NGHỈ NGƠI

ZZSống trong một xã hội đa dạng, người ta có nhiều thái độ, quan niệm cái nhìn khác nhau về vấn đề làm việc.

Một cha xứ mới được chuyển đến thay thế cha xứ cũ đã trông coi một giáo xứ trong nhiều năm.  Trong phiên họp, cha xứ mới ngỏ ý với Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chánh của giáo xứ là nên thuê một người lo cắt cỏ chăm sóc vườn tược chung quanh nhà thờ.  Một vị trong Hội đồng tỏ vẻ khó chịu nói:  “Xin cha nhớ cho rằng, cha xứ cũ chính ngài đã tự tay cắt cỏ chăm sóc vườn tược, không thuê ai cả.”  Cha xứ mới mỉm cười trả lời:  “Tôi biết điều đó, và tôi đã hỏi cha xứ cũ rồi, nhưng ngài trả lời là bây giờ ngài không còn muốn cắt cỏ chăm sóc vườn tược nữa.”

Chuyện khác kể rằng một công ty nọ chẳng may thuê phải một người thư ký lười biếng, suốt ngày chỉ lang bang cho hết giờ.  Ông chủ tức giận khó chịu bảo:  “Trong một tháng trời mà anh làm việc không tới được một giờ đồng hồ.  Anh thử nghĩ xem công ty có lợi được một cái gì khi thuê mướn anh làm việc không?”  Anh thư ký trả lời:  “Dạ thưa ông chủ có chứ.  Vì khi tôi đi nghỉ hè, thì không một ai trong công ty phải làm thêm gánh đỡ công việc của tôi.”

Chúng ta không rõ thái độ và quan niệm của các tông đồ ra sao đối với vấn đề hoạt động làm việc, nhưng qua bài tin mừng hôm nay Chúa nhắc nhở các ngài:  “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”, đã bảo cho hay rằng, giữa những công việc vất vả bận rộn của cuộc sống, các tông đồ cũng như chúng ta có bổn phận và trách nhiệm dành thời giờ nghỉ ngơi.  Có lẽ điều này nghe hơi lạ nhưng là một sự thật.  Sự thật này đã được ghi lại trong chương đầu của sách Sáng Thế Ký, cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh thánh:  Thiên Chúa làm việc trong 6 ngày và ngày thứ 7 ngài nghỉ ngơi.

Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta như là những con ong luôn bận rộn suốt thời gian.  Xe chạy thỉnh thoảng cần dừng lại để đổ xăng và nghỉ cho máy mát.  Chiếc cung giương mãi cũng sẽ có ngày đứt dây.  Thân xác con người cần nghỉ, cần ngủ, ai thử thức một hai đêm sẽ biết kết quả liền.

Hơn nữa, chúng ta cần dành thời giờ nghỉ ngơi là vì sống ở đất nước này, càng ngày càng thấy các công ty vì phải cạnh tranh và muốn kiếm lời nên đòi gia tăng mức sản xuất trong khi đó lại cắt giảm số nhân viên, nên các người làm việc đã bị áp lực bị stress, bị pressure do công việc đòi hỏi rất nhiều.

Ngoài thời giờ dành ra nghỉ ngơi với gia đình, bạn bè, dành cho Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi dành thời giờ để suy nghĩ về giá trị đích thực của cuộc sống?  Phải chăng giá trị con người hệ tại sự có:  Càng có nhiều của cải tiền bạc vật chất, con người càng có giá trị nhiều, hay ở tại sự thanh thản bình an của tâm hồn?

Theo tài liệu nghiên cứu, trung bình một người Mỹ hàng ngày đối diện với 560 quảng cáo, và hầu hết các quảng cáo này đều muốn gây ảnh hưởng làm cho con người không thỏa mãn với những gì mình đã đang có và mời gọi con người ham muốn những cái mới hơn, lớn hơn, tốt hơn, tiện lợi hơn.  Chúng ta đang sống trong xã hội đó, dù muốn hay không cũng bị ảnh hưởng, muốn có nhà to hơn, lớn hơn, đẹp hơn, một nhà một Tivi chưa đủ, bây giờ mỗi phòng cần một cái, rồi nào là iPhone, iPad, iPod…  Muốn có nhiều sự phải có nhiều tiền để mà iPaid…, và muốn có nhiều tiền phải đi làm nhiều.  Đơn giản là như thế.  Tuy nhiên, câu hỏi mỗi người chúng ta cần đặt ra cho mình là bao giờ thì mới đủ, mới làm chúng ta hài lòng thỏa mãn, bao giờ chúng ta mới có một cuộc sống đơn giản, mới được sống thanh thản an bình hạnh phúc?

Cha ông đã bảo:  “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” Có nghĩa là: Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ.  Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?

Phillip Parham thuật câu chuyện về một thương gia giàu có khó chịu mất bình an khi thấy một ngư phủ đang ngồi nhàn hạ biếng nhác bên cạnh thuyền của ông.  Ông hỏi:  “Tại sao anh không ra ngoài khơi đánh cá?”  Ngư phủ đáp:  “Vì tôi đã đánh đủ số cá cho ngày hôm nay?”  Thương gia hỏi:  “Tại sao anh lại không bắt nhiều cá hơn số mình cần?”  Ngư phủ hỏi lại:  “Tôi sẽ dùng chúng để làm gì?”

Vị thương gia trả lời:  “Anh có thể kiếm thêm tiền và mua được thuyền tốt hơn, lớn hơn để có thể đi ra ngoài khơi xa hơn, bắt nhiều cá hơn và kiếm thêm tiền.  Chẳng bao lâu anh sẽ có cả một đoàn thuyền và giàu có như tôi.”  Ngư phủ hỏi:  “Rồi tôi biết làm gì với sự giàu có đó?”

Vị thương gia nói:  “Lúc đó anh có thể ngồi xuống vui hưởng cuộc đời.”

Ngư phủ đáp trong lúc đôi mắt bình thản nhìn ra biển cả:  “Thế ông nghĩ tôi đang làm gì bây giờ?”

Khi tạo dựng nên con người và cho vào đời, Thiên Chúa trao cho mỗi người một sứ mệnh.  Không ai có sứ mạng quan trọng như của Chúa Giêsu, nhưng Ngài biết những điều quan trọng không thể thành đạt được nếu không có tâm hồn an bình trong thinh lặng yên tĩnh nghỉ ngơi cầu nguyện:  “Hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút.”  Mỗi người chúng ta có trách nhiệm và bổn phận dành thời giờ nghỉ ngơi suy nghĩ tìm ra sứ mệnh của mình và điều cần để ý đó là đời sống này quá ngắn ngủi, hãy sống cuộc sống này đầy ý nghĩa.

Lm. Louis M. Nhiên, CMC

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *