VẠN SỰ NHƯ Ý… CHÚA

zzDịp tết tôi có nhận được lá thư của người thân ở nước ngoài, cầu chúc cho tôi “vạn sự như ý” được nhắc đi nhắc lại gần ba lần.

Tôi hiểu người thân của tôi rất thương mến tôi, quan tâm nhiều tới tôi, mong ước cho tôi được may mắn điều này điều kia, không muốn tôi phải khổ, không muốn tôi gặp những khó khăn… Vạn sự đây chắc không phải chỉ có mười ngàn lần mà là mọi việc xẩy ra đều tốt đẹp như ý muốn, và đó là hạnh phúc nhất của con người, rất là tự nhiên thôi.  Thử hỏi trên đời này có ai lại “mát” đến cỡ muốn đau khổ, muốn phiền toái, muốn thất bại, mọi việc xẩy ra đều ngoài ý muốn bao giờ đâu.  Các tôn giáo này các giáo phái kia đều muốn giúp con người cách này cách khác thoát khỏi khổ, vì không được như ý muốn là khổ, muốn giầu mà cứ nghèo mãi chẳng khổ là gì?  Muốn bình yên mà cứ gặp tai nạn hoài chẳng khổ là gì?

Xưa nay người ta vẫn hiểu công khai hoặc hiểu ngầm là Ý Chúa thì luôn ngược với ý người ta nên người ta phải khổ.  Khi phải khổ thì người ta chẳng còn tha thiết gì với Đấng ấy, càng xa càng tốt, càng dửng dưng càng khỏe, càng tránh được bao nhiêu càng đỡ phiền toái bấy nhiêu…  Bởi vì đấng ấy có nhiều quyền hành muốn sao nên vậy, mọi vật đều phải tuân thủ.  Khi nổi cơn ngông lên thì giáng họa, đánh phạt, răn đe đủ điều, có khi dùng tạo vật làm những trò tiêu khiển; Ngài như con muỗi sốt rét lâu lâu chích cho ta một phát chơi đỡ buồn.  Gặp đường cùng con người quay lại chống đối, giơ nắm đấm, vênh mặt lên nghênh hoặc con người không tìm được lối thoát thì đành phải ngậm bồ hòn chịu vậy.  Có người gắng công gồng mình tập chịu vậy, rồi cho đó là một nhân đức, lập công; khi chịu vậy đã quen thì cho đó là đỉnh cao của đời sống đức tin, và đi đến đâu cũng khuyên bảo người khác một cách rất sốt sắng là “Ý Chúa đấy, hãy… chịu vậy”.  Gặp người chịu vậy thì họ lại chịu vậy, gặp người không chịu vậy thì họ dù không tỏ thái độ ra bên ngoài nhưng bên trong cũng giận điên lên!!!

Có điều con người muốn nhận diện rõ ràng đâu là ý Chúa, đâu là ý người ta, đâu là ý Bề trên?  Hay bị lẫn lộn.  Ý Chúa thì ráng cúi đầu chịu vậy, chứ còn ý người ta thì….. không thể chịu được, ăn thua đủ, sòng phẳng.  Ông muốn gà bà muốn vịt, ông muốn không bà muốn có, muốn có điện lại bị cúp điện, muốn làm hòa mà nó lại chẳng cần… như thế có phải ý Chúa không?

************************************

Đức Kitô, hoàn toàn vâng theo Ý Cha.

– “Các hi sinh cùng lễ vật, các lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Người đã không màng không đoái, bấy giờ Ngài đã nói: Này con đến để thi hành ý muốn của Người” (Do thái 10, 8-9)

– “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa : “Này con xin đến! Trong sách đã có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con”. (Tv 39,7-8)

– “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. (Ga 4,34)

Đây cũng là vấn đề dễ gây hiểu lầm.  Nhiều phong trào Công giáo tự nhận là công trình của Ngài và tự hào là mình đang cố gắng làm thật tốt công trình của Ngài – như cố Hồng y Thuận đã ghi lại kinh nghiệm khi đặc trách huấn luyện linh mục – chủng sinh và phụ trách Công Giáo Tiến Hành toàn miền Nam – quan trọng lắm chứ, vĩ đại lắm chứ!!  Cần phải có trình độ kiến thức và tổ chức mới chu toàn trọng trách đó.  Nhưng mãi tới khi vào trong tù, ngài mới nhận ra rằng Tôi đã chọn công trình của Chúa nhưng không chọn Chúa.  Một kinh nghiệm xương máu mà rất nhiều cộng đoàn đang vô tình hăng hái lăn theo vết xe sa lầy tự hào, tự tôn trước những cộng đoàn bình thường khác…

Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một tiêu chuẩn rõ ràng.  Muốn thực hành theo ý Cha thì điều căn bản là yêu mến Cha.  Nói theo kiểu cố Hồng y Thuận đó là phải chọn Chúa, yêu Chúa, sống kết hợp với Chúa làm nền tảng cho việc thực hiện công trình của Chúa:

“Nhưng chuyện đó xẩy ra, là để cho thế gian biết rằng, Thầy yêu mến Chúa Cha, và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy”  (Ga 14,31).

Thế nhưng cũng đâu phải là chuyện dễ dàng.  Tội lỗi con người đã đè lên vai gánh nặng và Ngài biết trước được cái chết sắp đến nên mặc dù trong vườn Cây Dầu ban đêm lạnh giá mà Ngài cũng mướt mồ hôi, chẳng những mồ hôi và còn cả máu nữa.  Bản tính tự nhiên con người là sợ hãi, là muốn bỏ cuộc, là muốn tháo chạy.  Ngài đã sấp mặt xuống mà nguyện rằng: “Lạy Cha, xin Cha cất chén đắng này cho Con, nhưng xin đừng theo ý Con, mà theo ý Cha”.

Vâng, “vâng theo ý Cha” hay thuận theo ý người ta, sức con người chẳng ai muốn, bởi vì con người tự nhiên vẫn khẳng định mình, vẫn muốn độc lập, vẫn muốn được theo ý riêng mình, ý mình là nhất, là trên hết…

Chỉ có Tình Yêu mới lý giải nổi chuyện này, bởi vì có Tình yêu mới “đi ra khỏi mình”, hướng về kẻ khác, không hề có chút ngưng nghỉ nơi chính mình; chỉ có Tình Yêu mới dậy cho tôi biết phải ứng xử làm sao; chỉ có Tình yêu mới giúp tôi có những bước tiến khi gặp khó khăn; chỉ có tình yêu mới dẫn đưa tôi đến tế nhị, tỉ mỉ; chỉ có tình yêu mới cho tôi có sức mạnh, có can đảm, dám đối diện với thực tại… để tất cả những điều xẩy ra không như lòng mình mong muốn thì vẫn nhận thấy là Tình Yêu Thương âu yếm còn lớn hơn thế, bởi vì yêu thương là có hy sinh, cho đi là đón nhận sự mất mát, nên lúc này tôi cần chỉnh đốn lại câu chúc:

Không phải “Vạn sự như ý… tôi”
            mà là “Vạn sự như ý… Chúa”
            “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 35)

Ý muốn của Chúa là Ngài muốn điều tốt cho tôi, bởi vì người là Cha của tôi, các bạn có tin không?  Chẳng có người cha nào “khùng” đến cỡ mong hoặc làm điều dữ cho con mình (Lc 11,11-13).

Năm mới đến, xin chúc các bạn:  “được vạn sự như ý… Chúa”.

Mong Manh