MẸ ÔM XÁC CON

Trưa 23-4-1995, ông Gregory Floyd đang nghỉ tại nhà riêng ở thành phố Nashville, thủ phủ bang Tennessee, Hoa Kỳ.  Bỗng chuông cửa reo vang.  Ông càu nhàu khó chịu, không muốn bị quấy rối trong giờ nghỉ trưa..

Chuông cửa như không buông tha.  Nó reo lâu hơn, dài hơn, như nài nỉ, như thúc giục chủ nhân mau mau ra mở cửa.  Ông Gregory đành chỗi dậy.  Cánh cửa vừa mở ra, người khách lạ dàn dụa nước mắt nói nhanh:

– Chúa ơi, xin ông ra mau, ra mau.  Tôi nghĩ đã cán trúng mấy đứa con của ông!

Trong nháy mắt, ông Gregory tỉnh hẳn.  Ông lao nhanh ra đường.  Bé David 8 tuổi cùng em John-Paul 6 tuổi đang chơi xe đạp trước nhà, nơi con hẻm có ngõ cụt.  Bỗng chiếc xe chạy ngon trớn, húc vào hai bé.  Có lẽ tài xế bị ánh nắng mặt trời chói chang làm loé mắt, không thấy đường.

Bé David nằm trên vũng máu còn John-Paul nằm bất động như ngừng thở.  Môi bé dần dần tím lại.  Ông Gregory vội vàng làm hô hấp nhân tạo cho con.  Ông đưa miệng mình vào miệng của bé, giúp bé thở trở lại.  Vài phút sau, hai xe cứu thương hú còi chạy nhanh tới.  Mỗi xe đưa một bé đến nhà thương khác nhau.

Bà Maureen vợ ông Gregory đi theo xe chở bé David.  Còn ông Gregory đi theo xe chở John-Paul.  Suốt trên quảng đường tới nhà thương, ông Gregory không ngừng nói với bé John-Paul:

– Con tỉnh dậy đi, con thở lại đi.  Con giỏi lắm mà!

Nhưng bé John-Paul không nghe tiếng gọi của cha.  Bé bất tỉnh nhân sự.  Bé không động đậy, không phản ứng gì cho đến khi bé ngừng thở hẳn.  Trong khi đó bé David bị thương nặng, nhưng mạng sống không lâm nguy.

Chỉ vỏn vẹn 24 tiếng đồng hồ sau tai nạn, bé John-Paul vĩnh viễn lìa bỏ cha mẹ, anh chị em yêu dấu.  Biến cố quá bất ngờ, quá đột ngột, quá nhanh chóng khiến ông Gregory và bà Maureen như bị xé nát ruột gan.  Cảnh tượng đau lòng nhất là lúc bà Maureen bồng xác John-Paul bất động trên tay.  Bốn năm sau, nhắc lại biến cố đau thương trong cuốn sách: “Tỏ lộ nỗi buồn”, ông Gregory viết:

– Đây là giây phút thánh thiêng nhất trong cuộc đời vợ tôi.  Đó là hình ảnh của người mẹ và đứa con.  Đức Mẹ MARIA và Đức Chúa GIÊSU.  Maureen và John-Paul.  Giây phút thánh thiêng đến độ mọi người có mặt đều giữ thinh lặng.  Tôi chăm chú nhìn vợ đang bồng xác con trên tay.  Maureen áp đầu vào ngực con và đưa mặt con áp chặt vào mặt mình.  Rồi Maureen thì thào nói với con: ”John-Paul con à, thật là đặc ân được làm mẹ con. Hạnh phúc biết bao cưu mang con trong dạ.  Giờ đây con hãy cầu nguyện cho cha mẹ và anh chị em, con nhé!” Quả không có bài thơ nào, không có bức tranh nào, cũng không có bài ca nào diễn tả hết được những tâm tình giống như tâm tình của người mẹ đối với con trong lúc này.  Thật cảm động!

Sau giây phút bàng hoàng đau đớn, ông bà bằng lòng cho các cơ phận còn nguyên vẹn tốt lành của bé John-Paul 6 tuổi để cứu giúp những ai đang cần đến.

Thời gian tiếp theo là nỗi sầu khổ nơi gia đình Floyd vì nhớ đến cậu bé kháu khỉnh lanh lẹ John-Paul.  Ông bà không che dấu nỗi buồn với các con, trước cái chết bất ngờ của John-Paul.  Ông bà còn 6 con.  Nhưng 6 đứa con vẫn không lấp đầy chỗ trống do John-Paul để lại.  Riêng ông Gregory vô cùng đau khổ vì mất con.

Ban đầu, ông phản loạn chống lại THIÊN CHÚA.  Nhưng từ từ, ý nghĩ ”THIÊN CHÚA CHA cũng có Người Con bị chết treo trên Thập Giá” giúp ông hiểu và chấp nhận thử thách.  Ông nhớ lại hình ảnh Đức Mẹ MARIA Sầu Bi ôm xác Đức Chúa GIÊSU lúc vừa hạ xuống khỏi Thánh Giá.  Hình ảnh này là hình ảnh của bà Maureen ôm xác John-Paul.

Từ đó ông Gregory cảm thấy được an ủi vì biết rằng hơn ai hết, THIÊN CHÚA và Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA hiểu rõ hoàn cảnh đau thương của mình. Ông tìm lại quân bình và đặt trọn niềm tin nơi THIÊN CHÚA.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(”Our Sunday Visitor”, August 1, 1999, trang 5).(Radio Vatican)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *