Vòng chu kỳ của thời gian với bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông rồi tiếp tục trở lại Xuân Hạ … nhân gian gọi đó là chu kỳ một năm. Đối với Phụng Vụ Công Giáo cũng thế cứ khoảng tuần cuối tháng mười một lại một năm Phụng Vụ mới được khai mở khởi sự từ Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng. Sống theo tinh thần và ý nghĩa trong Mùa Vọng đó là mùa chuẩn bị tâm hồn để đón mừng ngày Đại lễ mừng ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu; và cũng để nhắc nhở người tín hữu tỉnh để canh thức chuẩn bị tâm hồn, canh tân lại đời sống, để đón chờ ngày Chúa đến gọi mỗi người kẻ trước người sau về trình diện với Chúa.
Giáo lý Công Giáo hỏi: Người ta sống ở đời này để làm gì? Thưa: Người ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc, và hạnh phúc đích thực chỉ có ở trong Thiên Chúa là cùng đích của mọi loài. Câu trả lời đã khẳng định mục đích chính của con người khi sống trên trái đất này để làm gì? Hạnh phúc đích thực đó ông bà nguyên tổ Ađam và Evà đã được tận hưởng từ chính tình yêu Thiên Chúa chúc phúc và ban cho ông bà, trước khi ông bà sa vào bẫy cám dỗ của ma quỷ. Sau khi ông bà nghe theo lời ngon ngọt của ma quỷ, từ ngày đó Thiên Chúa đã thu hồi lại niềm hạnh phúc ấy nơi con người. Nhưng không vì thế Thiên Chúa bỏ rơi ông bà, Người đã hứa ban Đấng Cứu Thế đến để chuộc lại lỗi lầm do hai ông bà đã trót lỗi phạm, để con người tìm lại được nguồn hạnh phúc đích thực của thuở ban đầu.
Vậy vì sao nguyên tổ lại đánh mất niềm hạnh phúc đó? Vì con người tự bản chất là thân phận mọn hèn, yếu đuối và mỏng dòn, nên đã sa ngã vào con đường mà chính Satan là nguồn gốc muốn lôi kéo con người đi vào con đường tội lỗi giống như chúng. Thế nhưng Satan thực sự đã không hạ gục được con người, bởi vì con người vẫn còn nhận được lòng bao dung từ tình thương của Thiên Chúa. Thế nên, Thiên Chúa vẫn để cho con người sống để duy trì nòi giống, sống để chống trả lại mưu mô quyền lực của ma quỷ, và Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Ơn Cứu Độ của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu. Thiên Chúa vẫn để con người tiếp tục được hưởng quyền tự do, Người không tước đoạt và cũng không ràng buộc con người trong khuôn khổ. Chính vì vậy quyền tự do của con người chính là sự thử thách của Thiên Chúa muốn tôi luyện con người vững vàng hơn để về được bến bờ của niềm hạnh phúc đích thực, như ngày trước ông bà nguyên tổ toàn quyền tự do quyết định chọn lựa.
Con người ngày nay tuy đã được biết và được hưởng ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, nhưng vẫn không làm chủ được cuộc sống mình, và tiếp tục rơi vào tình trạng như ông bà nguyên tổ ngày trước, vẫn tiếp tục đi vào con đường quanh co, lồi lõm, gồ ghề và khúc khuỷu. Con người vẫn thỏa thuê tự mãn trong hưởng thụ thú vui trần thế; vẫn cố tình sa đọa rơi vào những hố sâu, cạm bẫy.
Tin Mừng khởi sự Chúa nhật I Mùa Vọng (B) câu đầu tiên (c. 33) Chúa nhắc nhở và khuyên nhủ phải biết tỉnh thức, và các câu còn lại (c. 34-37) là để canh thức.
Bài học ngày trước Chúa đã dạy các môn đệ. Tỉnh để canh thức là bài học Chúa đã căn dặn rất ký càng, nhưng rồi trước giờ Người chịu khổ hình, Người đã đưa các Tông đồ vào trong vườn Giệtximani để cầu nguyện, nhưng các ông đã quên đi bài học Thầy mình đã dạy, mê mải trong giấc ngủ, đến nỗi Người đã phải trở lại ba lần để đánh thức các ông dậy, nhưng đôi mắt các ông lim dim nặng nề, Người vẫn kiên trì nhắc nhở lại bài học đã dạy khi trước: “anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (x. Mc 14,33-41). Lời Chúa dạy các môn đệ ngày trước đó, cũng chính như hôm nay Chúa đang dạy tôi.
Trong tâm tình của ngày khởi sự năm Phụng Vụ mới, việc làm thiết thực là hồi tâm kiểm điểm lại cách sống trong năm vừa qua, đồng thời phác thảo cho bản thân hướng sống trong năm Phụng Vụ mới.
– Nhìn lại bổn phận mỗi ngày của chính bản thân đối với Thiên Chúa. Một ngày 24 tiếng, tôi nhớ đến Đấng tôi tôn thờ được bao nhiêu giờ? Bao nhiêu phút hoặc bao nhiêu giây? Hay tôi chỉ dành tất cả thời gian đó cho công việc, cho cơm, áo, gạo, tiền … ?
– Bổn phận đã được Chúa trao phó qua các Đấng Bề Trên, tôi có chú tâm vào công việc đó cách thực sự không? Hay chỉ làm chiếu lệ cho xong… ?
– Chung quanh tôi biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh cần sự quan tâm giúp đỡ, tôi có tận tình an ủi giúp đỡ họ, hay cũng giống như thầy tư tế hay thầy Lêvi trong dụ ngôn người Samaritanô? (Lc 10:25-37)
– Mỗi khi gặp thử thách tôi thường trách cứ, đổ lỗi cho ông bà nguyên tổ đã làm cho con cháu phải đau khổ, mà chưa bao giờ nhìn ra cách sống của chính bản thân; đôi khi lỗi lầm của mình còn lớn hơn lỗi lầm của nguyên tổ gấp bội?
– Mỗi ngày tôi làm được bao nhiêu điều tốt lành để làm gương sáng cho con cái, cho cộng đoàn, cho những người sống quanh ta?
Lạy Chúa, đã biết bao mùa Vọng đi qua cuộc đời con, nhưng con đã làm được gì để canh tân với chính cách sống của con. Xin Chúa giúp con biết mạnh dạn đổi mới lại, sửa sai những thói quen xấu thành những thói quen tốt trong cuộc sống. Cho con luôn biết tỉnh táo để canh thức, vì nếu bản thân không tỉnh táo thì chẳng bao giờ canh thức được. Xin đừng để con mê mải với cuộc sống trần gian mà quên đi Chúa là Đấng con đã nhận để tôn thờ; cho con biết nhìn ra Chúa đang hiện thân trong tha nhân, trong những người khốn khổ, để con biết hành động trong yêu thương. Đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực mà con đang kiếm tìm. Amen!
Pet. PBH