CƠN KHÁT LƯƠNG THỰC

Trong bối cảnh xã hội hiện tại, khi có những cuộc xung đột căng thẳng ở nhiều cấp độ, thậm chí chiến tranh đã và đang xảy ra ở một vài quốc gia châu Âu, một thuật ngữ được lặp đi lặp lại thường xuyên, đó là “an ninh lương thực.”  Đây là một nhận định và cũng là cảnh báo của các nhà chuyên môn, khi thấy các cuộc cấm vận và những mâu thuẫn chính trị tại một số quốc gia vẫn đứng hàng đầu trong việc cung cấp lương thực cho thế giới.  Nỗi lo cơm bánh vẫn luôn ám ảnh con người, kể cả trong xã hội được gọi là “hiện đại và phát triển” của chúng ta.  Cơn khát lương thực luôn hiện hữu trong cuộc sống, cá nhân cũng như tập thể.

Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay xoay quanh đề tài bánh ăn, hay lương thực, ở những khía cạnh khác nhau:

Trước hết, đức tin Do Thái giáo và Ki-tô giáo đều khẳng định: Thiên Chúa là nguyên lý của mọi phúc lành.  Ngài ban cho mưa thuận gió hòa và những điều kiện thuận lợi để cung cấp bánh ăn cho con người.  Tác giả thánh vịnh đã diễn tả: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn.  Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê” (Đáp ca).  Đức tin nói với chúng ta: những gì chúng ta đón nhận hằng ngày, những nhu cầu căn bản cho cuộc sống vật chất cũng như tinh thần đều là ân huệ Chúa ban.  Chúa Giê-su đã quả quyết: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 6,33).  Ý niệm cầu nguyện với Ông Trời và các thần linh để được mưa thuận gió hòa luôn luôn có trong tiềm thức và niềm tin bình dân của người Việt chúng ta.  Bài đọc I kể lại một phép lạ Thiên Chúa đã thực hiện qua trung gian ngôn sứ Ê-li-sa.  Với hai mươi chiếc bánh lúa mạch và chút cốm, vị ngôn sứ đã truyền cho tiểu đồng phân phát cho cả trăm người, mà vẫn còn dư.  Lòng tín thác cậy trông vào Chúa là điều kiện để phép lạ xảy ra.

Đức tin Ki-tô giáo cũng dạy chúng ta: sống trên đời, nếu chúng ta may mắn có được một cuộc sống ổn định hay dư dả về vật chất, đó là của Chúa ban, và chúng ta chỉ là người quản lý.  Thiên Chúa mới là sở hữu chủ chính thức của tài sản trên thế gian.  Vì vậy, mọi người tùy theo khả năng của mình, đều được mời gọi chia sẻ cho anh chị em.  Bác ái chia sẻ là một điểm nhấn nổi bật trong giáo huấn của Chúa Giê-su và của Giáo hội.  Ngôn sứ Ê-li-sa đã lấy hai mươi chiếc bánh người ta tặng cho ông vào thời điểm nạn đói đang hoành hành.  Ông không giữ cho riêng mình, nhưng chia sẻ cho mọi người, và phép lạ đã xảy đến qua nghĩa cử chia sẻ rộng rãi đó.  Thánh Gio-an kể lại trong Tin Mừng: trong đoàn người đến nghe Chúa Giê-su giảng dạy, có một em bé mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá.  Em bé ấy đã vui vẻ chia sẻ những gì mình có cho mọi người, và phép lạ đã diễn ra.  Đương nhiên, phép lạ đến từ quyền năng Thiên Chúa, nhưng lại dựa trên sự chia sẻ và cộng tác của con người.  Nếu hiểu mỗi người chỉ là người quản lý tài sản Chúa trao, và sau này chết chẳng mang theo được, thì người ta sẽ dễ dàng chia sẻ cho anh chị em.  Nếu các nước giàu chia sẻ cho các nước nghèo, thì lương thực trên thế giới sẽ đủ nuôi mọi người và nạn đói sẽ không còn hoành hành ở một số quốc gia châu Á và châu Phi nữa.

Cùng với những giáo huấn về chia sẻ, Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về lương thực thiêng liêng Chúa ban cho các tín hữu.  Câu chuyện ngôn sứ Ê-li-sa và sự kiện Chúa Giê-su làm phép lạ nhân bánh ra nhiều đều là hình ảnh của Bí tích Thánh Thể.  Trong đêm tiệc ly, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể.  Người đã biến bánh thành Mình và rượu thành Máu Người.  Đây không phải là biểu tượng, cũng không phải là nghĩa bóng, mà là một thực tại.  Bí tích Thánh Thể, hay sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Hình Bánh Rượu là tín điều, tức là điều phải tin đối với các Ki-tô hữu.

Sau cùng, Phụng vụ hôm nay dạy chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể.  Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của sự hiệp thông, hiệp thông với Chúa và với anh chị em mình.  Thánh Phao-lô trong Bài đọc II đã nói đến sự liên kết gắn bó giữa các Ki-tô hữu.  Vị Tông đồ dân ngoại đã dùng hình ảnh của một thân thể, để diễn tả cộng đoàn Ki-tô hữu.  Để có sự hiệp thông đích thực, thánh nhân khuyên các tín hữu Ê-phê-sô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại: hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng nhau…”  Vâng, bác ái, hiệp thông, chia sẻ… đó là những thông điệp mà Đức Giê-su đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể muốn nói với chúng ta.

Thánh Tê-rê-sa Can-cút-ta là một mẫu gương của thời đại chúng ta về lòng yêu mến Thánh Thể.  Trong đời sống cũng như trong sứ mạng, Mẹ đã khơi nguồn sức mạnh từ Nhà Tạm, nơi Chúa Giê-su hiện diện.  Đối với Mẹ Tê-rê-sa, Thánh Thể chính là tình yêu hy tế mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, để được ăn vào và tiêu hóa, và trở thành một phần trong con người chúng ta.  Khi chúng ta đón rước Thánh Thể, thì chúng ta được Thiên Chúa ban sức mạnh để yêu mến những người khác, với cùng tình yêu mà Đức Ki-tô đã bày tỏ cho chúng ta.  Bằng cách này, Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta mang tình yêu của Đức Ki-tô đến với người nghèo, và cảm nhận được sự hiện diện của Người nơi những người ấy.

Thánh nữ đưa ra một lời khuyên rõ ràng: “Tôi xin bạn hãy đến gần hơn với Thánh Thể và Đức Giê-su … Hỡi các linh mục giáo xứ, xin các cha yêu cầu các giáo dân chầu Thánh Thể trong các nhà thờ của mình bất cứ ở đâu có thể được.  Hãy chầu Thánh Thể ít nhất mỗi tuần một lần, sao cho sự dịu hiền của tình yêu có thể phát triển trong tâm hồn các cha, hầu chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác.”

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

1. Thân thế của Giacôbê:

Giacôbê là con của ông Dêbêđê và bà Salômê, anh của thánh Gioan Tông Đồ; sống nghề chài lưới ở biển Giênêgiaréth, bạn chài với Phêrô và Andrê.  Tin Mừng thường nhắc đến hai anh em Giacôbê và Gioan Tông Đồ nhiều lần.

Họ thuộc nhóm những môn đệ tâm giao của Chúa Giêsu (cùng với Phêrô và Gioan).  Các ngài được chứng kiến: Việc Chúa cho con gái ông Giairô sống lại, sự hiển dung của Chúa ở đồi Thabor, lúc Chúa cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.

Giacôbê là người đầu tiên trong Nhóm Mười Hai đã lấy máu đào của mình làm chứng cho Chúa Giêsu: vua Hêrôđê Antipa đã ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 44 (Cv 12,2; Mt 20,22-23).  Như thế ứng nghiệm lời Chúa tiên báo cho ông: “ông đã thông chia chén của Chúa.”

2. Tính tình của Giacôbê: Giacôbê được gọi là vị Tông Đồ cao vọng (Mt 20,20).

Giacôbê được Chúa gọi là “con của thiên lôi,” điều này cho thấy rằng ông là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến thế nào.  Quả vậy, phản ứng của ông đối với các dân thành Samaria đã giải thích điều đó.  Khi Chúa qua con đường Samaria để về Giêrusalem, dọc đường những người Samaria đã từ chối không đón tiếp Chúa, Giacôbê đã đề nghị với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9,54).

Cao vọng của Giacôbê còn được thể hiện qua sự việc bà Salômê, là mẹ của ông, đã thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và Gioan rằng: “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi được ngồi một đứa bên tả, một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20,21).

Cao vọng của người mẹ truyền sang cho người con đến độ người mẹ không xin thì con cũng tự xin.  Bằng chứng là Marcô kể lại câu chuyện thỉnh nguyện này mà không nhắc đến người mẹ, nhưng chỉ kể Giacôbê và Gioan tự miệng nói ra câu ấy (Mc 10,37).

Tuy Giacôbê có cao vọng như vậy, nhưng Chúa vẫn chọn ông và tín nhiệm ông, và Người đã hoán cải ông.  Chúa hoán cải các môn đệ: Bằng đời sống gương mẫu của ngài: Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ và Người bảo các Tông Đồ hãy rửa chân cho nhau, vì “Ai muốn làm lớn trong anh em, thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20,27).  Bằng cái chết của Người: con Người đến để thí mạng sống mình hầu làm giá chuộc thay cho nhiều người (Mt 20,28).  Các Tông Đồ đã lần lượt chịu tử đạo để theo gương Chúa.

3. Nhận thức và áp dụng:

Thánh Giacôbê thuộc giới thợ thuyền làm nghề chài lưới vất vả; đàng khác lại có tham vọng đi ngược với vai trò và tinh thần của người tông đồ, nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa.  Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa Kitô quả có sức làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ ông đã hiến mình trọn vẹn cho Chúa.

Noi gương thánh Giacôbê: người tông đồ không nên tự ty mặc cảm về những hèn kém của mình, nhưng tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của ơn Chúa để hiến thân trọn vẹn cho Chúa.

Đi theo Chúa, Giacôbê vẫn còn có những tham vọng phàm trần, song nhờ sự giáo huấn của Chúa và nhất là gương sống của Chúa đã khiến ông từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình để hiến mình cho Chúa cách trọn vẹn.

Người tông đồ cần lắng nghe lời Chúa để đón nhận những giáo huấn của Chúa; đồng thời phải biết chiêm ngắm gương sống của Chúa để noi gương bắt chước sống trọn vẹn cho Chúa.

Giacôbê được Chúa dành riêng trong nhóm những người thân cận của Chúa để được chứng kiến những sự việc cần thiết cho sứ mạng làm chứng nhân trong vai trò người Tông Đồ.

Những ai được mời gọi sống đời thánh hiến, cũng được tuyển chọn riêng trong thời gian tu luyện để tìm gặp Chúa, đến với Chúa, ở lại với Chúa và để được biến đổi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, hầu có thể chu toàn sứ vụ tông đồ của mình.

Phụng vụ chư Thánh

CUỘC ĐẤU TRANH HỤT HẪNG VỚI TÍNH KHIÊM NHƯỜNG

Thật khó để khiêm tốn, không phải vì chúng ta không đủ thiếu sót để xứng đáng với tính khiêm nhường, nhưng vì bên trong chúng ta có một cơ chế khéo léo thường không cho chúng ta có được tính khiêm tốn.  Nói một cách đơn giản, khi chúng ta cố gắng quên mình, khiêm tốn, không đạo đức giả thì chúng ta lại tự hào về điều đó, và rồi cảm thấy tự mãn, chúng ta trở nên người đi phán xét người khác.

Chúa Giêsu cho chúng ta một dụ ngôn tuyệt vời về chuyện này, nhưng chúng ta thường quên bài học này.  Tất cả chúng ta đều biết dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế.  Chúa Giêsu kể câu chuyện hai người vào nhà thờ cầu nguyện.  Người đầu tiên là người biệt phái sốt sắng, ông nghiêm túc giữ đạo hạnh.  Ông cám ơn Chúa về lòng sốt sắng đạo hạnh của mình và cám ơn Chúa vì mình không như người thu thuế không đạo đức đang ở cuối nhà thờ.  Người thứ hai là người thu thuế nhận biết mình là người không đạo đức (ông chân thành và không biện minh gì), ông là người có tội và xin Chúa tha cho các yếu kém của mình.  Chúng ta đều biết Chúa Giêsu đánh giá hai người này như thế nào.  Người biệt phái thật sự đã không cầu nguyện, còn người thu thuế thì cầu nguyện.  Hơn nữa, dụ ngôn làm nổi bật sự mù quáng bên trong của người biệt phái, một thứ không thể nào không thấy.  Tất cả những ai đọc câu chuyện này đều không thể không thấy sự thiếu khiêm tốn của ông.

Tuy nhiên, thách thức là xem phản ứng của chúng ta về câu chuyện này.  Ngay lập tức chúng ta thấy sự khác biệt giữa niềm tự hào rởm và tính khiêm nhường thật sự.  Và chúng ta thấy người này kiêu căng đến mức độ nào khi ông nói: “Xin tạ ơn Chúa vì con không như tên thu thuế kia!”  Nhưng, tôi nghĩ 98% trong chúng ta khi nghe câu chuyện này sẽ nghĩ, “tôi không như người biệt phái kia!”  Khi nghĩ như vậy, chúng ta đều giống ông!  Chính xác giống ông, chúng ta đầy tràn ý thức về đức hạnh, chính vì vậy, chúng ta bắt đầu phán xét người khác.  Lời cầu nguyện của chúng ta thường ngược với lời cầu nguyện của người thu thuế.  Chúng ta không cầu nguyện vì tội của mình mà là cầu nguyện: “Con cám ơn Chúa, con đã không mù quáng với bản thân và không phán xét như nhiều người khác!”  Thật khó để được như người thu thuế.  Đức hạnh và tính khiêm nhường của chúng ta luôn quay chung quanh chính mình và làm cho chúng ta tự hào và đi chỉ trích.

Câu trả lời ở đây là gì?  Làm sao chúng ta bứt được cái vòng luẩn quẩn này?  Ở đây chỉ có một cách duy nhất và người thu thuế đã chỉ cho chúng ta.  Như thế nào?  Ông thật sự cầu nguyện cho tội lỗi của mình.  Đó là người phạm tội và ông chân thành thú nhận.  Còn về phần chúng ta, chúng ta nói chúng ta là kẻ có tội nhưng chúng ta không thật sự nghĩ như vậy!  Chúng ta thừa nhận chúng ta có các thiếu sót và đôi khi chúng ta phạm tội, nhưng như người biệt phái, ngay lập tức chúng ta tạ ơn vì chúng ta không có các thiếu sót và tội lỗi như người khác.  Thường thường chúng ta nghĩ theo kiểu: “Chắc chắn rồi, mình cũng có các khiếm khuyết, nhưng ít nhất mình không ngốc và ích kỷ như bạn đồng nghiệp mình!”, “Với tất cả thiếu sót của tôi, tôi cám ơn Chúa, tôi đã không tự ái như ông chủ của tôi!”, “Có thể tôi không có nhiều đức tin nhưng ít nhất tôi không đạo đức giả như nhiều người trong nhà thờ!”, “Tôi có thể có nhiều lỗi, nhưng tôi không có các lỗi như anh Gioan!”  Niềm tự hào luôn luôn luẩn quẩn chung quanh hàng rào phòng thủ của chúng ta và chúng ta để lòng khiêm nhường đứng xa xa.

Nhưng có một trường hợp khác, có thể không giống như vậy, đó là khi chúng ta thực sự nhận biết tội của mình.  Khi chúng ta ý thức được tình trạng tội lỗi của mình, như người thu thuế, chúng ta sẽ không phán xét ai, ngay cả chính mình.  Là linh mục công giáo đã nghe xưng tội trong vòng 47 năm, tôi không ngần ngại nói, những người tốt lành nhất là những người chân thành xưng các thiếu sót của mình . Khi chúng ta thật sự biết tội của mình, chúng ta không phán xét ai.  Trong tinh thần này, chúng ta không bao giờ nghĩ: “Tạ ơn Chúa, con đã không phạm tội của anh Gioan!”  Chúng ta biết bản thân mình là đủ.  Vì thế lời cầu nguyện phải chân thành và theo Chúa Giêsu, thì lời cầu nguyện chân thành sẽ được trên trời nghe thấy.

Và chúng ta phải nhận biết sự tồn tại của tội lỗi của chúng ta và chịu đựng nó.  Các thiếu sót khác, các bất toàn bẩm sinh và cá nhân có thể giúp chúng ta trở nên khiêm tốn, nhưng vì chúng ta không chịu trách nhiệm về mặt cá nhân hay đạo đức, nhận biết các thiếu sót này không phải như nhận biết tội lỗi của mình.  Chúng ta không có trách nhiệm về ADN thể lý hay tâm lý của mình.  Chúng ta không chịu trách nhiệm về sắc dân hay màu da của mình.  Chúng ta cũng không chịu trách nhiệm về thành phần gia đình, về khu phố, về văn hóa mà chúng ta được nuôi dạy.  Và chúng ta cũng không chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra ở công viên hay ở sân chơi khi chúng ta còn nhỏ.  Dù vậy tất cả những điều này có một tác động sâu đậm trên các thiếu sót cũng như trên sức mạnh của chúng ta.  Nhưng vì chúng ta không có trách nhiệm nên chúng ta không cần phải khiêm tốn về những chuyện này.

Nhưng chúng ta phải khiêm tốn về các tội lỗi của chính mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

MỘT CÕI RIÊNG TƯ

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp nối trang Tin Mừng tuần trước.  Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo.  Sau chuyến đi, các học trò trở về.  Anh em vui mừng kể cho Thầy nghe kết quả những việc đã làm.  Chúa chia sẻ niềm vui với các môn sinh và khuyên nhủ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”  Một lời khuyên rất thiết thực, một sự quan tâm thật ân cần, ấm áp tình thầy trò.

Chúa Giêsu rất thương các môn đệ.  Làm việc nhiều nên cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức lực để tiếp tục làm việc.  Nghỉ ngơi ở đây không phải là chè chén say sưa, hưởng thụ thỏa thích, hay lười biếng “nhàn cư vi bất thiện,” nhưng đó chính là thời giờ bồi dưỡng tâm hồn, là dịp tĩnh tâm của các Tông đồ.  Trong thinh lặng, mỗi người cầu nguyện, trau dồi nội tâm.

1. Thinh lặng là một cõi riêng tư

Một bầu khí yên tĩnh, một thời gian trầm lắng là một cõi riêng tư thật cần thiết cho con người.  Thân xác nghỉ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt, tâm hồn bình an.

Giữa những ồn ào của đám đông
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó
trầm lắng và bình an.

Lm Nhạc sĩ Thái Nguyên suy tư những lời thơ sâu lắng ấy và đã dệt ca khúc: “Một cõi riêng tư:” Một cõi riêng tư, trong lòng con xin dành cho Chúa.  Một cõi riêng tư, trong lòng con Chúa thương ngự trị.  Chúa là điểm hẹn nơi con phát xuất ra đi dấn thân, cho cuộc đời nhân trần.  Chúa là đỉnh cao nơi con trở lại, để sống trong ân tình, niềm vui phút an bình.

Một cõi riêng tư với Chúa, chan chứa một niềm vui sâu lắng trong nội tâm, niềm vui gặp gỡ Chúa.

2. Chúa Giêsu, mẫu gương thinh lặng

Thinh lặng là điểm nổi bật nhất trong cuộc đời Chúa Giêsu.  Chúa sống thinh lặng, yêu thích thinh lặng, dạy thinh lặng, và dùng sự thinh lặng như một phương thế hữu hiệu để hoạt động tông đồ.  Chúa khuyên các môn sinh hãy sống theo gương của Người.  Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Cha.  Sáng sớm tinh mơ, Người dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha.  Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người.  Chúa Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông.  Người chọn những nơi hiện diện: “Một ngọn núi cao riêng biệt” (Mc 9,2); những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1); những bãi biển Phênixi xứ Xyria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31); đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hécmon (Mc 8,27)…

Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong cuộc sống thường ngày.

Các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người.  Các môn đệ trở về, Chúa khuyên nên nghỉ ngơi trong cầu nguyện.  Làm việc và cầu nguyện, sống “nội tâm” và hoạt động “bên ngoài,” đó là nhịp sống mỗi ngày của người môn đệ Chúa Giêsu.

3. Thinh lặng để sống nội tâm

Thinh lặng thuộc về yếu tính của thánh thiện.  Trong thinh lặng và lòng cậy trông, sức mạnh của các Thánh được hình thành (Is 30,15).  Ðời sống tâm linh phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển.  Thiên Chúa chính là nguồn mạch đời sống thiêng liêng.  Những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển.  Nhờ cầu nguyện, con người mới phát triển quân bình.

Là Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người, Chúa Giêsu nói bằng thinh lặng nhiều hơn bằng những lời rao giảng của Ngài.  Thinh lặng cũng là luật sống của Mẹ Maria.  Triết gia Jean Guitton gọi Mẹ Maria là “Trinh nữ suy tư.”  Người trinh nữ ấy “ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).  Mẹ không vội vã phản ứng và phát biểu nhưng “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại trong lòng.”  Trong thinh lặng, Mẹ khám phá ý nghĩa các sự kiện và biến cố.  Trong thinh lặng, Mẹ đi vào cuộc giao tiếp thâm sâu với Lời Thiên Chúa và để Lời ấy nên hình hài trong lòng Mẹ.  Nếu Tin Mừng ghi lại một vài câu nói của Mẹ Maria thì Thánh Cả Giuse không có một lời nào, hoàn toàn thinh lặng.  Ngay giữa lúc được Thiên Thần hiện đến trong giấc mộng để báo tin về Mẹ Maria cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa, Thánh Giuse cũng không nói một lời nào, và nhất là Ngài âm thầm ra đi khỏi cuộc đời lúc nào cũng không ai hay biết.

Thinh lặng là miền đất phì nhiêu cho hạt lúa đơm bông.  Thinh lặng là cung lòng người mẹ cho tư tưởng mang lấy hình hài.  Thinh lặng nội tâm để cầu nguyện, đó chính là những tâm tình kết hợp với Thiên Chúa trong đời sống nội tâm, “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16, 7b).  Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời.  Ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa đổi.  Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện.  Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Các xã hội văn minh, các đô thị luôn chạy theo nhịp sống hối hả của kỹ thuật hiện đại.  Con người thời nay dễ bị căng thẳng.  Do đó, người ta thường tìm đến với Yoga,Thiền, với các phương pháp dưỡng sinh để tìm sự quân bình, tìm yên tĩnh, muốn trầm lắng nội tâm.

Vào mùa hè, người ta thường tạm nghĩ công việc, rời nếp sống đô thị náo nhiệt tìm đến nghỉ ngơi nơi vùng quê, miền biển, miền núi.  Nô đùa cùng sóng biển cát vàng, hít thở khí trời dịu mát của cao nguyên lộng gió hay hoà vào khung cảnh thanh bình êm ả của đồng quê bát ngát lúa chín vàng…  Bầu khí yên tĩnh, thời gian trầm lắng là điều rất cần thiết cho con người.  Thân xác nghỉ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt.  Từ đó, nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm, rút ưu khuyết, định hướng cho cuộc sống sắp tới.

4. Thinh lặng cầu nguyện

Trong lãnh vực tông đồ, thinh lặng cầu nguyện thật cần thiết.  Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa.  Cầu nguyện để biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm.  Cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc.  Cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Chúa.  Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Làm việc phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện.  Điều kiện tiên quyết để thành công chính là sự thinh lặng.  Từ thinh lặng ta mới có thể nuôi dưỡng những suy tư của mình một cách lâu dài được.  Bầu khí thinh lặng giúp ta hồi tâm xét mình thực thi sám hối cách đúng mức.  Bầu khí thinh lặng còn giúp cho người khác sống tinh thần cầu nguyện.

Người Kitô hữu yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào bên Chúa.  Người Kitô hữu tìm thấy sự thinh lặng thánh ấy trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện và ngay trong tâm hồn mình. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2).  Thinh lặng, cầu nguyện chiêm niệm, hồi tâm luôn mang lại sức sống thiêng liêng cho mỗi người.

Sứ điệp Ngày Truyền Thông Quốc Tế năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn chủ đề “Thinh Lặng và Lời: Con Đường Phúc Âm Hóa.”  Sứ điệp viết: Nếu Thiên Chúa nói với chúng ta ngay trong thinh lặng, chúng ta sẽ khám phá trong thinh lặng khả năng để nói với Chúa về Chúa…  Trong sự chiêm niệm thinh lặng, Lời Hằng Sống, qua Đấng cấu tạo thế giới, trở nên hiện diện mạnh mẽ hơn và chúng ta ý thức nhiều hơn về kế hoạch cứu chuộc Chúa đang thực hiện trong lịch sử chúng ta bằng lời nói và việc làm…  Lời nói và thinh lặng: học cách truyền thông là học cách lắng nghe và chiêm niệm cũng như học nói.

Mẹ Têrêxa Calcutta thích thinh thặng và đã dâng lời cầu nguyện tha thiết.

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng, xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói, để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người, tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim, để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét, để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sựAmen!

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA KHI GẶP KHÓ KHĂN

Ngắm Bức Tranh Lớn

Sẵn lòng lắng nghe Thiên Chúa và chú ý vào Người trong cầu nguyện có nghĩa là chúng ta cảm nghiệm hơn sự bình an và niềm vui, không chỉ trong khi chúng ta đang cầu nguyện, nhưng đặc biệt khi những lời cầu nguyện của chúng ta liên kết cách sâu sắc hơn với phần còn lại của cuộc sống chúng ta.

Việc xét mình cách thường xuyên giúp chúng ta ngày càng nhận thức hơn về nhu cầu thống hối tội lỗi của mình – những tội lỗi mà chúng ta thậm chí có thể không chú ý trước khi chúng ta ngước nhìn lên Chúa Giêsu Kitô như mẫu gương và mục đích của chúng ta – và hoa trái của việc thực hành này cũng sẽ mang lại bình an và niềm vui cho chúng ta.

Tuy nhiên, việc gia tăng sự bình an và niềm vui và thậm chí, chúng ta dám nói điều đó, sự thánh thiện không có nghĩa là chúng ta sống trên mây, không phải chịu ảnh hưởng bởi sự đau đớn, thất bại và thất vọng.  Chúng ta cần tỉnh táo để nghe Thiên Chúa nói, không chỉ trong những sự cao cả của sự bình an tôn giáo và sự thành công bên ngoài, nhưng còn trong cả những cuộc chiến đấu và các vấn đề của cuộc sống.

Câu chuyện về Giuse (x. St 37,39-50), một trong những tường thuật dài nhất trong Cựu ước, cho thấy cách Thiên Chúa đã dùng con người này để cứu toàn thể gia đình của ông – tuy điều này xảy ra chỉ qua một chuỗi những biến cố đau khổ.  Trước hết, Giuse rõ ràng được Thiên Chúa và cha cậu là Giacóp yêu thương, ưu ái.  Những quần áo đặc biệt từ cha cậu cùng với những giấc mơ đặc biệt từ Thiên Chúa, những giấc mơ cho biết rằng Giuse một ngày kia sẽ cai trị trên các anh cậu.  Thay vì chấp nhận những giấc mơ này như ý của Thiên Chúa, các anh lại bán Giuse làm nô lệ, một bước nhỏ trong kế hoạch ban đầu để giết ông.  Là một nô lệ ở Ai Cập, Giuse hoàn toàn tiến xa trong gia đình của Potipha – dường như rất tốt.  Vợ của Potipha cố dụ dỗ Giuse nhưng thất bại vì ông là người quá nhân đức, không nỡ phạm tội chống lại chủ mình.  Nhân đức này đã được báo đáp bởi những lời cáo buộc hiếp dâm của người đàn bà này, sau đó Giusu bị bỏ tù.  Trong khi ở tù, Giuse đã giải thích cách chính xác những giấc mơ của hai viên chức hoàng gia, người nướng bánh chính và hầu rượu của Pharaô.  Một thời điểm đáng kể sau đó, người hầu rượu của hoàng gia đã giới thiệu Giuse với Pharaô, vua bị phiền toái ghê gớm bởi hai giấc mơ của chính mình.  Lời giải thích của Giuse về bảy năm mùa màng bội thu được theo sau bởi bảy năm đói kém nghiêm trọng đã xảy ra đúng như thế, do vậy ông được chỉ định làm Đại Tể Tướng Ai Cập, vị trí thứ hai chỉ sau Pharaô.  Trong suốt bảy năm đói kém, các anh của Giuse đến với ông để tìm kiếm lương thực, họ cúi lạy ông như trong những giấc mơ thời thơ ấu của ông.  Họ không nhận ra ông, nhưng cuối cùng ông đã tiết lộ chính mình, được hòa giải và gặp lại cha mình, là Giacóp.

Không có gì trong những điều này đã xảy ra nếu các anh em Giuse không bán ông làm nô lệ.  Sẽ không có việc Giuse lên nắm quyền nếu ông đã không bị cáo buộc cách sai trái về tội hiếp dâm và bị bỏ tù cùng với các viên chức hoàng gia.  Nếu không bị bỏ tù, Giuse sẽ không ở vào vị trí phân phát lương thực trong bảy năm đói kém và cứu chính gia đình ông cũng như những người Ai Cập.  Giuse cuối cùng đã nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, như ông công bố với các anh em của mình trong Sách Sáng Thế chương 45,5-8.

“Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em.  Thật vậy, đây là năm thứ hai có nạn đói trong xứ, và sẽ còn năm năm nữa không cày không gặt.  Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại.  Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa.  Người đã đặt tôi làm cha của Pharaô, làm chúa tất cả triều đình, và làm tể tướng trên khắp cõi Aicập” (St 45,5-8).

Một Kế Hoạch Lớn Hơn

Thật tốt khi chúng ta đọc toàn bộ câu chuyện trong Sách Sáng Thế bởi vì nó được viết rất hay.  Các bản văn thực sự chỉ ra những chi tiết quan trọng và tuyệt vời mà bản tóm tắt của chúng tôi nhất thiết bỏ qua.  Mỗi chúng ta có thể lắng nghe câu chuyện của Giuse và học cách nhận ra Thiên Chúa đang hành động qua những hoàn cảnh khó khăn và những giai đoạn trong cuộc sống của chúng ta, hãy biết rằng một kế hoạch lớn hơn nhiều có thể đang mở ra – lớn hơn chúng ta có thể tưởng tượng ngay giây phút này.

Cầu nguyện trong những hoàn cảnh khó khăn không phải lúc nào cũng cất đi sự đau đớn hay giải quyết tình huống.  Chẳng hạn, cầu nguyện không có nghĩa là bạn hoặc những người thân yêu của bạn sẽ không bao giờ mắc bệnh.

Tôi chưa bao giờ thấy ích lợi khi hỏi “Tại sao là tôi? Tại sao điều này đã xảy ra với tôi?”  Nó đặc biệt vô ích khi câu hỏi là một cách khoa trương để nói với Chúa: “Ngài không bao giờ nên để cho con phải đau khổ.  Lạy Chúa, có chuyện gì xảy ra với Ngài vậy?”  Nếu tôi hỏi tại sao một vấn đề xảy ra cho tôi, thật tốt hơn để hỏi điều đó trong cách cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì trong tình huống này?  Sứ mạng Chúa dành cho con bây giờ là gì?  Có người nào đó, có lẽ là một bác sĩ, một y tá hoặc một bệnh nhân, người mà Chúa muốn con nói chuyện với?  Phải chăng Chúa muốn dùng hoàn cảnh này để giúp con giới thiệu ai đó khác cho Chúa?  Ý của Chúa trong tình huống này là gì?”

Đối với những người cầu nguyện, dường như là một thất bại của đức tin khi họ trải nghiệm sự đau đớn, những vấn đề và sự đau khổ trong cuộc sống, bởi vì họ mong đợi Thiên Chúa ngăn cản những vấn đề như thế cho những người mà Người yêu thương.  Tuy nhiên, Chúa cho phép những điều như thế xảy ra cho những kẻ Người yêu thương, từ Người Con của mình là Đức Giêsu Kitô đến kẻ tội lỗi nhất trong chúng ta.  Nhưng khi chúng ta nhận ra những điều tốt đẹp đã được thực hiện trong những tình huống khó khăn này, chúng ta sẽ tốt hơn để lắng nghe Thiên Chúa khi ở giữa những hoàn cảnh ấy.

Đây là bài viết đã được trích ra từ cuốn sách có tên là Làm Cách Nào để Lắng Nghe khi Thiên Chúa Nói, tác giả là Cha Mitch Pacwa (The Word Among Us Press, 2011), có thể truy cập tại www.wau.org/books.

Mitch Pacwa – chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Nguồn: WAU

DẠ, CON ĐÂY!

“Ta sẽ sai ai đây?  Ai sẽ đi cho chúng ta?”; “Dạ, con đây, xin sai con đi!”

Thế kỷ 19, một tờ báo Paris đăng quảng cáo tuyển người đi truyền giáo hải ngoại thế này: “Chúng tôi sẽ cống hiến cho các bạn không lương bổng, không bảo hiểm, không người chỉ dẫn, không chế độ hưu trí; nhưng phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc, chỗ ở tồi tàn, rất ít ủi an, nhiều thất vọng, đau ốm thường xuyên, một cái chết đớn đau trong cô đơn và một nấm mồ vô danh!”  Vậy mà đã có rất nhiều người “điên” đã ghi danh xuống tàu đi truyền giáo.  Các thừa sai Việt Nam đầu tiên vào những thời kỳ đầu thuộc số điên này.

Kính thưa Anh Chị em,

Ngày nay, dẫu không đến nỗi phải cảnh “một nấm mồ vô danh,” nhưng có lẽ Thiên Chúa cũng đang thực sự lúng túng khi Ngài không biết phải “sai ai đây.”  Vì thế, Lời Chúa nói với Isaia – bài đọc một – nói với các nhà thừa sai ngày nào vẫn đang ngỏ với chúng ta, “Ta sẽ sai ai đây?”

Trình thuật về ơn gọi của Isaia truyền tải một cảm giác về sự khác biệt và uy nghi của Thiên Chúa.  Isaia nhìn thấy Chúa “ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ” lấp đầy nơi thánh.  Nhà tiên tri có một ý thức sâu sắc về sự bất xứng của mình khi đứng trước sự hiện diện của Đấng Thánh Khiết.

Ngược lại, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về một Thiên Chúa liên quan mật thiết đến các chi tiết trong công trình sáng tạo của Ngài.  Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha trên trời không biết; Ngài là Đấng đếm từng sợi tóc trên đầu mỗi con cái.  Nếu con chim sẻ nhỏ bé – hai con có thể mua được một hào ở chợ – là quý trước mặt Chúa Cha thì bạn và tôi quý trọng hơn biết bao, “Các con còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

Không có sự xung đột giữa Thiên Chúa của Isaia và Thiên Chúa của Chúa Giêsu.  Ngài là một Thiên Chúa vừa ở bên ngoài chúng ta một cách vô cùng, vừa can thiệp sâu sắc vô hạn các chi tiết bên trong cuộc sống mỗi người.  Chính vì Ngài là Cha của chúng ta, nên chúng ta không sợ hãi khi làm chứng cho Chúa Giêsu, tuyên xưng Ngài trước mặt người khác.  Hãy nói với Ngài, “Dạ, con đây!” và ‘xuống tàu!’

Anh Chị em,

“Dạ, con đây!”  Với Isaia, bạn và tôi có thể thưa lên như thế khi biết Đấng sai chúng ta đang đồng hành với chúng ta trên mọi bước đường.  Hãy nhớ, “Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung tín, và Ngài sẽ trung tín đến cùng!” – Phaolô.  Như Isaia, chúng ta có thể cự nự với lý do này lý do khác, “Khốn thân tôi!  Vì tôi là một người môi miệng ô uế.”  Và còn hơn thế, “Tay con ô uế, trí con ô uế…  Con đang sống giữa một xã hội ô uế.”  Nhưng Chúa nói, “Hãy nhìn xem, than hồng đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xoá, tội ngươi được tha!”; “Mỗi ngày các Bí tích chạm đến con, Bí tích Hoà Giải tẩy sạch con, chữa lành con; Bí tích Thánh Thể bổ sức con, nuôi dưỡng con!”  Và khi Thiên Chúa nói xong, Isaia không tài nào cưỡng lại, để rồi ậm ự như bạn và tôi cũng sẽ ậm ự, “Dạ, con đây, xin sai con đi!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạ, con đây!  Chỉ xin cho con hiểu rằng, mức độ con nhận ra sự quan phòng của Chúa ‘tùy thuộc’ mức độ con ném mọi âu lo vào lòng thương xót của Ngài!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

ĐƯỢC SAI ĐI

Mỗi khi tham dự Phụng vụ Thánh Thể, vào lúc kết thúc Thánh lễ, vị linh mục chủ tế nói với cộng đoàn: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an!”  Nhiều người hiểu lầm coi đây là lời chào tạm biệt của vị linh mục.  Đây không phải là lời chào, mà là lệnh truyền lên đường, còn gọi là lời sai đi.  Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta đón nhận Lời Chúa và rước Thánh Thể.  Vào lúc Phụng vụ Thánh lễ kết thúc, cũng là lúc một Thánh lễ khác khởi đầu, đó là Thánh-lễ-cuộc-đời.  Giữa Phụng vụ Thánh lễ và Thánh-lễ-cuộc-đời có một mối liên hệ mật thiết.  Một linh mục thánh thiện đã nói: “Trong Thánh lễ buổi sáng, tôi là tư tế và Chúa Giê-su là của lễ.  Còn trong thời gian trọn một ngày, chính tôi là của lễ và Chúa Giê-su là Tư tế.”  Như thế, lời tuyên bố cuối lễ là lời nhắn nhủ các tín hữu với nội dung đại ý như sau: chúng ta vừa kết thúc Phụng vụ Thánh lễ.  Chúng ta vừa được nuôi dưỡng bằng Lời Hằng Sống và Thánh Thể.  Giờ đây chúng ta hãy khởi đầu một nghi lễ khác.  Anh chị em hãy lên đường, để chia sẻ những gì mình cảm nghiệm khi lắng nghe Lời Chúa và khi rước Thánh Thể trong Thánh lễ này.  Lời tuyên bố của vị linh mục, chính là lời sai đi, nhân danh Chúa Giê-su và nhân danh Giáo Hội.

Chúa nhật tuần trước chúng ta đã suy tư về cuộc đời và sứ vụ của các ngôn sứ trong Cựu ước.  Các ngài là những người được Chúa chọn và sai đi.  Khi thi hành sứ vụ, các ngài luôn xác tín mình chỉ là phương tiện Chúa dùng.  Ông A-mốt, người sống ở miền Bắc, vào thế kỷ thứ tám trước Công nguyên, đã giải thích ơn gọi của mình.  Ông thú nhận, ông không thuộc gia đình hay dòng dõi ngôn sứ, mà ông chỉ là người chăn chiên và người hái sung.  Đang lúc đi sau đàn chiên, chính Đức Chúa đã “bắt” lấy ông và sai ông đi.  Nhờ xác tín được Chúa sai đi, nên ông A-mốt kiên vững trước lời chế nhạo và đe dọa của một số tư tế thời bấy giờ.  Ông không chùn bước trước những nghịch cảnh, nhưng luôn trung thành với sứ mạng được trao.

Chúa Giê-su là Đấng Thiên sai, hay còn gọi là Đấng Mê-si-a.  Người luôn khẳng định: Người được Chúa Cha sai đến trần gian.  Người luôn trung thành với Chúa Cha.  Suốt cuộc đời dương thế, Người chỉ làm những gì đẹp lòng Chúa Cha.  Trong giây phút bi thương hoảng loạn ở vườn Cây Dầu, Chúa Giê-su đã thưa với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha.”

Khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, Chúa Giê-su đã gọi một số người theo Chúa.  Trong số đó có nhóm Mười Hai, được Người gọi họ là “tông đồ – απόστολος – Apostolos,” có nghĩa là “người được sai phái,” hay “sứ giả” (x. Lc 6,12-19).  Người sai các ông đi “hai người một.”  Điều này cho thấy tính tập thể và liên đới của sứ mạng tông đồ.  Thánh Mác-cô hôm nay nói với chúng ta những lời dặn dò của Chúa Giê-su, khi Người sai các tông đồ lên đường.  Người dạy các ông không gắn bó lệ thuộc vào bất cứ điều gì.  Người thợ đáng được hưởng lương.  Người tông đồ có quyền nhận những gì được biếu tặng để lo cho cuộc sống và giúp thi hành sứ mạng, nhưng họ phải hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc vào vật chất.  Chúa Giê-su cũng mời gọi các ông sống nghèo, như bản thân Người đã sống nghèo.  Người đã có một cuộc sống không nhà không cửa, không có nơi dựa đầu.  Kinh nghiệm cho thấy, một khi người tông đồ bị lệ thuộc vật chất, hoặc xao lãng việc tông đồ để tích lũy của cái và làm kinh tế, họ sẽ thất bại.  Bởi lẽ, người tông đồ đã có Chúa là gia nghiệp cuộc đời.

Thánh Phao-lô trong Bài đọc II mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Giê-su chiến thắng và hiển trị.  Nội dung Bài đọc II vốn là một thánh thi được dùng trong Phụng vụ thời Giáo Hội sơ khai.  Tác giả khởi đi từ biến cố thập giá, để nói đến ơn cứu độ Thiên Chúa thực hiện trong Đức Giê-su, và vương quyền Chúa Cha ban cho Chúa Con.  Nhờ vương quyền này, Chúa Giê-su là Đấng thống trị mọi loài, không phải bằng uy quyền độc tài trần thế, nhưng bằng ân sủng và tình yêu.  Mỗi tín hữu Ki-tô và cả Giáo Hội được thấm nhuần ân sủng của Chúa Giê-su.  Trọn vẹn cuộc sống của người tín hữu được kết hợp mật thiết với Chúa, nhờ lắng nghe và thực thi Lời của Người.

Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Ki-tô hữu được trao ban chức năng ngôn sứ.  Sách Giáo lý Công giáo số 905 đã nêu rõ như sau: “Các giáo dân chu toàn sứ vụ ngôn sứ của mình bằng việc Phúc âm hóa, nghĩa là loan báo Đức Ki-tô bằng chứng từ đời sống và bằng lời nói.  Nơi các tín hữu giáo dân, việc Phúc âm hóa này mang một sắc thái đặc thù và một hiệu quả đặc biệt, vì được thực hiện trong những hoàn cảnh bình thường của đời sống.”

Mỗi chúng ta đều được Chúa Giê-su sai đi.  Lời tuyên bố kết lễ hằng ngày là lời sai đi nhân danh Chúa Giê-su và nhân danh Giáo Hội.  Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn khôn ngoan, sức mạnh và can đảm để thực thi nhiệm vụ ngôn sứ trong đời sống hằng ngày, Amen.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CÁCH CÁC THÁNH DẠY CHÚNG TA KIỀM CHẾ CƠN GIẬN

“Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1:19-20).

Bạn có nóng tính không?  Nếu thế thì bạn có đồng minh rồi.  Một số vị thánh cũng nóng tính như thế, một tính nết mà các ngài đã khắc phục được nhờ sự trợ giúp của Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng thánh Giacôbê và Gioan được gọi là “con của thiên lôi” (Mc 3,17) có lẽ vì bản tính nóng nảy của các ông, như khi các ông muốn Chúa Giêsu gọi lửa từ trời xuống để thiêu hủy một thị trấn không tiếp đón Chúa (Lc 9:51-56).  Các vị thánh nóng tính khác được biết đến bao gồm thánh Basil Cả, người có tính tình nóng nảy khiến ông không khéo léo trong cách cư xử với người khác.

Một ví dụ gần đây hơn là thánh Benildus, một tu sĩ người Pháp sống vào thế kỷ 19.  Ngài từng nhận xét về những khó khăn của mình khi làm giáo viên như sau: “Tôi tưởng tượng rằng nếu các thiên thần xuống làm giáo viên thì họ cũng sẽ khó kiềm chế được cơn giận của mình.”

Khi nói đến danh tiếng là người hay nổi giận, thánh Jerome xứng đáng ở vị trí đầu tiên.  Vị học giả Kinh Thánh vĩ đại này có một nhân cách xuất sắc nhưng hay cáu gắt và nổi tiếng vì những lập luận của ông với các nhân vật khác trong Giáo hội, bao gồm cả với thánh Augustinô.  Ngài thường viết những lá thư với sự gắt gỏng hoặc châm biếm thánh Augustinô.  Thánh Pammachius, một cựu thượng nghị sĩ La Mã, đã trao đổi thư từ với thánh Jerome và cố gắng thuyết phục ngài giảm tông giọng nói của mình nhưng không thành công đáng kể.  Thánh Marcella cũng trao đổi thư từ với thánh Jerome, đôi khi thách đố các ý tưởng của ông và từng than phiền về tính nóng nảy của ông.  Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thánh Jerome đối xử rất dịu dàng với những người nghèo khổ và bị áp bức.  Ngài nhận thức rõ những điểm yếu của mình và thực hiện những hành động sám hối lớn lao vì họ (chẳng hạn như sống trong hang động).

Một số vị thánh được chúng ta biết đến với bản tính hiền lành, ví dụ như thánh Giám mục Francis de Sales và thánh Vincent de Paul, vị linh mục thánh thiện người Pháp.  Họ đã phải rất cố gắng để vượt qua chiều hướng giận dữ và bất bình của mình.  Thánh Vincent nói rằng, nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, ngài sẽ là một người “cứng nhắc và ghê tởm, thô bạo và ngang ngược.”  Còn thánh Francis de Sales từng tuyên bố rằng ngài phải mất hơn hai mươi năm để học cách kiềm chế tính khí nóng nảy của mình.

Chân phước John Colombini sống vào thế kỷ 14 là một thương gia khá tham lam, đặc biệt nổi tiếng với tính khí nóng nảy.  Một ngày nọ, ông ấy nổi cơn thịnh nộ vì bữa tối chưa sẵn sàng khi ông ấy trở về nhà.  Với hy vọng ông sẽ cư xử tốt hơn, vợ ông đưa cho ông một cuốn sách về các vị thánh.  John ném cuốn sách xuống sàn, nhưng rồi – xấu hổ vì tính nóng nảy của mình – ông nhặt nó lên và bắt đầu đọc.  Ông mải mê đọc đến nỗi quên mất bữa tối.  Thực sự, John đã hoàn toàn được biến đổi bởi kinh nghiệm này.  Sau đó, ông cho đi phần lớn tài sản của mình, biến ngôi nhà của mình thành bệnh viện và đích thân chăm sóc cho một người đang đau khổ vì bệnh phong.  Khi vợ khuyên ông nên thận trọng trong các việc bác ái của mình, John – người không còn dễ bị xúc phạm bởi những lời quở trách nữa – nhẹ nhàng nhắc nhở bà rằng bà là người đã cầu mong cho ông hoán cải (mà lẽ ra bà phải đáp lại là: “Tôi xin mưa, nhưng đây là lụt”).

Cần có thời gian và sự kiên nhẫn để học cách kiểm soát tính khí nóng nảy, và một số vị thánh đã sẵn sàng nỗ lực hết sức trong vấn đề này.  Chẳng hạn, khi một cơn bão cản trở mùa màng của thánh Nathalan, ngài đã giận dữ phàn nàn với Chúa.  Liền sau đó, ngài hối hận, thề sẽ kiềm chế cơn giận và đã có bước đi triệt để nhắc nhở bản thân về lời thề này.  Ngài trói tay phải vào chân bằng một ổ khóa sắt và ném chìa khóa xuống sông, hứa rằng sẽ không bao giờ mở cho đến khi ngài thực hiện một chuyến hành hương sám hối tới Rôma.  Nhiều năm sau, thánh Nathalan đến Rôma.  Ngài mua một con cá từ một cậu bé ở đó, và bên trong dạ dày của con cá là một chiếc chìa khóa.  Tất nhiên, nó có thể mở được ổ khóa.

Có lẽ Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm những nỗ lực phi thường như thánh Nathalan, nhưng Ngài muốn chúng ta kiểm soát cơn giận của mình, và Ngài ban cho chúng ta cơ hội để làm điều đó, đặc biệt là trong cuộc sống hàng ngày.  Kiên nhẫn chịu đựng những thói quen khó chịu của người khác, sửa chữa lỗi lầm của người khác với sự tử tế và lịch sự, không bấm còi nếu có người cản đường chúng ta khi tham gia giao thông, không chiều theo cám dỗ vội vàng phán xét động cơ của người khác.

Khi phải nói chuyện với người mà chúng ta đang giận, trước tiên chúng ta nên cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và giúp đỡ. Cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta những lời nói đúng đắn có thể làm dịu một tình huống có nguy cơ bùng nổ.

Thánh Thérèse Lisieux khuyên chúng ta: “Khi giận ai, cách tìm bình an là cầu nguyện cho người đó và xin Chúa thưởng ơn cho họ vì đã làm mình đau khổ.”  Chúng ta thường không nghĩ thế này, nhưng những người chọc giận chúng ta là đang vô tình giúp đỡ chúng ta bằng cách cho phép chúng ta phát huy tính kiên nhẫn, vì vậy chúng ta nên cố gắng cư xử nhẹ nhàng với họ.

Tương tự như thế, thánh Alphonsus Liguori nói: “Khi chúng ta phạm lỗi nào đó, chúng ta cũng phải nhẹ nhàng với chính mình.  Tự trách mình sau khi làm sai điều gì đó không phải là khiêm tốn mà là một hình thức kiêu ngạo tinh tế.  Tự tức giận với chính mình sau khi phạm lỗi là một lỗi lầm lớn hơn lỗi lầm vừa phạm, và sẽ dẫn đến nhiều lỗi lầm khác.”  Vì vậy, Chúa muốn chúng ta kiểm soát cơn nóng nảy của mình, ngay cả khi chính chúng ta là đối tượng của sự tức giận.  Lòng thương xót và sự bình an có tính chữa lành của Chúa được ban cho mọi người, nhưng chúng ta sẽ bỏ lỡ chúng nếu chúng ta để cho cơn giận của mình ngăn trở.

Vài cách để kiểm soát cơn giận

Thánh Francis de Sales khuyên rằng, để tránh tội giận dữ, bạn phải nhanh chóng cầu xin Chúa ban bình an cho tâm hồn khi bạn đang tức giận, và sau đó hướng suy nghĩ của bạn sang việc khác.  Đừng bàn ngay vào vấn đề, đưa ra quyết định hoặc sửa sai người khác khi bạn đang tức giận.  Thánh Francis khuyên, khi một người chọc giận bạn, hãy xem xét những phẩm chất tốt của người đó, thay vì những lời nói hay hành động mà bạn thấy khó chịu.

Nếu bạn muốn kiểm soát tính khí nóng nảy của mình, hãy nhận biết những hoàn cảnh mà bạn có nhiều khả năng tức giận nhất, trong một số hoàn cảnh nhất định (chẳng hạn như giao thông vào giờ cao điểm), với một số người nhất định (có thể là một người hàng xóm hoặc người quen nào đó), hoặc vào những thời điểm nhất định trong ngày (có thể ngay trước khi kết thúc ngày làm việc, khi bạn đang cố gắng thu dọn bàn làm việc).  Một khi bạn đã học được từ kinh nghiệm về những điều có thể khiến bạn tức giận, bạn hãy chuẩn bị cho những khoảnh khắc đó bằng một lời cầu nguyện ngắn và thầm lặng, chẳng hạn: “Lạy Chúa, xin giúp con tránh nổi nóng” hoặc “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được bình tĩnh.”

Khi bạn đang ở trong tâm trạng bình an, việc nhớ lại một tình huống gần đây khiến bạn mất bình tĩnh cũng rất hữu ích.  Hãy tự hỏi bản thân: “Liệu sự tức giận của tôi có chính đáng không?  Tôi sẽ ứng phó thế nào với tình huống này trong tương lai?”  Bạn thậm chí có thể “thực hành” phản ứng đúng cách bằng cách giả vờ như tình huống này đang lặp lại; bằng cách để bản thân cảm thấy tức giận khi ở một mình, bạn có thể luyện tập những phản ứng có thể xảy ra và đánh giá xem phản ứng nào có thể giúp ích cho bạn.

Tác giả: Fr. Joseph M. Esper – Người dịch: Kim Linh
Nguồn: Catholic Exchange

ẢO TƯỞNG TỰ ĐỦ

Không ai trong chúng ta đi sâu vào cộng đồng trong khi đang nuôi dưỡng ảo tưởng tự đủ, khi chúng ta vẫn còn nói, mình không cần đến người khác!  Tôi chọn mình sẽ là ai, là gì trong đời này!

Vài năm trước, tôi có dự tang lễ của một ông cụ thọ 90 tuổi.  Ở mọi khía cạnh, ông là người tốt, kiên trung giữ đạo, con cái đông đúc, người đáng trọng trong cộng đồng và là người có lòng quảng đại.  Ông mạnh khỏe, có tài, có tư chất lãnh đạo, là người mà chúng ta sẽ chọn để quản trị và dẫn dắt.  Vì thế ông có một địa vị uy tín trong cộng đồng.  Ông là kiểu người nắm quyền.

Ông có người con trai là linh mục công giáo, và người con giảng trong tang lễ.  Cha mở đầu bài giảng như sau: Kinh Thánh viết, đời người chỉ đến bảy mươi, mạnh giỏi lắm thì được tám mươi.  Bây giờ cha của chúng tôi qua đời năm 90 tuổi.  Tại sao lại có thêm 20 năm này?  Đây không phải là một bí ẩn gì.  Ông quá mạnh mẽ, ông có nhiều trách vụ phải làm để phải chết ở tuổi 70 hay 80.  Chúa cho ông thêm 20 năm để ông dịu lại.  Và nó hiệu quả.  Mười năm cuối của ông là những năm ông suy giảm rất nhiều.  Vợ mất, và cha tôi không bao giờ qua được thử thách này.  Ông bị trụy tim và phải cần người giúp hỗ trợ sinh hoạt, đây là một đòn nặng giáng lên ông.  Rồi những năm cuối đời, ông phải cần có người giúp trong các công việc vệ sinh tối thiểu.  Với một người như ông, đó là cả một hạ mình.

Nhưng tất cả những chuyện này có tác động.  Nó làm ông dịu đi.  Trong những năm cuối này, mỗi khi có ai đến thăm, ông sẽ cầm tay họ và nói “xin giúp tôi.”  Từ lúc lên năm và khi có thể tự thắt dây giày, ông đã không thể nói ba chữ này.  Đến lúc qua đời, ông đã sẵn sàng để ra đi.  Khi gặp Chúa Giêsu và thánh Phêrô ở thiên đàng, tôi chắc cha tôi sẽ đưa tay ra và nói, “xin giúp con.”  Tôi chắc chắn, nếu là 10 hay 20 năm trước, hẳn ông đã cho Chúa Giêsu và Thánh Phêrô lời khuyên làm sao để cổng thiên đàng mở ra mở vào hiệu quả hơn.

Đây là dụ ngôn nói một cách trực tiếp và sâu sắc về một vị thế mà chúng ta cuối cùng đều phải đứng ở đó, dù bằng chọn lựa chủ động hay phải quy phục hoàn cảnh, nhưng cuối cùng tất cả chúng ta đều đứng vào một vị thế chấp nhận, chúng ta không tự đủ, chúng ta cần giúp đỡ, cần người khác, cần cộng đồng, cần ân sủng và cần Thiên Chúa.

Tại sao điều này lại quan trọng đến như thế?  Vì chúng ta không phải là Chúa, và khi nhận ra, chấp nhận như thế thì chúng ta khôn ngoan hơn và biết yêu thương hơn.  Các thần học gia kinh điển của Kitô giáo định nghĩa Thiên Chúa là hiện hữu tự đủ, và nhấn mạnh rằng chỉ có Thiên Chúa mới tự đủ.  Chỉ có Thiên Chúa mới không cần điều gì ngoài chính Ngài.  Còn mọi sự khác, tất cả mọi sự không phải là Thiên Chúa, thì được định nghĩa là phụ thuộc các yếu tố, là không tự đủ, là cần điều gì đó ngoài bản thân mình để tồn tại và duy trì sự tồn tại đó mỗi giây mỗi phút trong đời.

Nói như vậy nghe có vẻ là thần học trừu tượng, nhưng mỉa mai thay, chính các em bé lại hiểu chuyện này, ý thức được chuyện này.  Chúng biết rằng chúng không thể tự chu cấp cho mình, và mọi sự đến với chúng đều là món quà.  Chúng biết chúng cần giúp đỡ.  Tuy nhiên, không lâu sau khi đã biết thắt dây giày, thì ý thức này bắt đầu phai mờ khi chúng bước vào tuổi dậy thì, rồi tuổi trưởng thành, nhất là khi chúng khỏe mạnh, cường tráng và thành công thì chúng bắt đầu sống với ảo tưởng tự đủ.  Tôi tự chu cấp cho bản thân tôi!

Thật sự là điều này đã tạo điều kiện cho chúng tự tin bước vào đời.  Nhưng nó lại không tạo điều kiện cho sự thật, cộng đồng, tình yêu hay linh hồn.  Nó là một ảo tưởng, là ảo tưởng lớn nhất.  Không ai trong chúng ta đi sâu vào cộng đồng trong khi đang nuôi dưỡng ảo tưởng tự đủ, khi chúng ta vẫn còn nói, mình không cần đến người khác!  Tôi chọn mình sẽ là ai, là gì trong đời này!

G.K. Chesterton từng nói rằng sự quen thuộc là thứ ảo tưởng lớn nhất.  Ông nói đúng, và điều chúng ta quen thuộc nhất, đó là tự chăm sóc bản thân và nghĩ rằng mình lo cho mình được.  Như chúng ta biết, nó giúp cho chúng ta vượt lên trong đời.  Tuy nhiên, may cho chúng ta, thông qua đau đớn, Thiên Chúa và tự nhiên luôn hợp sức để dạy chúng ta rằng chúng ta không tự đủ.  Tiến trình trưởng thành, già đi, và cuối cùng là chết được sắp đặt để dạy cho chúng ta (bất kể chúng ta có tiếp thu bài học này hay không) rằng chúng ta không nắm quyền, và sự tự đủ chỉ là một ảo tưởng.  Cuối cùng, tất cả chúng ta đều đến một ngày mà chúng ta, như thời chưa biết thắt dây giày, sẽ đưa tay ra mà nói, “xin giúp tôi.”

Triết gia Eric Mascall có một câu nói, bao lâu chúng ta còn xem cuộc đời là chuyện đương nhiên thì chúng ta không khôn ngoan cũng không trưởng thành.  Chúng ta thực sự khôn ngoan và trưởng thành khi nào chúng ta xem nó là món quà nhưng không, từ Thiên Chúa, từ tha nhân, từ tình yêu.

Ronald RolheiserJ.B. Thái Hòa dịch

VỊ NGÔN SỨ GIỮA CHÚNG TA 

Thánh Lu-ca kể lại: khi nghe Chúa Giê-su làm phép lạ cho hồi sinh người con trai duy nhất của người đàn bà góa, dân chúng cảm phục và thốt lên: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7, 16).  Những người Do Thái thông thạo truyền thống Cựu ước sẽ hiểu khái niệm “ngôn sứ” mà họ dùng để xưng tụng Chúa Giê-su.

Danh xưng ngôn sứ, trước đây chúng ta thường dịch là “tiên tri,” và được giải thích là “biết trước.”  Thực ra, ngôn sứ là người được Chúa sai đi để chuyển tải giáo huấn và thông điệp của Ngài (ngôn là lời và sứ là được sai đi).  Có thể người sai đi là một người uyên bác, những cũng có thể là một người nông dân bình thường, như trường hợp ngôn sứ A-mốt.  Chính ông này đã nói: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung.  Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Ít-ra-en của Ta” (Am 7,14-15).  Chi tiết này chứng minh: việc loan báo thông điệp của Chúa không hề lệ thuộc vào sự khôn ngoan của con người, nhưng là chính hành động của Thiên Chúa.  Chính Ngài soi sáng và làm cho vị ngôn sứ trở nên mạnh mẽ can trường, nhiệt thành loan báo giáo huấn của Ngài.  Qua các ngôn sứ, lịch sử Ít-ra-en chứng minh rằng: chính Thiên Chúa mới là Đấng giáo huấn và điều khiển dân tộc được tuyển lựa.  Các vua hay những người lãnh đạo chỉ là những dụng cụ Ngài dùng mà thôi.

Trong khi dân chúng tung hô Đức Giê-su là Vị Ngôn Sứ vĩ đại, thì đồng hương của Người lại không nhận ra điều ấy.  Phúc âm hôm nay kể lại một chuyến thăm quê hương của Chúa Giê-su.  Thay vì đón nhận lời giáo huấn của Người, họ lại “tỉa tót” những chi tiết liên quan đến tuổi thơ, về gia đình và họ hàng của Người.  Những người đồng hương mang nặng thành kiến về Chúa Giê-su, và họ dựa vào đó để từ chối những gì Người giảng dạy.  Sự thành kiến và kiêu ngạo là những vật cản không cho họ nhận ra Người là Đấng Thiên Sai.  Mặc dù ghi nhận những việc Người làm là phi thường, họ cũng chỉ coi Người là một người xuất thân từ nghề thợ mộc.  Chúa Giê-su đã nhắc lại câu ngạn ngữ dân gian: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”  Câu ngạn ngữ này cũng giống như chúng ta thường nói: “Bụt chùa nhà không thiêng.”  Cuộc viếng thăm quê hương của Người xem ra không có cái kết đẹp.  Cũng trong trình thuật song song, thánh Lu-ca còn cho chúng ta biết thêm: sau khi Đức Giê-su trưng dẫn hai nhân vật là Ê-li-a và Ê-li-sa để ngầm trách họ, những người đồng hương đã kéo Người lên đỉnh núi với ý định xô Người xuống vực (x. Lc 4,16-30).

Xã hội thời nay cũng vẫn có nhiều người mang nặng thành kiến, như thời của Chúa Giê-su.  Khi nói về giáo huấn của Phúc âm và của Giáo hội, họ thường dựa và những sự kiện tiêu cực của Giáo hội trong lịch sử để đánh giá không đúng về Đạo của chúng ta.  Họ chỉ quan sát và đánh giá Giáo hội theo cái nhìn thuần tuý trần tục, thậm chí bằng sự ghen tương hiềm thù.  Chính Chúa Giê-su đã thành lập Giáo hội, và Giáo hội lại bao gồm những thành viên.  Trong số các thành viên, có người tốt và có người chưa tốt.  Có người lợi dụng Giáo hội để làm những điều không đúng.  Ánh sáng và bóng tối luôn đan xen trong từng trang của lịch sử Giáo hội cũng như lịch sử xã hội.  Người tín hữu chân chính cần biết sàng lọc và phân định để đón nhận và sống như con cái của sự sáng.

Người tín hữu không chỉ đón nhận đức tin, mà còn là những người rao giảng đức tin.  Bí tích Thanh tẩy trao cho chúng ta ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế.  Đức Giê-su cũng có ba chức năng này.  Những ai được xức dầu trong Bí tích Thanh tẩy đều được gọi là Ki-tô, tức là người được xức dầu.  Như thế, mỗi Ki-tô hữu là một ngôn sứ, tức là người được Chúa sai đi để nói Lời của Người.  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).  Đây là lời của Đức Giê-su phục sinh nói với các môn đệ.  Vâng, hôm nay Chúa Giê-su vẫn sai chúng ta vào lòng cuộc đời, để trở nên muối và ánh sáng.  Với nỗ lực cố gắng, chúng ta sẽ góp phần làm lan tỏa những giá trị Tin Mừng trong môi trường cuộc sống.

Chúa Giê-su là vị Ngôn sứ đang sống giữa chúng ta.  Người ban cho chúng ta Thần Khí của Người, tức là Chúa Thánh Thần, như thánh Phao-lô quả quyết: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Bài đọc II).  Nhờ Thần Khí hướng dẫn, chúng ta sẽ trở nên con người hoàn hảo, trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em.

Ơn gọi ngôn sứ là một vinh dự lớn lao, nhưng cũng phải trải qua nhiều thử thách.  Cuộc đời các ngôn sứ trong lịch sử Cứu độ đã chứng minh điều đó.  Chúa Giê-su, vị Ngôn sứ vĩ đại cũng đã bị chống đối và bị giết chết.  Để thực thi sứ vụ cao cả này, Ki-tô hữu cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng Chúa luôn ở với chúng ta, và Người trấn an chúng ta như Người đã nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cô-rin-tô 12,9).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên