Thân em như giếng giữa đường
Người khôn rửa mặt, người thường rửa chân
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?
(Ca Dao)
* * * * *
Bạn thân mến! Thế gian này đã dành cho người con gái thân phận long đong vất vả như vậy đó. Tôi cũng là người con gái, được sinh ra và lớn lên trong miền đất Do Thái – Palestine hơn hai ngàn năm về trước. Ngày tôi khôn lớn, một người con trai đã đi vào cuộc đời của tôi, thế rồi một ngày kia tôi đã trở thành vợ của anh. Sống bên anh, tôi phải đối diện với bao khó khăn vất vả và thiếu thốn, phải chống chọi với bao níu kéo mời gọi của người đàn ông không phải là chồng tôi. Đã nhiều lần, người đàn ông ấy đã trao cho tôi ánh mắt đắm đuối say mê, đã rót vào tai tôi những lời nói yêu thương ngọt ngào. Tôi biết thân phận mình là người con gái đã có chồng, tôi phải trung thành với chồng trong đời sống hôn nhân như đã thề hứa. Nhưng trong tôi có biết bao đam mê yếu hèn của con người. Thời gian trôi qua, tôi qúa mệt mỏi, tôi không còn sức để chống chọi với những níu kéo mời gọi, với những đam mê thôi thúc của thân xác. Tôi đã buông xuôi và vấp ngã, tôi đã phản bội chồng, tôi đã phạm tội ngọai tình …
Câu chuyện vụng trộm của tôi dần dần cũng có người biết. Một ngày kia, người ta đã bắt gặp tôi nằm trong vòng tay của một người đàn ông không phải là chồng tôi. Người ta đã tố cáo và mang tôi đến với các bô lão, các Kinh sư và Pha-ri-siêu, họ là những người đại diện cho luật lệ, họ đã nhanh chóng kết án tôi bằng cái chết:
– “Chiếu theo luật lệ, ngươi phải chịu ném đá cho đến chết”.
Tôi bàng hoàng với bản án khắt khe và tàn nhẫn. Thế là hết một kiếp người, thế là hết thân phận bọt bèo của người đàn bà. Người ta dẫn tôi đi đến nơi chịu ném đá, những cánh tay giơ cao với tiếng la ó nguyền rủa, những hòn đá sẵn sàng tung bay từ lòng bàn tay nắm chặt. Tôi cúi đầu, cô đơn và lạc lõng bước đi trong thinh lặng và uất nghẹn. Còn người đàn ông đã cùng tôi phạm tội, ông ta đâu rồi nhỉ? Ông đã cho tôi những lời yêu thương hứa hẹn, ông đã để lại những dấu vết hằn sâu trên thân xác của tôi. Giờ này ông ở đâu? Ông có lên tiếng bênh vực cho tôi không ? Ông có nhìn thấy thân phận khốn khổ của tôi không ?
Trên đường đi, họ mang tôi đến trước mặt ông Giê-su, họ lên tiếng nói với ông rằng:
– Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môi-sên truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Cách đây 1 vài giờ, họ đã đặt cho tôi bản án tử hình, giờ này họ lại xin ông Giê-su xét xử về bản án mà họ vừa mới quyết định, chẳng lẽ ông Giê-su này lại là người quan trọng và có uy quyền đến thế sao? Chẳng lẽ ông Giê-su này lại có thể thay đổi cả luật lệ nữa sao? Hay họ đang giăng 1 cái bẫy để chờ ông bước vào? Tôi chưa một lần gặp gỡ Giê-su, nhưng tôi được nghe bạn bè và những người xung quanh nói về ông: Ông là người nhân hậu và thường dạy dỗ dân chúng về lòng quảng đại, về chân lý của yêu thương tha thứ …
Người ta tiếp tục hỏi ông Giê-su về bản án nhưng ông vẫn im lặng, ông không nhìn tôi nhưng cúi xuống dùng ngón tay viết trên đất. Tôi không biết ông viết điều gì, chỉ thấy ông cúi đầu im lặng và tiếp tục viết. Các bô lão, các Kinh sư và Pha-ri-siêu đứng vây quanh Giê-su, họ chờ đợi ông lên tiếng trả lời, nhưng câu trả lời của ông đã làm họ ngạc nhiên chới với:
– “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi”
Họ mời Giê-su làm quan toà xét xử tôi, không ngờ Giê-su lại trở thành quan toà xét xử họ. Họ đợi chờ Giê-su kết án tôi, không ngờ Giê-su lại kết án họ. Họ mang đá đến để ném vào người tôi, không ngờ Giê-su lại ném một hòn đá vào lương tâm họ.
Phải chăng lương tâm của họ đã bị đánh động trước câu trả lời của Giê-su. Phải chăng câu trả lời của Giê-su đã giúp lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi u mê, nhận biết mình tội lỗi nên từ từ họ bỏ đá xuống đất, từng người một, kẻ trước người sau, họ rời khỏi đám đông và bước đi để lại hai con người, đó là một Đấng Yêu Thương và một người đàn bà khốn khổ.
Giêsu ngẩng đầu lên, ông nhìn tôi và hỏi:
– “Này chị, họ đâu cả rồi? Không còn ai lên án chị sao?”
– “Dạ thưa không còn ai cả. Còn ông, ông không kết án con sao?“
Giê-su nhìn vào mắt tôi, trong dịu dàng vỗ về và nhân hậu, ông nói:
-“Tôi không kết án chị đâu. Chị về đi và đừng phạm tội nữa”
Nghe Giê-su nói, lòng tôi hân hoan nhảy mừng reo vui, tôi như người đã chết nay sống lại, một mùa xuân mới lại đến với tôi. Giê-su không kết án tôi nhưng đã cho tôi tình yêu thương tha thứ. Giêsu không sỉ nhục tôi nhưng đã tôn trọng và phục hồi nhân phẩm cho tôi. “Về đi và đừng phạm tội nữa”, câu nói ấy là bằng chứng Giêsu đã quên hết quá khứ lỗi lầm của tôi, đã không còn nghi ngờ sự yếu hèn trong con người của tôi, đã cho tôi sự tin tưởng, đã mở ra cho tôi một chân trời mới với mùa xuân của hy vọng và tươi sáng .
Trước khi gặp Giê-su, tôi là một tội nhân khốn khổ, bị sỉ nhục và bị kết án tử hình. Sau khi gặp Giê-su, tôi được biến đổi thành một người mới qua sự tha thứ và yêu thương vỗ về. Chắc chắn rằng Giê-su luôn kết án tội lỗi, nhưng Ngài không bao giờ kết án tội nhân, Chắc chắn rằng Giêsu chán ghét tội lỗi nhưng Ngài luôn yêu thương và tha thứ cho tội nhân.
* * * * *
Bạn thân mến! “Về đi và đừng phạm tội nữa”. Đó là lời nhắn nhủ mời gọi mà ngày xưa Giê-su đã nói với tôi trong lúc đời tôi khốn khó. Lời nhắn nhủ mời gọi đó vẫn còn tiếp tục vang vọng cho đến ngày nay. Bạn có nghe được tiếng mời gọi của Ngài không? Hãy đến với Giê-su để lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài.: “ Về đi …Về đi và đừng phạm tội nữa”. Hãy cố gắng nỗ lực để thực thi lời mời gọi của Ngài bạn nhé !
Linh Xuân Thôn