô gửi cho các tín hữu tiên khởi và nói: “Hãy coi, hỡi anh em, việc anh em được kêu gọi!  Hẳn không có mấy người khôn ngoan xét theo xác thịt, không mấy người quyền thế, không mấy người tôn quí.  Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.  Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có” (1Cr 1,26-28).

Vì nếu Chúa Giêsu chọn người hùng biện trước, người ấy có thể nói, “Tôi đã được chọn vì tài hùng biện của tôi.”  Nếu Chúa chọn một thượng nghị sĩ, thượng nghị sĩ có thể nói, “Tôi được chọn vì cấp bậc của mình.”  Sau cùng, nếu Chúa chọn một hoàng đế, hoàng đế có thể nói, “Tôi được chọn vì khả năng của mình.”

Ơn gọi của Phaolô

Phaolô, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Giáo hội, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng ông nhìn nhận rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã thương ông và đã thực hiện nơi ông những điều kỳ diệu, bất chấp giới hạn con người của ông, Chúa còn trao cho ông nhiệm vụ và vinh dự được loan truyền Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10).  Há chẳng phải lòng thương xót Chúa biến đổi con người ông sao?

Ơn gọi mỗi người chúng ta

Trong cả ba kinh nghiệm kể trên, chứng tỏ con người dù nghèo nàn và bất xứng, giới hạn và tội lỗi, kể cả mỏng giòn.  Nhưng nếu gặp được Thiên Chúa tình yêu, Chúa sẽ biến đổi con người.  Isaia, Phêrô và Phaolô đã làm gương cho tất cả những ai được Chúa gọi thì hãy nhìn vào Chúa và lòng khoan nhân của Người, để thay lòng đổi dạ và hân hoan từ bỏ tất cả mọi sự vì Người.

Từ ơn gọi của các tiên tri, đến ơn gọi của các Tông đồ và cuối cùng là ơn gọi của mỗi người chúng ta.  Câu chuyện ơn gọi của ngôn sứ Isaia, Phaolô, Phêrô là mẫu số chung cho ơn gọi của mỗi người.  Ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa chọn để trở thành Kitô hữu, sứ giả loan báo Tin mừng.  Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng.  Nhưng Chúa chọn gọi ai là Người biến đổi như đã biến đổi tiên tri Isaia, Phaolô, Phêrô, dù chúng ta bất xứng.  Thánh Irênê nói: ai nhận thức được bản chất tội lỗi của mình, thì người ấy có khả năng nhận biết tình trạng tạo vật của mình nữa.  Chỉ có những người như Phêrô, mới chấp nhận những giới hạn của chính mình và nhận những thành quả tông đồ của mình.  Chúa đã kêu gọi các Tông Đồ để trở thành kẻ lưới người, nhưng ngư dân đích thực là chính Chúa: trò giỏi không chỉ giỏi chài, mà còn bắt cá người giỏi.  Điều này chỉ có hậu nếu chúng ta liều bỏ tất cả để theo Chúa.  Mong sao, mỗi người chúng ta ý thức được trách nhiệm, bổn phận cao quý của mình là trở nên sứ giả Tin Mừng của Thiên Chúa giữa đời hôm nay.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ gợi lên nơi mỗi người chúng con lòng ước muốn thưa “Xin Vâng” với Chúa trong vui sướng hân hoan.  Amen!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

CON RẮN – BIỂU TƯỢNG THIỆN HAY ÁC?

Theo Âm lịch, năm 2025 là năm con Rắn.  Dù yêu hay ghét, những chú rắn đang trở thành tâm điểm chú ý trong năm nay.  Hơn nữa, 2025 cũng là Năm Thánh Hy Vọng.

Đối với người Trung Hoa, rắn biểu trưng cho trí tuệ, sự biến đổi, bình thản, quyến rũ, suy tư, sáng tạo và trường thọ.  Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, rắn mang ý nghĩa tiêu cực, như trong trò chơi cờ “Rắn và Thang” (Snakes and Ladders) đơn giản và phổ biến, nơi người chơi trượt xuống qua những chiếc thân trơn trượt của rắn nhưng lại leo lên bằng những chiếc thang.

Đa số mọi người thường có nỗi sợ đối với loài vật nhầy nhụa và nguy hiểm như rắn.  Nghiên cứu cho thấy gần một nửa dân số thế giới cảm thấy lo lắng khi gặp rắn.

Tuy vậy, rắn đóng vai trò hữu ích trong hệ sinh thái, như giúp kiểm soát số lượng loài gặm nhấm.  Suy cho cùng, rắn cũng là một phần của tạo vật Chúa dựng nên, và mọi tạo vật đều tốt đẹp.

Vậy, rắn là tốt hay xấu?  Điều này phụ thuộc vào cách nhìn nhận.  Theo Nguyên Lý và Nền Tảng Thứ Nhất của Thánh I-nhã, mọi tạo vật (bao gồm cả rắn) đều được tạo nên để ca ngợi, tôn kính, và phụng sự Thiên Chúa.

Đối với các Kitô hữu Trung Hoa, việc cân bằng giữa quan niệm đức tin và các lễ hội truyền thống Trung Hoa đôi khi rất tinh tế, nhất là khi hai yếu tố này dường như xung đột.  Năm con Rắn này là một ví dụ.  Hãy cùng khám phá quan điểm Kinh Thánh Do Thái-Kitô giáo liên quan đến rắn, để hiểu rõ hơn về loài bò sát máu lạnh này, cũng như về ý nghĩa hoặc vai trò của nó.

Rắn trong Kinh Thánh: Từ Sáng Thế Ký

Lần đầu tiên rắn được nhắc đến trong Kinh Thánh là trong Sáng Thế Ký 3.  Có sự khác biệt nào giữa từ “rắn” (snake) và “con rắn” (serpent) trong tiếng Anh không?  Hai từ này thường được sử dụng thay thế cho nhau.  “Snake” là từ gốc tiếng Anh cổ trước cuộc xâm lược Norman năm 1066, trong khi “serpent” xuất hiện trong tiếng Anh từ tiếng Pháp vào những năm 1300.  “Snake” mang tính kỹ thuật và thường được sử dụng trong bối cảnh lịch sử tự nhiên, còn “serpent” mang tính thơ ca hơn.

Trong Sáng Thế Ký 3, con rắn được miêu tả là loài khôn ngoan hơn mọi dã thú khác.  Sự tinh ranh của nó đã khiến Ê-va bị cám dỗ với lời nói dối rằng ăn trái cấm là điều tốt.  Con rắn được xem là kẻ kiến tạo nên sự sa ngã của A-đam và Ê-va.  Hậu quả là Thiên Chúa trừng phạt con rắn, buộc nó phải bò sát đất và ăn bụi.  Không chỉ vậy, sẽ có sự thù hận giữa con rắn và người phụ nữ, giữa con cháu của chúng.  Con rắn sẽ cắn gót chân con người, còn con người sẽ đập nát đầu nó.

Thánh Phaolô giải thích rằng Ê-va bị lừa dối bởi sự xảo quyệt của con rắn (2 Cor 11:3), chứ không phải vì con rắn vốn xấu xa.  Trong câu chuyện vườn Eden, rắn đại diện cho cám dỗ hơn là hiện thân của sự dữ.  Rắn vẫn là một trong những loài vật mà Chúa tạo dựng, và A-đam đã đặt tên cho nó.  Trong mối liên hệ với sự xảo quyệt, Thánh Vịnh cũng miêu tả tiêu cực về rắn, “Chúng mài lưỡi nhọn như lưỡi rắn, chứa đầy mồm nọc độc hổ mang. ” (Tv 140:3).

Những khía cạnh tích cực về rắn trong Kinh Thánh

Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng có những ví dụ tích cực về rắn.  Khi Môsê nghi ngờ lời mời gọi của Thiên Chúa để giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa đã biến cây gậy của ông thành con rắn.  Môsê sợ hãi chạy đi, nhưng Chúa yêu cầu ông nắm lấy đuôi nó, và nó trở lại thành cây gậy (Xh 4:1-5).  Khi Môsê và A-ha-ron đối mặt với Pha-ra-ô, Chúa bảo A-ha-ron ném cây gậy xuống, và nó biến thành con rắn.  Các pháp sư Ai Cập cũng làm tương tự, nhưng cây gậy của A-ha-ron (rắn) nuốt chửng những cây gậy (rắn) khác (Xh 7:8-12).

Vì sao Chúa lại biến cây gậy của Môsê thành con rắn?  Ngài hoàn toàn có thể biến cây gậy đó thành bất cứ thứ gì.  Môsê luôn mang theo cây gậy bên mình, vì vào thời đó, gậy là công cụ quen thuộc của người chăn chiên, dùng để chăn dắt và bảo vệ.  Môsê cũng đã sử dụng cây gậy này để rẽ nước Biển Đỏ và khiến nước chảy ra từ tảng đá.  Điều này cho chúng ta thấy rằng quyền năng không nằm trong cây gậy, mà nằm ở sức mạnh của Thiên Chúa được thực hiện qua đôi tay của Môsê.

Hơn nữa, khi Môsê và A-ha-ron thực hiện phép lạ biến gậy thành rắn, hành động này trực tiếp thách thức quyền lực của Pha-ra-ô, bởi vì rắn giữ vai trò nổi bật trong tôn giáo và thần thoại Ai Cập.  Hơn thế, con rắn của A-ha-ron đã nuốt chửng những con rắn khác do các pháp sư tạo ra.  Điều này bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa của dân Do Thái vượt trội hơn các thần linh của họ, cũng như quyền lực của Pha-ra-ô và vương quốc của ông.  Vì vậy, rắn được sử dụng để phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa, như một phương tiện để đạt đến mục đích.

Trong phần hai, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các trình thuật Kinh Thánh này, khám phá cách loài rắn được sử dụng để chuyển tải những bài học sâu sắc và làm sáng tỏ kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Tác giả: Fr Francis Lim, S.J.
Dịch giả: Francis Hoang, S.J.
Nguồn: jcapsj.org – dongten.net

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN CUỐI

MAGIS: HƠN NỮA!

Trước khi chọn lựa, ta phải đặt Thiên Chúa lên trên hết và trước hết.  Mọi thụ tạo phải được đặt dưới Ngài và đặt sau Ngài.  Đức Giêsu, Thiên Chúa Con làm người, cũng đã đòi các môn đệ phải đặt Ngài lên trên mọi thứ của cải trần gian và mọi liên hệ máu mủ ruột thịt: “Nếu ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26).  Ngài còn nói: “Ai trong anh em không từ bỏ tất cả những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 33).  Như thế chọn làm môn đệ Giêsu đòi ta phải đặt Ngài lên trên những giá trị được người đời coi trọng.  Khi dặn các môn đệ đừng lo về đời sống vật chất như chuyện ăn mặc, Đức Giêsu khuyên họ: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).  Vậy tìm kiếm Nước Thiên Chúa hay tìm chính Thiên Chúa là ưu tiên một, vượt trên mọi ưu tiên khác.

Một chọn lựa được coi là nghiêm túc khi nó hoàn toàn quy hướng về vinh quang Thiên Chúa.  Đừng sợ con người sẽ bị chèn ép hay bị tha hóa nếu nó chỉ nhắm đến vinh quang Thiên Chúa.  Vinh quang Thiên Chúa chẳng bao giờ đè bẹp con người.  Trái lại, như Đức Giêsu nói: “điều làm Chúa Cha được vinh quang là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15, 8).  Thánh Irênê viết một câu bất hủ: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa” (Gloria enim Dei homo vivens, vita autem hominis visio Dei).  Chẳng có gì mâu thuẫn giữa vinh quang Thiên Chúa và sự triển nở của con người.  Hoa hướng dương tỏa sáng khi quay về mặt trời.

Khi phải phân định để chọn lựa, chúng ta có thể có trước mặt nhiều giải pháp tốt.  Giải pháp tốt hơn là giải pháp dẫn đưa chúng ta đến với mục đích của đời mình HƠN (Linh Thao 23) và vinh danh Thiên Chúa HƠN.  Chính tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa khiến chúng ta không bằng lòng với việc chọn những điều “thường thường bậc trung.”  “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi với tất cả trái tim ngươi” (x. Đnl 6, 4).  Khi yêu với tất cả trái tim, người ta không bao giờ coi là đủ.  Chữ HƠN đưa ta đi vào một chuyển động tìm kiếm và nhận định để khám phá ra điều Chúa muốn tôi làm Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ.  Điều hôm qua là HƠN, thì hôm nay có thể phải điều chỉnh lại.  Phải tìm ra cái HƠN cho hôm nay, cho giây phút này.  Phải làm sao để việc phục vụ của tôi đến với nhiều người hơn, hay đến với những người đang có nhu cầu cấp bách hơn.  Một linh mục được ơn giảng thuyết, có thể đưa bài giảng của mình lên trang web thay vì chỉ dành cho một nhóm người nghe trong Thánh Lễ.  Cha Mateo Ricci, SJ, khi đến Trung-hoa (1583) đã cạo đầu và ăn mặc như một vị sư Phật giáo để được phép ở lại đó.  Nhưng sau khi thông thạo tiếng Quan thoại và văn hóa Trung-hoa, ngài phân định và thấy để truyền giáo tốt hơn thì nên ăn mặc như một văn nhân (literati) của Khổng giáo.  Từ đó (1595) ngài để râu tóc trở lại, mặc áo lụa, và đầu đội một cái mũ sang trọng như mũ giám mục!

Thánh Phanxicô Xavier là người đã sống tinh thần của chữ HƠN.  Ngài đã bỏ quê hương Tây-ban-nha để đi truyền giáo ở Ấn-độ (năm 1541).  Nhưng không chỉ ngừng lại thành phố Goa, ngài còn đi qua các đảo thuộc Mã-lai bây giờ.  Ở Mã-lai, ngài gặp một người Nhật, rửa tội cho anh, và bị lôi cuốn bởi lời giới thiệu của anh về một nước Nhật đẹp đẽ văn minh.  Thế là ngài lên đường đi truyền giáo ở Nhật và khá thành công.  Nhưng lòng của ngài không dừng lại đó.  Khi biết người Nhật rất nể phục sự khôn ngoan của người Trung-hoa, ngài thấy muốn truyền giáo cho người Nhật có kết quả hơn thì phải truyền giáo cho người Trung-hoa trước.  Thế là ngài nuôi mộng vào đất Trung-hoa, dù hoàng đế Trung-hoa thời ấy ra lệnh bắt giết những ai vào nước truyền đạo.  Phanxicô Xavier đã chết vì kiệt sức trên đảo Thượng Xuyên cách Trung-hoa 14 km (năm 1552).  Mắt ngài vẫn hướng về đất Trung-hoa, lòng ngài vẫn muốn làm điều HƠN.

PHẢI LÀM GÌ ĐỂ PHÂN ĐỊNH VÀ CHỌN ĐÚNG Ý CHÚA

Một người sạch tội trọng, có tương quan thân thiết với Thiên Chúa, người ấy sẽ sáng suốt hơn và dễ tìm thấy ý Chúa hơn.  “Phúc cho ai có trái tim trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8), ta có thể thêm, thấy ý của Thiên Chúa.

Một người có tinh thần bình tâm, siêu thoát trước những thụ tạo, không bị những thèm muốn lệch lạc lôi kéo, người ấy dễ gặp thấy ý Chúa hơn.

Một người có lòng yêu mến Chúa và tha nhân, không coi mình là trung tâm, nhưng luôn tìm kiếm vinh quang lớn hơn cho Thiên Chúa, người ấy sẽ dễ tìm ra ý Chúa hơn.  Thánh vịnh nói rõ:

Phàm ai kính sợ Chúa
Người chỉ cho thấy đường phải chọn (Tv 24, 12).

Sau đây là 5 bước cho một cuộc phân định bình thường.

Trước khi lựa chọn, cần nắm vững mục đích của đời mình, đó là ngợi khen Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình.  Cần có thái độ bình tâm, nghĩa là không để mình bị chi phối bởi tình cảm thích hay không thích điều này điều nọ, “giữ mình ở giữa như cái kim của bàn cân, để nghiêng theo điều tôi cảm thấy làm vinh danh, ngợi khen Chúa và cứu rỗi linh hồn tôi hơn” (Linh Thao 179).

Kế đến phải cầu nguyện, nghĩa là tha thiết xin Chúa tỏ cho biết Ngài muốn mình làm gì trong hoàn cảnh hiện tại.  Xin Ngài đánh động tâm hồn và soi sáng trí khôn để mình nhận ra.

Suy xét những cái lợi và hại của từng giải pháp chọn lựa.  Đây không phải là lợi hay hại về mặt vật chất, nhưng là xem nó lợi hay hại cho mục đích tối quan trọng của đời mình, đó là tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình.

Sau khi suy xét, hãy xem lý trí nghiêng về phía nào hơn, từ đó mới đưa ra quyết định chọn lựa.

Chọn lựa xong thì đi cầu nguyện, dâng lên Chúa chọn lựa của mình, để xin Ngài vui nhận và xác chuẩn chọn lựa đó nếu nó thực sự tôn vinh Ngài hơn.

Cũng có 3 cách để phân định và chọn lựa dựa trên trí tưởng tượng, khi tôi đặt mình trong những tình huống đặc biệt.  Chính những tình huống này khiến tôi chọn lựa nghiêm túc hơn.

a.  Tôi tưởng tượng tôi gặp một người ở trong hoàn cảnh y hệt như tôi, và đang tìm ý Chúa, tôi sẽ khuyên người ấy chọn giải pháp nào?

b.  Tôi tưởng tượng mình đang trong giờ nguy tử, tôi sẽ chọn giải pháp nào?

c.  Tôi tưởng tượng mình đang ở trong ngày phán xét, tôi sẽ chọn giải pháp nào?

Một bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên tham vấn một vị linh hướng khôn ngoan khi phải làm một chọn lựa quan trọng.  Kết hôn với một người được coi là lựa chọn quan trọng, vì không thể đổi được nữa.  Cần khôn ngoan để nhận ra cái bẫy khéo léo của ma quỷ đội lốt thiên thần (2 Cr 11, 14; Cn 14, 12).   Thánh Inhaxiô khi còn là sinh viên ở Barcelona đã có kinh nghiệm này.  Đó là cứ khi bắt đầu học thuộc lòng các bài văn phạm thì ngài lại thấy trong đầu xuất hiện những tư tưởng mới mẻ về những chuyện thiêng liêng khiến ngài mê mẩn không sao học thuộc được.  Ngài đã cố tống chúng đi, nhưng vô ích.  Lấy làm lạ trước hiện tượng này, – vì ngay cả khi cầu nguyện hay dự thánh lễ, ngài cũng chẳng bao giờ sốt sắng đến thế, – Inhaxiô dần dần nhận ra đây là một cơn cám dỗ tinh vi.  Ngài đã đi gặp giáo sư để xưng thú mọi chuyện và hứa từ nay sẽ học tử tế (Tự thuật 55).

Khi ta chọn lựa đúng ý Chúa thì thường cảm thấy hạnh phúc và bình an, dù vẫn phải chịu nhiều hy sinh, đau khổ.  Làm ngược ý Chúa sẽ đem lại nỗi buồn phiền mà anh thanh niên giàu có cảm nghiệm khi anh từ chối lời mời của Chúa (Mt 19, 20-22).  Một mặt, anh thanh niên muốn có sự sống đời đời, mặt khác anh lại không đủ can đảm để rũ bỏ tài sản đời này.  Lòng gắn bó với của cải khiến anh không đáp lại được lời mời của Thầy Giêsu: “Hãy đi bán tài sản của anh cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi.”  Anh đã bỏ đi, buồn rầu, nhưng có khi nào anh muốn trở lại với Thầy Giêsu không?

Phân định để tìm ý Chúa là việc làm hàng ngày và kéo dài suốt đời.  Từ từ, ta sẽ nhạy bén để nhận ra ý Chúa xuyên qua những biến cố nhỏ mọn.  Nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận có những khoảng thời gian dài chúng ta lần mò trong bóng tối.  Lời nguyện sau của Chân phước John Henry Newman là một nâng đỡ cho ta trong lúc khó khăn đó.

Lạy Chúa là Ánh sáng thân thương,
giữa những bủa vây của u sầu ảm đạm, xin Chúa dẫn con đi.
Đêm thì tối, đường còn xa, xin giữ bước chân con.
Con đâu dám xin thấy tương lai xa xôi,
Chỉ thấy một bước trước mặt cũng đủ rồi.
Chưa bao giờ con như bây giờ,
Cũng chưa bao giờ con xin Chúa dẫn dắt.
Con đã quen tự chọn và thấy con đường của mình.
Nhưng giờ đây, xin Chúa dẫn con đi.

Nguyễn Cao Siêu, S.J
Nguồn: https://dongten.net

ĐƯỢC KÊU GỌI TRỞ NÊN NHỮNG VÌ SAO

“Chúng ta được kêu gọi trở nên những vì sao chiếu sáng trong cõi trần u ám này.”

Có người đã mô tả các tiên tri trong Kinh Thánh như những người an ủi những ai phiền não, và cũng là người gây phiền não cho những ai giầu sang, tự mãn.  Chẳng hạn như tiên tri Giêrêmia.  Vị tiên tri này sống vào thời kỳ Isael đang bị băng họai từ bên trong.  Và bị quân đội ngoại bang hùng mạnh đe dọa từ bên ngoài.  Tình hình như thế làm cho Giêrêmia hết sức đau xót vì Ngài yêu mến tổ quốc và đồng bào mình.  Có lẽ vì thế mà Chúa đã kêu gọi Giêrêmia làm ngôn sứ cho bạn hữu và láng giềng của ông.

Nhưng lần nào được Chúa kêu gọi, Giêrêmia cũng đáp lại một cách hết sức miễn cưỡng, vì ông biết rằng làm tiên tri nơi quê hương mình rất là khó khăn.  Nhưng rồi Giêrêmia cũng phải thuyết giảng, ông tuyên bố thẳng thắn với dân chúng con đường sống còn duy nhất của họ là phải canh tân đời sống hướng về Chúa và kêu cầu Ngài cứu giúp.

Nghe ông giảng thuyết như thế, đám dân liền nổi giận.  Họ lầm bầm kêu: “Ông nội Giêrêmia này dám nghĩ mình là ai mà bày đặt phê phán chúng ta, vì dầu sao chúng ta cũng là đồng bào của ông ấy?”  Tình trạng căm ghét này càng dâng cao đến nỗi có lần nhà cầm quyền đã công khai đánh đòn ông, lần khác thì cột ông vào trong bao, lần khác nữa thì xô ông vào một đống phân.

Chúa Giêsu cũng đã cảm nghiệm được những khó khăn và đau đớn ấy khi lãnh nhận sứ mệnh làm tiên tri ngay trong xứ sở của Ngài.  Ngài đã từng bị bạn bè láng giềng ruồng rẫy.  Chẳng hạn bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy những gì đã xảy ra khi Chúa Giêsu lần đầu thuyết giảng nơi quê nhà Ngài, sau khi lãnh nhận phép rửa từ sông Giodan trở về.  Khi Chúa đứng lên tuyên bố với bạn bè và láng giềng rằng: “Thần Khí Chúa ngự xuống trên Ngài và chính Ngài làm ứng nghiệm lời Thánh Kinh,” thì lập tức họ cảm thấy khó chịu ngay.  Khắp hội đường đều nghi hoặc và dân chúng xầm xì bàn tán với nhau: “Anh ta không phải là con ông Giuse sao?  Anh ta nghĩ mình là ai mà dám tự nhận mình là tiên tri?  Đâu là bằng chứng cho thấy anh ta là Đấng Thiên Sai chứ không phải là tên mạo nhận?”  Lời xầm xì càng lúc càng lớn và chẳng bao lâu đám dân chúng bắt đầu la lên.  Rồi tình hình đột nhiên không thể kiềm chế được nữa.  Thánh Luca kể lại trong Phúc Âm như sau: “Dân chúng đứng dậy kéo Chúa Giêsu ra khỏi thành và dẫn Ngài lên đỉnh đồi trong thành phố dự tính xô Ngài lộn đầu xuống dưới.  Nhưng Ngài bước qua giữa họ và bỏ đi chỗ khác” (Lc 4: 29-30).

Bài mô tả của thánh Luca về khó khăn đầu tiên Chúa Giêsu gặp phải tại Nagiarét khiến cho người Kitô hữu đang hăng hái phấn khởi bỗng như bị “té cái bịch” xuống đất.  Nhưng sau khi suy niệm về Kinh nghiệm chua chát đó, chúng ta bỗng nhớ lại những lời phiền não cụ già Simeon đã thốt ra khi Chúa Giêsu được dâng vào đền thánh “Trẻ này… là một dấu chỉ cho người ta chống đối” (Lc 2:34).  Lời nói này sẽ còn vang đi vọng lại suốt thời kỳ giảng thuyết của Chúa Giêsu.  Nếu dân làng Nagiaret từng đòi Chúa Giêsu trưng ra bằng cớ xác minh Ngài là tiên tri thế nào, thì các nhà lãnh đạo tôn giáo Irsael cũng buộc Ngài chứng minh giáo lý của Ngài là chính thống y như vậy (Mc 2: 18).  Nếu dân làng Nagiaret từng tố cáo Chúa Giêsu là kẻ dối trá, là kẻ lộng ngôn phạm thượng thế nào thì bọn biệt phái cũng thẳng thừng buộc tội Ngài là khí cụ của chính ma quỉ y thế ấy (Mt 12:24).  Và nếu dân làng Nagiaret từng cố tìm cách giết Chúa Giêsu vì lời tuyên bố của Ngài như thế nào, thì đám dân thành Giêrusalem cũng hò hét khản cổ: “Đóng đinh nó đi!  Đóng đinh nó đi!” y hệt như vậy.  Thực sự mà nói, Chúa Giêsu quả là một kẻ bị nhiều người chống đối và khích bác.  Lời tiên báo của cụ già Simeon về con trẻ Giêsu sẽ theo sát Đức Giêsu trong suốt cuộc đời dương thế Ngài.

Làm sao áp dụng những điều nói trên vào cuộc sống của chúng ta?  Chính Chúa Giêsu đã từng nêu gương cho chúng ta trước.  Ngài từng bảo các môn đệ: “Nếu thế gian ghét các con, thì hãy nhớ rằng họ đã ghét Ta trước… Đầy tớ không lớn hơn chủ mình.  Nếu họ đã bắt bớ Ta thì họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Ga 15:18-20).  Bất cứ ai cố gắng sống đúng là Kitô hữu sẽ hiểu được những lời nói trên chân thực thế nào.  Chúng ta thử xét trường hợp những thanh niên đang học trung học hay đại học.  Cách đây không lâu, trong đám thanh niên có một số cảm nhận được những điều Chúa Giêsu đang đề cập đến.  Chúng ta hãy hỏi họ xem điều gì đã xảy đến cho họ khi họ cố gắng thật thà trong cuộc thi đang khi bạn bè xung quanh gian lận?  Điều gì đã xảy đến cho họ khi họ cố gắng giữ mình đúng đắn trong một buổi tiệc vui, đang khi chung quanh họ lũ bạn đang “quậy” tứ tung?  Điều gì đã xảy ra cho họ khi họ lên tiếng chống lại việc phá thai trong khi những người xung quanh họ lên tiếng ủng hộ việc ấy?  Điều gì đã xảy ra cho họ khi họ tuyên bố chống nạn kỳ thị chủng tộc, đang khi quanh họ người ta đang tìm cách tiêu diệt cá tính của những dân tộc thiểu sổ?  Điều gì đã xảy ra cho những thanh niên này thì cũng xảy ra tương tự cho những người lớn tuổi hơn.  Quả thế, nhiều lúc chúng ta đã từng bị ruồng bỏ và bắt bớ vì niềm tin của chúng ta.

Tuy nhiên chúng ta không nên vì thế mà từ bỏ lối sống lương thiện và trong sạch.  Không nên vì thế mà từ chối không dám bảo vệ quyền lợi trẻ em và nhóm người thiểu số.  Lý do thật rõ ràng là vì Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ trong bài giảng trên núi: “Các con là muối đất…  Các con là ánh sáng thế gian…  Người ta không đốt đèn rồi đặt dưới đáy thùng nhưng đặt nó trên giá đèn…  Cũng thế, ánh sáng của các con phải toả sáng trước mọi người để họ trông thấy việc thiện các con làm và ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5:13-15).

Chúng ta là Kitô hữu được kêu gọi làm tiên tri của Chúa Cha cho thời đại chúng ta, cũng như Chúa Giêsu từng là tiên tri của Chúa Cha cho thời đại của Ngài.  Đây chính là sứ vụ mà chúng ta lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và thêm sức.  Chúng ta hãy lập lại lời thánh Phaolô; “Người Kitô hữu chúng ta được Chúa kêu gọi để toả sáng như các vì sao giữa lòng thế giới tăm tối này” (Pl 2:15).

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện nói lên cảm nghĩ của bất cứ ai đã từng cố gắng trung thành bước theo Chúa Giêsu.

Lạy Chúa xin ban cho chúng con tình yêu của Chúa, vì đôi khi chúng con bị cám dỗ căm thù đám người ruồng rẫy chúng con.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa.  Vì đôi khi chúng con như muốn ngã lòng trước những cảnh ngộ gai góc.

Lạy Chúa xin ban cho chúng con lòng dũng cảm vì đôi khi chúng con như muốn đầu hàng trước những gánh nặng đè lên chúng con.

Xin giúp chúng con là muối ướp mọi người, là đèn soi thế giới.  Xin hãy giúp chúng con toả sáng như những vì sao trong thế giới tăm tối này. Amen“.

Lm. Mark Link, SJ

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 3

BÌNH TÂM TRƯỚC MỌI THỤ TẠO LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÂN ĐỊNH

Trong sách Linh Thao, thánh Inhaxiô nói đến mục đích của đời người: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình” (LT 23).  Thánh nhân coi đây là Nền Tảng chi phối mọi chọn lựa.  Mọi chọn lựa của tôi đều phải hướng đến mục đích này, nghĩa là hướng đến việc tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên tôi và tiếp tục cho tôi sống trên đời.  Tôi không được quên thân phận thụ tạo của mình trước Đấng Tạo Hóa.

Hơn nữa, Thiên Chúa còn muốn tôi được cứu rỗi, nghĩa là được sống mãi mãi bên Ngài ở đời sau.  Cuộc đời tôi đâu chỉ kéo dài một số năm tháng ở đời này, nhưng sau cái chết, nó kéo dài đến vĩnh cửu.  Trần gian này dù có giá trị cao quý, nhưng nó vẫn chỉ là nơi tôi dựng lều tạm trú.  Hạnh phúc và nước mắt ở đời này chưa phải là tuyệt đối, chưa phải là chung cục.  Tôi cần tìm một thứ hạnh phúc vững bền, trọn vẹn.  Chính vì thế mỗi chọn lựa của tôi ở đời này phải được cân nhắc đắn đo, bởi lẽ tôi dễ bị cám dỗ bởi những vẻ đẹp gần bên của cái vô thường mà hững hờ với hạnh phúc tuyệt vời nơi thế giới của Thiên Chúa.

Trước khi phân định và chọn lựa, tôi phải biết tôi từ đâu đến và tôi sẽ đi đâu.  Tôi là thụ tạo đến từ Thiên Chúa và tôi đang trên đường về với thế giới vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Để giúp tôi đạt được mục đích trên của đời người, Thiên Chúa còn ban cho tôi những thụ tạo tốt đẹp khác.  Chúng cũng là thụ tạo như tôi, và Chúa cho tôi có quyền sử dụng chúng để tôn vinh Chúa.  Sử dụng là thế này: nếu chúng giúp tôi nhiều, tôi sẽ dùng nhiều; nếu chúng cản trở tôi, tôi phải loại bỏ.  Tôi không được đặt thụ tạo lên trên Thiên Chúa, là Đấng tác sinh mọi loài thụ tạo.  Vì mọi thụ tạo chỉ là phương thế để giúp tôi phụng sự Thiên Chúa, nên tôi cần có thái độ siêu thoát và tự do đối với chúng.  Thái độ siêu thoát được thánh Inhaxiô gọi là bình tâm (indifference).  Bình tâm ở đây không có nghĩa là bình tĩnh, hay giữ cái đầu lạnh như từ điển quen hiểu.  Bình tâm là tạm thời không nghiêng về một thụ tạo nào, để rồi sau khi đã tìm kiếm và tìm thấy ý Chúa, thì nghiêng về điều Chúa muốn.

Ở thành phố Pisa nước Ý, có một tháp chuông khá đẹp, nhưng lại nghiêng ngay từ lúc mới xây.  Tháp này đã nghiêng 4 độ, và càng lúc càng nghiêng hơn nên có nguy cơ sụp đổ.  Các kỹ sư đã phải suy nghĩ nhiều để tìm ra cách giữ cho nó đừng nghiêng thêm.  Giải pháp đưa ra là di dời các chuông của tháp cho nhẹ bớt, và rút bớt đất dưới một phần nền của tháp để tạo lại sự cân bằng.  Tháp nghiêng Pisa có thể là một hình ảnh tượng trưng cho mỗi người chúng ta.  Chúng ta thường ở tư thế nghiêng, và càng lúc càng nghiêng hơn.  Trước khi quyết định một điều gì, ta thường thấy mình đã nghiêng về một giải pháp rồi.  Trước khi suy nghĩ chọn lựa, ta đã thấy mình đã chọn xong rồi.  Có khi phân định hay tìm ý Chúa chỉ là hợp lý hóa điều mình đã chọn.  Làm cho tháp Pisa đừng nghiêng là chuyện khiến các kỹ sư đau đầu, nhưng làm cho chúng ta đừng nghiêng để hoàn toàn tự do chọn điều Chúa muốn, điều đó khó hơn nhiều.

Phải công nhận là có nhiều thụ tạo làm chúng ta nghiêng.  Người ta nói sức khỏe là tài sản vô giá.  Ai cũng sợ bị đau bịnh, ai cũng muốn mình khỏe mạnh từ đầu đến chân.  Ngoài sống khỏe, người ta còn muốn sống lâu.  Tuổi thọ được coi là một hồng phúc trời ban, nhất là vào thời mà người ta chưa tin có sự sống lại của thân xác.  Sống lâu, vui hưởng tuổi già bên đàn con cháu: đó là ước mơ của nhiều bậc lão thành.  Ngoài sống khỏe và sống lâu thì giàu sang, tiền bạc, của cải là những thứ khiến nhiều người mê đắm, đến nỗi đánh mất cả nhân phẩm của mình và xúc phạm đến nhân phẩm người khác.  Đức Giêsu có lý khi nói: Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được (Mt 6, 24).  Tiền Của là điều con người thường muốn làm tôi cho nó, vì có nó thì mới làm chủ những thứ khác được.  Khi có tiền, con người lại muốn có danh dự, danh tiếng, danh giá, danh vọng…  Sống như người vô danh là điều hầu như chẳng ai muốn.  Hơn nữa, đối với một số dân tộc phương Đông, chịu ô nhục là điều không thể chấp nhận được và phải tránh bằng mọi giá, kể cả giá máu.

Bạn trẻ hôm nay nghiêng về thụ tạo nào?  Họ có mê tiền, mê tiếng không?  Họ có quan tâm đến số likes, số followers của mình trên mạng xã hội không?  Họ có mong làm giàu bằng cách khởi nghiệp không?  Họ có bị thu hút bởi những thần tượng thể thao hay showbiz không?  Bạn trẻ hôm nay có thể bị nghiêng ngả bởi ma túy và ăn chơi trụy lạc, bởi những thứ khoái lạc mới mẻ và hấp dẫn mà chỉ thời nay mới có.  Khi bị nghiêng như vậy, tôi khó lòng phân định xem đâu là con đường Chúa muốn mình đi.  “Tôi chọn Giêsu là nắng, tôi chọn Giêsu là mưa…” là một câu dễ hát nhưng không dễ sống.  Câu hỏi bây giờ là: làm sao để tôi không nghiêng nữa, nhưng đứng thẳng lên được.  Nhờ thế tôi mới có thể chọn Giêsu.

Câu chuyện của người phụ nữ còng lưng trong Phúc âm Luca nói với chúng ta về cách bà đứng thẳng lên được dù lưng đã còng 18 năm.  Trước hết là sự bất lực hoàn toàn của bà: “lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được” (Lc 13, 11), dù rất muốn.  Đức Giêsu chỉ nói một câu: “Bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền,” và làm một cử chỉ: “Ngài đặt tay trên bà, lập tức bà đứng thẳng lên được” (Lc 13, 12-13).  Chúng ta ít nhiều đều ở tư thế còng lưng, mặt cúi xuống đất, chỉ nhìn thấy một miếng đất nho nhỏ trước mặt, khó ngửa mặt nhìn trời.  Chúng ta ít nhiều bị trói buộc, buộc bằng dây hay bằng xiềng xích (x. Lc 13, 15-16).  Chúng ta không tự cởi trói được, không tự giải thoát cho mình được, không tự đứng thẳng được.  Đức Giêsu chữa cho người phụ nữ còng lưng dù bà không yêu cầu.  Ngài chính là Đấng làm chúng ta được đứng thẳng như một người thật sự tự do.  Tư thế đứng thẳng tượng trưng cho thái độ bình tâm, siêu thoát, không nghiêng về thụ tạo nào.

(Còn tiếp)

Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Nguồn: https://dongten.net

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 2

TẠI SAO PHẢI PHÂN ĐỊNH ĐỂ TÌM Ý CHÚA?

Làm sao để tìm được chọn lựa tốt nhất là ước mong của mọi người.  Để làm điều đó cần biết phân định (discern, discernment).  Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn đưa thái độ phân định vào lối hành xử của mọi Kitô hữu.  Người trẻ cũng cần tập phân định.  Không phải chỉ phân định trước những chọn lựa lớn như chọn bậc sống (đi tu hay lập gia đình) hay chọn người bạn trăm năm, mà còn phải phân định trước những chọn lựa nho nhỏ hàng ngày.  Phân định trở thành một thói quen tự nhiên làm cho cả cuộc sống được thống nhất theo một hướng.

Thiên Chúa không giấu ý muốn của Ngài đối với ta, nhưng Ngài vẫn muốn chúng ta phân định để tìm ý Ngài như một cử chỉ khiêm tốn của lòng kính trọng và yêu mến.  Hơn nữa, tìm ý Chúa cũng là hành vi mà chỉ con người có lý trí, ý chí và tự do mới làm được.  Đó là một hành vi nhân linh.  Mỗi người phải tìm ý Chúa cho cuộc đời mình.  Chẳng ai làm thay cho mình được, vì trong từng hoàn cảnh, mỗi người có những câu hỏi rất riêng tư.  Hùng tự hỏi có nên vào chủng viện khi ở nhà chỉ có người mẹ già sống một mình không?  Hương sẽ chọn ai làm chồng, anh Thắng giàu có, đạo đức, nhưng không cùng tôn giáo, còn anh Phúc thì nghèo hơn, ít đạo đức hơn, nhưng cùng tôn giáo và được lòng mẹ của Hương?  Phát được làm trong Ban giám hiệu của một trường quốc tế.  Anh suy nghĩ có nên tiếp tục làm việc ở trường này nữa không vì thấy nó quá chú tâm vào lợi nhuận?  Phát có nên ở lại trường với hy vọng từ từ mình có thể đổi được hướng đi của trường?  Duyên phải giúp cha mẹ nuôi các em.  Cô tìm được một chỗ làm lương cao để nuôi các em, nhưng cô lại không được nghỉ ngày Chúa nhật, ít có giờ đi lễ hay tham gia một nhóm sống đạo.  Duyên có nên tìm một việc khác ít lương hơn nhưng có sự thảnh thơi hơn không?

Tìm ý Chúa không phải là chọn giữa một điều tốt và một điều là tội.  Thánh Inhaxiô Loyola nhắc chúng ta không được phép chọn một điều xấu hay ngược với giáo lý của Hội Thánh (Linh Thao số 170).  Thí dụ không được lấy một người đã lập gia đình và vẫn đang sống với người phối ngẫu; không được ly dị người bạn đời của mình để lấy người khác; không được phá thai…  Tìm ý Chúa là tìm xem Chúa muốn tôi làm điều nào giữa hai (hay nhiều điều) được phép làm.  Giữa hai điều tốt, tôi chọn điều tốt hơn mà tôi biết mình có thể làm được nhờ ơn Chúa.

Ngay cả khi đã biết ý Chúa, chúng ta cũng sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi cụ thể hơn.  Thí dụ, bác sĩ Phong mới ra trường, phải suy nghĩ xem Chúa muốn mình phục vụ ở vùng quê hay ở thành phố.  Nếu về vùng quê thì có nhiều cơ hội giúp người nghèo, nhưng đời sống vật chất của mình và sự thăng tiến trong nghề sẽ ra sao?

Một bạn trẻ quyết định đi Mùa Hè Xanh cũng phải phân định để tìm ý Chúa.  Nên đi khi nào?  Địa điểm nào cần sự hiện diện của tôi hơn?  Tôi sẽ làm gì khi đến đó?  Tôi sẽ ở đó bao lâu?  Có câu trả lời chỉ tìm ra được khi đến nơi mình phục vụ.  Ánh sáng của Chúa đến với tôi qua thực tế tôi đang trải nghiệm.  Nếu tôi còn nhiều môn phải thi lại hay tôi còn phải hoàn tất bài luận văn ra trường, thì năm nay tôi có nên đi Mùa Hè Xanh, hay chỉ đi một tuần thôi?

Nói chung, hàng ngày ai cũng phải đối diện với những chọn lựa.  Trước đây, trên đường lên Đà Lạt, có ngôi nhà thờ căng một tấm bảng lớn có ghi câu: Sống là Chọn.  Mà chọn thì phải bỏ.  Bỏ nhiều khi làm tôi thấy mình bị giằng co, xâu xé, tiếc nuối, đau đớn.  Tôi không thể nào chọn mọi sự, vì tôi không thể nào làm hết mọi sự, dù lòng tôi có tốt đến đâu.  Tôi không thể vừa muốn đi tu, vừa muốn tiếp tục nuôi dưỡng mối tình với người ấy.  Tôi không thể lập gia đình với hai người, dù tôi đã có nhiều kỷ niệm với cả hai, dù mỗi người đều có những nét riêng làm tôi ngưỡng mộ.  Chấp nhận chọn là chấp nhận có thể bị tổn thương, ít là lúc đầu.  Không muốn chịu tổn thương thì cũng không chạm đến chọn lựa một cách triệt để.

Thường thường người ta chọn lựa dựa theo cái tôi của mình.  Cái tôi của tôi là trung tâm.  Tôi chọn điều tôi thích.  Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho tôi: tiếng tăm, tiền bạc, khoái lạc, quyền lực…  Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho đất nước tôi, cho gia đình tôi, cho những người thân của tôi, cho tổ chức hay nhóm của tôi, dù cái lợi ấy gây hại cho nước khác hay người khác.  Khi đọc báo hàng ngày, chúng ta thấy nhiều người đã chọn theo kiểu ấy, vì thế biết bao thảm kịch đã xảy ra khắp nơi trên toàn cầu: chiến tranh, xung đột, giết chóc, bất công, tham nhũng, dối trá, bóc lột, áp bức, kỳ thị, hố sâu giữa người giàu người nghèo…  Mọi nỗi khổ đau của nhân loại đến từ những chọn lựa quy về cái tôi và những gì là của tôi.  Khi cái tôi trở thành tiêu chuẩn để chọn lựa, thì tôi không thể nghĩ đến người khác, không thể tôn trọng quyền lợi của họ.

Như thế để làm một lựa chọn đúng đắn, tôi phải được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ.  Tôi không bị nô lệ cho cái tôi đầy thèm muốn chiếm đoạt của mình.  Dĩ nhiên là tôi phải yêu tôi, nhưng tôi lại không phải là trung tâm để mọi sự, mọi người phải quy hướng vào đó.  Trung tâm của tôi phải ở ngoài tôi, phải ở trên tôi.  Đối với một Kitô hữu, trung tâm của tôi là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nhờ Đấng ấy mà tôi hiện hữu trên đời này.  Mọi chọn lựa của tôi phải quy về Đấng ấy.

Các nhà luân lý nói đến việc mỗi người cần xác định đâu là lựa chọn căn bản của đời mình (fundamental option).  Tôi chọn tôi hay chọn Thiên Chúa?  Tôi chọn tôi hay chọn tha nhân?  Lựa chọn căn bản này sẽ chi phối mọi lựa chọn nhỏ khác của đời tôi.

(Còn tiếp)

Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Nguồn: https://dongten.net

CHÚA SAI TÔI ĐI

Ngày 30-9-2019, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ấn định, Chúa Nhật thứ ba của mùa Thường niên là Chúa Nhật Lời Chúa.  Mục đích của Đức Thánh Cha là giúp các tín hữu ý thức tầm quan trọng của việc đọc và suy niệm Lời Chúa.  Đức Thánh Cha đã trích lời Thánh Giê-rô-ni-mô: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô.”  Và thật là một trùng hợp có ý nghĩa, vì Chúa Nhật hôm nay, Bài đọc I và bài Tin Mừng đều giới thiệu với chúng ta về việc loan báo Lời Chúa.  Hai sự kiện ở hai thời điểm lịch sử khác nhau, nhưng đều mang một thông điệp, đó là hãy lắng nghe Lời Chúa và hãy trở nên những ngôn sứ để loan báo Lời của Ngài.

Sách Nơ-khe-mi-a là một cuốn sách nằm trong Kinh Thánh Cựu Ước.  Sách gồm có 13 chương, không rõ tác giả là ai.  Thời gian viết vào khoảng năm 440-350 TCN, thời gian được tường thuật trong sách vào khoảng năm 445-425 TCN.  Nhân vật chính cũng là tên của cuốn sách này.  Ông là người nỗ lực xây lại tường thành và Đền thờ Giê-ru-sa-lem sau khi từ nơi lưu đày trở về.  Công việc này vô cùng khó khăn, vừa do dân ngoại Sa-ma-ri-a âm mưu chống phá, vừa do một số người Do Thái nản chí trước khó khăn.  Tuy vậy, Nơ-khê-mi-a đã hoàn thành bức tường thành và ông tổ chức khánh thành trọng thể.  Nghi thức chính là việc đọc sách Luật, do thầy tư tế Ét-ra thực hiện.  Nghi thức này diễn ra trong bảy ngày, và tường thuật của Bài đọc I chúng ta nghe hôm nay là ngày cuối cùng.  Có thể nói, sự kiện này là sự hồi sinh của dân tộc Do Thái và cũng là của Đạo Do Thái, sau gần 50 năm sống cảnh lưu đày xa quê hương.  Dân chúng vừa than khóc vì tội lỗi quá khứ, vừa hoan hỷ vui mừng vì đã đến thời dân tộc được phục hưng.

Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, hình ảnh thầy tư tế Ét-ra đọc sách tại Giê-ru-sa-lem năm xưa, nay người dân Na-da-rét lại được chứng kiến.  Nhân một chuyến về thăm quê hương, Đức Giê-su đã vào Hội đường và đọc đoạn sách I-sai-a trước đó khoảng bảy thế kỷ, với nội dung nói về sứ vụ của vị ngôn sứ được Chúa xức dầu và sai đi.  Nếu Ét-ra và Nơ-khe-mi-a tuyên bố thời hồi sinh của Đạo Do Thái sau lưu đày, thì Đức Giê-su lại khẳng định: một kỷ nguyên mới đã được khai mở.  Đó là kỷ nguyên của thời thiên sai.  Người đến trần gian để công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.  Người khẳng định với thế giới: Thiên Chúa yêu thương con người, và Ngài đã sai Con Một đến trần gian, để quảng diễn tình yêu vô bờ ấy.  Khi tuyên bố với những ngươi đồng hương: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe,” Đức Giê-su khẳng định: thời của ân sủng đã đến, và những ai thành tâm thiện chí sẽ được đón nhận muôn vàn ân huệ của Thiên Chúa.

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…”  Nhờ bí tích Thanh tẩy, mỗi Ki-tô hữu cũng có thể áp dụng những lời này cho bản thân, vì mỗi chúng ta đã đều được xức dầu và mỗi chúng ta đều là ngôn sứ.  Nơi mỗi chúng ta đều có Thần Khí hoạt động và chúng ta đều được sai lên đường đến với những anh chị em đồng loại, để nói với họ: Thiên Chúa yêu thương con người.  Thánh Phao-lô diễn tả hoạt động của Thần Khí nơi Giáo Hội qua hình ảnh một thân thể bao gồm nhiều chi thể.  Không có chi thể nào là hèn kém và bị coi thường.  Đó là hình ảnh cộng đoàn đức tin.  Chính Thần Khí hay Chúa Thánh Thần nối kết mọi thành viên để trở nên một thân thể, luôn hiệp thông và thăng tiến.  Linh dược làm cho cơ thể là Giáo Hội được khỏe mạnh, chính là Chúa Thánh Thần.  Ngài ngự trong mỗi chúng ta, như xưa Ngài đã ngự trên Chúa Giê-su và thêm sức cho Chúa Giê-su trong hành trình loan báo Tin Mừng cứu độ.  Ngày hôm nay, qua các tín hữu Ki-tô, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động, để soi sáng và ban sức mạnh siêu nhiên, nhờ đó chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ ngôn sứ mà Chúa đã trao cho chúng ta qua bí tích Thanh tẩy.

Những ngày này, chúng ta đang rộn ràng tưng bừng đón xuân Ất Tỵ.  Đối với người tin Chúa, đây là thời điểm để chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa vì Ngài luôn gìn giữ chúng ta.  Giống như những người Do Thái trở về quê hương sau thời lưu đày, chúng ta tạ ơn Chúa và cầu xin Ngài tiếp tục nâng đỡ phù trợ chúng ta trên con đường lữ thứ trần gian.  Một ơn quan trọng cần phải cầu xin trong những ngày đầu năm, đó là ơn vững đức tin.  Giữa bao thử thách của cuộc đời, xin cho chúng ta biết cậy trông vào Chúa, như chiếc mỏ neo giữ cho chiếc thuyền vững vàng trước phiêu bạt của giông tố cuộc đời.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ thường hỏi tôi.  Thật ra câu hỏi này chẳng của riêng ai.  Câu hỏi này đi theo suốt đời con người, đặc biệt với những ai có tâm hồn khao khát kết thân với Chúa.  Chính điều này giúp người tín hữu tìm được ý nghĩa đích thực của đời mình.  Nếu không khao khát thì cần gì phải tìm kiếm ý Chúa.  Ta cứ làm theo điều ta nghĩ, điều ta thích, điều làm ta thấy thoải mái, dễ chịu là được.  Nhưng người đặt mình trong tương quan với Chúa không sống như vậy, không coi mình là trung tâm, không muốn tự định đoạt đời mình.  Họ biết mình là một thụ tạo, và trên đầu mình còn có Đấng tạo ra mình.  Họ muốn sống theo ý muốn của Đấng ấy, không bị áp đặt như một nô lệ, nhưng hạnh phúc như một người con.  Chính việc biết mình đã sống đúng theo ý của Đấng đã cho mình sống trên đời, đem lại cho họ hạnh phúc và bình an.

Làm sao biết được ý của Thiên Chúa?  Thiên Chúa có thường giấu kỹ ý muốn của Ngài không?  Hẳn là không rồi.  Thiên Chúa rất muốn bày tỏ ý của Ngài cho con người, cho từng người.  Ngài muốn mặc khải về kế hoạch riêng Ngài có với từng người chúng ta.  John Powel viết một câu rất ý nghĩa:

Thiên Chúa sai mỗi người đến thế gian
với một sứ điệp để loan báo,
với một bài ca đặc biệt để hát lên,
với một nghĩa cử yêu thương để ban tặng.

Ai cũng có thể hát vang một bài hát đặc biệt, không giống với những bài hát của người khác.  Ai cũng có một sứ điệp đặc biệt để loan báo, và một cách đặc biệt để thể hiện tình yêu.  Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho những đặc biệt và dị biệt đó thành một bản giao hưởng tuyệt vời của hơn 7 tỷ con người.  Mỗi bạn trẻ cũng được mời gọi tìm ra bài ca mà Thiên Chúa muốn mình hát bằng cuộc đời mình.

THIÊN CHÚA BÀY TỎ Ý MUỐN CỦA NGÀI CHO CON NGƯỜI

Trong Cựu Ước có nhiều cách tìm ý Chúa.  Có thời người ta đi tìm ý Chúa bằng cách bốc thăm (x. Xh 28, 30).  Saul đã bốc thăm để xem ai là người có tội, một bên là ông và Gionathan con trai ông, bên kia là dân Chúa (x. 1 Sm 14, 41).  Saul còn bốc thăm lần nữa để biết giữa ông và Gionathan, ai là người có tội (x. 1 Sm 14, 42).  Việc bốc thăm để tìm ý Chúa sau này bị mai một dần, tuy Tân Ước cũng có lần nói đến việc bốc thăm.  Khi các tông đồ tìm một người thay thế Giuđa, họ đã có hai ứng viên hội đủ mọi điều kiện, đó là Giô-xếp và Mát-thia (Cv 1, 21-23).  Biết chọn ai bây giờ?  Các tông đồ bèn cầu nguyện để xin Chúa cho biết thánh ý.  Và họ đã muốn tìm ý Chúa qua việc bốc thăm (x. Cv 1, 24-26). Ông Mát-thia là người trúng thăm để vào số Mười Hai tông đồ.

Có khi con người không phải đi tìm ý Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa đích thân đến với con người để bày tỏ ý định của Ngài.  Câu chuyện cậu Samuel được Chúa gọi ở đền thờ Si-lô là một thí dụ (1 Sm 3).  Đức Chúa cao cả muốn gặp cậu vào ban đêm khi cậu đã yên giấc.  Ngài gọi tên cậu, và cậu đã nghe được tiếng ấy.  Nhưng tiếng gọi của Chúa không khác với tiếng của thầy cả Êli nên Samuel tưởng là thầy mình gọi.  Mau mắn, kính trọng và sẵn sàng, cậu đã chạy đến gặp thầy: Dạ con đây, thầy gọi con.  Chúa đã gọi cậu lần thứ hai, rồi lần thứ ba.  Nhưng cậu vẫn chưa nhận ra tiếng Chúa, cậu vẫn tưởng đó là tiếng thầy Êli.  Nhưng khi Samuel đến gặp Êli lần thứ ba, thì thầy hiểu ra là Samuel không nằm mơ, chính ĐỨC CHÚA gọi Samuel chứ không phải ai khác.  Thầy đã cho Samuel một lời khuyên tuyệt vời: Nếu có ai gọi con thì con thưa: Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.  ĐỨC CHÚA lại gọi tên Samuel lần thứ tư, và gọi tên cậu hai lần (1 Sm 3, 10).  Samuel đã nghe và đáp lại tiếng gọi của ĐỨC CHÚA – Đấng cao cả trò chuyện với một cậu bé trong đêm tối.  Samuel lớn lên, được nuôi bằng những cuộc gặp gỡ như thế, và trở thành ngôn sứ của Chúa để chuyển đạt ý Chúa cho dân.

Một câu chuyện khác cũng cho thấy Thiên Chúa tỏ lộ ý định của Ngài cho một người, cả khi người ấy tin chắc là mình đã tìm thấy rồi.  Đó là trường hợp của ông Sao-lô (còn gọi là Sa-un hay Phaolô) trên đường đi Đamát.  Sao-lô coi những người Do-thái tin theo ông Giêsu là những người chạy theo tà đạo.  Ông đi Đamát để bắt những người ấy, trói lại và giải về Giêrusalem (x. Cv 9, 1-2).  Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với ông.  Lập tức ông biết mình đã sai lầm và trở lại.  Cuộc đời của ông lật sang một trang mới.  Từ một người bách hại Đạo, Sao-lô trở thành vị tông đồ nhiệt thành rao truyền Đạo khắp mọi nơi.

Vào ngày 10-9-1946 trên chuyến xe lửa đi từ Calcutta đến Darjeeling để làm tĩnh tâm năm, Mẹ Têrêsa đã nhận được một tiếng gọi mới.  Khi ấy Mẹ đã ở trong Dòng Loreto được gần 20 năm, đã khấn lần cuối, đã làm hiệu trưởng một trường nữ sinh và được mọi người yêu mến vì thánh thiện và tài năng.  Theo lẽ tự nhiên thì cuộc đời Mẹ đã có bến đỗ.  Nhưng ngày hôm đó, một điều xảy ra mà Mẹ không sao giải thích nổi.  Đó là cơn khát của Chúa Giêsu xâm chiếm trái tim Mẹ: khát tình yêu và các linh hồn.  Từ đó Mẹ thấy một ước muốn mãnh liệt làm thỏa cơn khát của Chúa.  Những ngày tháng sau đó, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thổ lộ với Mẹ về khát khao của lòng mình, và nài xin: “Hãy đến làm ánh sáng của Ta.  Ta không thể đi một mình.”  Ngài xin Mẹ lập một cộng đoàn dòng tu để phục vụ những người nghèo nhất.  Hai năm sau, Mẹ đã ra khỏi Dòng Loreto để bước vào thế giới của người nghèo, trong chiếc áo sari trắng viền xanh.

Thiên Chúa đã bày tỏ ý muốn của Ngài cho Samuel, Sao-lê, Têrêsa và muôn vàn người khác trong dòng lịch sử.  Ngài trao cho họ một sứ mạng.  Ngày nay nhiều bạn trẻ cũng có những kinh nghiệm tương tự.  Những kinh nghiệm đánh động trái tim họ và kéo họ đi, nâng họ lên một tầm cao mới, mở ra một chân trời mới.  Cuối cùng họ đã buông mình để theo một tiếng gọi, hay đúng hơn theo một Đấng làm thay đổi hoàn toàn đời họ.

(Còn tiếp)

Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Nguồn: https://dongten.net

MÙA THƯỜNG NIÊN

Lịch Giáo hội có những mùa đặc biệt để kỷ niệm: Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh, Mùa Chay và lễ Phục Sinh, nhưng ngoài những mùa đặc biệt này, Giáo hội mời chúng ta sống và cử hành mùa Thường niên.

Mùa Thường niên.  Với hầu hết chúng ta, tôi nghĩ mùa này không nói lên một cái gì đặc biệt – nó nhạt nhẽo, tẻ nhạt, thường ngày, nhàm chán.  Trong lòng, chúng ta có cảm giác đó là những gì đè nặng lên chúng ta, nhận chìm chúng ta, đẩy chúng ta ra khỏi môi trường hữu ích của đam mê, lãng mạn, sáng tạo và ăn mừng.

Chúng ta dễ dàng chê bai chuyện bình thường.  Tôi nhớ một cô sinh viên trẻ chia sẻ trong lớp nỗi sợ lớn nhất đời cô là không thể chống chọi với những điều tầm thường, “là người nội trợ bình thường, người hài lòng làm quảng cáo thuốc giặt!”

Nếu bạn là nghệ sĩ hoặc có khiếu nghệ thuật, bạn dễ là đề tài của chê bai kiểu này vì các nghệ sĩ có xu hướng sáng tạo ngược với những gì bình thường.  Chẳng hạn, văn sĩ Doris Lessing đã từng nhận xét lẽ ra George Eliot (1819-1880) có thể là nhà văn giỏi hơn “nếu bà không quá đạo đức.”  Điều mà Lessing muốn nói là Eliot đã quá bám vào những điều bình thường, quá an toàn, quá chắc chắn, quá xa khỏi các bờ vực.  Trong tác phẩm tiểu sử Cô gái đồng trinh của Bennington (The Virgin of Bennington), bà Kathleen Norris chia sẻ khi còn là nhà văn trẻ, bà là nạn nhân của hệ tư tưởng này như thế nào: “Tôi nghĩ các nghệ sĩ quá nghiêm túc để sống một cuộc sống lành mạnh và bình thường.  Bị thúc đẩy bởi những thế lực không thể lay chuyển trong một thế giới lạnh lùng, họ đã phải đương đầu với cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi, đôi khi chết người, nhưng luôn cao cả để chống buồn bã và bất hạnh.”

Cuộc vật lộn cao quý với buồn bã và bất hạnh.  Nghe có vẻ quyến rũ, đặc biệt với những người trong chúng ta tự cho mình là nghệ sĩ, trí tuệ hoặc tâm linh.  Đó là lý do vì sao một ngày nào đó, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể cảm thấy thương hại cho những người có hạnh phúc đơn giản.  Chúng ta nghĩ quá dễ với họ, nhưng họ phải đấu tranh để có.  Đó là người nghệ sĩ bên trong chúng ta đang lên tiếng.  Chúng ta chưa bao giờ thấy một nghệ sĩ bằng lòng làm quảng cáo thuốc giặt!

Xin quý vị đừng hiểu lầm tôi.  Có một số xứng đáng cho việc này.  Chính Chúa Giêsu đã nói, chúng ta không chỉ sống bằng cơm bánh.  Không nghệ sĩ nào cần giải thích ý nghĩa của câu này.  Trong số những điều khác, họ biết điều Chúa Giêsu muốn nói, đó là thói quen đơn giản, không nhất thiết đó là thiên đàng.  Chúng ta cần cơm bánh, nhưng chúng ta cũng cần vẻ đẹp và màu sắc.  Doris Lessing là nghệ sĩ vĩ đại, bà vào đảng cộng sản khi còn trẻ nhưng khi trưởng thành bà bỏ đảng.  Vì sao?  Một câu nói lên tất cả.  Bà nói, bà bỏ đảng cộng sản, “vì họ không tin vào sắc màu!”  Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta, cuộc sống không có nghĩa là sống đơn giản như một chu kỳ bất tận: thức dậy, đi làm, làm việc có trách nhiệm, về nhà, ăn tối, chuẩn bị mọi thứ cho ngày hôm sau và sau đó đi ngủ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều để nói về một thói quen có vẻ kịch tính của sự bình thường.  Cuối cùng, nhịp điệu của sự bình thường là nguồn gốc sâu sắc nhất để rút ra niềm vui và ý nghĩa.  Tác giả Kathleen Norris sau khi kể cho chúng ta nghe cám dỗ thời trẻ của bà, bà đã vượt lên những điều bình thường để dự vào cuộc chiến cao quý chống buồn bã và bất hạnh, bà chia sẻ cách mà người cố vấn tuyệt vời Betty Kray đã giúp bà thoát khỏi cạm bẫy này như thế nào.  Kray khuyên bà viết ra niềm vui cũng như nỗi buồn của mình.  Bà Norris nói: “Betty cố hết sức thuyết phục tôi về điều mà những người bạn của bà, những người từng bị điên biết rất rõ: sự trân trọng đơn giản và trong sáng với những gì bình thường trong cuộc sống hàng ngày là kho báu không có gì so sánh trên trái đất này.”

Đôi khi phải có một căn bệnh mới dạy chúng ta điều này.  Khi chúng ta lấy lại sức khỏe và năng lượng sau khi bị bệnh, sau khi bị nghỉ việc, sau khi bị ra khỏi nhịp sống và thói quen bình thường, không có gì ngọt ngào cho bằng trở lại với đời sống bình thường – với thói quen của công việc, với những điều bình thường của cuộc sống hàng ngày.  Chỉ sau khi bị lấy đi và sau khi được trả lại, chúng ta mới quý sự đơn giản và trong sáng của những việc bình thường hàng ngày, một kho báu tối thượng.

Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn đúng một phần.  Những điều bình thường có thể đè nặng chúng ta, loại chúng ta khỏi môi trường sáng tạo, khỏi môi trường lãng mạn, khỏi môi trường hoang dã, những môi trường làm chúng ta vui vẻ.  Nhưng phải công nhận, sự bình thường chính là điều giúp chúng ta không bị cuốn trôi.  Nhịp điệu của những điều bình thường giữ vững chúng ta, làm chúng ta tỉnh táo.

Nghệ sĩ Paul Simon trong một bài hát của thập niên 1970 có tựa đề An American Tune, hát về việc đương đầu với những bối rối, sai lầm, phản bội và những sự kiện khác làm khuấy động bình an của chúng ta.  Ông kết thúc bài hát khá buồn với những lời: “Ngày mai lại một ngày làm việc và tôi cố gắng nghỉ ngơi một chút.  Nghỉ ngơi một chút, đó là tất cả những gì tôi đang cố gắng.”

Đôi khi việc giữ mệnh lệnh này lại giúp chúng ta tỉnh táo hơn.  Có rất nhiều điều để nói về việc trở thành một người nhỏ bé, hài lòng, gắn bó với nhịp sống bình thường và thậm chí có thể làm quảng cáo cho thuốc giặt.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HÔN ƯỚC THẦN LINH 

Sau lễ Hiển Linh và lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, hôm nay, Phụng vụ lại giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” thứ ba: đó là phép lạ tại tiệc cưới Ca-na.  Quả vậy, khi thực hiện phép lạ này, Chúa Giê-su diễn tả quyền năng thiên linh của Người, và vinh quang Thiên Chúa cũng được thể hiện qua biến cố đó.  Qua phép lạ làm cho nước biến thành rượu, Đức Giê-su khẳng định: Người đến trần gian để thiết lập một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ân sủng và bình an.  Cũng như nước với rượu hoàn toàn khác nhau, kỷ nguyên Người thiết lập khác xa với thời của Cựu ước.

Sự kết hợp gắn bó giữa Thiên Chúa và con người được so sánh với một hôn lễ.  Cách diễn tả này đã có trong thời Cựu ước.  Thiên Chúa yêu thương con người, không phải là tình yêu của ông chủ đối với đầy tớ; cũng không như một người thợ đối với tác phẩm mình làm ra.  Thiên Chúa yêu thương con người đến “phát ghen.”  Ngài mong muốn cho con người được hạnh phúc.  Ai phản bội Ngài, cũng giống như người vợ hay người chồng phản bội bạn đời của mình vậy.  Chúng ta có thể đọc thấy điều này trong ngôn sứ I-sa-i-a và nhất là ngôn sứ Hô-sê.

“Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.”  Bảy thế kỷ trước Chúa Giê-su, ngôn sứ I-sa-i-a đã say sưa chiêm ngắm cảnh huy hoàng của Giê-ru-sa-lem trong tương lai, khi Đấng Cứu tinh xuất hiện.  Đó cũng là lúc Ít-ra-en được phục hồi, không còn cảnh hoang tàn như xưa nữa.  Những hình ảnh được dùng để minh họa giúp chúng ta mường tượng một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc chan hòa.  Giê-ru-sa-lem và dân tộc Ít-ra-en sẽ là niềm vui cho Thiên Chúa.

Niềm vui và vinh quang ấy đã thành hiện thực trong tiệc cưới Ca-na.  Thánh Gio-an là tác giả duy nhất thuật lại sự kiện này.  Trong tác phẩm của mình, vị tác giả này rất “tiết kiệm” khi kể lại các phép lạ.  Ông chỉ tường thuật bảy phép lạ của Chúa Giê-su mà ông gọi là “dấu lạ.”  Mỗi dấu lạ đều diễn tả một khía cạnh trong sứ vụ của Chúa Giê-su và đều kèm theo một thông điệp quan trọng.  Tác giả Phúc âm thứ bốn đã làm độc giả ngỡ ngàng khi tả lại việc Đức Giê-su và các môn đệ đi dự tiệc cưới.  Qua sự kiện này, thánh Gio-an muốn khẳng định: Đức Giê-su là Thiên Chúa mang thân phận con người.  Người là một Con Người như mọi người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.  Người tôn trọng tất cả những gì là tốt đẹp và hợp pháp trong cuộc sống đời thường.  Sự hiện diện của Người có sức thánh hóa mọi mối quan hệ, tình cảm và những niềm vui.  Không có điều gì thuộc cuộc sống con người mà lại xa lạ đối với Người.

Nếu thánh Gio-an diễn tả một tiệc cưới, thì chúng ta lại thấy vai trò của cô dâu chú rể rất mờ nhạt, trong khi thông thường, hai nhân vật này là trung tâm của bữa tiệc và của mọi lời chúc tụng.  Chính Chúa Giê-su là nhân vật chính trong trình thuật này.  Phải chăng tác giả muốn ngầm giới thiệu với chúng ta: Đức Giê-su là Chú Rể.  Người đến để dẫn đưa nhân loại sang một kỷ nguyên mới.  Người thiết lập mối thân tình giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Nơi chính bản thân Người, là sự kết hợp kỳ diệu giữa nhân tính và thiên tính.  Chính vì vậy, kết quả của dấu lạ Ca-na, theo thánh Gio-an, là: Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ tin vào Người.  Đây là mục đích chính của dấu lạ và đây cũng là chủ ý của tác giả, khi thuật lại sự kiện này.

Nếu Đức Giê-su đã làm phép lạ năm xưa để tỏ bày vinh quang của Người, thì hôm nay, vinh quang Thiên Chúa vẫn tỏ hiện nơi cuộc đời chúng ta.  Thánh Phao-lô đã khẳng định như thế trong Bài đọc II: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.  Thánh nhân đã liệt kê những đặc sủng (tức là ân sủng đặc biệt, thể hiện qua những khả năng phi thường): ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định…  Thiên Chúa vẫn tỏ hiện quyền năng và vinh quang của Ngài nơi chúng ta.  Với thiện chí nỗ lực, chúng ta đang cộng tác với Ngài để làm cho hiệu quả của những ơn chúng ta đã lãnh nhận lan tỏa mọi nơi trong cuộc đời trần thế.

Sự kiện Ca-na có sự can thiệp của Đức Trinh nữ Ma-ri-a.  Hôm nay, Đức Mẹ vẫn đang nói với chúng ta: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”  Quả vậy, lắng nghe và thực hiện ý Chúa, sẽ đem lại cho chúng ta bình an hạnh phúc.  Hơn thế nữa, việc thực hiện ý Chúa sẽ đem lại những điều lạ lùng trong cuộc đời.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên