BA NGÔI THIÊN CHÚA – CỘNG ĐOÀN CỦA YÊU THƯƠNG

Khi còn là giáo lý viên, mỗi khi phải giảng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho xấp nhỏ, nhất là mấy em không rành tiếng Việt là tôi lắc đầu ngao ngán.  Cái gì là 3 trong 1 rồi lại 1 trong 3?  Tiếng Anh còn rắc rối hơn nữa, 3 persons in one God… 3 persons = 3 người à?  Không phải!  Vậy phải giải thích làm sao đây?  3 persons không phải là 3 người mà là 3 ngôi…  “Ngôi” là cái gì vậy thầy?  Cái này thì tôi chịu… Không biết phải giải thích làm sao để các em hiểu 3 ngôi không phải là 3 người.

Nhớ ngày xưa tôi học bổn đồng ấu, hỏi rằng “Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?”  thì phải thưa cho to:  Dạ, có 3 Ngôi!  Nói năng lạng quạng là ăn mấy roi hoặc nhẹ lắm là bị phạt chép cho đủ 50 lần “Đức Chúa Trời có ba Ngôi.”   Tội nghiệp thằng bé, nói như con vẹt mà chẳng hiểu gì.

Lớn lên chút nữa, tôi biết lờ mờ đâu đó “ngôi” là ngôi vị, là một thực thể tách biệt nhưng lại không độc lập.  Nhà Nho đời xưa gọi mầu nhiệm này là “Tam Vị Nhất Thể”, ba cá nhân trong cùng một bản thể.  Hay nói theo kiểu tiếng Anh: “three whats in one who”.  Ba ngôi tách biệt nhưng lại là một Chúa.  Cha không phải là Con, Con không phải là Thánh Thần.

Gần đây tôi hay uống loại cà phê hoà tan 3 trong 1… Cà phê + sữa + đường.  Một buổi sáng kia cầm tách cà phê sữa nóng trên tay, tôi chợt nghiệm ra mầu nhiệm 3 trong 1.  Cà phê không phải là sữa, sữa không phải là đường, nhưng cả ba quyện lấy nhau hoà tan nên một, làm nên tách cà phê sữa thơm ngon bổ dưỡng!  Cả 3 chất hợp lại, bổ sung, và làm tăng hương vị của nhau.  Trong tách cà phê, không thể tách rời được đâu là cà phê, đâu là sữa, đâu là đường.

Tuy nhiên Thiên Chúa đâu phải là cà phê, sữa, và đường.  Ba thứ này có nguồn gốc khác nhau, có bản chất khác nhau kia mà!  Trái lại, Thiên Chúa chỉ là một gốc, một bản thể.  Từ thưở đời đời Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con cũng là Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa.  Ba Ngôi cùng một bản tính nên Ba Ngôi cũng là Một Chúa mà thôi!

Vì bản chất của các Ngôi là tách biệt chứ không phải là khác biệt, nên đầu óc con người mới phải tìm những hình ảnh cụ thể để diễn tả mầu nhiệm này.  Các nhà khoa học thì ví mầu nhiệm Ba Ngôi như nước dưới 3 dạng thể: hơi nước, nước lỏng, và nước đá.  Mấy người giỏi nhạc thì ví Ba Ngôi như 3 nốt nhạc chủ của một hợp âm: thí dụ các nốt đô-mi-sol làm nên hợp âm đô trưởng.  Nghĩ cho cùng, hơi nước hay nước đá cũng chỉ là nước; nốt đô hay nốt sol cũng chỉ là tầng số khác nhau của cùng một âm thanh.

***************

Mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa chẳng dễ hiểu, bởi vậy ta mới gọi là mầu nhiệm!  Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta chẳng có thể khẳng định điều gì về Thiên Chúa.  Nhưng điều quan trọng, thưa bạn, về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là đi tìm lý luận để giải thích cái vấn nạn tại sao lại có “Ba trong Một” hay là “Một trong Ba”, nhưng là xem mầu nhiệm này có ý nghĩa gì cho đời sống con người chúng ta?  Và chúng ta phải sống làm sao để mầu nhiệm này trở nên niềm tin căn bản, để niềm tin này thấm nhập vào đời sống mình?

Kinh thánh mạc khải cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4:16).  Mà nếu Chúa là tình yêu, thì tình yêu không thể hiện hữu một mình.  Yêu là phải cho đi, phải san sẻ; và yêu cũng phải là đón nhận.  Có nghĩa là trong tình yêu phải có ít nhất hai đối tượng: người yêu và người được yêu. Hay nói cách khác, tình yêu phải có điểm phát xuất và có điểm hội tụ.

Thánh Âu-gus-tin đã ví Chúa Cha là nguồn mạch, là điểm phát xuất của Tình Yêu (Lover); Chúa Con là hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu (Beloved); và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu (Love).

Tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, đến với Chúa Con, qua Chúa Thánh Thần.  Trong mầu nhiệm tình yêu, Cha trao tất cả cho Con; Con dâng hiến tất cả cho Cha; và Thánh Thần là sự hiệp thông của trao ban và lãnh nhận hai chiều giữa Chúa Cha và Chúa Con.  Chúa Cha không hiện hữu cho chính mình, nhưng cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Cũng vậy, Chúa Con không hiện hữu cho mình, nhưng cho Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Và Chúa Thánh Thần cũng hiện hữu vì Chúa Cha và Chúa Con.

Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là Tình Yêu ngồi chiêm ngắm nhau trên cõi xa xăm nào đó, nhưng chính là Tình Yêu hiện diện trong con người và với con người.  Thiên Chúa không để dành tình yêu cho chính mình, cho riêng Cha, Con và Thánh Thần, nhưng chính là cho chúng ta, những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Ngài.  Khi chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, là Đấng Cứu Chuộc, và cũng là Đấng Thánh Hóa, Đấng đã và đang tái tạo con người từng giờ từng phút.

Chúng ta được nghe trong bài trích sách Xuất Hành rằng bản chất của Thiên Chúa là “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:6).  Thật vậy, Thiên Chúa của chúng ta là thế đó!  Khi chúng ta tin vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là chúng ta tin vào một Thiên Chúa của yêu thương và thành tín.  Khi chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi một Chúa là chúng ta tin vào một Đấng Tình Yêu đã và đang sáng tạo, cứu rỗi và thánh hoá con người.

Bài tin mừng theo Gioan 3:16-17 cho chúng ta ba nét về Đấng Tình Yêu này:

1) Tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu đi vào tận hiến, là tình yêu chẳng hề biết giữ lại cho mình. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người…” (Ga 3:16a).  Khi yêu ai thì chúng ta muốn cho đi những gì quý nhất của mình. Cũng vậy, vì yêu, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nhưng còn trao ban cho chúng ta chính con người của Ngài khi nhập thể mặc lấy xác phàm.  Đó là một sự hiến trao của Tình Yêu Sáng Tạo, đem lại một cơ hội cho con người tiếp cận với sức sống thần thiêng.

2) Tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu.  Kinh thánh chép rằng: “… để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không bị hư mất, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16b).  Khi yêu ai thì mình làm cho người đó trở nên tốt đẹp hơn.  Cũng vậy, vì yêu, Thiên Chúa ao ước cho chúng ta được chia sẻ hạnh phúc muôn đời với Ngài.  Đó là mục đích của Tình Yêu Cứu Độ, tình yêu đem lại sự sống cho con người hư nát vì tội lỗi.

3) Tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu đem lại biến đổi. Thiên Chúa sai Con của Người đến không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3:17).  Tình yêu chứ không phải hình phạt sẽ cảm hoá được người khác.  Vì yêu, Thiên Chúa không muốn ai phải trầm luân. Nhưng nếu có ai đó bị hư mất thì vì họ đã tự khép lòng lại trước tình yêu của Thiên Chúa.  Đó là tình yêu của thăng tiến, Tình Yêu Thánh Hoá, để cuộc sống con người qua yêu thương, tha thứ và hòa giải, nhờ đó mà được thăng hoa.

Làm sao chúng ta biết chúng ta đang sống trong mầu nhiệm Ba Ngôi?  Nếu mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm tình yêu thì khi nào chúng ta còn xa lạ với yêu thương là còn xa lạ với Ba Ngôi.  Đúng như Thánh Gioan quả quyết: “Ai không yêu thương thì không ở trong Thiên Chúa.”(xem 1Ga 4:8,16).

Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, uớc gì bạn và tôi, chúng ta cùng sống mãi trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Xin Ngài cho chúng ta “được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần” (2Cor 13:13) để chúng ta cùng mạnh dạn tuyên xưng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng… Amen.”

Anton-Phaolo, SJ