NƯỚC MẮT

Nói về nước mắt cũng khó như nói về tình yêu.  Nói về nước mắt cũng khó như nói về đau khổ.

Tình yêu và đau khổ là những ngôn ngữ phải hiểu bằng con tim hơn bằng lời.  Và nước mắt cũng thế.

Làm sao có thể tả được nỗi khổ của người vợ trẻ nghe tin chồng tử trận từ miền xa.  Làm sao có thể nói được nỗi đau của cuộc tình phản bội.  Làm thế nào để diễn tả được nỗi đắng của người con gái gặp trầm luân trên biển cả.  Ðó là nước mắt và đau khổ.  Không có ngôn ngữ nào nói về những dòng nước mắt đó cho đủ.

Nước mắt của đau khổ tự nó là một ngôn ngữ.  Một thứ ngôn ngữ không có văn phạm.  Vì nước mắt là ngôn ngữ không có văn phạm nên ai cũng có thể đọc được.  Người giàu khóc.  Kẻ nghèo cũng thế.  Người trí thức, kẻ quê mùa, ai cũng có lúc khóc.  Nước mắt và đau khổ là ngôn ngữ chung.  Người từ phương đông cũng có thể gặp kẻ từ phương tây, trong ngôn ngữ ấy.  Mình có nước mắt và thấy người khác có nước mắt.

Nước mắt là ngôn ngữ chung.  Nhưng đọc được không có nghĩa là hiểu được.  Từ đọc được đến hiểu được vẫn còn là chặng đường dài.  Dòng nước mắt này không có văn phạm để đọc, nhưng lại có văn phạm để hiểu.  Văn phạm để hiểu những dòng nước mắt của đau khổ là con tim.  Nhìn một người khóc, tôi biết đó là nước mắt.  Tôi đã đọc được.  Nhưng tôi có hiểu dòng nước mắt đó không lại là một chuyện khác.  Ðã bao lần tôi thấy người khóc, nhưng tôi vẫn bình thản.  Ðã bao lần tôi thấy nước mắt chảy, nhưng chẳng có nghĩa gì đối với tôi.  Cũng có những lần tôi không muốn nhìn nước mắt.  Nước mắt đau khổ là ngôn ngữ chẳng cần học cũng nhìn thấy, nhưng chẳng bao giờ hiểu được nếu không học.  Ðể hiểu dòng nước mắt đó phải học bằng con tim của yêu thương và tâm hồn của chia sẻ.

Nỗi đau đã nói bằng nước mắt, thì để hiểu cũng cần trả lời bằng nước mắt.  Nhưng người ta chẳng trả lời được bằng nước mắt nếu người ta không học yêu thương và chia sẻ.  Ðây là bài học khó nhất trong đời.  Nhận ra nước mắt đau thương ở chung quanh mình đã là điều khó.  Học để chấp nhận dòng nước mắt ấy và để dòng nước mắt ấy hòa vào cuộc sống của mình lại càng khó hơn.  “Nơi điều này mà ta biết được lòng mến: là Ðấng ấy đã thí mạng mình vì ta.  Và ta, ta cũng phải thí mạng mình vì anh em” (1Yn 3,16).  Khi Thiên Chúa yêu, Ngài yêu đến cùng.  Bởi đó, yêu thương là bài học không có ngày ra trường, nó giai giẳng cả đời.  Bài học này không có chứng chỉ xác nhận, vì có ai chỉ yêu thương một lần là xong?

Một người khóc với nỗi đau của tôi, tôi thấy bớt khổ hơn khi họ chỉ nói về nỗi đau của tôi.  Họ chẳng nói gì, chỉ im lặng thôi, nhưng nhìn trong đôi mắt cảm thông của họ, tôi có can đảm.  Họ không cho tôi gì cả, nhưng tôi thấy mình lãnh nhận.  Dòng nước mắt của tôi là yếu đuối thì dòng nước mắt của họ lại là sức mạnh cho tôi.  Ðó là sự nhiệm mầu của nước mắt, và ở chỗ đó, nước mắt là ơn thánh. Trong thơ gởi tín hữu Roma, Thánh Phaolô viết:  “Vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” (Rom 12,15).  Lời nói thì dễ, quà tặng cũng có thể mua.  Khóc thì thật khó, vì nước mắt là mức độ rung cảm sâu xa nhất của con tim, và cũng chính vì chỗ đó, nước mắt là hồng ân.  Ðể hiểu được nước mắt của người khác và nói với họ bằng nước mắt của mình là một con đường tử nạn Jerusalem.  Người đứng xem thì nhiều, nhưng kẻ khóc thì chẳng có bao nhiêu.

Nước mắt ở đâu?

Trong trại tị nạn, tôi thấy có những tâm hồn lạc lõng, không người thân, không tiền bạc.  Biển chiều là những nỗi vắng khôn nguôi.  Họ ngồi một mình, im lặng, nhìn về biển mà khóc.  Trong khi đó, có người mang theo được vàng bạc, có thân nhân, họ bình thản bên quán cà phê, mơ ngày đi sắm đồ ở Hong Kong, Bangkok.  Họ chẳng thể hiểu được những dòng nước mắt kia.  Vì muốn hiểu, họ phải mời dòng nước mắt đó một ly cà phê, một tấm áo mặc.  “Kẻ nào có của đời này và thấy anh em nó lâm phải túng thiếu, lại khóa lòng dạ lại đối với anh em nó thì làm sao lòng mến của Thiên Chúa lưu lại được trong nó? (1Yn 3,17).  Hai ngàn năm trước, họ đã chẳng hiểu mồ hôi và nước mắt Chúa Kitô trên đường tử nạn vì họ là kẻ đứng bên lề để xem.

Nước mắt ở đâu?

Ở trong những tâm hồn tan nát.  Có những vết thương đau đớn của một đời người.  Những người thiếu nữ gặp trầm luân trên biển cả.  Họ đau khổ.  Trong khi đó, có người đem những chuyện đó để mua vui.  Họ chẳng thể hiểu được dòng nước mắt kia.  Vì hai ngàn năm trước họ cũng đã lột trần Ðức Kitô và cười với nhau.  “Khi chế diễu Ngài rồi, thì họ cởi chiếc nhung y đi, cho Ngài mặc lại áo của Ngài, rồi họ điệu Ngài đi mà đóng đinh trên thập giá” (Mt 27,31).  Ðóng đinh kẻ khác cũng là thú vui của một số người.

Nước mắt ở đâu?

Có những tâm hồn lầm lỡ, chỉ vì yếu đuối mà chua xót.  Họ muốn quên đi cái quá khứ bất hạnh ấy. Nhưng có kẻ biết chuyện lại đem nói cho người khác hay để tỏ ra sự hiểu biết của mình.  Họ chẳng thể hiểu được nỗi đắng cay kia.  Vì, hai ngàn năm trước họ đã muốn ném đá người đàn bà ngoại tình (Yn 8,5).  Ðối với một số người, nói những khuyết điểm của kẻ khác là hình thức để nói mình trong sạch. Họ chỉ thua cuộc khi bị phơi trần trước mặt Ðức Kitô.

Hai ngàn năm trước là thế, hôm nay cũng vậy, tôi thấy nhiều người khóc, nhưng tâm hồn tôi chẳng rung cảm.  Làm sao có thể rung cảm, làm sao có thể hiểu được khi tôi chỉ đứng xem người vác thập giá chứ tôi không vác thập giá.

*******

Trong tình yêu cũng có nước mắt.  Mai Ðệ Liên đã khóc: “Ðứng đàng sau phía chân Ngài, bà khóc nức nở” (Lc 7,38).  Phêrô đã khóc vì chối Thầy: “Và Phêrô nhớ lại lời Ðức Kitô đã báo: Trước khi gà gáy, ngươi đã chối Ta ba lần.  Và ra ngoài ông khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,75).  Phêrô không nói gì với Chúa khi Chúa nhìn, nhưng chỉ khóc.  Mai Ðệ Liên cũng vậy.  Họ chẳng nói nhưng nước mắt đã nói tất cả.  Ðó là những giọt nước mắt sám hối.  Những giọt nước mắt khi biết mình lỗi lầm bao giờ cũng có giá trị cứu rỗi.

Eva đã lỗi phạm.  Khi Chúa hỏi thì Eva đổ lỗi cho con rắn.  Bà đã không khóc.

Adong đã lỗi phạm, Khi Chúa hỏi thì Adong đổ tội cho Eva.  Ông đã không khóc.

Tội kế đến xẩy ra trong gia đình đầu tiên của nhân loại là Cain giết em mình.  Khi Chúa hỏi em mình đâu, Cain trả lời: “Tôi không biết! Tôi là người giữ nó à?” (Kn 4,9).  Chàng đã không khóc.

Ôi! Những dòng nước mắt đã hiếm hoi làm sao.  Vì thuở ban đầu đã thiếu nước mắt ăn năn, nên bây giờ nước mắt gian truân ở khắp chốn.

Nước mắt đã làm động lòng Thiên Chúa.  Nước mắt xóa nhòa quá khứ.  Nước mắt mở cửa tương lai.  Nước mắt làm hạnh phúc phục sinh.

Có những dòng nước mắt hiếm hoi bao nhiêu, thì dường như, cũng có những dòng nước mắt dư thừa bấy nhiêu.  Có người khóc vì mất một số của cải, nhưng lại chẳng khóc khi mất Chúa.  Có người khóc vì bị ngăn cản một ước mơ không chính đáng, nhưng lại chẳng khóc khi bỏ lỡ một giấc mơ chính đáng đã đi qua mà không thực hiện.

Lạy Chúa, để hiểu dòng nước mắt đau khổ, con phải học thứ văn phạm của ngôn ngữ đó, đó là một trái tim yêu thương, một cõi lòng có Chúa ngự, một tâm hồn không đứng xem Chúa vác thập giá mà xuống đường vác thập giá với Chúa.

Nước mắt có cần không?

Khóc là một ân huệ.  Những trái tim bằng gỗ không thể khóc.  Những tâm hồn lạnh lùng cũng chẳng thể rung cảm.  Xin hãy dạy con biết khóc như Phêrô, đừng chai đá như Cain.  Nước mắt có thể tha thứ mọi lỗi lầm của con.  Và, Nước Trời đã mở cửa cho con cả hai lối.  Con có thể vào một cách anh hùng như các thánh tử đạo, con cũng có thể vào bằng tiếng khóc như Mai Ðệ Liên.

L.M. Nguyễn Tầm Thường, S.J – trích trong “Nước mắt và hạnh phúc”

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *