TRÚNG SỐ

“Trúng số có thể là một tai họa”.  Đó là khẳng định của tuần báo Newsweek số ra tuần cuối tháng 6/95.

Tuần báo ghi lại vận may của hai người đàn ông cùng làm chủ một tiệm sản xuất kiếng tên là Mc. Gardner 33 tuổi và Paul Madison 41 tuổi.  Trong cuộc xổ số toàn quốc lần này, hai người đã trúng được 11 triệu bảng Anh.  Nhưng tai họa cũng bắt đầu từ đó.

Người đàn ông tên là Mc. Gardner đã trở thành mũi dùi của tất cả những tờ báo lá cải xuất bản tại Anh Quốc.  Chỉ ba ngày sau khi thần tài gõ cửa, tất cả mọi người dân Anh đều biết rằng Mc. Gardner là một người đàn ông không ra gì.

Trang bìa của bất cứ tờ báo lá cải nào cũng có in hình của ông, bên trong ông được mô tả như một người đàn ông nghiện ngập, vũ phu, vô trách nhiệm, ba lần ly dị.  Người vợ thứ ba tố cáo ông bỏ bê đứa con trai hai tuổi của họ, và thề sẽ đòi cho hết số tiền ông vừa trúng số.  Người mẹ nuôi của ông thì mách rằng ông đã ăn cắp nữ trang của bà, và luôn luôn đòi tiền để ăn xài.  Bà còn nguyền rủa rằng:  “Tôi hy vọng là hắn sẽ uống rượu cho đến chết thì thôi”.

Hiện nay, trong tổng số 44 triệu người Anh thì có 30 triệu người mua vé số mỗi tuần.  Một nhà tâm lý trị liệu tại Anh Quốc đã nói:  “Chúng ta đang trở thành một dân tộc bài bạc”.

Một cuộc thăm dò tại London cho biết Thomas Bryant 51 tuổi đã tự tử vì nghĩ rằng mình đã mất 2 triệu bảng Anh chỉ vì không tiếp tục mua vé số.  Thật ra, ông ta đọc lầm số.  Vé số mà ông hằng đeo đuổi trúng có 27 bảng Anh mà thôi.

Và như ông Mc. Gardner đã khám phá:  đôi khi trúng số cũng có nghĩa là thua lỗ thực sự.

*********************************

Kinh nghiệm cho thấy đồng tiền không do mồ hôi nước mắt làm ra lắm khi chỉ là một tai họa.  Tục ngữ có câu:  “Của cải làm ra cất ở trên gác, của cải đánh bạc để ở ngoài sân, của cải gian lận đem ra ngoài ngõ”.

Có nhiều người trúng số tiêu xài hoang phí để rồi cuối cùng tan gia bại sản và thân tàn ma dại.  Thật ra, cái chân lý ngàn đời vẫn luôn chiếu sáng trước mắt mọi người:  sự giàu sang không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con người.

Tiền của chỉ lợi ích cho con người khi nó là một phương tiện.  Bao lâu nó trở thành chủ nhân thống trị và sai khiến con người, thì dĩ nhiên, cái thân phận nô lệ mà con người tự trói buộc vào sẽ không bao giờ làm cho con người được hạnh phúc.

Có thể con người được thỏa mãn vì được ăn ngon, ở nhà đẹp, có xe mới v.v…. Nhưng chắc chắn, thỏa mãn vẫn chưa được hạnh phúc.  Thỏa mãn đó rồi lại ham muốn đó.  Càng có nhiều thì càng hưởng thụ nhiều, càng hưởng thụ thì càng ham muốn thêm mà thôi.

“Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”.  Chỗ đứng ấy luôn mời gọi người tín hữu xác định lại cuộc sống của mình trong tương quan với của cải trần thế.  Không thể sống mà không màng đến của cải, không thể sống mà không có phương tiện để sống.  Nhưng phải sống như thế nào để không làm nô lệ cho của cải vật chất.

Đó cũng là lẽ khôn ngoan của Tin Mừng:  “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36).  Có tất cả mà không biết được bí quyết của hạnh phúc đích thực quả là một điều khốn khổ nhất trong kiếp người.

*********************************

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con rằng:  “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”.  Xin cho con luôn ý thức được niềm hạnh phúc đích thực là trao ban.  Trong tất cả mọi sự, xin cho con biết tìm kiếm niềm hạnh phúc của việc trao ban ấy.

Thiên Phúc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *