CÁI NGHÈO

Tôi có dịp ghé thăm giáo xứ Đông Mỹ thuộc tỉnh Phú Yên sau cơn bão zzlụt vì một câu nói: “Mong có bão lụt để được cứu trợ.”  Tôi tưởng đây là một câu nói chơi, nhưng khi đến thăm thì chính tôi nghe có người đã thốt lên như vậy.  Tôi được cha chánh xứ Trương Minh Thái dẫn đi thăm vài gia đình nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo đến độ chỉ dựng được vài tấm nylon để làm nhà, nghèo đến độ không có nổi chiếc xe đạp mà đi.  Những gia đình nào mà có xe honda Trung Quốc ở vùng này thì được coi là khá lắm rồi.

Tôi không hiểu tại sao dân miền Trung đổ xô vào Sàigòn làm ăn nhiều quá.  Cứ mỗi năm tôi về Sàigòn thì lại thấy số lượng xe mỗi ngày một nhiều thấy rõ.  Tôi hay ăn đậu hũ nước đường rong mà hầu hết các chị quẩy gánh đi bán là người miền Trung.  Mỗi lần ăn là mỗi lần tôi hỏi thăm để hiểu thêm và cảm thông với họ.  Họ tâm sự nói ở ngoài Trung khổ lắm nhưng tôi không mường tượng được cái nghèo cái khổ của dân miền Trung như thế nào cho đến khi tôi được tận mắt chứng kiến.

Cha Thái dẫn tôi đến thăm gia đình anh Hà.  Anh Hà bị tật tay phải, nên chỉ lao động bằng tay trái.  Anh chị Hà đã có một cháu gần hai tuổi và chị đang mang thai cháu thứ hai, nên bây giờ anh là lao động chính và chị làm phụ với anh.  Hai anh chị được cấp hai sào đất trồng lúa để sinh sống.  Nếu mưa thuận gió hòa thì tính bình quân mỗi sào đất kiếm được 70 ngàn đồng mỗi tháng.  Số tiền này bằng một ngày công của người phụ nề ở Sàigòn.  Còn nếu bị bão lụt thì cắn răng chịu vậy, mà có năm nào không có bão lụt đâu, chẳng qua là lụt ngập đầu hay ngập tới đầu gối mà thôi!  Nếu người nông dân mà chỉ sống với mảnh đất lúa này thì không cách nào sống nổi.  Họ phải đi làm mướn kiếm thêm tiền.  Anh Hà bị tật nên chẳng ai muốn mướn.  Mỗi ngày anh ra sông bắt ốc nhỏ cho vịt để đem bán, mỗi ngày kiếm được khoảng mười ngàn để sống qua ngày.

Khi đến thăm anh, tôi gặp ba anh, bác Mới năm nay 73 tuổi, bị đau khớp xương sau một đời ngâm mình dưới ruộng để lao động kiếm sống, nên bây giờ mỗi khi trời lạnh thì đau nhức không làm gì được.  Tôi hỏi bác làm gì để sống ngoài hai sào đất của vợ chồng bác thì bác bảo bây giờ được làm “giám đốc” rồi, vì chỉ “dám đốc” người khác làm thôi chớ mình bây giờ không “dám làm” nữa.  Nói thế nhưng giờ nào rảnh bác cũng chẻ tre đan rọ để sống qua ngày.  Cứ hai ngày thì bác vót tre đan được một cái rọ và bán mỗi cái được năm ngàn.  Vị chi mỗi ngày lao động của bác thì kiếm được 2,500 đồng.  Nhưng thực tế thì phũ phàng hơn vì bây giờ không còn tre để chặt nữa mà phải mua, nên cuối cùng khi trừ tiền tre ra thì công đan một cái rọ chỉ được 1,500 đồng mỗi ngày, tương đương với ba viên kẹo nhỏ cho con nít ăn.

Ở vùng này, khỏe mạnh tay chân lành lặn cũng khó tìm được việc làm thêm để kiếm tiền.  Ruộng nương ít quá và lợi nhuận chẳng được bao nhiêu nên đa số người dân tự làm.  Cuốc đất, gieo giống xong thì rảnh mà không tìm thêm được gì để làm nên nhân công thì nhiều mà không có việc.  Nếu có việc đi nữa thì lương cũng chẳng được bao nhiêu.  Người này chê rẻ không làm thì có vạn người khác xin làm.  Thăm một vài gia đình ở miền Trung, tôi hiểu lý do tại sao bà con cứ đổ vô Sàigòn kiếm việc.

*************************************

Càng hiểu cái khổ của dân nghèo, tôi càng thấy thấm thía và cảm thông với người nghèo hơn.  Tôi cám ơn Chúa mở mắt tôi để tôi được cảm nghiệm chút xíu nỗi khổ của người nghèo mà chính Ngài đã trải qua.  Thân phận là Thiên Chúa, là Vua, mà sinh ra trong máng cỏ hôi hám cho súc vật ăn, chưa khôn lớn đủ thì mồ côi cha.  Hai mẹ con Người phải chạy đôn chạy đáo để kiếm từng đồng sống qua ngày trong ách nô lệ của La Mã.  Qua kiếp sống nghèo hèn này, Đức Giêsu đã cảm nghiệm và đồng cảm với ách nô lệ mà xã hội áp đặt lên những con người bần cùng thấp cổ bé miệng.

Nỗi nghèo cùng cực và ách làm nô lệ thì chẳng ai muốn tròng vào cổ mình.  Cái ách là để gắn vào cổ trâu bò mà thôi, nếu trâu bò mà nói được thì chúng cũng đã la lên: “Xin tháo cái ách ra dùm!”  Nhìn những cái ách mà những con người nghèo khổ bị quàng vào cổ làm tôi liên tưởng đến Lời Chúa trong Phúc Âm Thánh Matthêu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28).  Chúa mời gọi những con người đang đau khổ vì những cái ách, cái nghèo – cái ách của thân phận yếu đuối đam mê của thân phận con người; cái nghèo của vật chất, tinh thần lẫn tâm hồn – chạy đến với Chúa để Ngài tháo gỡ những cái ách nặng nề đó ra, vì tự chúng ta không có khả năng để tự thoát ra.

Trong cảnh nghèo hèn lại thấy rõ nét những khuôn mặt yêu thương.  Phải chăng Tình Yêu dễ lớn lên nhờ môi trường của cái nghèo vật chất và sự đơn sơ của tâm hồn?  Người nghèo khổ bần cùng thì chẳng có chi nhiều, nhưng tâm hồn họ nhờ môi trường này trở nên đơn sơ, chất phác, và cho đi dễ dàng hơn, ít tính toán hơn, như “em bé” trong phép lạ bánh hoá nhiều đã cho hết phần của em là năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6).  Người giàu thì thường lo lắng tính toán, so đo nhiều quá nên mất đi bản chất đơn sơ của tâm hồn và trở nên ích kỷ.

Sàigòn vẫn náo nhiệt ồn ào, các tiệm bán hàng vẫn vô tư nhộn nhịp đón khách, các tiệm ăn vẫn ngập tràn người ăn với uống, xe mới vẫn nhịp nhàng lả lướt trên đường phố.  Nhìn họ ăn xài thoải mái mà tôi liên tưởng đến các anh chị em nghèo khổ chỉ mong kiếm được một chén cơm mỗi ngày.

*************************************

Lạy Chúa, khi Chúa cho con bữa cơm no đầy hôm nay, xin nhắc nhở con biết ý thức hơn, khi con đang thưởng thức những của ăn của mặc dư đầy Chúa ban tặng, thì cũng giây phút đó, nhiều anh chị em con đang thèm những hạt cơm trên bàn rơi xuống để ăn.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
July 22, 2008

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *