Mẹ Têrêsa sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo Albani, vùng Skopje, Macedonie. Phần lớn cộng đồng Albani tại đây theo Hồi giáo.
Gia đình cầu nguyện mỗi tối, đi nhà thờ hằng ngày, lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày trong suốt tháng Năm, chuyên cần tham dự các lễ kính Đức Mẹ và quan tâm giúp đỡ những người nghèo khổ và túng thiếu. Trong các kỳ nghỉ, cả nhà có thói quen đến tĩnh tâm tại Letnice – một nơi hành hương kính Đức Mẹ.
Khi còn niên thiếu, Mẹ rất thích đi nhà thờ, đọc sách, cầu nguyện và ca hát. Thân mẫu Mẹ tình nguyện chăm sóc một phụ nữ nghiện rượu ở gần đấy. Mỗi ngày hai lần, bà đến giặt rửa và cho người phụ nữ ấy ăn, đồng thời bà cũng chăm sóc một bà góa có 6 con. Những ngày bà không đi được, Mẹ Têrêsa thay bà đi làm các việc bác ái đó. Khi bà góa qua đời, những người con của bà ta đến sống với gia đình Mẹ như con ruột trong nhà.
Những năm trung học, Mẹ Têrêsa dùng phần lớn thời gian để hoạt động trong hội Legio Mariae. Vì giỏi ngoại ngữ, Mẹ phụ giúp một linh mục gặp khó khăn trong ngôn ngữ, dạy giáo lý và đọc rất nhiều sách về các nhà thừa sai Slovenia và Croatia ở Ấn Độ. Khi lên 12, Mẹ mong muốn hiến trọn đời mình cho Chúa.
Sống trong một gia đình đạo hạnh, Mẹ Têrêsa đã thể hiện hình tượng một người con ngoan, liên đới với thân mẫu, siêng năng trong các việc đạo đức và có chí hướng đi tu như mọi người được ơn gọi sống đời thánh hiến. Cuộc đời niên thiếu thật bình thường, giản dị, không hề có dấu hiệu của một thiên tài!
Hình tượng một người giống như mọi người là bản tính của Mẹ kể cả sau này khi trở thành người nổi tiếng thế giới. Khi được giải Nobel Hòa Bình, có người đặt câu hỏi: “Mẹ đang điều khiển một nhà dòng có ảnh hưởng khắp thế giới, vậy có bao giờ Mẹ nghĩ Mẹ sẽ về hưu không? Khi về hưu Mẹ sẽ làm gì?” Mẹ đã thẳng thắn trả lời: “Tôi sẵn sàng về hưu lắm chứ. Việc của Chúa đã có Chúa lo. Còn tôi sẽ làm gì ấy à? Tôi có thể ở với các chị em của tôi tại Washington này để dọn dẹp nhà vệ sinh cho các chị, để các chị có thời giờ đi giúp đỡ những người nghèo ở thủ đô của một nước giàu nhất thế giới.” Khó thể ngờ đây là câu trả lời đơn sơ, hồn hậu của một vị đương nhiệm bề trên một hội dòng quốc tế!
Một nữ tu
Trong 87 năm trần thế, Mẹ Têrêsa trải qua 69 năm (1928-1997) đời tu hành đạo một cách thiết thực và sống động. Cuộc sống thánh hiến của Mẹ chỉ nhằm phục vụ người nghèo, không chỉ là những người đói khát, thiếu áo quần, không nhà ở, mà còn là những người bị bỏ rơi, không ai chăm sóc, không được hưởng sự yêu thương. Mẹ từng nói: “Tôi chỉ là cây bút chì của Chúa, để Ngài gởi bức thư tình yêu của Ngài cho thế giới.”
Mẹ Têrêsa đã hội nhập vào nền văn hóa Ấn Độ trong tu phục với tấm khăn choàng sari (trang phục của phụ nữ Ấn) xõa xuống vai và lưng. Hằng ngày, người nữ tu nhỏ bé như hóa thân thành người bản địa, len lỏi trong những khu ổ chuột nơi thành Calcutta chăm sóc bệnh nhân và người cùng khổ, bất hạnh. Do vậy, tên Têrêsa của Mẹ đã gắn liền với thành Calcutta.
Các tu sĩ của hội dòng cũng theo gương mẫu Mẹ. Hội dòng quy định người đầu tiên khi mới đến, muốn gia nhập cộng đoàn đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết. Có một thiếu nữ tìm đến xin gia nhập hội dòng và Mẹ nói với cô: “Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng thánh lễ, con đã thấy ngài cầm Thánh Thể trong tay cách cung kính và mến yêu chừng nào, con cũng hãy đi và làm như thế nơi nhà hấp hối, bởi vì con tìm gặp được Chúa Giêsu trong thân thể của người anh em khốn khổ đó.” Lúc sau, cô trở lại và nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, con đã sờ đến thân thể Chúa Kitô suốt ba tiếng đồng hồ.” Cảm nhận của cô chính là điều Mẹ Têrêsa đã từng thâm tín: “Mỗi người trong số họ, chính là Chúa Giêsu cải trang.”
Hai nét đặc trưng trong đời tu của Mẹ là cầu nguyện – sứ mạng bắt đầu mỗi ngày, trước lúc rạng đông, trước Bí Tích Thánh Thể – và trong ngày là chăm sóc người nghèo nơi các vùng ngoại biên, đã hình thành một chứng từ lôi cuốn biết bao người đồng cảm. Chỉ riêng các nữ tu với tấm khăn choàng sari ngày nay đã lên tới con số hàng ngàn và hiện diện ở hơn 130 quốc gia. Việt Nam đã từng là nơi Mẹ 5 lần ghé thăm và hiện cũng đã có đông đảo tu sĩ thuộc hội dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô theo linh đạo của Mẹ.
Thật đáng ngưỡng mộ một nữ tu nhỏ bé đã sáng lập một trong những hội dòng lớn nhất trong Giáo hội hiện thời, nhất là với đường hướng tu trì làm rung động biết bao trái tim con người bất kể màu da, tôn giáo!
Một vị thánh
Mẹ Têrêsa đã sống một cuộc đời thánh thiện và sau khi từ trần đã sớm được Giáo hội tôn vinh là THÁNH. Ngày 19.10.2003, trong một nghi thức của Giáo hội, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố Mẹ Têrêsa là Chân phước trước 300.000 khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, ngài đã gọi Mẹ Têrêsa là “một trong những nhân cách xứng đáng của thời đại chúng ta” và là “hình ảnh của người Samari nhân hậu.” Ngài nói rằng cuộc đời của Mẹ Têrêsa là “bản tuyên ngôn can đảm của Phúc Âm”.
Ngày 4.9.2016, Mẹ chính thức được tuyên THÁNH. Mẹ còn tỏ lộ hình ảnh của một vị thánh qua hai phép lạ đã được Giáo hội công nhận. Phép lạ thứ nhất xảy ra với bà Monica Besra, một phụ nữ bộ tộc Bengali, được chữa khỏi khối u ở bụng nhờ đặt một bức ảnh của Mẹ lên bụng. Phép lạ thứ hai đến với một kỹ sư người Braxin được chữa khỏi ung thư não bộ khi vợ ông khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ lên Thiên Chúa.
Một cuộc sống nên thánh đối với Mẹ là một điều bình dị và ai cũng có thể nên thánh. Mẹ nói: “Thánh không phải là chuyện xa hoa, nghĩa là chỉ dành cho một ít người. Thánh là bổn phận đơn giản của mỗi chúng ta. Thánh là nhận bất cứ cái gì Chúa Giêsu ban cho ta và cho Chúa Giêsu bất cứ cái gì Người đòi nơi ta với một nụ cười thật tươi.”
Mẹ cũng phân biệt rạch ròi ơn gọi và công việc: “Nhiều người lầm lẫn công việc và ơn gọi. Ơn gọi của chúng ta là yêu mến Chúa Giêsu.” Đắm chìm trong tình yêu Chúa, Mẹ lắng nghe tiếng Chúa dạy và thể hiện những công việc Chúa muốn, như trong thư của Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).
Hình tượng Mẹ Têrêsa Calcutta nơi trần thế đã được khắc họa đúng như Mẹ đã từng thổ lộ: “Theo huyết thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu.”
Phạm Ngọc