Sức mạnh của tiền quả thật đáng sợ. Vậy mới nói: Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý.
Tiền có thể là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại trở thành ông chủ xấu. Tiền có thể xây dựng, nhưng cũng có thể phá đổ. Có thể phát triển nhưng cũng có thể huỷ diệt mọi công trình vật chất cũng như tinh thần. Ham tiền là tôn vinh tiền lên làm chủ lòng mình. Tiền sẽ làm mê hoặc lòng người. Tiền có thể biến con người trở nên bất hiếu, đánh mất nhân cách, giảm đi nhân phẩm, có khi trở thành bất trung và bất nghĩa nữa.
Vì thế, “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền bạc được” (Lc 16,13).
Ta vẫn nghe nói, có tiền mua tiên cũng được. Nhưng chưa chắc, vì:
Tiền có thể mua được lương thực, nhưng không mua được no ấm.
Tiền có thể mua được mái nhà, nhưng không mua được mái ấm.
Tiền có thể mua được giường, nhưng không mua được giấc ngủ.
Tiền có thể mua được đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.
Tiền có thể mua được đồ dùng, nhưng không mua được niềm vui
Tiền có thể mua được máu, nhưng không mua được sức khoẻ.
Tiền có thể mua được bằng cấp, nhưng không mua được tri thức.
Tiền có thể mua được kiến thức, nhưng không mua được nhân cách.
Tiền có thể mua được phương tiện, nhưng không mua được mục đích.
Tiền có thể mua được quyền, nhưng không mua được trân trọng.
Tiền có thể mua được hưởng thụ, nhưng không mua được bình an.
Tiền có thể mua được phục vụ, nhưng không mua được chăm sóc.
Tiền có thể mua được bạn bè, nhưng không mua được tình nghĩa.
Tiền có thể mua được máy nghe, nhưng không mua được chia sẻ.
Tiền có thể mua được trái tim, nhưng không mua được tình yêu.
Tiền có thể mua được thân xác, nhưng không mua được tâm hồn.
Tiền có thể mua được đời này, nhưng không mua được đời sau.
Tiền có thể mua được hoả ngục, nhưng không mua được thiên đàng.
Tiền có thể mua được con người, nhưng không mua được Thiên Chúa.
Tiền có thể mua được, nhưng lại không mua được. Được hay không tuỳ thuộc vào cách sử dụng tiền bạc của mỗi người. Nhưng hãy cẩn thẩn, vì:
Tiền có thể làm cho trí khôn u mê. Để đề phòng, Chúa Giêsu đã căn dặn các tông đồ kỹ lưỡng: “đừng mang theo hai áo, bánh, bị, giày dép, hay tiền dắt lưng” (Mc 6,8). “Phải cẩn thận xa rời mọi hình thức tham lam”. Kết quả: “Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con” (Lc 10,17). Tham lam được trá hình bằng cách tích góp để…xây dựng công trình này, dự án kia; gây quỹ cho hội này hội nọ.
Tiền có thể làm cho tâm hồn vô cảm. Giuđa là một điển hình. Anh thản nhiên khi Chúa Giêsu loan báo về sự phản bội của một người trong nhóm. “Anh lạnh lùng giơ chân cho Chúa rửa” (Ga 13,6). Anh đổi cái hôn tình nghĩa để lấy tiền. “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ trao nộp Người cho các ông” (Mt 26,15). Thiên Chúa đã thành vật sát tế cho tính tham lam của con người.
Thánh Phaolô nói: “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin” (1Tm 6,10). Tham tiền dập tắt mọi thứ tình cảm quý giá: bác ái, đức độ nhân cách, và tự lòng trọng v.v… Tham tiền là ta sống nhưng tâm hồn đã chết.
Tiền có thể làm cho ý chí chai lì. “Ai ham thích nên giàu có dễ sa vào lưới ma quỉ, mắc nhiều đam mê vừa bất lợi vừa nguy hại, nhận chìm họ xuống chốn hư vong” (1Tm 6,9). Biển báo đỏ bảo ta đừng lại: “Giuđa đã đi thắt cổ” (Mt 27,5).
Tiền có thể làm cho ta trở nên tham lam. Bằng cách đầu tư tích trữ, thu gom cho riêng mình, lấy của chung bỏ túi riêng, mà không phục vụ hay chia sẻ cho ai.
Ta hãy nhớ, con người có trách nhiệm phải làm cho vũ trụ giàu có và phồn vinh; xanh tươi và phát triển; thăng tiến và hoàn hảo hơn về mọi mặt. Nghĩa là của cải vật chất phải được chia sẻ, làm lợi cho tha nhân chứ không dành cho bản thân. Vì ta không phải là chủ của vật chất mà chỉ là người đón nhận ân phúc rồi tiếp tục chia sẻ ân phúc cho người khác mà thôi.
Sách Sáng Thế cho biết, Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp, và phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất. Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực. Còn mọi loài dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực” (St 1, 28-30).
Thanh Thanh – VietCatholic