BÌNH AN CHO CÁC CON

Cuộc đời luôn bao trùm biết bao sự dữ.  Sự dữ nhiều đến độ làm cho con người luôn bất an lo sợ.  Người ta sợ thất bại.  Sợ rủi ro.  Sợ mất an ninh.  Sợ nghèo đói.  Sợ bị trả thù.  Sợ phải đối diện với sự thật.  Có cái sợ làm người ta “ăn không ngon, ngủ không yên.”  Có cái sợ làm người ta đánh mất niềm tin nơi bản thân và tha nhân.  Có cái sợ dẫn đến tuyệt vọng và buông xuôi.

Tâm trạng của các tông đồ sau biến cố tuần thương khó là tâm trạng buồn sầu và lo sợ.  Họ sợ liên luỵ vì từng là đồ đệ của tử tội Giê-su.  Họ sợ phải về quê làm lại cuộc đời từ đầu.  Họ sợ đường trở về còn nhiều bóng tối nghi nan.  Từ sợ hãi dẫn đến đánh mất niềm tin.  Dù đã được báo trước sau ba ngày Thầy sẽ sống lại.  Thế mà, vì quá sợ mà quên hết mọi sự.  Các ông không còn dám tin vào ai.  Dù rằng các người phụ nữ đã kể rõ ràng họ đã gặp Chúa.  Dù rằng hai môn đệ đi làng Emmau đã từng kể về cuộc hàn huyên với Chúa.  Dù rằng Gioan và Phê-rô cùng chạy ra mồ, nhưng chỉ có Gioan thấy và tin còn Phê-rô thì không.  Sợ hãi đã làm cho các ông hoa con mắt đến nỗi “nhìn cò ra quạ,” nhìn thấy Chúa lại tưởng là ma.

Chúa đã quở trách các ông “sao lại hoảng hốt thế!  Ma đâu có xương có thịt như vầy!”  Chúa chỉ cho các ông biết nguyên do của sợ hãi là thiếu lòng tin.  “Sao lòng anh em còn ngờ vực?”  Đã bao năm sống với Thầy.  Đã nhiều lần chứng kiến những phép lạ Thầy làm.  Đã từng được nghe lời Thầy tiên báo “Sau ba ngày Thầy sẽ sống lại.”  Thế mà các ông vẫn không tin.  Từ không tin dẫn đến sợ hãi.  Sợ bóng đêm của cuộc đời.  Sợ những điều mới lạ.  Sợ hãi dẫn đến chia đàn xẻ nghé.  Mỗi người một nơi.  Đường ai ai nấy đi.  Sợ hãi nên đâu dám nhìn đời, nhìn người.  Sợ hãi nên chỉ biết co ro nơi phòng tiệc ly.  Cửa đóng then cài trong tâm trạng nặng nề đầy u ám và sợ hãi.

Nỗi sợ hãi của kẻ thiếu lòng tin vẫn còn đó nơi con người hôm nay.  Có người sợ cho tương lại ngày mai, vì ngày mai đâu biết sẽ ra sao?  Có người sợ những nguy nan, khốn khó của giòng đời sẽ xảy đến với mình.  Có người sợ thế giới đời sau, biết có hay không nên buông mình theo đam mê xác thịt!  Có người vẫn còn mang nặng mặc cảm lo âu sợ hãi về một lầm lỗi của quá khứ.  Vì sợ hãi nên đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa.  Họ tìm kiếm thế lực trần gian.  Họ bám vào quyền thế vua quan để sống.  Họ cố vun quén tiền tài để hưởng lộc.  Họ quên rằng điều quan yếu của cuộc đời là chính sự bình an tâm hồn.  Không có bình an thì cho dù có tiền, có quyền vẫn là đánh mất cuộc đời.  Cuộc đời cần bình an như cá cần nước để sống.  Cuộc đời không có bình an là sự bất hạnh, là cuộc đời đáng thương hơn cả người nghèo khó mà có bình an tâm hồn.

Thế nhưng, sự bình an chỉ ngự trị nơi tâm hồn có Thiên Chúa.  Có Thiên Chúa thì chẳng sợ gian nguy, vì hết lòng tin tưởng cậy trông Thiên Chúa.  Có Thiên Chúa thì không toa rập với sự dữ để làm hại đồng loại, để bán rẻ lương tri để rồi luôn lo sợ bị trả thù, trả đũa.  Có Thiên Chúa sẽ mang lại hoa trái là niềm hoan lạc, tươi vui, bình an và hy vọng.  Đánh mất Thiên Chúa mới là điều đáng sợ.  Thế giới không có Thiên Chúa sẽ khiến con người hành xử theo ý mình, theo bản năng, theo tự do cá nhân.  Đó là thế giới loạn lạc, đầy bất an và lo sợ.  Con người sống với nhau nhưng luôn phải cảnh giác, phải đối phó, phải e dè, sợ thanh toán lẫn nhau.  Đánh mất Thiên Chúa con người sẽ chẳng biết bám víu vào đâu khi giòng đời xô đẩy biết bao sóng gió tư bề, biết bao gian nan thử thách.

Người ta kể rằng: có một cậu bé 5 tuổi vừa thức giấc trong một đêm giông tố bão bùng.  Cậu mở mắt, thấy cảnh vật tối tăm.  Ngoài trời giông tố, sấm chớp rợn rùng.  Từng đợt gió rít lên tạo thành những âm thanh gầm thét như đang giận dữ đạp đổ nhà cửa và cây cối.  Bốn bề xao động.  Cậu sợ hãi, hốt hoảng và cầu cứu cha:

– Cha ơi, cha ơi!  Con sợ quá!

– Cha đây, cha đây!  Cậu nghe tiếng cha vọng lại.

– Cha đâu sao con không thấy?  Con sợ quá!  Cậu giơ tay ra phía trước quờ quạng.

– Cha đây, Cha đây! Người cha bước lại ngồi xuống bên cậu.  Cậu ôm lấy cha, áp đầu vào ngực cha.

Người cha đỡ cậu nằm xuống và vỗ về cậu.  Cậu bé yên lặng nắm lấy bàn tay Cha dìu dịu đi vào giấc ngủ an lành.  Bên ngoài mưa bão vẫn còn, nhưng sự sợ hại nơi cậu bé đã tan biến trong lòng của Cha.

Vâng, Chúa Phục sinh vẫn tiếp tục đến bên cuộc đời chúng ta như xưa Ngài đã từng đến với các tông đồ.  Ngài vẫn đến với chúng ta qua những biến cố vui buồn, qua những thăng trầm của giòng đời.  Ngài vẫn đang mời gọi chúng ta đặt cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa.  Cho dù cuộc đời có nghiều nghi nan.  Cho dù giòng đời có nhiều bất trắc và giông tố.  Hãy lấy đức tin mà nắm vào Chúa.  Hãy lấy lòng cậy trông mà phó thác vào Chúa.  Hãy lấy lòng mển để vâng theo thánh ý Chúa.

Xin Chúa Giê-su phục sinh luôn ở lại với chúng ta theo như lời Người đã nói: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”  Xin Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng ta.  Amen!

Lm. Tạ Duy Tuyền

ĐẤU TRANH ĐỂ KHAI SINH HY VỌNG

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với các phụ nữ.  Tại sao lại thế?  Một lý do rõ ràng có lẽ là vì chính những phụ nữ này đã đi theo Ngài trong hành trình thương khó ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trong khi đa phần những người đàn ông khác lại bỏ rơi Ngài.  Còn nữa, những phụ nữ này lên đường đến mộ Chúa vào tảng sáng ngày Phục Sinh với ý định xức dầu thơm cho xác chết, nên họ là những người ở trong vườn đầu tiên khi Ngài xuất hiện.  Nhưng tôi tin rằng, còn có một lý do mang tính biểu tượng và sâu sắc hơn nữa.  Những phụ nữ này là các bà đỡ.  Thường thì phụ nữ góp phần trong việc sinh hạ và là những người tinh thông nhất về việc dưỡng nuôi sinh linh mới.

Bà đỡ là sự giúp đỡ thiết thực trong bất kỳ việc sinh hạ nào.  Khi một đứa trẻ ra đời, thường là đầu sẽ ra trước, mở đường cho cơ thể ra sau.  Trong thời điểm này, rất cần một bà đỡ giỏi, giúp thuận tiện hóa việc sinh nở và bảo đảm đứa bé bắt đầu thở, đồng thời giúp bà mẹ bắt đầu cung cấp dưỡng chất cho sinh linh mới ngay lập tức.  Đôi khi, bà đỡ là mấu chốt định đoạt giữa sống và chết, và bà luôn giúp cho việc sinh nở thuận tiện hơn và lành mạnh hơn.

Sự tái sinh của Chúa Giêsu khai sinh ra sự sống mới cho thế gian, và trong thời điểm ban đầu đó, sự sống này phải được hỗ trợ nhờ các bà đỡ, cả về tính khẩn cấp của tình huống lẫn những hơi thở đầu tiên trong thế gian này.  Sự tái sinh đã khai sinh nhiều thứ, và chúng cần có bà đỡ, ban đầu là nhờ những phụ nữ được Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên, rồi đến các tông đồ đã kể lại cho chúng ta lời chứng thấy tận mắt của họ, rồi đến giáo hội tiên khởi, nhờ các bậc tử đạo, nhờ đời sống đức tin của vô số người qua nhiều thế kỷ và đôi khi là nhờ các thần học gia và ngòi bút thiêng liêng.  Và hiện giờ, chúng ta vẫn cần làm bà đỡ cho điều khai sinh ra từ sự phục sinh.

Và biến cố phục sinh đã khai sinh ra nhiều điều, một biến cố tận căn không khác gì sự tạo dựng nguyên thủy.  Sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là “ngày đầu tiên” thứ hai, là lần thứ hai ánh sáng chia tách với bóng tối.  Thật vậy, thế giới xác định thời gian theo biến cố phục sinh.  Chúng ta đang ở năm thứ 2024 kể từ biến cố đó.  (Kitô giáo được khai sinh từ biến cố đó.  Thời đại mới bắt đầu từ đó.  Nhưng các học giả đã tính toán rằng Chúa Giêsu đã 33 tuổi khi Ngài chết, nên họ thêm 33 năm để thời gian được tính từ khi ngài ra đời).

Trong những gì mà sự phục sinh đã khai sinh, một điều nổi bật và vẫn cần được chúng ta làm bà đỡ, chính là hy vọng.  Sự phục sinh khai sinh hy vọng.  Các phụ nữ lần đầu tiên gặp Chúa Giêsu phục sinh chính là những người đầu tiên được trao cho lý do đích thực để hy vọng và họ là những người đầu tiên làm bà đỡ cho sự khai sinh mới này.  Chúng ta cũng phải như thế.  Chúng ta cần trở thành bà đỡ cho hy vọng.  Nhưng hy vọng là gì, và nó được khai sinh thế nào trong sự phục sinh?

Hy vọng đích thực không bao giờ lẫn lộn với kiểu ý nghĩ mơ tưởng hay kiểu lạc quan nông nổi.  Không như hy vọng, ý nghĩ mơ tưởng chẳng hề có căn cứ gì.  Nó chỉ là mơ tưởng mà thôi.  Còn sự lạc quan thì bắt nguồn từ sự nông nổi tự nhiên (kiểu “Tôi luôn thấy mặt tốt của vấn đề”) hoặc theo bản tin tối mỗi ngày, nhưng chúng ta biết tình hình đó có thể thay đổi hàng ngày.  Hy vọng lại có một căn cứ khác hẳn.

Tôi xin đưa ra một ví dụ: Pierre Teilhard de Chardin, nhà khoa học gia đầy đức tin, có một lần trình bày với ý định thể hiện rằng câu chuyện lịch sử cứu độ khớp hoàn toàn với những thấu suốt của khoa học về nguồn gốc vũ trụ và sự tiến hóa.  Cha Teilhard lấy ý từ câu 3-10, chương 1, thư gửi Tín hữu Êphêsô mà gợi ý rằng cái kết của toàn bộ tiến trình tiến hóa sẽ là sự hiệp nhất mọi sự trong một bản hòa âm tận cùng trong Đức Kitô.  Một đồng nghiệp vô thần đã thách thức cha rằng: Những gì cha đưa ra là một giản đồ lạc quan tuyệt vời.  Nhưng nếu như chúng thổi bay thế giới bằng bom nguyên tử thì sao.  Lúc đó thì giản đồ lạc quan của cha sẽ thế nào?  Cha Teilhard trả lời thế này: Nếu chúng ta thổi bay thế giới bằng bom nguyên tử, thì đó sẽ là một bước lùi, có khi là lùi hàng triệu năm.  Nhưng điều mà tôi đưa ra sẽ thành sự, không phải vì tôi ước mơ nó hay vì tôi lạc quan.  Nó sẽ thành sự vì Thiên Chúa đã hứa như thế, và trong biến cố phục sinh, Thiên Chúa cho thấy rằng Thiên Chúa có quyền năng để thực hiện lời hứa đó.

Điều mà những phụ nữ gặp Chúa Giêsu đầu tiên đã trải nghiệm chính là hy vọng, dạng hy vọng dựa trên lời hứa của Thiên Chúa sẽ đứng về phía sự thiện trước sự ác, sự sống trước sự chết, bất kể hoàn cảnh, bất chấp chướng ngại, bất kể tình hình, bất chấp cả cái chết và bất chấp chúng ta lạc quan hay bi quan.  Họ là những bà đỡ đầu tiên đã giúp khai sinh hy vọng đó.  Và bây giờ đó cũng là nhiệm vụ của chính chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HÃY ĐẶT LÒNG MÌNH VÀO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT!

Năm 1931, một nữ tu người Ba Lan tên Faustina Kowalska, tuyên bố rằng chị đã được nhìn thấy Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với mình.  Người mặc áo trắng, tay phải với lỗ đinh giơ lên như đang chúc lành, tay trái chạm vào trái tim nơi có hai luồn ánh sáng trắng và đỏ chiếu tỏa ra, và Người truyền cho thánh nữ vẽ lại những gì đã thấy với dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” (Trích Nhật ký Lòng Thương Xót Chúa nơi linh hồn tôi – Faustina)

Gần bảy mươi năm sau, ngày 30/4/2000, vào Chúa nhật sau lễ Phục sinh, Đức giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng phong thánh cho chị Faustina, và ấn định Chúa nhật II Phục sinh hằng năm là ngày “Chúa nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót.

Lòng Thương Xót của Chúa dành cho con người không dừng lại ở những gì Chúa Giêsu đã nói đã làm khi còn sống, hay chỉ trong cuộc khổ nạn của Người mà thôi.  Lòng thương xót ấy vẫn hằng ngày được tiếp diễn trên cuộc đời mỗi người chúng ta.  Dù biết đức tin của con người còn yếu kém, thế nhưng lòng thương xót ấy vẫn bao phủ và chở che con người qua mọi nơi mọi thời.

Các tông đồ ngày xưa ai cũng hoan mang, lo lắng về cái chết của Chúa Giêsu, nên khi hay tin Người sống lại phần lớn các ông đều tỏ thái độ bán tín bán nghi.  Suốt trong tuần Bát Nhật Phục Sinh vừa qua, ta được nghe những tường thuật về những lần hiện ra sau khi sống lại của Chúa Giêsu qua các trang Tin Mừng của các thánh sử.  Mỗi người diễn tả một hoàn cảnh khác nhau về sự Phục Sinh của Người, và trong những lần hiện ra ấy, ta lại thấy các môn đệ đón nhận với một hoàn cảnh, một thái độ khác nhau.  Nhưng tất cả đều mang chung một tâm trạng của sự hoài nghi.

Thế nhưng, khi nhắc đến vấn đề lòng tin thì người ta lại nghĩ ngay đến Tôma và gắn liền tên ông với “Kẻ kém lòng tin.”  Thật tội nghiệp cho Tôma khi phải mang lấy biệt danh không mấy tích cực ấy.  Chỉ vì trước đó ít hôm, vì một lý do nào đó mà ông không thể có mặt khi Chúa Giêsu hiện ra, và vì ông mạnh mẽ cho một câu nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.” (Ga 20,25)

Với tôi, Tôma là một người sống thực tế theo kiểu “trăm nghe không bằng một thấy.”  Nhưng nếu công bằng hơn, ta sẽ thấy Tôma còn là một người sống rất tình cảm.  Chắc chắn ông đã buồn và buồn rất nhiều về những gì Chúa Giêsu phải chịu, và tình cảm ông dành cho Thầy cũng rất sâu nặng.  Chắc có lẽ ông đã lẩn đâu đó trong đám đông khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn, mới có thể chứng kiến và biết những vết thương của Thầy.  Ông đã không bỏ trốn đến một nơi thanh vắng nào đó cho an toàn, nhưng cách nào đó ông âm thầm bước theo Chúa Giêsu để rồi đã phải “ám ảnh” và tự vấn lương tâm mình rất nhiều vì những vết thương Thầy mình phải chịu.  Nên những dấu đinh trên tay hay vết thương nơi cạnh sườn Người, là điều đầu tiên ông muốn thấy.  Nó đã ám ảnh, đã dằn vặt cõi lòng ông suốt thời gian qua, giờ đây ông đã rất can đảm để đối diện với nỗi buồn trong lòng mình.

Chúa Giêsu đã trách ông kém lòng tin (x. Ga 20, 27), nhưng lời trách ấy không chỉ dành riêng cho Tôma mà nó còn cho mỗi người chúng ta.  Đạo Công giáo là đạo của đức tin.  Nhưng người Công giáo đã giữ và sống đức tin của mình như thế nào?  Giữa một trào lưu xã hội chạy theo lối sống thực dụng, việc giữ đức tin đã khó và sống đức tin ấy càng khó hơn bội phần.  Nói lời hay, giảng điều đẹp vẫn cần, nhưng xã hội ngày nay người ta cần hơn những chứng nhân thực tế, liệu rằng một đời sống đạo gương mẫu bằng những hành động cụ thể từ những lối hành xử hằng ngày đã được người Kitô hữu áp dụng như thế nào?

Nhìn lại tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người, ta mới thấy nó cao cả và huyền nhiệm làm sao.  Dù biết con người qua mọi thời luôn hời hợt với tình yêu của mình, nhưng Người vẫn yêu thương ta và yêu đến cùng.  Người còn muốn tình yêu ấy bao phủ và xâm chiếm trái tim tội lỗi của con người, để bảo vệ, chở che và nâng con người lên một tầm mức cao hơn.  Lòng thương xót của Người vẫn ngày đêm không ngừng len lỏi vào tâm hồn ta bằng sự dịu dàng, để rồi nó sẽ được tỏa ra cách mạnh mẽ như Tôma: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) và từ đây một cuộc cách mạng nội tâm diễn ra và nó đã nhấn chìm mọi ngờ vực vào “đại dương lòng Chúa thương xót.

Lạy Chúa, con tin lòng thương xót của Chúa luôn ấp ủ tâm hồn con, xin cho con biết ra khỏi con người hiện tại với những bộn bề lo toan, những hơn thua, hờn giận.  Để con biết sống lại con người mới trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa.  Và xin cho con biết loan truyền lòng thương xót của Chúa đến với những người xung quanh không chỉ qua lời nói mà còn bằng chính những hành động yêu thương cụ thể hằng ngày của con.  Và qua con, mọi người cảm nhận cách cụ thể hơn mối phúc sau cùng Chúa để lại: “Phúc cho những ai không thấy Chúa mà tin có Chúa hiện diện nơi con.”

Step. Phạm Ngọc Duy

TIN VÀ KHÔNG TIN

Trong thời đại 4.0 này, việc tin một người đã chết rồi ba ngày sau sống lại được coi là điều nhảm nhí và điên rồ.  Điều đó chẳng có chi lạ.  Bởi lẽ, vào thời các tông đồ, các quan chức Rô-ma và những người lãnh đạo Do Thái Giáo cũng đã cho việc các ông khẳng định Đức Giê-su đã chết và đã sống lại là điều tào lao.  Các tông đồ không vì thế mà nhụt chí, vì các ông không thể không nói ra những điều mình được mắt thấy tai nghe (x. Cv 4,21).  Hơn thế nữa, các ông còn lấy mạng sống mình đề đảm bảo những gì các ông nói.

Hai mươi thế kỷ đã qua, có rất nhiều người tin vào Đức Giê-su Phục sinh, nhưng cũng có rất nhiều người phủ nhận Người.  Thống kê mới nhất của Tòa Thánh cho thấy, Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số thế giới là 7.785.769.000 (Bảy tỷ, bảy trăm tám mươi lăm triệu bảy trăm sáu mươi chín ngàn người) trong đó số tín hữu Công giáo là 1.375.852.000 (Một tỷ ba trăm bảy mươi lăm triệu tám trăm năm mươi hai ngàn người).  Như vậy, tỷ lệ người Công giáo trên toàn thế giới ở mức 17,67%.  Đó là chưa tính những tín hữu Ki-tô thuộc các giáo phái khác.

Một người đã chết nay sống lại là điều khó tin, ngay cả với ông Tô-ma, một trong mười hai tông đồ.  Ông đặt ra những điều kiện cho niềm tin của mình, mặc dù trước đó, ông đã tận mắt chứng kiến những phép lạ ngoạn mục Chúa Giê-su đã làm.  Ông đại diện cho trường phái hồ nghi, ở thời nào cũng có, nhất là trong thời đại của chúng ta hôm nay.  Trường phái này chỉ tin vào những gì cảm nhận bằng giác quan.

Tuy vậy, khi đặt ra những điều kiện để tin như ông Tô-ma, là chúng ta đặt Thiên Chúa ngang hàng với người phàm.  Nói cách khác, khi đòi phải có điều kiện, thì không còn là đức tin nữa, vì tin là chấp nhận những thực tại vô hình hay những thực tại mình không cảm nhận bằng giác quan.  Hơn nữa, nếu đặt để niềm tin của mình nơi quyền năng của Thiên Chúa, thì cần xác tín: “không có gì mà Chúa không làm được.”

Mặc dù ông Tô-ma chẳng có lý do gì để thách thức Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su Phục sinh vẫn chấp nhận lời thách thức đó.  Vào ngày thứ tám sau sự kiện phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ, có cả Tô-ma.  Cuộc gặp gỡ này đã chứng minh những lời các tông đồ nói trước đó là xác thực.  Đức Giê-su nhắc lại những thách thức của ông Tô-ma trước đó.  Trước những lời này của Chúa, ông Tô-ma chẳng còn nói được điều gì.  Ông chỉ có thể thưa với Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Đây là lời tuyên xưng đức tin.  Đây cũng lời sám hối, đồng thời diễn tả niềm xác tín vào Đấng Phục sinh.  Chúng ta lưu ý: ông Tô-ma không còn gọi Chúa Giê-su là Thày như trước đó, mà ông tuyên xưng Người là Chúa và là Thiên Chúa.  Những danh xưng này cho thấy ông đã thực sự tin vào Đức Giê-su.  Đây cũng là lời tuyên xưng đức tin của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi.

Trong cả ba năm A,B,C, của Chúa nhật thứ hai Phục sinh, Phụng vụ đều cho chúng ta nghe cùng một bản văn, đó là trình thuật về sự cứng lòng của ông Tô-ma trong Tin Mừng theo thánh Gio-an.  Mặc dù Chúa Giê-su Phục sinh là nhân vật quan trọng nhất, nhưng xem ra ông Tô-ma lại dành một vị trí đặc biệt trong trình thuật này.  Phải chăng Phụng vụ muốn lưu ý chúng ta: vẫn còn đó những Tô-ma, trải qua mọi thời đại.  Rất nhiều người giống như Tô-ma, chủ trương học thuyết thực nghiệm.  Họ chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe.  Các tông đồ, là những chứng nhân mắt thấy tai nghe và kể lại cho chúng ta sự kiện Chúa sống lại với niềm xác tín.  Trước Công nghị Do Thái, các ông tuyên bố: Đức Giê-su, vị ngôn sứ thành Na-gia-rét, là người có quyền năng trong lời nói và hành động, đã chết và đã sống lại.  Các ông sẵn sàng lấy mạng sống để làm chứng cho điều các ông nói.  Một điều kỳ diệu, là các tông đồ vốn là những người dân chài chất phác ít học, nhưng lại uyên bác và trích dẫn Thánh Kinh để minh chứng rằng các lời ngôn sứ xưa kia đã thành hiện thực.

Chúa Giê-su Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta.  Tác giả sách Tông đồ Công vụ diễn tả sức sống kỳ diệu của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi: cộng đoàn đông đảo “chỉ có một lòng một ý.  Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”  Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy?  Thưa, Đấng Phục Sinh.

Thời nào cũng thế, vẫn còn đó những người tin và những người không tin vào Đức Giê-su.  Tuy vậy, khi tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng đã chết và sống lại, các Ki-tô hữu được trở nên con Thiên Chúa.  Thánh Gio-an tông đồ viết: “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.”  Đó là cuộc sinh hạ trong đức tin và ân sủng.  Họ cũng sẽ chiến thắng thế gian như Đức Giê-su đã chiến thắng.  Các Ki-tô hữu cần thường xuyên ý thức về sức sống mới trong tâm hồn và cuộc sống của mình, để củng cố đức tin và thực sự nên giống Đức Giê-su Phục sinh.  Chúng ta thấy đó là lý do tại sao Phụng vụ nhấn mạnh và cầu nguyện cho những người tân tòng, trong mùa Phục sinh.

Chúa nhật II Phục sinh cũng là Chúa nhật kính Lòng Chúa thương xót.  Xin cho chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, thể hiện qua cuộc đời và sứ mạng của Đức Giê-su nơi trần thế, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Người.  Xã hội hôm nay rất thiếu vắng lòng thương xót.  Đó là nguyên nhân dẫn tới bạo lực, hận thù và xung đột chia rẽ.  Khi cảm nhận lờng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống khiêm tốn hơn và dễ dàng thực thi lòng thương xót đối với tha nhân.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

MUỐN NHIỀU HƠN

“Đừng giữ Thầy lại!”

“Bạn có thể có được Thiên Chúa bao nhiêu tuỳ thích!  Chúa Kitô trao chìa khoá kho tàng vào tay bạn.  Nếu một người được phép vào kho vàng thỏi của ngân hàng, lấy bao nhiêu tuỳ thích; nhưng anh ấy chỉ lấy mấy cắc, thì lỗi tại ai mà anh ta nghèo?  Hãy muốn thật nhiều!  Và đừng quên, Chúa Kitô luôn ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn!” – Alexander MacLaren.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Kitô luôn ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn!”  Đó cũng là những gì Ngài muốn cho Maria trong Tin Mừng hôm nay.  Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cho cô với dáng vẻ một người làm vườn.  Cô muốn ôm chân Ngài; Ngài nói, “Đừng giữ Thầy lại!”  Tại sao?  Ngài muốn cô thay đổi cách nhìn, lối xử với Ngài một cách hoàn toàn khác!  Ngài ‘muốn nhiều hơn’ cho cô!

Maria hết lòng vì Thầy, bằng chứng là cô có mặt dưới chân thập giá; hoặc do lòng thương xót, Ngài đã trục xuất bảy quỷ cho cô!  Mặc dù sự gắn bó và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu đẹp đẽ và rất thanh khiết – tuy chưa hoàn thiện – Maria chỉ muốn Thầy Chí Thánh được trả lại cho cô theo cách cô muốn.  Vì lý do đó, Ngài bảo, “Đừng giữ Thầy lại!”

Khi nói thế, Chúa Giêsu muốn nói với Maria rằng, “Mối quan hệ của con với Ta sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thiêng liêng hơn, thiên đàng hơn.  Nó không còn ở cấp độ con người!  Ta sẽ không chỉ là bạn của con; Ta ‘muốn nhiều hơn’ cho con.  Ta muốn con yêu Ta “hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực;” Ta sẽ sớm ở trong con và con ở trong Ta; Ta sẽ ở trong tim con, nên một với con, và trở thành Lang Quân của con cho đến đời đời!”  Đây là ‘một cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa trời với đất,’ ‘một hiệp thông mầu nhiệm giữa người với Chúa,’ ‘một tương quan mới giữa Đấng Cứu Chuộc với tội nhân.’  Họ sẽ cùng Ngài ‘xe duyên;’ và điều này chỉ có thể xảy ra một khi Chúa Giêsu đã lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha sau khi hoàn tất sứ mệnh trên dương thế!

Sẽ rất bất ngờ khi bạn và tôi đọc lại những lời này – “Đừng giữ Thầy lại!” – với ý thức rằng, Chúa Giêsu ‘muốn được giữ lại’ hơn bao giờ hết!  Ngài muốn ‘được ôm chặt’ với sự hiểu biết rằng, Ngài đã thực sự lên cùng Cha!  Ngài muốn chúng ta ‘ôm chặt’ Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, trong tha nhân.  Ngài muốn chúng ta bám lấy Ngài với từng thớ thịt, từng hơi thở của mình; Ngài muốn ở cùng, trở nên mỗi người để biến đổi từng người theo cách thức riêng của Ngài.  Maria đang tận hưởng hạnh phúc này; và quà tặng đó cũng đang được trao cho bạn và tôi ngay hôm nay chứ không đợi đến mai ngày trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Đừng giữ Thầy lại!”  Chúa Phục Sinh ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn và tôi!  Ngài muốn chúng ta gói lấy “những vàng thỏi,” chứ không chỉ nhặt “mấy cắc.”  Ngài muốn chúng ta yêu Ngài tha thiết hơn từng ngày, từng giờ; từ đó, sống cho Ngài từng phút, từng giây.  Ngài không chỉ ‘muốn nhiều hơn’ trái tim yêu thương của chúng ta; nhưng thật bất ngờ, cả những tội lỗi cùng những gì ‘hơi hướng thế tục’ nơi mỗi người.  Đó là tất cả những gì Ngài đang chờ, và đang muốn nhất.  Hãy dâng Ngài thời giờ, sức khoẻ, niềm vui và cả thập giá.  Phải, cả thập giá!  Thú vị thay, thập giá đó là sự ươn hèn, các tính hư nết xấu và cả tội lỗi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con khôn ngoan ôm lấy ‘vàng thỏi,’ đừng nhặt ‘tiền cắc!’  Để con yêu Chúa hơn từng ngày, sống thánh hơn từng giờ cho Đấng hằng yêu con từng giây!” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THẤY MÌNH TRONG CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

Đấng đáng kính TGM Fulton J. Sheen (1895-1979, Hoa Kỳ) đã trình bày bài suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Chúng Ta và Đấng Cứu Thế Giêsu Kitô theo nhiều cách.  Hai trong số những cách đáng chú ý nhất mà ngài đã trình bày về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là:

a) Suy niệm sâu sắc về “Bảy Lời Cuối Cùng của Chúa Giêsu từ Thập Giá.”

b) Trình bày cách mô tả “Các Nhân Vật Trong Cuộc Khổ Nạn.” Ngài mô tả các thái độ, nhân đức hoặc tính xấu khác nhau của nhiều người tham gia vào Cuộc Khổ Nạn – đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

“Các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô” chắc chắn có thể dùng như một phương tiện để xét mình nghiêm túc đối với mỗi người trong chúng ta.  Chúng ta có thể khám phá và xác định mình với nhiều đặc điểm của các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa – một số tích cực và đáng khen, một số tiêu cực và đáng trách.

Vì vậy, chúng ta hãy can đảm bước vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu bằng cách vừa suy gẫm vừa suy nghĩ về những nhân vật hoặc những người liên quan Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa chúng ta.  Hy vọng chúng ta sẽ được coi là những người trung thành của Chúa Giêsu, những người mang lại niềm an ủi sâu sắc cho Trái Tim bị thương và chảy máu của Ngài.

Chúng ta sẽ xem xét một số nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.  Bài viết ngắn này không đầy đủ, nhưng nó sẽ cho chúng ta nếm trải ít nhất một hương vị trong nhiều tính cách của những người có mặt trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, cách phác họa các động độ khác nhau sẽ tác động đến chúng ta theo nhiều cách và có thể thúc đẩy chúng ta hoán cải.

ÁC VƯƠNG HÊRÔĐÊ

Chúa Giêsu bị chất vấn trước mặt vua Hêrôđê và triều đình, nhưng Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi nào.  Ông vua độc ác này đại diện cho những người theo chủ nghĩa nhục dục, chủ nghĩa khoái lạc, phó mặc cho những ham muốn xác thịt.  Chúa Giêsu không mở miệng bởi vì Ngài sẽ chỉ bị chế giễu, mỉa mai và nhạo báng.  Với những loại người này, Chúa Giêsu xác định: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7:6)

Ngày nay, nhiều người theo chủ nghĩa khoái lạc, hướng về nhục dục, hoàn toàn phó mặc cho những ham muốn xác thịt.  Chúa Giêsu xác định với ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.  Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3:5-6)

TỔNG TRẤN PHILATÔ

Người biện lý La Mã này đại diện cho nhiều người ngày nay.  Về cơ bản, Philatô đại diện cho kẻ hèn nhát điển hình.  Vợ ông là Claudia đã mơ về sự vô tội của Chúa Giêsu, nhưng ông ta đã bỏ qua yếu tố chân lý này.  Ông ta muốn làm hài lòng đám đông, ông ta là “người làm vui lòng dân hơn là làm vui lòng Chúa!”

Chúng ta thường hành động và phản ứng như thế nào để làm vui lòng mọi người, để được mọi người vui thích và tán thưởng, để làm tổn hại chúng ta vì đã từ chối ý muốn của Thiên Chúa và làm mất lòng Chúa?  Sự tôn trọng dành cho con người lại thường vượt xa sự tôn trọng dành cho Thiên Chúa!

PHARISÊU, KINH SƯ VÀ SAĐỐC

Nhiều người từ chối Chúa Giêsu và kêu gào kết án Ngài, điều đó thể hiện sự kiêu ngạo về trí tuệ.  Đây là giới trí thức – nhóm có học thức và uyên bác về Kinh Thánh.  Họ là những người biết nhiều về tâm linh.  Người ta cảm thấy quá sức tưởng tượng khi đối diện với một người thợ mộc khiêm tốn, ít học, đến từ Nadarét, giống như một thỏi nam châm, thu hút vô số người bởi những lời nói và việc làm của Ngài.

Quả thật, chính sự kiêu ngạo và đố kỵ về trí tuệ của họ đã làm cho họ mù quáng, không thể nhận ra mà chấp nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ của họ.  Ngày nay có biết bao người vẫn mù quáng, không nhận biết và không chấp nhận sự thật do sự kiêu ngạo về trí tuệ!

VÔ SỐ NGƯỜI THEO DÕI CHÚA GIÊSU

Nhiều người trong nhóm này là biểu tượng của những người tò mò.  Nhiều người tìm kiếm sự mới lạ, sự đổi mới, mốt mới và kiểu lạ để khơi gợi sự tò mò bệnh hoạn của họ.  Thật nguy hiểm biết bao khi họ chỉ sống vì sự phấn khích mau qua.  Người ta có câu: “Sự tò mò giết chết con mèo!”

TIẾNG HÔ “ĐÓNG ĐINH!”

Có những người trên thế giới thực sự có lòng căm thù đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Giêsu, và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa.  Nhóm Sađốc, các thượng tế đứng dưới thập giá và đám đông trước mặt Philatô kêu to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”

Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người nuôi dưỡng lòng căm thù quỷ quyệt đối với Chúa Giêsu và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa.  Số người này trong thế giới hiện đại vẫn tiếp tục gia tăng!

ÔNG SIMÔN KYRÊNÊ

Sau khi làm việc và trở về từ cánh đồng, ông Simôn thành Kyrênê bị bắt buộc phải giúp Chúa Giêsu vác thập giá.  Lúc đầu, Simôn chống cự và tìm cách thoái thác, nhưng khi đã chấp nhận vác thập giá, ông ấy không chỉ thấy hoàn toàn phù hợp với công việc này, mà còn thích giúp Chúa Giêsu vác thập giá.

Có thể đó là bạn và tôi: ngay từ đầu chúng ta muốn chạy trốn khỏi thập giá, nhưng khi đã chấp nhận, chúng ta thấy “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng.” (Mt 11:30)

BÀ VÊRÔNICA

Bà Vêrônica là một phụ nữ dũng cảm.  Bà đã chen qua đám đông và lau mặt Chúa Giêsu bằng khăn trùm của mình.  Chúa Giêsu đã đền đáp cho bà bằng cách để Thánh Nhan Ngài in vào tấm khăn đó.  Còn chúng ta, liệu chúng ta có can đảm ra đi để giúp đỡ những người đang đau khổ và hoạn nạn hay không?

NHỮNG NGƯỜI ĐÓNG ĐINH CHÚA

Mặc dù điều này có thể khó chấp nhận, nhưng mỗi khi chúng ta đồng ý phạm một tội trọng, thì theo nghĩa thực tế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc đóng đinh Chúa Giêsu, về những chiếc đinh đâm vào chân tay Ngài.  Tuy nhiên, bằng cách xưng tội nên, chúng ta nhổ đinh và để cho Chúa Giêsu Phục Sinh bước đi!

NHỮNG NGƯỜI LÍNH RÚT THĂM CHIA CHÁC

Có những người lính bên dưới khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá và đau đớn tột cùng.  Họ rút thăm xem ai được nhận y phục của Chúa Giêsu.  Những người này, cùng với nhiều người trong đám đông đang nhìn xem, thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm.

Ngày nay có quá nhiều người bày tỏ thái độ dửng dưng, lãnh đạm, thờ ơ, xa cách đối với Chúa Giêsu.  Sách Khải Huyền lên án mạnh mẽ thái độ này bằng những lời lẽ làm rung chuyển trái đất này: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng.  Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!  Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:15-16)

Đáng buồn là có một số đông những người được gọi là Kitô hữu Công giáo thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm với Chúa, với các Bí Tích và với Giáo Hội.  Có lẽ chúng ta thuộc nhóm này.  Nếu vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi!

KẺ TRỘM DỮ

Bất chấp gương tốt của Chúa Giêsu và tấm gương cao quý nhất về lòng nhân từ và thương xót của Ngài: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc. 23: 24)  Tên tử tội xấu đã tự kết liễu đời mình bằng cách nguyền rủa và thách thức Chúa Giêsu.  Thậm chí hắn còn muốn biến đổi tử tội cùng bị đóng đinh với mình, nhưng hắn vẫn chết với trái tim lạnh lùng, nhẫn tâm và độc ác!  Có những người, mặc dù được Thiên Chúa ban cho nhiều ân sủng, nhưng họ lại trở nên chai cứng và nhẫn tâm hơn.  Xin Chúa giải cứu chúng ta!

NGƯỜI TRỘM LÀNH

Ở mặt khác của đồng tiền, bên cạnh Chúa Giêsu trên Thập Giá, chúng ta gặp người trộm lành.  Anh ta kết thúc đời mình bằng cách ăn năn và cầu xin Chúa Giêsu thương xót.  Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ, tỏ lòng thương xót, và mở Thiên Đàng cho tử tội sám hối này, với những lời an ủi nhất: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc. 23:43) TGM Sheen nhắc nhở chúng ta: “Anh ta chết mà vẫn ăn trộm vì anh ta đã lấy trộm Thiên Đàng.”  Sự cứu rỗi có thể xảy ra ngay giây phút cuối cùng đối với những người thật lòng ăn năn!

VIÊN ĐỘI TRƯỞNG ĐÂM CHÚA

Sau khi đâm Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, viên đại đội trưởng này đã tin!  Ông công nhận: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39) Máu và nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu là nguồn ơn hoán cải và ơn cứu độ vô tận!

MARIA MAĐALÊNA

Sau khi được trừ bảy quỷ, bà Mađalêna đã biến đổi nhờ tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu.  Đứng dưới chân Thập Giá, ôm lấy Thập Giá với mái tóc rối bù, bà Mađalêna thể hiện tình yêu chân thành và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu.  Bà Mađalêna đại diện cho những người thực sự canh tân cuộc sống.  Tất cả đều được mời gọi ăn năn và tín thác.  Có lẽ vẫn còn điều gì đó giống bà Mađalêna trong chúng ta, đó là cần đổi mới chăng?

MÔN ĐỆ GIOAN

Môn đệ Gioan đứng dưới Thập Giá đại diện cho giới tư tế.  Linh mục có thể được định nghĩa là nạn nhân, là vật hy sinh, là người dâng những lời cầu nguyện và hy sinh để đền tội cho mình và cho các tội nhân.  Chúa Giêsu là lễ vật không tì vết, và bị treo tên Thập Giá.  Môn đệ Gioan đứng bên Mẹ Maria, dưới chân Thập Giá, dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha Hằng Hữu để xin ơn cứu độ tội nhân và nhân loại.  Xin cho các giáo sĩ biết noi gương Thánh Gioan!

ĐỨC MẸ

Có rất nhiều danh hiệu dành cho Đức Mẹ.  Tuy nhiên, TGM Sheen tôn vinh Đức Mẹ là Đấng Vô Tội – Innocence, vì Đức Mẹ đã đứng bên Thập Giá suốt ba giờ.  Tất cả chúng ta đều đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá do tội lỗi của mình.  Đức Maria không hề phạm tội, nhưng đã dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha để cứu rỗi toàn thể nhân loại.

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH

Khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, chúng ta có cách mô tả rõ ràng nhất về Tình Yêu Nhập Thể. Thánh Inhaxiô nói rằng Chúa Giêsu chết trên Thập Giá vì hai lý do:

a) Cho chúng ta thấy sự xấu xa của tội lỗi.

b) Đặc biệt cho chúng ta thấy sự vĩ đại của tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Nếu bạn là người duy nhất trên thế giới, Chúa Giêsu vẫn chịu khổ nạn và chịu chết vì yêu thương bạn và cứu rỗi linh hồn bất tử của bạn.

CHÚA CHA VĨNH HẰNG

Trong bộ phim The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) của Mel Gibson, cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá kết thúc bằng một giọt nước khổng lồ từ trên trời rơi xuống.  Cách hiểu thế nào?  Đó là Giọt Nước Mắt của Chúa Cha từ trời cao.  Chúa Cha khóc trước cái chết của Con Ngài và khóc vì tội lỗi của nhân loại.  Nhưng Chúa Cha cho phép Con Ngài chết vì yêu thương chúng ta và sự cứu rỗi đời đời của chúng ta.

KẾT LUẬN

Hãy dành nhiều thời gian để suy ngẫm về các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô.  Bạn có thể xác định điều gì trong số những điều này với cuộc sống của chính mình?  Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí bạn để biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát bạn.

Lm. Ed Broom, OmvTrầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

NGHỊCH LÝ CỦA THÁNH GIÁ

Buổi chiều hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết để chuộc tội thiên hạ.  Buổi chiều hôm nay là “giờ” của Thiên Chúa Cha đã định, và cũng là “giờ” của Đức Giêsu hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại; “giờ” của người Tôi Trung mà tiên tri Isaia đã loan báo.  “Giờ” đó được hoàn tất trên Thánh Giá.  Vì thế, phụng vụ chiều hôm nay đều quy chiếu về Thánh Giá Đức Kitô như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối.

1. Nghịch lý của Thánh Giá

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8); và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3).

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã là nguyên nhân để nhiều người được cứu độ, nhưng cũng không thiếu những kẻ cứng lòng, cố chấp và trai lỳ trong ích kỷ, kiêu ngạo.  Những người như thế, họ coi đó như là hình phạt mà Đức Giêsu là người đáng phải chịu do tội mình gây nên.

Thật vậy, khi thập giá được dựng lên, và khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn.  Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh thường.  Họ coi thập giá như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm…  Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Đức Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ chế độ và nói lời phạm thượng.”  Và, những người theo Đức Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội!

Thật vậy, thập giá của Đức Giêsu hôm nay được tôn vinh, đã làm không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xét theo người đời, thì đây chính là sự ô nhục, hận thù, đáng ghét… là biểu tượng của sự chết chóc và thập giá vẫn chỉ là dụng cụ ghê rợn được dùng để xử tử tội nhân mà thôi.

Nhưng đối với Thiên Chúa, thì đây chính là sự khôn ngoan khôn dò thấu của Người.  Thánh Phaolô đã nói: “Con Thiên Chúa chết trên thập giá là một trong những đường lối khôn ngoan sâu thẳm mà không một ai dò thấu” (x. Rm 11,33).  Bởi vì Thiên Chúa đã dùng thập giá như một sự nghịch lý để cứu độ con người.

Thực ra thập giá luôn mang tính nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ.

Nhưng với những người tin, hẳn sự cảm nghiệm, suy nghĩ và thái độ hoàn toàn ngược lại.  Những người đó sẽ coi thập giá trở thành Thánh Giá và Thánh Giá lúc này trở thành phương dược, để qua đó Đức Giêsu chuộc tội thay con người và cứu độ nhân loại.

Nếu xưa kia trong vườn Địa Đàng, Ađam đã ngã gục trước Cây Trái Cấm, và gieo rắc tội lỗi cho nhân loại, thì giờ đây, trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì mà Ađam đã đánh mất và để lại hậu quả cho nhân loại.

Như vậy, từ Cây Trái Cấm, sự chết đã tiêu diệt thế gian, và Trái Cấm là rào cản lớn đến độ con người không thể vượt qua, thì giờ đây, từ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì đã mất do Nguyên Tổ gây nên và mặc cho nó thành cây Sự Sống, quả Phúc Trường Sinh.

Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ điều này khi nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).  Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên xưng niềm tin và ơn cứu chuộc của mình nơi Thánh Giá, ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa […]  Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin.  Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (nhưng) cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,18-25).

Vì thế, “Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi lòai dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).

2. Đón nhận Thánh Giá như nguồn ơn cứu rỗi

Cuộc đời của người Kitô hữu, tức là cuộc đời của những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người luôn nghe thấy lời mời gọi của Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.  Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.  Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? ” (Mc 8,34-36); và: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).

Lời mời gọi đó đã được gióng lên ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội cũng như suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta.  Như vậy, Thánh Giá trở nên cứu cánh và việc vác Thánh Giá trở thành điều kiện cần của chúng ta trên hành trình dõi bước theo Đức Giêsu.

Thánh Giá mà mỗi chúng ta phải vác ở đây chính là bổn phận phải chu toàn; là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa; là từ bỏ ý riêng… và phục vụ trong yêu thương.

Làm được như thế, ấy là chúng ta sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Giêsu.  Đặt bước chân của ta vào dấu chân của Chúa, để sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng.

Như vậy, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta.  Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy khi tuyên xưng: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá […] (Và) tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi ” (Gl 2,19-20).

Mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, người Kitô hữu chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, để được hiệp thông cách trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Ngài, và như một định luật đối với những người tin và theo Đức Giêsu là: qua đau khổ thì mới được vào vinh quang.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu treo trên Thánh Giá, xin thương xót và cứu chuộc chúng con.  Amen!

Jos Vinhsơn Ngọc Biển SSP

TRỜI ĐÃ TỐI

Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.  Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27).  Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).  Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).  Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).  Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.

Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội.  Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình.  Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22).  Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy, nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai.  Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội.  Ngài chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra.

Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.  Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.  Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy, như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc.  Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại.  Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không?  Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi.

“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27).  Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa.  Thầy đã rửa chân cho anh và còn cho anh tham dự bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27).  Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27).  Giuđa ra đi lúc trời đã tối.

Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần.  Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).  Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình.  Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ.

“Thầy đi đâu?”, tiếng Latinh là “Quo vadis?” (c. 36).  Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai.  Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma, anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy: “Thầy đi đâu vậy?”  Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.  Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.

************************

Lạy Chúa, 
xin cho con quả tim của Chúa. 
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, 
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa 
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường 
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. 
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, 
mọi trả thù ti tiện. 
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, 
không một biến cố nào làm xáo trộn, 
không một đam mê nào khuấy động hồn con. 
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, 
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. 
Xin cho quả tim con đủ lớn 
để yêu người con không ưa. 
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở 
để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

GIU-ĐA, THẬT SỰ NGƯỜI LÀ AI?

 

Xưa kia, cái khung cảnh và căn phòng được Ðức Giêsu và các Tông đồ chọn làm nơi ăn bữa tối cuối cùng, thật sự là một nơi của bữa tiệc biệt ly, của sự tang tóc buồn sầu: Bên ngoài màn trời đầy u ám, tối đen và lạnh giá!  Nhưng hôm nay trong ngôi thánh đường này, nơi chúng ta đang cùng nhau cử hành bữa Tiệc Ly, lại sáng rực và ấm cúng.  Tuy nhiên, một sự cô quạnh băng giá nào đó đang len lỏi vào trong tâm hồn chúng ta mà sự thô bạo nặng nề của nó đã từng đè lên trái tim cũng như đôi vai của Chúa.  Ðó là khi xuất hiện tên tuổi của một người mà trong các kinh nguyện phụng vụ chúng ta đọc khi cử hành việc tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa, cũng như trong bài Tin Mừng.  Một tên gọi mà mỗi lần nghe nhắc đến lại gây ra một cảm giác khinh rẽ và tiêu cực: Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ phản bội!  Thật bất hạnh cho Giu-đa!

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi đề cập đến người môn đệ bất hạnh này, người mà trong một lúc nào đó đã không còn có thể giữ lòng trung thành với Sư Phụ mình được nữa.  Dĩ nhiên không một ai có thể biết được rõ ràng những gì đã diễn biến trong nội tâm và ý nghĩ của Giu-Ða khi ông ta có toan tính như thế.  Và chúng ta cũng không muốn đi tìm một lời cắt nghĩa hay một giải đáp về vấn đề đó!  Nhưng trong buổi chiều hôm nay, tôi có ý nghĩ muốn xin anh chị em một chút thông cảm cho “người anh em Giu-đa” của chúng ta.  Trước hết, khi chúng ta gọi Giu-đa là người anh em của chúng ta, chúng ta đã dùng chính ngôn từ của Chúa.  Đúng vậy, buổi tối trong vườn Cây Dầu, khi Giu-đa hôn phản bội Thầy mình, thì Ðức Giêsu đã nói với Giu-đa những lời đầy ân tình mà chúng ta không thể quên được: “Bạn ơi, bạn dùng nụ hôn để phản bội Con Người sao?”

“Bạn ơi!”  Tiếng này nói lên một sự âu yếm và tha thiết của tình yêu, của lòng thương xót và quảng đại của Chúa.  Tiếng đó cũng làm cho anh chị em hiểu được tại sao bây giờ và ở đây tôi lại gọi Giu-đa theo như ngôn ngữ của Chúa là người anh em.  Chúng ta đã biết rằng trong Bữa Tiệc Ly Ðức Giêsu đã nói: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu.”  Các Tông đồ đã trở thành những người bạn thân thiết của Chúa, dù họ tốt hay xấu, quảng đại hay nhỏ nhoi, trung thành hay phản bội, v.v… tất cả họ luôn luôn là những người bạn của Chúa.

Chúng ta có thể phản bội lại tình bạn của Ðức Kitô.  Nhưng Người thì không bao giờ phản bội chúng ta, là những người bạn của Người.  Kinh thánh đã từng nói: “Dù cho cha mẹ con có bỏ rơi con đi nữa, thì Thiên Chúa cũng không hề bỏ rơi con” (Tv 27,10).  Cả khi chúng ta không xứng đáng với sự trung thành của Chúa, cả khi chúng ta phủ nhận Người, chối từ Người, thì trước mắt và trong trái tim Chúa chúng ta vẫn luôn luôn là những bạn hữu của người.  Bởi thế, Giu-đa vẫn là người bạn của Chúa cả ngay trong lúc ông ta phản bội Người bằng một nụ hôn!

Tôi đã tự hỏi: Làm sao một vị Tông đồ của Chúa lại có thể kết thúc như một kẻ phản bội?

Có ai hiểu được những bí ẩn của sự ác không?  Có ai có thể nói cho chúng ta hay là làm thế nào mà chúng ta đã trở thành độc ác?  Chúng ta đừng quên rằng mỗi người trong chúng ta vào một lúc nào đó đã khám phá thấy rằng sự ác từng đồn trú, từng nằm vùng trong trái tim và trong ý nghĩ của ta.  Chúng ta đã nhìn thấy sự ác đó triển nở, lớn phồng lên mỗi ngày.  Chúng ta không hề biết được tại sao chúng ta lại trao phó mình cho sự ác.  Và một lúc nào đó sự dữ sẽ nổ tung lên.  Từ đâu phát sinh ra sự ác?  Ai đã sản xuất ra sự ác?  Ai đã cướp mất niềm tin của chúng ta?  Ai đã cướp mất khả năng của chúng ta để tin tưởng vào sự thiện và để yêu mến sự thiện?

Nhưng hiện tượng “Sự ác trong chúng ta” không còn là một điều bí ẩn nữa, cũng như sự phản bội của Giu-đa không còn là một bí ẩn nữa.  Mọi người đều biết điều đó.  Bất cứ lúc nào một vị Tông đồ cũng có thể trở thành kẻ phản bội được.  Bất cứ lúc nào một Kitô hữu cũng có thể trở thành kẻ chối đạo.  Bất cứ lúc nào một tín hữu dù đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy cũng có thể bội hứa với Ðức Tin của mình.  Bất cứ lúc nào một người đã được ghi dấu trên mình nhân danh Thiên Chúa ba Ngôi, cũng có thể xúc phạm đến Thánh Danh đó.  Vậy đâu là nguyên nhân của những thay đổi mang tính cách phản bội như thế?

Sự cám dỗ đã được bắt đầu với tiền bạc, với những ngón tay biết đếm tiền.  Ðó là một cái vòng luẩn quẩn đáng buồn của loài người, xưa kia cung như ngày nay, mà một khi đã rơi vào trong đó người ta rất khó lòng thoát ra được.  Bởi lẽ tiền bạc trong túi những người đó đã trở nên quá toàn năng và độc đoán.  “Các ông cho tôi bao nhiêu, nếu tôi nộp Người cho các ông?  Và họ đã chỉ trả cho y 30 đồng bạc” (x. Mt 26,14-16).

Chỉ cần 30 đồng bạc thôi cũng đã vừa giá cho Giu-đa để bán đổi người bạn, vị Sư Phụ của mình, Ðấng đã kén chọn ông ta trong muôn một và đã đặt làm Tông Ðồ; Ðấng ban cho chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, đã cho chúng ta có được nhân phẩm, sự tự do và những sự cao cả của những kẻ làm con Thiên Chúa.  Vâng, tiền bạc, địa vị, danh dự, v.v… tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa, đều là ân huệ Thiên Chúa ban, nhưng chúng lại được nhiều người trọng vọng và được đánh giá cao hơn cả niềm tin của họ, hơn cả lòng trông cậy phó thác của họ vào Thiên Chúa.

Tuy nhiên, khi Giu-đa nghe lọt tai tiếng gào thét của đám đông: “Ðóng đinh nó vào thập giá!  Ðóng đinh nó vào thập giá!”  Khi Giu-đa nhìn thấy Thầy mình bị hành hạ và bị lãnh án tử trong dinh Phi-la-tô, bấy giờ tâm hồn ông ta bắt đầu xúc động, lòng một kẻ phản bội bắt đầu đâm ra quá xúc động và ông ta đã ném trả lại 30 đồng bạc giá máu của Ðấng vô tội xuống đất.  Những đồng bạc đó giờ đây đối với ông ta không còn giá trị gì nữa.  Ông ta vô cùng hối hận.  Nhưng tiếc thay, mọi sự đã quá muộn!

Tội nghiệp cho Giu-đa!  Thật tội nghiệp cho người anh em Giu-đa!  Bởi vì cái tội nặng nhất không phải là hành động phản bội và bán đổi Ðức Kitô của ông ta, nhưng là sự thất vọng, sự nghi ngờ lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa nơi ông ta!  Vì chính Phêrô cũng đã chối Chúa và tất cả các Tông đồ cũng đều đã bỏ Chúa, nhưng tất cả đã ăn năn hối cải trở về với Thầy mình và Ðức Kitô đã tha thứ cho tất cả họ và đồng thời đã tiếp nhận họ với tất cả sự tin tưởng.

Sau cùng, tôi lại muốn nhắc qua đến “Giu-đa” trong chính con người tôi, và cả đến “Giu-đa” có lẽ ở nơi các bạn nữa, đồng thời xin các bạn hãy cho tôi được cầu xin Ðức Giêsu ban cho tôi ơn phục sinh: Ðược gọi chính tôi là “bạn” trong chiều nay, sớm mai và trong đêm thứ bảy, đêm Phục Sinh.  Bởi vì tiếng đó là ngôn ngữ của Phục Sinh!  Tiếng đó được nói ra cho Giu-đa khốn khổ cũng như cho chính tôi, và cũng rất có thể cho một Giu-đa khốn khổ trong các bạn.  Bởi vì đó là cả một niêm vui mừng trọng đại, khi Ðức Giêsu không muốn để chúng ta rơi vào cảnh bối rối lo âu sợ hãi, nhưng đã tha thứ cho chúng ta hết mọi tội lỗi.  Chúng ta luôn nhớ rằng, hôm nay cũng như trong lúc chúng ta yếu đuối sa ngã, chúng ta luôn luôn là những người bạn của Chúa, như Giu-đa là người bạn muôn đời của Chúa!

LM Nguyễn Hữu Thy

VÀI NGHỊCH LÝ TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊSU THEO THÁNH MARCÔ

Đọc và suy niệm Tin Mừng thánh Marcô, đặc biệt là bài Thương Khó, ta thấy cuộc đời Đức Giêsu có vài nghịch lý sau:

1. Có ngày có lúc, có thời có buổi người ta tôn vinh Đức Giêsu là vua, là Đấng Mêsia…, nhưng cũng có ngày có lúc, có thời có buổi người ta đả đảo, kết án, đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá. Đó là đám đông dân chúng.

2. Có người suốt đời được Đức Giêsu tín nhiệm yêu thương, thế mà có ngày phản bội, cả gan bán nộp Thày mình lấy 30 đồng bạc. Đó là Giuđa Iscariô.

3. Có người khi ở miền Césaré Philiphê thì tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa…, nhưng khi Đức Giêsu bị bắt thì ông lại chối bỏ không biết Ngài là ai trước mặt người đầy tớ gái. Đó là tông đồ Simon- Phêrô.

4. Có những người được Đức Giêsu tuyển chọn, để cùng ăn cùng ở và cùng chia vui sẻ buồn với Ngài trong sứ vụ rao giảng Tin mừng, nhưng khi Đức Giêsu bị bắt, bị đánh đòn và phải vác thánh giá đến nơi hành hình, thì họ bỏ trốn chẳng còn một ai, chỉ có một người ngoại giáo, không quen biết, tên là Simêôn sẵn sàng ghé vai vác thâp giá đỡ Đức Giêsu và một vài người phụ nữ đạo đức theo Ngài lên đồi Sọ mà thôi. Đó là các Tông đồ và môn đệ.

5. Lúc còn rao giảng Tin Mừng, thì Đức Giêsu ngăn cấm, không muốn cho một người nào tiết lộ Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng khi ra trước tòa án Philatô, Đức Giêsu lại xác nhận mình là Con Thiên Chúa.

6. Đức Giêsu, Đấng vô tội, cả đời làm việc lành cứu người, thế mà lại bị người đồng hương của mình coi không bằng đứa trộm cướp giết người tên là Baraba.

7. Người Do Thái vốn ghét cay ghét đắng đế quốc Rôma ngoại giáo, thế mà chỉ vì không đồng quan điểm về giáo lý, về Lề Luật, về Đền Thờ, về Thiên Chúa, mà người Do Thái lại xuất hiện như những kẻ đứng lên bảo vệ đế quốc Rôma, sẵn sàng trao nộp Đức Giêsu cho quan tổng trấn Philatô.

8. Tổng trấn Philatô người đại diện cho công lý, trả lại công bằng cho người vô tội, mặc dù biết Đức Giêsu vô tội, nhưng vì sợ những kẻ gian tham độc ác và sợ mất chức quyền, nên đã cho đánh đòn và đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá như những tên tử tội.

9. Lúc còn tại thế, không một phàm nhân nào nhận biết và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, ngoại trừ Phêrô, thế mà khi Ngài tắt thở trên thập giá, có người ngoại giáo lại nhìn nhận và tuyên xưng Đức Giêsu quả thật là Con Thiên Chúa. Đó là viên sĩ quan quân đội Rô-ma.

Những nghịch lý xưa kia trong cuộc đời Đức Giêsu, ngày nay vẫn còn tái diễn trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội.  Chỉ xin gợi lên vài điều minh họa:

Nhiều cha mẹ ngày hôm nay khó nhọc cả đời nuôi con…, nhưng khi con cái lớn khôn thì lại đánh đập chửi bới cha mẹ.

Nhiều người ngày hôm nay không muốn ai chất thánh giá trên vai mình, nhưng lại thích chất thánh giá trên vai người khác là những yếu đuối bất toàn và tội lỗi của mình.

Nhiều người ngày hôm nay “khi vui thì vỗ tay vào, khi gặp hoạn nạn thì nào thấy ai,” lúc dễ dàng thuận lợi thì đi Đạo, có thời gian rảnh rỗi thì đi lễ, đọc kinh cầu nguyện, nhưng khi gặp khó khăn, bận bịu thì bỏ Đạo, chẳng lễ lạy kinh hạt gì hết.

Nhiều người trong gia đình và xã hội ngay nay, vì tiền bạc, đất cát, chức quyền, danh vọng mà kiện cáo, bỏ tù và giết hại lẫn nhau.

Nhiều người ngày hôm nay, vì những bất đồng chính kiến, bất đồng tư tưởng mà sẵn sàng khạc nhổ vào mặt, đóng đinh vào thân thể anh chị em mình bằng lời nói và việc làm.

Nhiều người ngày hôm nay, vì ghen tương, đố kỵ trong cuộc sống mà ném đá giấu tay, mượn tay người ngoài để giết anh em đồng loại, mượn tay kẻ ngoại đạo để làm hại người đồng đạo.

Nhiều người ngày hôm nay không muốn ai phản bội mình, nhưng vì những quyền lợi vật chất và lý tưởng trần thế lại bán rẻ lương tâm, chối Chúa, bỏ Đạo, sẵn sàng đứng ra làm chứng gian, vu khống người khác.

Nhiều người ngày hôm nay là những người công chính lương thiện, nhưng phải tan cửa nát nhà, chết oan uổng, vì gặp phải những Philatô mới của thời đại, không bảo vệ người dân vô tội mà lại tiếp tay cho những kẻ gian ác.

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã vui lòng chấp nhận những nghịch lý trong cuộc đời cho đến chết trên cậy thập giá, để trở nên bài học và gương mẫu cho nhân loại.  Xin cho mỗi người chúng con biết hạn chế tạo nên những nghịch cảnh trong đời và nếu có gặp phải những nghịch cảnh, thì xin cho chúng con biết vui lòng chấp nhận.  Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu