Chỉ ngày hôm nay thôi, chị đã phải khóc đến ba lần.
Suốt đêm hôm qua, chị hầu như không thể nào ngủ được. Mọi hình ảnh cứ dồn về. Hình ảnh người ấy cứ lởn vởn trong tâm não chị. Chị phải gọi người ấy như thế nào bây giờ nhỉ? Là cha, là thầy, là anh, là bạn, thậm chí là em… Chị không biết nữa. Quả là người ấy đối với chị từng ấy cùng một lúc. Chưa ai ban cho chị nhiều cho bằng người ấy, hơn bất cứ một người cha nào. Chưa ai dạy dỗ chị nhiều cho bằng người ấy, hơn bất cứ một người thầy nào. Chưa ai bênh vực chị nhiều cho bằng người ấy, hơn bất cứ một người anh nào. Chưa ai thân thiết với chị cho bằng người ấy, hơn bất cứ một người bạn nào. Chưa ai tin tưởng vào chị nhiều bằng người ấy, hơn bất cứ một người em nào. Và nhất là chưa ai yêu thương chị như người ấy, hơn bất cứ người cha, người thầy, người bạn, người anh nào. Biết bao lần chị đã từng nghe người ta nói với chị: “em là tất cả đối với với anh”, và chị thấy câu nói ấy rỗng tuếch đến nhói đau. Thế mà những ngày qua chị thấy bằng kinh nghiệm những đêm thức trắng rằng người ấy là tất cả đối với chị. Trọn cuộc đời chị chưa biết một người cha, một người thầy, một người anh, một người em. Chị tìm thấy tất cả nơi Người ấy, để rồi chưa kịp mừng chị đã phải mang một cái tang: Người ấy chết rồi… Chết rồi? Tự thâm sâu chị vẫn không thể nào tin được rằng người ấy đã chết. Không thể nào chết được. Một người có một con tim như thế thì không thể nào chết được. Thế mà người ấy chết thật rồi. Chính chị đã nhìn thấy tận mắt ở trên đồi khi người ấy chết, đã chứng kiến người ta tẩm liệm người, đã tiễn đưa người đến phần mộ, đã nhìn chằm chặp khi người ta lăn đá lấp cửa mồ, rồi ngồi quay mặt vào mồ cho đến tối mới chịu về… Người chết thật rồi. Không còn ai muốn nhớ đến người… Không, còn chị chứ. Dù mọi người quên thì chị không thể quên được người ấy.
Trời đã hừng sáng. Chị có thể ra ngoài rồi. Việc đầu tiên là đến thăm mộ người. Chị sẽ là người đầu tiên đến đấy, có thể là người duy nhất, nhưng có sao đâu: chị đâu còn tim óc nào để nghĩ đến ai khác? Chị đến mộ và khởi đầu ngày của mình với những giọt lệ: chị khóc. Ai đã đánh mất xác người rồi. Sao người ta lại ác thế nhỉ? Hành hạ người đến như thế chưa đủ sao? Bây giờ chỉ còn là cái xác mà họ cũng không để cho người yên. Mắt đẫm lệ, chị tìm quanh. Một ông làm vườn đang ở đấy. Chị chẳng buồn tìm hiểu sao ở đây lại có một người làm vườn vào sáng tinh sương thế này. Chị chẳng cần biết rằng một người làm vườn thì không ăn nhằm gì đến một thi hài. Nhưng chị vẫn bám vào ông như người chết đuối bám vào thanh gỗ mục.
– Bác ơi, nếu bác có dấu thi hài của Thầy tôi thì cho tôi biết. Tôi van bác.
Người làm vườn mỉm cười: “Maria!” Tiếng nói này! Giọng nói này! Thôi đúng rồi! Ơ kìa, không phải là người làm vườn, Thầy đấy. Chị dụi mắt. Chị không hiểu gì cả. Vô lý, nhưng quả thật là Thầy. Đúng là Thầy rồi. “Ôi Rabbi”. Chị sà vào lòng Thầy. Thầy ngăn lại: “Maria, đừng giữ lấy Thầy. Hãy đi gặp anh em Thầy và báo cho họ.”
Maria chạy vù xuống Nhà Tiệc Ly. Chị chạy như đôi chân mọc cánh. Nỗi vui mừng chưa lau kịp những giọt lệ còn đọng trên mi. Có thể nào… Có thể nào? Nhưng sự thật hiển nhiên rồi mà. Chị chạy báo tin cho các tông đồ. Chị vào phòng tiệc ly.
– Này các anh ơi, Chúa đã sống lại rồi! Tôi đã gặp Ngài…
Các tông đồ nhìn chị với ánh mắt thương hại và không có một phản ứng nào. Rồi họ im lặng gục mặt trở về gặm nhắm nỗi thất vọng của mình.
– Thực sự Chúa đã sống lại rồi mà. Tôi ra mộ thì thấy ngôi mộ trống không. Sau đó tôi vào vườn tìm kiếm xác Ngài, và đã gặp Ngài. Chính Ngài sai tôi đi báo tin cho các anh đây…
Đáp lại lời reo vui của chị là những tiếng thở dài:
– Anh Gioan, anh cũng không tin tôi sao?
Gioan trả lời chị với giọng nói thật dịu dàng:
– Chị Madalena à, chị cần phải xem chừng và giữ gìn sức khỏe đấy. Từ ngày thứ sáu đến nay chị chẳng lo ăn uống ngủ nghỉ gì cả. Chị phải cố gắng lên, cố gắng mà vượt qua.
Maria bật khóc. “Anh Phêrô, có phải cả anh cũng nghĩ như Gioan không?”
Phêrô nhìn chị với cái nhìn ái ngại, rồi cúi mặt để khỏi khóc theo chị. Maria thét lên:
– Tôi hiểu rồi, tại vì tôi là con người tội lỗi, chẳng ra làm sao cả, nên các anh không chịu tin tôi. Phải chi tôi là người có thế giá và có đời sống đàng hoàng hơn để các anh tin… Trời ơi, chẳng lẽ các anh lại không chịu tin rằng Chúa có quyền đến và Ngài đã đến với một con người hèn hạ như tôi sao?
Philip nãy giờ đứng im, tiến lại gần chị an ủi:
– Chị Madalena à, vấn đề không phải là ở chỗ đó. Có bao giờ chúng tôi đặt vấn đề thế giá hay nhân đức với ai đâu. Có lẽ là chị yêu thương Chúa quá đến độ chị hoa cả mắt, gặp ai cũng tưởng tượng là Chúa cả. Chúng tôi thông cảm với chị lắm. Chị biết đó, đám tang của Thầy cũng làm cho chúng tôi đau đớn lắm chứ…”
Maria gào lên:
– Không phải thế đâu anh Philip à. Tôi có thể tưởng tượng được mọi chuyện, nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi là Thầy sống lại. Chính Thầy đã gặp và nói với tôi mà…
Bây giờ Phêrô mới chịu lên tiếng:
– Chị Madalena à, có lẽ chị cần đi nghỉ đấy thôi…
– Đi nghỉ, đi nghỉ…. Không, đã đến lúc không thể nghỉ ngơi nữa rồi. Chính các anh là những người đầu tiên tôi loan báo Tin Mừng mà các anh không chịu nghe. Lời khuyên duy nhất của các anh, những người Thầy đã chọn, những người Thầy đã trao tất cả mọi bí mật của Thầy, lời khuyên duy nhất của các anh là bảo tôi đi nghỉ… Chao ôi, thế mà lời đầu tiên của Thầy lại cũng là một lời nhắn nhủ gởi đến các anh. Thầy bảo các anh đi về Galilê để gặp Thầy nữa đấy. Thôi! các anh có nghe không thì tùy ý… Tôi đi đây.
Chị ra khỏi phòng tiệc ly, chị tức tưởi khóc. Lần thứ hai trong ngày chị lại khóc. Chị ra cổng thành. Chị không còn muốn ở lại trong cái thành mà các tông đồ ngồi nhớ lại những lời hứa vinh quang, và giờ đây đang sợ hãi nuối tiếc. Chị ra cổng thành, nơi mà người ta đã muốn ném đá chị. Nơi mà lần đầu tiên chị đã bắt gặp ánh mắt thứ tha cùng với tình yêu đã thay đổi cuộc đời mình, một tình yêu vượt qua cái chết… Chị đã thấy Tình Yêu phục sinh, nhưng chị vẫn đau quặn thắt vì những người tin cẩn nhất của Thầy lại không chịu tin. Họ còn ngồi toan tính phải tiếp tục sống với một xác chết! Chị gục mặt khóc, gục mặt sâu hơn ngày bị người ta chửi bới, lên án, dày vò…
– Maria!
Chị nhìn lên Thầy với đôi mắt đẫm lệ. Phải nói với Thầy làm sao đây? Chắc Thầy buồn lắm. Mà quả thật gương mặt Thầy thật buồn
– Thầy biết rồi! Con đừng buồn nữa. Hãy đi cùng Thầy đến thăm họ.
Nụ cười chợt nở lên môi. Maria chạy theo Thầy trở về phòng tiệc ly. Các môn đệ vẫn còn ngồi đấy… Thầy vào: “Bình an cho anh em!”
Mọi người ngơ ngác. Họ vẫn chưa tin. Họ hoa mắt hết như Maria Madalêna rồi chăng? Thầy phải bảo họ mang lại một cái gì đó cho Thầy ăn. Bây giờ họ mới biết rằng Thầy đã sống lại…
– Thầy đã nói với anh em nhiều lần là Thầy sẽ sống lại, anh em quên rồi sao?
Gioan đáp thay cho mọi người: Thưa Thầy, con tin mà! Con tin từ khi thấy lưỡi đòng đâm qua lồng ngực Thầy, con tin từ khi con và Phêrô nhìn thấy ngôi mộ trống.
Sự ngạc nhiên chẳng mấy chốc biến thành một niềm vui ồn ào, và các tông đồ lên tiếng hỏi: “Thưa Thầy, có phải giờ này là lúc Thầy khôi phục vương quyền cho Israel không?” Giọng Chúa buồn hẳn xuống: “Anh em không cần biết giờ ấy, nhưng anh em hãy đi làm chứng cho khắp thế gian rằng Thầy đã sống lại, thế thôi”
Nói xong, Chúa cúi mặt ra đi, mà không dừng lại nhìn Maria.
Maria bật khóc, nước mắt chị cứ trào mà chị không làm sao giữ lại được. Chị nhớ lại ánh mắt yêu thương của Thầy, một tình yêu đưa Ngài lên Thập giá. Chị nhớ lại tiếng kêu thảm thiết trước khi trút linh hồn: Ta Khát! Chị hiểu rằng Thầy còn phải khát lâu lắm. Thầy chỉ là Tình Yêu, Thầy có chút quyền bính nào để trao cho ai đâu, vậy mà môn sinh của Thầy chỉ biết có thế, họ mong ngồi bên hữu bên tả Ngài không phải để yêu thương mà là để hưởng phần quyền bính. Chị không thể nói thành lời, nhưng chị đau lòng quá khi thấy rằng những người Ngài tuyển chọn đã không chịu nhìn nhận sự Phục Sinh của Tình Yêu mà chỉ hướng vào sự phục sinh của uy quyền.
Chúa Giêsu bỏ đi mà không nói lời nào với Maria, dù Ngài thừa biết rằng đây là lần thứ ba chị khóc trong ngày hôm nay, một ngày mà đáng ra chị phải vui mừng nhảy múa. Hai lần trước, Ngài đã yên ủi chị, nhưng lần này thì không. Ngài vội vã ra khỏi phòng tiệc ly. Ngài cúi mặt bước nhanh. Hình như Ngài cũng khóc
Trần Duy Nhiên