GIUSE, NGƯỜI HÙNG CỦA THINH LẶNG

Nói đến Giuse là nói đến con người của Mùa chay.  Điều đó có nghĩa rằng Ngài yêu thích sự thinh lặng nội tâm.  Ngài thinh lặng đến nỗi mà trong Kinh thánh, không hề nghe được một câu nói nào thốt ra từ chính môi miệng của ngài.  Cho nên lễ thánh cả Giuse được Giáo hội mừng vào Mùa chay thánh cũng là dễ hiểu thôi.

Vì thế, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi nhân đức thinh lặng của thánh Giuse như thế này:

“Một sự thinh lặng cho thấy được một cách đặc biệt con người nội tâm của thánh Giuse.  Các sách Tin mừng chỉ nói đến những gì “thánh Giuse làm,” nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được “trong những hành động” luôn luôn thấm nhuần sự thinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa.  Hằng ngày thánh Giuse tiếp xúc với “mầu nhiệm được giấu kín từ bao thế hệ,” mầu nhiệm đã “cư ngụ” dưới mái gia đình của thánh Giuse.”

Ai đã từng một lần hành hương đến Nazaret, quê hương của Thánh gia, thì sẽ nhận thấy ngòai đường phố, trong cửa hiệu buôn bán, thậm chí ngay ở quầy tiếp tân của khách sạn, tuyệt nhiên không có lấy một bóng người phụ nữ.  Sở dĩ như thế là vì đây là một xã hội của đàn ông, đàn bà không có quyền ăn nói, thậm chí không có quyền xuất hiện.  Và trong một nếp sống như thế, lẽ ra Giuse có quyền và có bổn phận phải nói, nhưng ngài đã chọn thinh lặng.

Tin mừng cho chúng ta thấy rằng, cuộc đời của thánh Giuse là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh.  Một cuộc đời có nhiều sóng gió, gian nan và thử thách.  Thế nhưng người ta vẫn gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm, thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, rồi suy niệm, nhận ra ý Chúa và mau mắn thi hành.

Giuse, người thinh lặng lắng nghe

Có thể nói được rằng, Giuse thinh lặng là để lắng nghe tiếng Chúa.  Trước biến cố Maria có thai, Giuse đau khổ lắm.  Nhưng trong thinh lặng, Giuse vẫn rất mực yêu thương Maria và tin tưởng rằng Maria trong sạch tinh tuyền.  Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nỗi đau riêng mình với một quyết định: “Đào vi thượng sách.”  Giuse không còn chọn lựa nào khác” vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).  Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Đừng sợ đón Maria về nhà mình”(Mt 1,20).  Nhận ra thánh ý Thiên Chúa “Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24).  Như vậy, trong thinh lặng, Giuse đã lắng nghe thánh ý của Chúa và mau mắn thi hành.

Rồi cuộc sống đang bình yên tại Bêlem, thì chính lúc đó, Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc chạy sang Ai Cập sống kiếp lưu đày.  Trước mắt là gian truân vất vả, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14).

Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng, thì một lần nữa, Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để lên đường.  Thật mau mắn trước Thánh ý Chúa, “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21).

Trước thánh ý của Thiên Chúa, Giuse thinh lặng lắng nghe, vâng phục và chu toàn giống như Đức Maria.  Trong thinh lặng, Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm.  Ngài hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt.  Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững.  Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, Ngài nghe và vâng theo, rồi mau mắn thi hành.  Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài vẫn luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình.

Thinh lặng đồng hành với Thánh Gia

Sau khi mang Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người trở về từ Ai Cập, Giuse đã cùng sống và đồng hành với Thánh Gia tại Nazaret.  Cùng với Đức Maria, Giuse dâng con trẻ Giêsu trong đền thánh.  Trong khi đó, cụ già Simeon đã cất lên bài thánh ca chúc tụng, còn Giuse vẫn thinh lặng lắng nghe và suy gẫm những lời tiên tri về con trẻ Giêsu.

Khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cùng với gia đình đi hành hương đền thánh Jerusalem.  Nhưng con trẻ Giêsu bị thất lạc.  Sau khi tìm thấy con trong đền thờ, Đức Maria đã nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?  Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48).  Còn Giuse vẫn thinh lặng không nói một lời nào.  Nhưng ngài thinh lặng để lắng nghe Lời của Chúa Giêsu: “Sao cha mẹ lại tìm con?  Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

Trong cuộc sống đời thường tại Nadarét, thánh Giuse âm thầm thinh lặng lao động.  Tin mừng không nói gì về cuộc sống của ngài tại Nadarét.  Điều duy nhất biết được là ngài làm nghề thợ mộc và ngay cả chi tiết nhỏ này nữa, chúng ta cũng chỉ biết nhờ những người đồng hương gọi Đức Giêsu là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55) mà thôi.  Rồi ngài qua đời khi nào và được an táng ở đâu nào có ai hay. T ất cả những điều đó nói lên cuộc đời thinh lặng của thánh Giuse.

Cuối cùng, chiêm ngắm cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta học hỏi nơi Người sự thinh lặng để lắng nghe, thinh lặng để thấu hiểu và thinh lặng để thực thi ý Chúa.  Tắt một lời, thánh Giuse là vị thánh của thinh lặng.  Thiên Chúa nói với ngài ngay trong thinh lặng và nếu như chúng ta cũng biết sống trong thinh lặng, thì Thiên Chúa cũng sẽ nói với chúng ta, và chúng ta lắng nghe tiếng của Ngài và thực thi thánh ý Ngài.

Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Nguồn:  https://www.vanthoconggiao.net/2022/05/thinh-lang-thanh-chuong-v-nguoi-hung-thinh-lang-trong-kinh-thanh-tac-gia-lm-micae-trinh-ngoc-tu.html

LẮNG NGHE CHÚA TRONG THINH LẶNG

Một trong những phẩm tính đáng ngưỡng mộ nhất được nhận thấy trong cuộc đời Thầy Chí Thánh Giêsu, mẫu gương trọn lành của chúng ta, là sự thinh lặng.  Tất cả những huyền nhiệm của cuộc sống dương gian, cũng như đời sống thần linh cao vời của Người đều mang dấu ấn thiêng thánh của sự thinh lặng.

Hội Thánh cho chúng ta biết rằng Hài Nhi Giêsu đã đến giữa thế gian trong sự yên ắng của toàn vũ trụ: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, Lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu” (Kn 18,14).  Ba mươi năm đầu đời của Chúa Giêsu đã được bao trùm bởi một sự thinh lặng ấn tượng.  Sau đó là thời gian ba năm đời sống công khai rao giảng của Người, thời gian để Thiên Chúa cất lời và đối thoại với con người.  Dẫu vậy, ngay cả trong thời kỳ này cũng chất chứa thật nhiều điều kỳ diệu của sự thinh lặng.  Thinh lặng là một nét đặc thù trong Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu đến nỗi Tiên tri Isaia đã loan báo trước rằng: “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng”(Is 53,7).

Trong Bí tích Thánh Thể, chẳng phải sự thinh lặng khôn thấu của Người làm cảm kích chúng ta và thông truyền chính Người cho chúng ta mỗi khi chúng ta tiếp cận đó sao?

Sự thinh lặng không được coi là một nhân đức, nhưng nó chính là môi trường để các nhân đức triển nở, và nó cũng là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của các nhân đức.  Điều này giống như khi nhìn thấy những bông lúa vàng xuất hiện trên cánh đồng, chúng ta biết hạt lúa đã chín, cũng vậy, khi một nhân đức được nhuốm màu thinh lặng, chúng ta nhận thức được rằng nó đang vươn tới sự trưởng thành.  Hãy suy tư về sự thinh lặng của Chúa Giêsu, đồng thời cố gắng suy đi gẫm lại bên trong tâm hồn chúng ta để mỗi người có thể noi gương sự thinh lặng của Người nơi đời sống của chính mình.

Học cách thực hành thinh lặng nội tâm

Chúng ta hãy nhìn xem sự thinh lặng trong ba mươi năm đầu sống ẩn dật của Chúa Giêsu.  Sự thinh lặng này quả thật không thể hiểu thấu.  Nếu có một con người nào với đủ tất cả quyền hạn để cất tiếng nói, tất cả ân ban để lôi kéo sự chú ý, tất cả phương tiện để tạo ra cơn chấn động, thì con người đó phải là Chúa Giêsu, bởi chính Người là Chủ tể muôn loài, Thượng Trí vô tạo, đặc biệt Người là Ngôi Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa Cha, và cũng là Đấng mà thế nhân hằng mong đợi từ rất lâu.  Chắc chắn, nếu có bất kỳ sự kiện nào gây rúng động trong dòng lịch sử, đó phải là sự nhập thể và cư ngụ giữa chúng ta của Chúa Giêsu.  Thế nhưng, thay vào đó, một sự thinh lặng bao trùm ba mươi năm đầu tiên ấy.

Kinh Thánh gần như cũng không cho chúng ta biết gì hơn khi nói đến giai đoạn này.  Rất nhiều lần chúng ta muốn biết thêm một chút về những bí nhiệm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu để dưỡng nuôi lòng đạo đức của mình.  Mặc dầu vậy, Kinh Thánh chỉ thi thoảng đề cập đến những năm đầu đời của Người.  Như tiếng thì thầm thoảng qua nơi đồng vắng, một vài trang kể về những sự kiện trong giai đoạn đời sống ẩn dật của Chúa Cứu Thế đã nhấn mạnh và làm bật lên mà không hề phương hại gì đến sự thinh lặng: Ba nhà đạo sĩ đăng trình thờ lạy Hài Nhi Giêsu, cuộc trốn chạy qua Ai Cập của Thánh Gia, việc dâng trẻ Giêsu trong đền thờ – ba sự kiện này không những không gây xáo trộn sự thinh lặng của giai đoạn ẩn dật, nhưng làm hiển lộ một cách rõ ràng hơn.

Chúng ta cảm nhận được sự thinh lặng đặc biệt trong lối sống của gia đình Nazareth.  Đó là “ngôi nhà của thinh lặng,” chúng ta gần như chẳng thể mường tượng được ý niệm nào khác về Thánh gia ngoài điều này.  Mỗi khi chúng ta suy gẫm về những mầu nhiệm đã diễn ra ở đó, chúng ta luôn nhận thấy mỗi thành viên của Thánh gia đều cư ngụ trong một sự thinh lặng thần thiêng.  Có thể nói, sự hiện diện của gia đình Nazareth đã lưu giữ tâm hồn chúng ta đắm chìm trong thinh lặng.

Thánh Cả Giuse không hề có một lời nào được viết lại trong Tin Mừng, và chúng ta chẳng thể hình dung điều gì về ngài ngoại trừ việc say mê lặng ngắm những mầu nhiệm diễn ra trong cuộc đời của ngài.

Đức Trinh nữ Maria cũng luôn ở trong sự thinh lặng.  Đó là sự thinh lặng của bất ngờ và tình yêu được mang đến bởi sự xuất hiện của Thiên Chúa trong cuộc đời Mẹ; một sự thinh lặng tiếp tục được củng cố bằng ánh sáng thánh thiêng của Chúa Giêsu và bởi những dấu lạ mà Mẹ đã chứng kiến và tham dự vào.  Sau khi thuật lại những dấu lạ, Tin Mừng còn nói thêm một lời về Đức Mẹ mà qua đó chúng ta bắt gặp một ánh nhìn soi lối vào tận đáy sự thinh lặng và chiêm niệm bên trong cõi lòng Đức Trinh Nữ, đó là: “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,52).  Mẹ không hề trao đổi những điều ấy với thánh Giuse, nhưng giữ lại và suy ngắm chúng trong lòng mình.

Và chàng trai Giêsu, dù sống và làm việc trong xưởng mộc của thánh Giuse như một người bình thường, nhưng hẳn đã sống một đời sống thầm lặng với tất cả linh hồn và trái tim đắm chìm nơi Thiên Chúa Cha.  Linh hồn và Trái tim ấy luôn hòa quyện trong hình dung, thao thức về linh hồn và trái tim của mỗi con người chúng ta.  Người luôn mơ những giấc mơ tình yêu và khổ nạn, luôn nghĩ suy về những vinh quang mà Người sẽ mang lại cho Chúa Cha và sự cứu rỗi mà các linh hồn sẽ được hưởng nhờ bởi tay Người.  Tâm hồn Người hoàn toàn đắm say vào những huyền nhiệm của Thiên Quốc.  Và theo như tôi thấy, đây đích thực là sự thinh lặng của chiêm niệm và đời sống nội tâm.

Thinh lặng và sự tập trung

Thinh lặng, hay thậm chí nói chuyện bình thường, cũng luôn mời gọi chúng ta tập trung vào bên trong chúng ta, đồng thời gẫm suy về những gì quan trọng và sâu sắc.  Ví dụ, khi chúng ta ở trong một khu rừng, hoặc lênh đênh trên đại dương, hay lang thang trong sa mạc, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự cần thiết của việc tập trung và hồi tâm nơi bản thân mình.  Bộ máy tâm lý của chúng ta dễ bị những tiếng ồn làm phiền và kéo chúng ta ra khỏi bản thân, chúng làm chúng ta xao nhãng và mất đi năng lực tập trung; sự ồn ào cũng khiến tâm hồn chúng ta chỉ lảng vảng xung quanh những thứ tầm thường bên ngoài mà không thể đi sâu vào con người mình.  Nhưng khi sự thinh lặng chiếm ưu thế, chúng ta sẽ lại tập trung và một lần nữa sống thinh lặng và đi sâu vào đời sống nội tâm.

Theo như quy luật tâm lý này, chúng ta cần đi vào bên trong con ngươi mình để sống với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chỉ có thể được tìm thấy nơi sâu thẳm nội tâm mỗi người.  Lẽ dĩ nhiên, việc giữ thinh lặng bên ngoài không chỉ là cửa ngõ dẫn vào đời sống nội tâm, nhưng còn là điều kiện cần thiết cho cuộc sống đối thoại mật thiết với Thiên Chúa.  Nguồn sống của đời sống nội tâm và chiêm niệm chính là sự thinh lặng; do đó, các bậc thầy trong đời sống thiêng liêng luôn đề cao sự thinh lặng; cũng vì thế, việc giữ thinh lặng đã trở thành một trong những điều luật căn bản đời sống tu trì.

Để có thể sống đời chiêm niệm hay đời tu trì dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc một đời sống nội tâm thực sự, thì sự thinh lặng bên ngoài là điều không thể thiếu.  Đồng thời, để nhận ra được tầm quan trọng của nó trong đời sống kết hiệp với Chúa, trong đời sống hướng lên chứ không phải hướng xuống, chúng ta đừng bao giờ rời bỏ thực tế: thinh lặng không phải là một biện pháp kỷ luật đơn thuần hoặc là một cách thức giữ trật tự thường được áp dụng trong các lớp học, nhưng là một điều kiện cần thiết và không thể thiếu cho đời sống nội tâm.

Luis M. Martinezchuyển ngữ: Quang Sáng
Theo: catholicexchange.com(29.7.2021)

GIAO ƯỚC MỚI

Theo nghĩa thông thường, “Giao ước” là sự cam kết, giao kèo giữa hai cá nhân hoặc hai tập thể.  Mỗi bên đều có bổn phận tuân giữ những quy định được ghi rõ trong cam kết này, và bên nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Trong truyền thống Kinh Thánh, “Giao ước” là hiệp định ký kết bằng cách cả hai bên phải đi vào giữa hai phần những con vật được sát tế và xẻ đôi.  Giao ước đối với toàn dân Ít-ra-en là Giao ước cũ (còn gọi là Cựu ước), được thực hiện tại núi Sinai qua việc ông Môi-sen rảy máu tế vật lên bàn thờ và trên dân.  Giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Chúa không chỉ là kết quả của sự thoả thuận của hai bên, mà còn là đặc ân vô điều kiện của Thiên Chúa (Từ điển Công giáo, Tr. 334).

Luật Giao ước là niềm tự hào của người Do Thái.  Khi so sánh với các dân xung quanh, ông Môi-sen đã nói: “Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?  Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Đnl 4,8).

Nếu Thiên Chúa luôn trung thành giữ lời giao ước, thì con người lại hay vi phạm những điều đã cam kết.  Tội lỗi và kiêu ngạo đã phá vỡ mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và con người.  Con người đã khước từ tình thương của Thiên Chúa và quay lưng chống lại Ngài.  Vì vậy mà Thiên Chúa phải thiết lập một Giao ước mới.  Giao ước ấy được ký kết, không còn bằng máu chiên máu bò, nhưng bằng máu của Con Một Thiên Chúa, là Đức Giê-su Ki-tô.  Ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Bài đọc I) đã loan báo một Giao ước mới.  Giao ước này không giống như giao ước Chúa đã lập với các bậc tiền nhân của người Do Thái.  Giao ước mới sẽ biến đổi lòng dạ con người, giúp họ canh tân bản thân để nên hoàn thiện.

Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giê-su đã lập phép Thánh Thể.  Người trao cho họ chén rượu và nói: “Đây là máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Tác giả Lu-ca còn nói rõ hơn: “Chén này là Giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20; 1 Cr 11,25).

Tại sao Thiên Chúa không dùng cách khác để cứu chuộc con người, mà lại dùng cái chết đau thương của Con Một Ngài?  Nhiều thế hệ, quá khứ cũng như hiện tại, đã đặt ra câu hỏi này.  Thực ra, Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng muôn vàn cách khác nhau, cũng như khi vũ trụ còn là hư vô, Chúa đã phán một lời, mọi sự được tác thành.  Chỉ có câu trả lời “do bởi tình thương” mới có thể làm thỏa mãn vấn nạn trên.  Vâng, như người mẹ vất vả mang thai và sinh con và nuôi dưỡng nên người, Thiên Chúa cũng thể hiện tình thương của Ngài bằng cái chết đau thương của Con Một chí ái.  Tuy vậy, nếu Đức Giê-su đã chết trên thập giá, thì ngôi mộ không phải là nơi cầm giữ Người mãi mãi.  Chúa đã sống lại vinh quang.  Hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận thối đi để nảy mầm đơm hạt mà chính Chúa Giê-su đã sử dụng khẳng định chân lý ấy.  Đức Giê-su thành Na-gia-rét là Hạt Giống vĩ đại, đã chấp nhận chết đi để sinh ra một dòng giống mới.  Từ cái chết của Người, một công trình tạo dựng mới đã được khởi sự, để rồi những ai sẵn sàng dìm mình trong sự chết của Đức Giê-su, sẽ được tái sinh và gia nhập Dân Thánh, Dân của Giao ước mới.  Cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá đã xóa bỏ bản án nguyên tội ở khởi đầu lịch sử, thiết lập một trang mới trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Thánh Phao-lô nói với chúng ta (Bài đọc II): Đức Giê-su đã mang lấy trên bản thân mình muôn vàn đau khổ.  Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.  Trong Mùa Chay, chúng ta ôn lại những chặng đường thập giá của Chúa Giê-su.  Hôm nay, những chặng đường thập giá cũng đang đè nặng trên thân phận con người, ở nhiều hình thức và hoàn cảnh khác nhau.  Ý thức có Chúa cùng vác với ta, thập giá cuộc đời sẽ bớt nghiệt ngã hơn.  Xác tín vào sự hồi sinh của hạt lúa, chúng ta sẽ thêm niềm hy vọng giữa những tăm tối của cuộc đời.

Như cây đến mùa thay lá, như vườn nho đến ngày cắt tỉa, mùa Chay giúp chúng ta buông bỏ những gì cản trở chúng ta trên con đường theo Chúa và trong bổn phận đối với tha nhân.  Những thực hành đạo đức của mùa Chay như chay tịnh, cầu nguyện và bác ái sẽ giúp cho con người cũ nơi chúng ta chết đi, trở thành con người của Giao ước mới, mặc lấy Chúa Giê-su Phục sinh.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THUỞ LANG THANG

“Tôi đã thấy dòng nước từ cửa đông đền thờ tuôn ra!”

“Để tôi kể cho bạn một câu chuyện bi thảm nhưng có thật. Một phụ nữ nọ cùng đứa con đi dạo dọc bờ sông.  Đột nhiên đứa trẻ trượt xuống sông.  Cô hét lên kinh hãi.  Cô không biết bơi; hơn nữa, cô đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ.  Cuối cùng, có người nghe tiếng và lao xuống bờ sông.  Bi kịch tột cùng là, khi họ bước xuống dòng nước đục ngầu để vớt đứa trẻ đã chết lên, họ phát hiện nước chỉ sâu đến thắt lưng!  Người mẹ đó lẽ ra có thể dễ dàng cứu con mình nhưng cô đã không làm được vì thiếu hiểu biết” – Ray Comfort.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói đến ‘một dòng sông cạn’ giết chết một đứa bé, nhưng nói đến ‘một dòng sông sâu’ cứu sống muôn người!  Nước từ đền thờ thời Êzêkiel báo trước dòng nước ân sủng thời Giêsu!  Một người bại liệt lây lất bên hồ những 38 năm, tương đương với ‘thuở lang thang’ gần 40 năm của Israel trong sa mạc.  Và xem ra anh này cũng đã ‘lang thang’ trong sa mạc đời anh gần 40 năm.

‘Lang thang!’, một hành động mang tính biểu tượng cho sự ‘tê liệt’ của một con người.  Đó là hình ảnh hậu quả của tội lỗi trong cuộc sống.  Khi phạm tội, chúng ta ‘tê liệt’ và ‘lang thang’ trong sa mạc đời mình.  Tội lỗi có những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống khiến chúng ta không thể đứng dậy và bước đi đúng hướng.  Đặc biệt, tội trọng, nó khiến chúng ta bất lực trong việc yêu thương và sống trong tự do; cùng lúc, không thể quan tâm đến đời sống tinh thần của mình hoặc của người khác.

Chúa Giêsu tự nguyện đi đến với người bại liệt này; Ngài bước vào sự cô lập của anh dù không được mời!  Ngài thấy anh, biết hoàn cảnh của anh, Ngài đến và trực tiếp nói với anh, “Anh có muốn khỏi bệnh không?”  Không trả lời Ngài, anh chỉ phàn nàn, “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ.”  Anh mắc bệnh bi quan, phát ốm vì buồn; anh mắc bệnh lười! “Đúng, tôi muốn lành, nhưng…,” và anh đợi ở đó.  Thế mà mấu chốt là chính cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu; dẫu xem ra, anh “thiếu hiểu biết”, anh không cần Ngài.  Và nhường như anh vẫn tiếc nuối ‘thuở lang thang?’

Thật tuyệt vời!  Ngài đã chữa lành anh mà không cần dìm anh xuống hồ Bêthesda.  Bêthesda có nghĩa là “Ngôi nhà của lòng thương xót,” hoặc “Ngôi nhà của ân sủng” theo tiếng Do Thái.  Đúng thế, người này đang cần lòng thương xót và ân sủng cả khi không ý thức.  Và Chúa Giêsu không phải là ‘dòng nước cạn giết chết’ nhưng là ‘dòng sông sâu’ cứu sống!  Augustinô viết, “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng.  Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi, nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”

Anh Chị em,

“Tôi đã thấy dòng nước từ cửa đông đền thờ tuôn ra!”  Giêsu là dòng sông sâu cứu sống!  Ngài là đền thờ mới mà Êzêkiel đã thấy trước dòng nước tuôn ra từ cửa đông của nó.  Đỉnh của đền thờ là Canvê, nơi nước ngọt ngào của phép Rửa chảy ra từ cạnh sườn Ngài.  Và ngày nay, dòng nước cứu độ ấy vẫn tiếp tục chảy, tiếp tục nuôi sống, rửa sạch mọi thương tích trong tâm hồn chúng ta.  Nước Giêsu đem lại hạnh phúc viên mãn ngay trong sa mạc trần gian khô khốc này, Ngài nói với bạn và tôi, “Thôi! Đừng thiếu hiểu biết!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tiếc nuối ‘thuở lang thang.’  Xin giải thoát con, dìm con vào Chúa mà đừng thèm hỏi con!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CHÌM VÀO VỰC BẤT XỨNG

“Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ!”

Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với Chúa, là chiếc cầu bắc qua mọi vùng vịnh, đưa bạn vượt mọi thung lũng hiểm nguy!  Chúa không cần những con người vĩ đại, Chúa cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài.  Vì thế, lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!”

Kính thưa Anh Chị em,

Cao trào của Lời Chúa hôm nay là tính cách trần trụi của ‘một vai phụ’ trong dụ ngôn Tin Mừng, một người thu thuế!  Anh đã dâng một “lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình.  Với những gì anh bộc lộ, Chúa Giêsu mách cho chúng ta điều Thiên Chúa yêu thích nơi con người là “tình yêu,” mà không cần bất cứ điều gì khác!

Hôsê cho biết, Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người, “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai”; Ngài chỉ muốn tình yêu, “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” – bài đọc một.  Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại chỉ ngần ấy!

Trái với điều Thiên Chúa chờ đợi, người biệt phái trong Tin Mừng dâng Thiên Chúa một điều gì đó hoàn toàn khác!  Lời cầu nguyện của ông bị bóp méo khi ông coi Thiên Chúa như ‘Con Nợ’ và tệ hơn, lấy những ‘kỳ tích’ của mình để so sánh và khinh dể người khác.  Thực ra, đó không phải là cầu nguyện mà là ‘diễn văn.’  Tuy không phải là người xấu, nhưng lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù lòa đến độ xúc phạm tình yêu khi ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu để không phạm tội; nhưng ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn với một ‘mức tối thiểu trần!’  Lời cầu ông là ‘vô trùng’ khi ông quên rằng, Thiên Chúa chỉ “muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”

Nhân vật thứ hai của dụ ngôn cũng lên đền thờ cầu nguyện! ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được khỏi tội.”  Người này “khỏi tội” không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm nhường nhận ra tội của mình.  Lời cầu của ông xuất phát từ một tấm lòng tan nát; ông ý thức sự bất xứng của mình trước một Đấng Toàn Thánh.  Và có lẽ, đã nghe thấy những gì người Pharisêu nói và điều đó càng khiến ông càng đau đớn hơn để ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình, và ông chỉ đủ sức đấm ngực nài van, “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”  Lạ thay, điều này rất đẹp lòng Chúa và Ngài thích thú!

Đức Phanxicô nói, “Nơi nào có quá nhiều cái “tôi”, nơi đó rất ít Chúa.  Ở nước tôi, chúng tôi gọi những người này là “Tôi, chính tôi và tôi,” tên của những người đó.  Người ta từng nói về một linh mục tự cho mình là trung tâm và thường bông đùa rằng: “Mỗi khi xông hương, thì ngài xông ngược; ngài xông chính mình!”;  và điều đó khiến bạn buồn cười!”

Anh Chị em,

“Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”  Mọi sự trên trần gian đều thuộc về Chúa, Ngài cần gì hy lễ của ai!  Ngài cần tình yêu từ tận trái tim mỗi người.  Đừng quên, “Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!”  Đây là điều làm cho kinh nguyện của chúng ta có kết quả!  Chỉ những ai tự nhận mình ‘không có gì’ mới có thể nhận được tất cả; những ai biết mình trống rỗng mới có thể được lấp đầy.  Mùa Chay, mùa ‘chìm vào vực bất xứng’ để chỉ biết cầu xin lòng Chúa xót thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘xông hương ngược!’  Chúa không cần sự vĩ đại của con, Chúa cần con biết ‘con đáng thương’ ngần nào và dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN

Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, đều trình bày Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn.  Ngài giáo dục con người với một lối sư phạm đặc biệt, đó là sư phạm của tình thương.  Không chỉ ở thời xa xưa, mà hôm nay, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sửa dạy chúng ta, với mục đích cho chúng ta đạt tới tầm mức hoàn hảo, nhờ đó chúng ta được hưởng hạnh phúc.  Sách Sử Biên Niên trong Cựu ước gồm hai cuốn, được viết vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên và không rõ tác giả, nó là một nhân chứng quí báu về niềm hi vọng và về quan điểm thần học của Do Thái giáo trong gian đoạn đen tối sau lưu đày.  Có thể nói, Sử Biên Niên là một lối giải thích về lịch sử của vương quyền theo cái nhìn của các Lê-vi (các tư tế) sau thời lưu đày.  Đoạn sách chúng ta đọc trong Chúa nhật 4 mùa Chay, là một suy tư về những tai họa xảy đến trong quá khứ.  Đó là biến cố dân Do Thái bị lưu đầy ở Ba-by-lon.  Biến cố này xảy ra năm 587 trước Công nguyên.  Nguyên nhân của sự kiện đau thương này, theo góc nhìn của tác giả, là do vua cũng như dân đã bất trung phế bỏ Lề Luật của Thiên Chúa.

Nếu sử gia nói đến sự kiện lưu đày đau thương, thì ông cũng nhắc đến những biến cố huy hoàng.  Đó là việc hồi hương của người Do Thái sau gần 50 năm lưu đày.  Vua Ky-rô đã ban sắc lệnh chấm dứt thời lưu đày và cho dân Do Thái trở về cố hương.  Tác giả đã viết: “Chính Thiên Chúa tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư.”  Như thế, Thiên Chúa là Đấng giải phóng Dân Ngài.  Nếu tội lỗi dẫn đến kiếp lưu đày, thì tình thương đem lại sự tự do.  Biến cố trở về cố hương được ghi đậm trong lịch sử Do Thái, đồng thời là đề tài suy tư đạo đức áp dụng cho mọi thế hệ Do Thái cho đến hôm nay.

Nếu vua Ky-rô đã có công phóng thích người Do Thái khỏi cảnh lưu đày, thì Đức Giê-su đã đến trần gian để cứu độ nhân loại khỏi ách tội lỗi.  Trong lời ngợi khen của ông Da-ca-ri-a, là phụ thân của thánh Gio-an Tẩy giả, ông đã hát: “Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi…” (Lc 1.73).  Các tác giả Phúc âm đã thuật lại giáo huấn và những phép lạ của Chúa Giê-su, nhằm giải thoát con người khỏi tối tăm của tội lỗi và ách thống trị của ma quỷ.

Đoạn Tin Mừng được đọc trong Chúa nhật này được coi như trọng tâm của Tin Mừng Gio-an.  Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, là thành viên Công nghi Do Thái – tương đương với đại biểu quốc hội ở Việt Nam – Chúa Giê-su đã mạc khải về tình yêu thương và chương trình cứu độ của Chúa Cha.  Chúa Cha sai Chúa Con xuống trần gian để diễn tả tình yêu của Ngài đối với nhân lọai.  Tất cả những gì Chúa Con làm đều nhằm tới vinh quang Chúa Cha và ơn Cứu rỗi con người.

Nếu Chúa Cha sai Chúa Con xuống thế để đem hạnh phúc cho con người, thì con người phải thể hiện thiện chí của mình, để xứng đáng đón nhận hạnh phúc ấy.  Thiện chí ở đây được hiểu là đức tin.  Chúa Giê-su đã nói đến đức tin như một điều kiện để được sống đời đời: “Ai tin vào Con của Người (Chúa Cha), thì không bị lên án.”  Sống giữa thế gian, chúng ta bị giằng xé giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những điều lương thiện và những điều xấu xa.  Ai cố gắng nỗ lực vươn tới ánh sáng, sẽ dần dần thoát khỏi vòng cương tỏa của bóng tối.  Ánh sáng đích thực chính là Chúa Giê-su.  Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính.  Người là Ánh sáng thế gian, như chính Người đã tuyên bố.  Ai đi trong Ánh sáng huyền diệu này thì không còn phải đau khổ, vì họ được chiếu soi để biết đường đi nước bước và cách đối nhân xử thế, trở nên người vẹn toàn.

Mùa Chay là thời điểm để chúng ta nhìn lại việc theo Chúa.  Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Đức Giê-su là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.  Nhiều người mang danh Ki-tô hữu những có cuộc sống trái ngược với lý tưởng Ki-tô giáo, thậm chí còn là phản chứng của Tin Mừng.  Lòng thương xót của Thiên Chúa là nền tảng giúp chúng ta sống ngay lành.  Thánh Phao-lô giáo huấn các tín hữu Ê-phê-xô về lòng thương xót của Chúa Cha, và ngài khuyên: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa.  Chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Bài đọc II).

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”  Hãy nhận ra lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với các tội nhân và đối với bản thân chúng ta.  Nếu Thiên Chúa kiên nhẫn đối với chúng ta thì chúng ta cũng phải kiên nhẫn bao dung đối với những người xung quanh mình.  Làm như thế là chúng ta phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa trong mọi môi trường sống của trần gian.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

PHƯƠNG PHÁP CHAY

Thánh François de Sales cảnh báo: “Người thích ăn chay nghĩ mình là người rất đạo đức khi ăn chay, mặc dù tâm hồn họ đầy những giận ghét.  Họ quan tâm đến vấn đề điều độ, không dám đụng lưỡi đến rượu bia, thậm chí cả nước lã, nhưng lại không ngần ngại uống cạn máu người khác bằng việc gièm pha hoặc vu khống.”  Thật đáng giật mình!

Trai Tịnh là từ Hán Việt.  Chữ “trai” đồng nghĩa chữ “chay,” khác ở chỗ là người ta chỉ nói “ăn chay” chứ không nói “ăn trai.”  Chay Tịnh đồng nghĩa với Trai Tịnh, nhưng từ Chay Tịnh được liên kết bởi một chữ Nôm và một chữ Hán, còn từ Trai Tịnh thì cả hai chữ đều là chữ Hán.

Sách Phụng Vụ Các Giờ Kinh dùng chữ “trai tịnh” [CGKPV xuất bản năm 1995, tr. 377], còn Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh dùng chữ “chay tịnh.” [Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt xuất bản năm 1973, quyển 1, trang 210]  Cả hai cách dùng đều được chấp nhận.

Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng Mùa Chay khởi đầu từ Thứ Tư Lễ Tro.  Và Mùa Chay là Mùa Sám Hối, Mùa Hồng Ân, Mùa Cứu Độ.  Tuy nhiên, BIẾT là một chuyện, còn SỐNG là một chuyện khác.

Một chút tro được bỏ lên đầu (hoặc vẽ dấu + lên trán), gọi là xức tro, là cách thể hiện lòng ăn năn sám hối, vì ai cũng chỉ là tội nhân bất xứng trước Tôn Nhan Thiên Chúa: “Chẳng có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa.” (Mc 10:18; Lc 18:19).  Tuy nhiên, xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn!

Chúng ta là đầy tớ mà cũng chẳng làm nên trò trống gì, chỉ vô dụng mà thôi (x. Lc 17:10).  Thế nhưng chúng ta PHẢI nên thánh và PHẢI thánh thiện, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh (x. Lv 11:44; Lv 20:7).  Động từ “phải” là một mệnh lệnh, không thể không thực hiện, không làm không được.  Do đó, chúng ta phải ăn chay, ăn chay để sám hối, sám hối để được tha thứ, được thứ tha là được trong sạch, trong sạch là công chính, công chính là nên thánh.  Chuỗi liên kết tuyệt vời quá!  Việc ăn chay ví như chiếc hàm thiếc tra vào mõm ngựa để kiềm chế các thói xấu, không cho nó “chứng.”

Nói đến ăn chay, ai cũng biết là nhịn ăn và nhịn uống.  Nhưng đó mới là ăn chay phần xác.  Vấn đề quan trọng hơn là phải ăn chay tinh thần.  Ăn chay có vẻ đơn giản mà lại không hề đơn giản, thậm chí có gì đó nhiêu khê chứ không như chúng ta tưởng.  Cái gì cũng cần có bí quyết, ăn chay cũng vậy, tức là phải biết cách.  Cũng giống như ăn kiêng – một dạng ăn chay, nếu áp dụng không đúng cách sẽ “lợi bất cập hại,” có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Ăn chay thế nào mới đúng cách?  Ăn chay thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa?  Chữ “trai tịnh” hay lắm.  Chữ “trai” là ăn chay, chữ “tịnh” là không nói (tịnh khẩu).  Nghĩa là ăn chay cả phần xác lẫn phần hồn.  Để ăn chay đúng cách và làm đẹp lòng Thiên Chúa, ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết bí quyết ăn chay qua trình thuật Is 58:1-10.  Trong trình thuật này, “cách ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa” được phân ra hai phần SAI và ĐÚNG.

I. CÁCH ĂN CHAY SAI

Sai nghĩa là không đúng.  Chắc chắn Thiên Chúa không thích và loại trừ “cách ăn chay sai.”  Nhưng Ngài ghét cách ăn chay như thế nào?  Sách Isaia cho biết mấy cách này:

  1. Ăn chay mà vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.
  2. Ăn chay mà vẫn đôi co cãi vã, nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.

Ngôn sứ Isaia thẩm vấn: “Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế?  Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58:9).

Mỗi chúng ta tự trả lời thế nào?  Đừng biện hộ hoặc viện cớ: Vì, bởi, tại,…  Nhịn ăn, nhịn uống đến nỗi mệt mỏi, lả người, thế mà miệng vẫn chửi rủa, thấy ai làm gì không vừa ý mình thì giận hờn, tức tối, rồi xỉa xói, mỉa mai, ngồi lê đôi mách, thêm chút hành và thêm chút tỏi cho câu chuyện “đậm đà gia vị,”…  Ăn chay không khéo sẽ hóa “phi ăn chay,” tốt lành chẳng thấy đâu mà chỉ thấy nguy hại, phúc đức chẳng thấy đâu mà lại thấy tội lỗi gia tăng.  Khủng khiếp quá!

II. CÁCH ĂN CHAY ĐÚNG

Chắc chắn Thiên Chúa ưa thích và chấp nhận “cách ăn chay đúng.”  Nhưng Ngài ưa thích cách ăn chay như thế nào?  Sách Isaia cho biết mấy cách này:

  1. Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm.Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
  2. Không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục.

Nếu chúng ta ăn chay hợp ý Chúa, chúng ta không chỉ được xá tội mà còn được hưởng nhiều thứ khác: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.  Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.  Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’ Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 5:8)

Chắc chắn chỉ khi nào chúng ta thực hành như vậy thì Thiên Chúa mới vui lòng và chấp nhận lời cầu xin của chúng ta: “Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp.  Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.” (Is 58:11).

Lạy Thiên Chúa, xin mau đến cứu giúp con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ, (Tv 70:1) xin hướng dẫn con biết cách ăn chay hợp với Thánh Ý Ngài, trong Mùa Chay này và suốt đời con.

Trầm Thiên Thu

CẦU NGUYỆN CHIÊM NIỆM

Cầu nguyện chiêm niệm, đã có từ lâu và được thực hành phổ biến, ngày nay lại là chủ đề khá bị hoài nghi với nhiều nhóm người.  Ví dụ như, phương pháp cầu nguyện thường được gọi là Quy thần niệm, được nhiều người như Thomas Keating, Basil Bennington, John Main, và Laurence Freeman phổ biến, giờ lại bị nhiều người hoài nghi xem như một thứ gì đó gắn với phong trào “New Age,” Phật giáo, phong trào “Tìm Bản ngã” hay thậm chí là vô thần.

Phải thừa nhận, không phải tất cả người tán thành và thực hành kiểu cầu nguyện này đều tránh được những xung lực đó, nhưng chắc chắn, những người cầu nguyện đích thực sẽ không vướng phải.  Hiểu và thực hành đúng đắn phương pháp cầu nguyện với nhiều biến thể này, chính là điều mà các Đan phụ Sa mạc, Gioan Thánh Giá, và tác giả quyển Đám mây Vô thức [Cloud of Unknowing] gọi là Chiêm niệm.

Theo truyền thống Kitô giáo kinh điển, Chiêm niệm là gì?  Với những biện giải theo truyền thống của thánh Inhaxiô thành Loyola, chiêm niệm là cầu nguyện mà không có hình ảnh hay tưởng tượng, nghĩa là cầu nguyện mà không cố tập trung suy nghĩ và cảm giác vào Thiên Chúa hay những sự thánh thiện.  Chiêm niệm là cầu nguyện một mình với ý hướng hiện diện với Thiên Chúa mà thôi, và bỏ qua mọi thứ khác, kể cả những suy tư sốt sắng hay những cảm giác thánh thiện, để rồi đơn giản ngồi trong bóng tối, trong một sự vô thức có chủ ý sao cho không thúc đẩy hay tận hưởng mọi suy nghĩ, tưởng tượng và cảm giác về Thiên Chúa, và mọi suy nghĩ cảm giác khác nữa.  Trong quyển Đám mây Vô thức, chiêm niệm là sự đơn thuần vươn thẳng tới Chúa.

Trong cầu nguyện chiêm niệm, sau một hồi tĩnh tại, một hành động nội tâm để tập trung bản thân vào trong cầu nguyện, người ta cứ thế ngồi yên, với ý định vươn thẳng đến Thiên Chúa trong một không gian vượt ngoài cảm giác và tưởng tượng, chờ đợi hiện thực không thể tưởng tượng nổi của Thiên Chúa đến với mình theo một cách mà những cảm giác, suy nghĩ và tưởng tượng chủ quan không tài nào đem lại được.

Và đây chính là điểm mà người ta thường hiểu lầm và chỉ trích cầu nguyện chiêm niệm.  Họ đặt vấn đề rằng: Tại sao ta không cố thúc đẩy và chìu theo những suy nghĩ thánh thiện và cảm giác sốt sắng.  Đấy không phải là điều ta cố làm khi cầu nguyện hay sao?  Làm sao ta có thể cầu nguyện khi cứ ngồi yên đó, chẳng làm gì?  Đây có phải là một dạng của thuyết bất khả tri không?  Làm sao ta gặp được một Thiên Chúa thực thể yêu thương khi cầu nguyện như thế?  Chẳng phải đây đơn thuần là một dạng suy niệm biến thể kiểu như yoga tinh thần hay tìm kiếm bản ngã?  Trong việc cầu nguyện như thế, Chúa Giêsu ở đâu?

Tôi sẽ để tác giả quyển Đám mây Vô thức trả lời điều này: “Khi thực hành trong bóng tối và đám mây vô thức này, khi chỉ có nơi mình một xung lực yêu mến dành cho Thiên Chúa, thật không thích hợp và đầy chướng ngại để người ta nhìn nhận bất kỳ suy nghĩ hay suy niệm nào về những ơn ban, sự nhân từ và công trình của Thiên Chúa, để nâng lòng lên nhằm ghép chặt bản thân với Chúa, dù cho đó là những suy nghĩ rất thánh thiện đem lại hạnh phúc và an ủi rất nhiều cho người đó.  Bao lâu linh hồn còn chìm trong thân xác sẽ chết này, thì sự rõ ràng trong nhận thức của ta khi chiêm niệm mọi sự thiêng liêng, nhất là chiêm niệm về Thiên Chúa, luôn luôn bị xáo trộn với một dạng tưởng tượng khác.”  Ta không thể tưởng tượng Thiên Chúa, ta chỉ có thể biết Thiên Chúa.

Về căn bản, ý niệm này nghĩa là đừng bao giờ nhầm lẫn hình tượng với thực tế.  Thiên Chúa là không thể dò thấu, và do đó mọi sự ta nghĩ hay tưởng tượng về Thiên Chúa đều là một hình tượng, mà ngay cả những lời trong kinh thánh cũng chỉ là những lời về Thiên Chúa chứ không phải là hiện thực của Thiên Chúa.  Phải thừa nhận, các hình tượng là tốt đẹp, miễn sao chúng ta hiểu cho đúng về chúng, miễn sao chúng hướng chúng ta về một hiện thực cao hơn chúng.  Nhưng nếu chúng ta xem chúng là hiện thực, một cám dỗ mà ta luôn vướng phải, thì hình tượng trở thành ngẫu tượng.

Sự khác biệt giữa suy niệm và chiêm niệm là thế này: Trong suy niệm, chúng ta tập trung vào hình tượng, vào Thiên Chúa, hay đúng ra là Thiên Chúa trong suy nghĩ, tưởng tượng, và cảm giác của ta.  Trong chiêm niệm, các hình tượng được xem là ngẫu tượng, và chúng ta ngồi đó trong bóng tối, bên dưới đám mây vô thức, cố gắng đối diện với một hiện thực quá lớn lao mà ta không thể nắm bắt cho dù có dùng đến tưởng tượng.  Suy niệm như một hình tượng, là điều gì đó hữu dụng trong một thời gian, nhưng đến cuối cùng, chúng ta đều được kêu gọi hướng đến chiêm niệm.  Như quyển Đám mây Vô thức đã nói: “Chắc chắn, ai tìm kiếm để có trọn Thiên Chúa sẽ không nghỉ lại nơi việc nhận thức về bất kỳ thiên thần hay các các thánh trên trời nào.”

Karl Rahner cũng đồng ý rằng: “Ta đã cố gắng để yêu mến Thiên Chúa trong những lúc không cuốn theo ngọn sóng xuất thần trào dâng, những lúc không thể nhầm lẫn bản thân mình với xung lực sự sống hướng đến Thiên Chúa, những lúc chấp nhận chết đi vì một tình yêu có vẻ như cái chết và hoàn toàn tiêu cực, khi chúng ta kêu lên từ sự trống rỗng và vô thức tột cùng?”

Nói tóm lại, đấy chính là cầu nguyện chiêm niệm, cầu nguyện thật sự hướng về Thiên Chúa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch

CANH TÂN CÁCH THỰC HÀNH ĐỨC TIN

Cứ mỗi độ xuân về, người dân Việt chúng ta, sau khi đón xuân mới, là khởi đầu chiến dịch đi lễ hội đầu năm.  Từ một hai thập kỷ trở lại đây, nhờ đời sống kinh tế được cải thiện, những lễ hội truyền thống sau một giấc ngủ dài trong thời bao cấp, được khôi phục khắp nơi, đua nhau nở rộ như nấm mọc sau mưa.  Nhìn chung, những lễ hội này diễn tả truyền thống văn hóa phong phú của người Việt, và đều góp phần tích cực giúp con người hướng thiện.  Tuy vậy, khá nhiều lễ hội bị nhuốm màu thương mại và mê tín dị đoan, mang theo những hệ lụy không đẹp do cách hành xử thiếu văn hóa, như cướp giật, đánh nhau đến đổ máu.  Lễ hội đang bị lạm dụng nghiêm trọng và làm mất đi ý nghĩa linh thiêng.

Vào thời Chúa Giêsu, Đền thờ Giêrusalem là nơi thiêng thánh cũng bị lạm dụng.  Người ta buôn bán chiên bò, chim câu và đổi tiền.  Tất cả những dịch vụ này cũng núp dưới danh nghĩa phục vụ khách hành hương, nhất là vào dịp lễ trọng của người Do Thái là lễ Vượt qua.  Chúa Giêsu đã chứng kiến cảnh này.  Người đã nghiêm khắc xua đuổi họ ra khỏi Đền Thờ.  Cả bốn thánh sử đều ghi lại sự kiện này, nhưng Thánh Gioan là người diễn tả hành động của Chúa Giêsu một cách mạnh mẽ quyết liệt nhất: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ.”  Tuy vậy, nếu ba tác giả của Tin Mừng nhất lãm đều nói đến việc Đức Giêsu “đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ,” thì thánh Gioan lại cho biết, Chúa chỉ yêu cầu mang các loại hàng hóa trần tục xâm nhập Đền Thờ và làm cho nơi thánh trở thành chốn thương mại.  Phải chăng Thánh Gioan muốn nói với chúng ta: Chúa Giêsu không xua đuổi con người tội nhân, nhưng xua đuổi những hành động tội lỗi, và như thế, Người mời gọi chúng ta hãy canh tân cách thực hành Đức Tin.

Từ đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã mời gọi chúng ta canh tân đổi mới cuộc đời.  Canh tân để làm cho trái tim, tâm hồn và cuộc đời của chúng ta được đổi mới.  Chúa nhật thứ Ba của Mùa Chay, Phụng vụ dạy chúng ta hãy xem xét lại cách tôn thờ Chúa của mình.  Nói cách khác, mỗi chúng ta là người tin vào Chúa.  Đức tin ấy phải được thể hiện qua tâm tình thờ phượng Chúa.  Có nhiều người tin Chúa mà không thực hành các bổn phận của đức thờ phượng.  Thờ phượng Chúa là nhận ra quyền năng vô biên và tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đồng thời dâng lời tạ ơn, ca tụng và cầu nguyện với Ngài.  Đối với một số tín hữu, đức tin của họ mang tính vụ lợi, tức là chỉ chạy đến nài van Chúa khi gặp hoạn nạn gian nan, còn những lúc khác thì không cần biết Chúa là ai.  Nhiều người khác coi Chúa như Bà Chúa Kho, đến để xin lộc và vay tiền lúc đầu năm với hy vọng năm mới phát tài.

Hành động của Chúa Giêsu khi xua đuổi chiên bò ra khỏi Đền thờ được gọi là “thanh tẩy Đền thờ.”  Quả thật, Chúa muốn khôi phục tinh thần thờ phượng đích thực, không nhuốm màu thương mại và cạnh tranh vật chất.  Mùa Chay cũng giúp ta thanh tẩy đời sống đức tin và tâm tình thờ phượng Chúa.  Những thực hành đạo đức của cộng đoàn cũng như cá nhân phải dẫn đưa người tín hữu đến gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Đức Kitô đang sống như sau: “Chúng ta có nguy cơ coi Chúa Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương trong quá khứ, như một kỷ niệm, như một Đấng đã cứu chúng ta cách nay hai ngàn năm.  Điều này không ích gì cho chúng ta, vì nó sẽ để chúng ta cũ kỹ y như trước, nó sẽ không giải thoát chúng ta.  Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta đang sống.  Người là Đức Kitô phục sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, mặc lấy ánh sáng vô hạn” (số 124).  Những lời trên đây của Đức Thánh Cha giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hiện tại.  Nhiều người tín hữu chỉ coi Người như một vĩ nhân đã lùi vào dĩ vãng.  Không phải như vậy.  Người đang sống và hiện diện giữa chúng ta.  Nếu ý thức được điều ấy, lời nói, cử chỉ và cách sống của chúng ta sẽ thận trọng hơn.  Lời cầu nguyện và việc thờ phượng Chúa sẽ thấm đượm tâm tình mến yêu hơn.  Xác tín điều đó, người tín hữu cảm thấy như được chạm tới Chúa, được Người hướng dẫn và soi sáng đường đi nước bước trong cuộc đời.

Gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đang sống, sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn trong cuộc sống hằng ngày.  Bài sách thánh trích sách Xuất hành ghi lại luật Giao ước Thiên Chúa ban cho dân Israel qua ông Môisen mà chúng ta vẫn gọi là Mười điều răn.  Có thể nói Mười điều răn trong sách Xuất hành là bộ luật đầu tiên trong lịch sử nhân loại.  Vì dân tộc Do Thái là một dân được tuyển chọn, nên phải có một bộ luật làm tiêu chuẩn và để duy trì trật tự trong việc điều hành cai quản, làm chuẩn mực chung cho mọi nền văn hoá và mọi dân tộc.  Rất tiếc, nhiều Kitô hữu, nhất là những bạn trẻ, không thuộc kinh Mười Điều Răn, vì vậy, họ không định hướng được cuộc đời của mình.  Họ nói tin vào Chúa mà không biết Chúa là ai và phải làm gì để thực hành Đức Tin.

Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem.  Người cũng dùng máu Người đổ ra trên thập giá để thanh tẩy tội lỗi của nhân loại.  Hai ngàn năm nay, Giáo Hội không ngừng rao giảng mầu nhiệm thập giá, “điều mà người Do Thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (Bài đọc II).  Trái lại với sự xét đoán của thế gian, Đức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Có những lúc, người tin vào Chúa bị coi như những người điên rồ hoặc những người đi ngược dòng.  Tuy vậy, cũng như sự điên rồ của thập giá đã cứu vớt nhân loại, những ai theo Chúa Giêsu, dù có thể bị coi là ngu dại, chắc chắn sẽ tìm được sự thanh thản trong tâm hồn và niềm vui của Đấng phục sinh.  Mùa Chay cũng là mùa suy niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu.  Thập giá là một huyền nhiệm của tình thương Thiên Chúa.  Thập giá không phải là câu chuyện của quá khứ, nhưng là câu chuyện của hiện tại.  Thập giá đang đi ngang qua những mâu thuẫn gia đình, những khó khăn về tài chính tiền bạc, những xung khắc trong mối tương quan với người xung quanh, những thất bại trong học vấn, những bế tắc trong nghề nghiệp.  Đó là những thập giá mà chúng ta đang phải vác đi.  Vác thập giá không phải là cam chịu, nhưng là đón nhận và hóa giải những thất bại và khúc mắc thành kinh nghiệm, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ vượt lên những khó khăn, biến gian khổ thành niềm vui và biến nước mắt thành nụ cười.  Quả vậy, khi có lòng bao dung, sự kiên nhẫn và nhất là tình yêu quảng đại, chúng ta sẽ có thể hoá giải mọi thương đau trong cuộc đời.

Đức tin của người Công giáo không phụ thuộc vào mùa lễ hội và những cạnh tranh.  Lòng yêu mến Chúa và tâm tình thờ lạy tôn vinh Ngài như hơi thở, như cơm ăn nước uống đối với người tín hữu.  Con người cần có Chúa để hiện hữu, để hoạt động và để nên trọn lành.  Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, dâng lên Chúa tâm tình yêu mến và cầu xin Ngài trợ lực để vượt lên mọi khó khăn thử thách, những điều này làm cho đức tin của chúng ta nên vững mạnh.

Mùa Chay là mùa canh tân đổi mới.  Canh tân cách thực hành Đức Tin là điều kiện thiết yếu để chúng ta đổi mới cuộc đời.  Bởi lẽ, nhờ Đức Tin tinh tuyền, chúng ta mới có thể sống Đạo chân thành trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

HOÁN CẢI

Có hai anh em ruột kia rất thương nhau, thông cảm nhau, và cùng có một mơ ước cao đẹp là sẽ sống một cuộc đời hết sức thánh thiện.

Lớn lên, người anh cưới vợ, sinh con, chăm chỉ làm ăn và cũng không quên những bổn phận đạo đức hàng ngày.  Còn người em thì đi tu, thành một thầy dòng ngày ngày đi khắp nơi giảng đạo và giúp đỡ những người nghèo.

Rồi một ngày kia người em làm thầy dòng trở về quê thăm lại anh mình.  Hai anh em nói chuyện với nhau thật nhiều về cuộc sống và tâm tư của mình.  Người anh khám phá ra rằng ngày xưa hai anh em tâm đầu ý hiệp như thế, mà sao bây giờ lại khác nhau quá xa: người em thì vẫn thích thánh thiện như xưa và còn thánh thiện hơn xưa nữa, còn mình thì sao quá tầm thường không còn chút mơ ước nào về lý tưởng thánh thiện ngày xưa nữa.

Người anh tìm đến một vị ẩn sĩ để hỏi cho biết nguyên do sự khác biệt ấy.  Vị ẩn sĩ không trả lời thẳng mà dùng những hình ảnh thiên nhiên để giải thích cho anh:

– Trước tiên là đám mây trên trời: thường thường bầu trời ngày nào cũng có những đám mây, nhưng không có đám mây ngày nào giống đám mây ngày trước.  Cũng là mây, nhưng mây ngày nay khác mây ngày hôm qua.

–  Kế đến là một cái cây xanh: nó vẫn luôn luôn là cây thông xanh rì, nhưng năm trước nó nhỏ hơn, năm nay nó đã lớn hơn và cao hơn một tí, năm sau nó sẽ lớn và cao hơn tí nữa.  Có nhiều cái lá của năm trước mà năm nay không còn, và có nhiều chiếc lá của năm nay sẽ rụng vào năm tới để thay bằng những chiếc lá khác.

– Và sau cùng chính là thân xác con người: các tế bào trong thân xác con người luôn luôn thay đổi: có cái chết đi và có cái sinh ra thêm.  Khoa học tính rằng cứ sau 7 năm thì thân xác ta hoàn toàn đổi mới không còn một tế bào nào của 7 năm trước đây nữa: sợi tóc, móng tay, làn da của ta năm nay hoàn toàn không chứa một tế bào nào của sợi tóc, móng tay và làn da của 7 năm trước.

Và tới lúc đó vị ẩn sĩ mới kết luận: tâm hồn con người cũng thế: muốn lớn lên, muốn tươi trẻ mãi, muốn hăng say sinh động thì mỗi ngày cũng phải bỏ những yếu tố xấu và đồng thời thu vào những yếu tố tốt.  Không đào thải đi và không thu nhận vào thì nó sẽ chết khô như một thân cây chết cứng chứ không còn là một thân cây sống động vươn lên nữa.  Cái diễn trình đào thải và tiếp nhận ấy chính là cuộc hoán cải, cần phải hoán cải liên tục.  Sở dĩ người anh cảm thấy mình tầm thường, khô cằn vì anh ta bấy lâu nay đã tự mãn với những cái mình đang có, không muốn bỏ đi cái nào và cũng không mong thu thêm cái nào nữa.

Câu chuyện tới đây kể ra cũng đủ kết thúc.  Nhưng người anh còn muốn tìm hiểu rõ ràng hơn nên hỏi tiếp:

– Làm thế nào để loại bỏ những cái xấu trong tôi?  Nó nhiều quá và nó đã bám quá chặt vào con người tôi?  Vị ẩn sĩ trả lời: quan hệ nhất là đức tin và tư tưởng: tuy đời mình có nhiều tội lỗi, nhưng ta đừng quá chú ý tới nó, đừng để mình bị nó ám ảnh, đừng nghĩ nhiều tới nó.  Nếu lỡ phạm tội hãy sám hối, tin tưởng vào sự tha thứ của Chúa, rồi bỏ quên nó đi, phải coi thường nó.  Đầu óc mình sẽ được thanh thản khỏi những điều xấu.

– Còn làm thế nào để thu nhận những điều tốt, người anh hỏi tiếp?  Vị ẩn sĩ cũng trả lời: cũng quan trọng ở đức tin và tư tưởng: phải quí chuộng những điều tốt, phải luôn nghĩ tới nó, phải để cho nó ám ảnh tâm trí mình và phải mơ ước thực hiện cho kỳ được những điều tốt, và tin rằng Thiên Chúa sẽ giúp mình thực hiện được.

Người anh trong câu chuyện trên phản ảnh tâm trạng của chúng ta:

– Cuộc sống của chúng ta có thể nói là cứ mãi mãi ở thế bình bình: chúng ta không đến nỗi xấu lắm mà cũng không được tốt lắm.  Cái thế lình bình đó khiến chúng ta giống như một thân cây bị chai: không chết khô mà cũng không có sức sống vươn lên.

– Tại vì mỗi ngày chúng ta không biết cố gắng loại bớt khỏi ta những gì là xấu, là khuyết điểm, là tội lỗi và đồng thời cũng không cố gắng đón nhận những gì là tốt, là cao, là lý tưởng hơn.  Nghĩa là vì chúng ta không chú ý thực hiện sự hoán cải hằng ngày cho nên hết ngày này sang ngày khác cuộc đời của chúng ta vẫn cứ chai lì, tầm thường, vô vị.

– Muốn cho cuộc sống có đà vươn lên thì phải thực hiện sự hoán cải ấy:

Mỗi ngày loại dần những cái xấu bằng cách đừng nghĩ tới nó, đừng tiếp xúc với nó, đừng mơ tưởng tới nó.  Mỗi ngày đón nhận thêm những điều tốt bằng cách đi tìm nó, chú trọng tới nó, mơ ước nó và cố gắng chiếm đoạt nó.

Bấy nhiêu thôi xét ra cũng đủ là một chương trình dài hạn cho chúng ta chẳng những trong mùa chay này mà còn trong suốt cả cuộc đời chúng ta.

Trích trong Sợi Chỉ Đỏ