Nó là một Việt kiều về Việt Nam sinh sống. Ở nước ngoài nhiều năm nhưng nó chẳng học hành gì, cũng chẳng có nghề ngỗng gì để tự nuôi bản thân, dù đã lớn nhưng nó cứ ăn bám vào gia đình anh chị. Về sống ở Sàigòn với cha mẹ, nó lại cặp bạn với dân nhậu nhẹt, bài bạc, hút chích. Thiếu tiền nên nó đi cầm luôn cả passport. Cha mẹ nó hay tin thì chửi nó như tát nước nhưng nó vẫn dửng dưng. Cha mẹ nó phải lo đi chuộc cái passport của nó về. Cha mẹ nó sắm cho nó chiếc xe, khi thiếu tiền nó cũng mang đến tiệm cầm đồ.
Cha nó bực lắm, cứ mỗi lần thấy mặt nó là chửi rủa. Mà nó bị chửi thì cũng phải, cả ngày nó cứ ở trong phòng, chỉ thò mặt ra để ăn uống mà thôi, ăn xong lại chui rúc vào phòng, mặc ai nấu ăn, dọn dẹp cho nó. Chiều chiều nó xách xe đi chơi đến khuya hoặc sáng hôm sau mới về, rồi lại chui tọt vào phòng cho đến trưa mới thò đầu ra ăn cơm rồi lại biến mất. Nhà nó đang ở như là phòng trọ, còn bạn bè mới là gia đình của nó.
Nó là con trai một trong một gia đình nhiều chị nên từ nhỏ quá được nuông chiều. Bây giờ lớn rồi nhưng nó cứ nghĩ là mọi thành viên trong gia đình phải có bổn phận cung phụng nó. Cha nó chửi thì có lúc nó nhịn, có lúc nó chửi lại. Còn các chị của nó mà hơi lớn giọng với nó thì nó chửi cho mà biết. Và đã có những lần nó thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với các chị của nó. Chỉ có mẹ nó la mắng thì nó im mà thôi. Mà nó im cũng phải, vì cha nó đã tuyên bố từ nó rồi, chỉ có mẹ nó là cứ dúi tiền cho nó xài đều đều. Đã mấy lần nó mắng vào mặt mẹ vì nó cần “mượn” vài triệu mà mẹ không có. Mẹ nó chỉ lo nội trợ trong gia đình, làm gì có tiền. Mẹ nó đã nhiều lần lấy tiền của cha nó để cho con, sau này biết được nên cha nó cất hết tiền vào tủ sắt nên mẹ nó bó tay. Mẹ nó cứ xin tiền các chị của nó, lúc thì nói cần tiền làm việc này, cần tiền làm việc kia, nhưng trong gia đình ai cũng biết là mẹ chẳng cần gì những thứ đó vì cha đã lo hết rồi. Chẳng qua mẹ muốn có tiền để cho thằng con “quý tử”, nhưng các chị không nỡ làm mẹ buồn nên cứ cho mẹ hoài. Thế là nó cứ thẳng tay xài phung phí.
Mỗi lần tôi gặp mẹ nó là mỗi lần bà than thở: “Vất thì thương, vương thì tội!” Bà cứ xin tôi cầu nguyện cho nó luôn. Mà thật, tôi dâng lễ cầu nguyện cho nó mãi thôi và cũng cầu nguyện nhiều cho những người lêu lỏng như nó. Nhiều lúc suy nghĩ về nó tôi cũng đâm bực, có lúc tôi tự nghĩ: “Đuổi cổ nó đi cho nó sáng mắt để biết thân, hết cách ăn bám gia đình thì hy vọng nó sẽ phải đi làm để có thể trưởng thành, sao bà mẹ cứ nuôi nó miết vậy.” Nhìn lại tư tưởng này thì tôi thấy rõ là tôi không phải là người mẹ và chưa có cái tình yêu như người mẹ. Chẳng biết bao giờ tôi mới có được tâm tình của một người mẹ!
Người mẹ nhìn đứa con trai quý tử của mình mà xót dạ. Bà khóc hằng đêm mà có ai biết đâu. Chồng bà thấy bà khóc không những không thông cảm mà còn mắng cho: “Cũng tại bà nuông chìu nó quá để nó ra như vậy. Nó không đáng để bà khóc thương đâu, đừng khóc phí nước mắt.” Bà lại lầm lũi đến xó khác ngồi rầu rĩ râu ri. Bà cũng không muốn cho các con bà thấy bà khóc làm cho các con thêm bận tâm. Bà cảm thấy cô độc. Chẳng ai hiểu bà. Bà nghẹn ngào cảm thấy tủi thân làm sao. Ông chồng của bà chẳng những không một lời an ủi, lại nhiếc mắng thậm tệ. Cái người chia cơm sẻ áo với bà, người mà khi xưa vuốt ve chìu chuộng nay quay lưng lại với bà. Có đêm nào bà không rưng rưng dòng lệ, có đêm nào bà nằm xuống mà không trằn trọc nhớ đến con trong khi ông chồng đã say giấc điệp, có đêm nào bà không cầu nguyện xin Chúa kéo con bà trở lại. Ngày nào bà cũng ráng đi lễ, và Thánh Lễ nào tựu trung cũng cầu nguyện cho con. Lúc nào khuôn mặt bà cũng mang một nỗi buồn khôn nguôi. Nhiều lúc tôi ghé thăm kể chuyện dí dỏm pha trò cho bà vui nhưng bà cũng chỉ cười được vài phút rồi nỗi buồn lại hằn trên khuôn mặt.
Tình thương người mẹ dành cho con là thế đó. Nó có tệ đến đâu thì mẹ nó vẫn cứ thương. Muốn dứt tình mà không nỡ. Nhiều lúc mẹ chửi, mẹ đánh con tơi tả rồi lại lấy dầu xanh xoa cho con. Với khả năng giới hạn của con người mà tình thương có thể toả sáng tới mức ấy, huống hồ là tình thương của Đấng vô hạn là Thiên Chúa.
Một câu trong Thánh Vịnh gần như đã nằm trong xương tủy của tôi: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (TV 27:10). Vâng, cho dù ngay cả cha mẹ tôi có ruồng bỏ tôi đi nữa, thì Chúa vẫn thương tôi, vì tình thương Chúa dành cho tôi vượt trên tất cả những gì tôi và con người có thể hình dung ra được, như cảm nghiệm của Tiên Tri Isaiah: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55:8-9).
Càng ngắm nhìn mẹ nó thương che chở cho nó bao nhiêu thì tôi lại hình dung tình yêu Chúa dành cho con người cao trọng và vĩ đại bấy nhiêu và nhiều hơn gấp bội. Với tuổi đời năm mươi, tôi vẫn chưa thấy tình thương nào giữa con người mà có thể hơn được tình người mẹ. Nhìn lại quảng đời quá khứ của tôi, tôi thấy tôi tránh xa Chúa vì mặc cảm tội lỗi. Tôi nghĩ chẳng còn ai thương tôi, tôi nghĩ Chúa cũng chẳng còn thương tôi. Đời sống của tôi chỉ còn một màu ảm đạm của màn đêm. Thế mà Chúa thương gọi tôi về, chỉ vì Chúa quá yêu tôi.
Ngẫm nghĩ lại cuộc đời của nó và tình thương của mẹ nó dành cho nó làm tôi liên tưởng đến cuộc đời của tôi và tình thương của Chúa dành cho tôi. Tôi thấy mình giống nó lắm. Tôi mau miệng lên án nó mà quên mất là chính mình cũng đã bao lần sống lầm lạc và dửng dưng trong khi Chúa vẫn đau khổ từng ngày ngóng chờ tôi trở về.
******
Lạy Chúa, con vội xét đoán quá, nếu Chúa cũng xét đoán như vậy với con thì chắc con tiêu lâu rồi. Cảm tạ Chúa đã kiên nhẩn chờ đợi con. Cảm tạ tình thương của Chúa, vì tình thương mà Chúa đã tự nguyện hiến thân để cứu chuộc con. Ôi, vĩ đại thay Tình Yêu Thiên Chúa! Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng con, con biết ơn và cám ơn Ngài; con chúc tụng và ngợi khen Chúa đến muôn đời. Xin Chúa tiếp tục nuôi đứa con còn nhiều yếu đuối này trong Tình Yêu Vĩ Đại của Ngài vì chỉ có Tình Yêu của Chúa mới biến đổi được con người. Amen.
Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
August 19, 2009