Chuyện kể rằng có một nhà giầu kia thường than phiền với người bạn thân rằng ông không thấy hạnh phúc. Ông giao thiệp rộng, tiệc tùng ngày đêm. Cuộc sống vật chất ông không thiếu thứ gì, nhưng ông rất cô đơn.
Một hôm, người bạn đến thăm, sau khi nghe ông than thở, anh ta dẫn ông ra cửa sổ nhìn xuống đường và hỏi: “Anh nhìn thấy gì?” Ông nhà giầu đáp: “Tôi thấy người ta đi lại, đàn ông , đàn bà, cụ già, trẻ con.”
Sau đó, người bạn dẫn ông nhà giầu đến một tấm gương và hỏi: “Bây giờ anh thấy gì?” Ông ta đáp: “Tôi chỉ thấy chính tôi.”
Người bạn ôn tồn nói: “Trong cửa sổ có gắn kính, và ở tấm gương cũng có kính. Khi anh nhìn kính trong cửa sổ, anh có thể thấy người khác. Nhưng phiá sau tấm kính trong gương là một lớp bạc. Khi lớp bạc được tráng vào, anh không còn nhìn thấy những người khác. Anh chỉ nhìn thấy chính anh!”
******************************
Lớp bạc có thể tượng trưng cho những gì đang ngăn cách chúng ta với những người khác. Đó có thể là tiền bạc, danh vọng, quyền lực, hay là sự ích kỷ, kiêu ngạo, thái độ dửng dưng. Tất cả những thứ đó có thể làm chúng ta mù lòa không thấy Thiên Chúa và người khác. Chúng ta chỉ thấy mình và những nhu cầu của mình.
Bài dụ ngôn trong Tin Mừng Lu-ca chương 16 nói về số phận của những người làm ngơ trước nỗi thống khổ của người khác. Một người giầu có sống trong xa hoa nhung lụa, yến tiệc linh đình. Người kia tên La-za-rô, một người cùng khổ, đói rách bệnh tật, nằm trước cổng ông nhà giầu.
Ông nhà giầu không phải là người hẹp hòi độc ác. Ông không sai gia nhân đuổi anh ra khỏi cổng nhà ông. Ông không chửi rủa mắng nhiếc anh ăn vạ ở trước sân nhà ông, mà cũng chẳng đánh đập La-za-rô mỗi khi ông đi ngang qua chỗ anh nằm. Thật ra, ông không quan tâm đến sự hiện diện của La-za-rô. Anh đói hay no, lạnh hay ấm, đau đớn hay không, ông không cần biết. Ông dửng dưng nhìn cái hố ngăn cách giữa ông và người hàng xóm cùng khổ mà không hề đặt một câu hỏi. Anh La-za-rô nằm đó, như cái xác không hồn, thèm thuồng những thức ăn thừa mứa trên bàn của ông. Nhưng cũng chẳng ai cho. Thỉnh thoảng mấy con chó nhà ông, chạy đến liếm ghẻ chốc trên người của anh, cho anh bớt ngứa ngáy. Mấy con chó này còn đối xử với anh còn tốt hơn chủ nó nhiều!
Thế rồi cả hai đều lần lượt qua đời. Người nghèo này chết, và ông nhà giầu cũng chết. Chẳng ai tránh được. Nhưng sau khi chết, số phận hai người đã hoán ngôi đổi chỗ cho nhau. Anh La-za-rô nghèo khổ được hưởng cõi phúc với tổ phụ A-bra-ham, còn anh nhà giầu thì đau khổ trong địa ngục. Bấy giờ, người nhà giầu mới nhìn thấy anh La-za-rô, ông muốn làm một cái gì đó để thay đổi cục diện. Nhưng đã quá muộn rồi.
Khi còn sống, ông nhà giầu có thói quen sai bảo và muốn người khác phục vụ mình. Sau khi chết, ông vẫn muốn xin tổ phụ A-bra-ham sai La-za-rô đến cho ông chút nước để đỡ khát. Khi sống ông đã tự cô lập mình khỏi nhu cầu của người khác, ông đã tự tay đào một hố sâu ngăn cách giữa mình và tha nhân, giờ ông phải sống mãi trong sự cách ngăn đó! Nói một cách khác, ông đã chọn cho mình một lối sống hưởng thụ, ích kỷ và dửng dưng. Ông đã tự đưa mình vào con đường cô lập khi sống, giờ thì ông tiếp tục sống trong sự cô lập đó sau khi chết và đang bị chính những dục vọng của mình thiêu đốt trong địa ngục mà không ai có thể xoa dịu được.
Có thể chúng ta cảm thấy khó chịu vì nghĩ rằng ông đã làm gì sai lầm nghiêm trọng mà phải bị phạt như thế. Thật ra, chính lối sống của ông đã đưa ông vào tình trạng này. Cái tội của ông là đã không lay một ngón tay để giúp đỡ một tí, một tí thôi, những người cần được giúp đỡ. Cái tội của ông là đã không nhìn lại một tí, một tí thôi, đến những người cần được quan tâm. Cái tội thờ ơ lãnh đạm, sống trong sự ngăn cách với đồng loại khổ đau. Cái tội hưởng thụ ích kỷ, chỉ chăm lo cho bản thân, không màng gì đến tha nhân. Tội này là bước đầu hủy hoại tình liên đới giữa con người và con người, phá hoại nền tảng luân lý của xã hội. Thiếu quan tâm đến những người nghèo khổ không chỉ làm thiệt thòi cho dân nghèo, nhưng sẽ đem lại tình trạng bất ổn cho xã hội khi hố sâu giầu nghèo quá cách biệt.
Giới răn căn bản và cao trọng nhất, mà ai cũng biết là Mến Chúa, Yêu Người. Nhưng làm sao chúng ta có thể thực hiện điều này, nếu chúng ta không mở lòng với những người chung quanh. Khi tôi nói yêu người tôi phải quan tâm đến người đó là ai, có nhu cầu gì, để tôi có thể giúp đỡ. Giới luật yêu thương không phải là một khẩu hiệu chung chung, nhưng cụ thể cho từng hoàn cảnh, từng con người.
Lời Chúa hôm nay thách đố chúng ta đừng làm ngơ ngoảnh mặt trước mọi hoàn cảnh bất hạnh, trước mọi đau khổ đang xảy đến chung quanh chúng ta. Có khi chúng ta không nhắm mắt trước những bất công xã hội, những hoàn cảnh đau thương, nhưng chúng ta cảm thấy bất lực và không biết phải làm gì. Trong những lúc như thế, thay vì ngồi đó nguyền rủa bóng tối, chúng ta cố gắng thắp lên một ánh nến của hy vọng, bằng cách thực thi một việc bác ái cụ thể, một cử chỉ nhân ái, dù nhỏ đến đâu, để tỏ ra sự quan tâm đến những người bất hạnh, kém may mắn.
******************************
Trong tâm tình và ý nghĩa đó, chúng ta có thể mượn lời cầu nguyện của Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta để cầu nguyện cho nhau :
Lạy Chúa,
Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách :
Những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa;
Những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
Những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương;
Những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng cả trong tinh thần.
Bằng cách thực thi lời hy vọng nầy : “Điều các con làm cho người bé mọn nhất trong anh em là các con làm cho chính Ta” (Mt 25:40)
Bảo Lộc