MẤY CÁI BÁNH NHỎ

Có thể Paris, London, rồi bạn ghé vào một quán kem.  Ấm với hương cà phê, đưa hồn bạn về một vùng trời.  Tôi cũng đã đi qua những quán kem buổi chiều tây phương.  Những quán kem có bờ công viên mát cỏ xanh, những con đường trải đá trắng thơ mộng.  Cũng có những quán kem hối hả tiếng nhạc của một chiều bận rộn xua đẩy mọi suy tư.

Saigon cũng có những quán kem.  Một lần về với những kỷ niệm cũ.  Ghé quán kem xưa ngồi nhìn thành phố một thủa mình đã lớn lên.  Ngang đời, hôm nay trở lại quê hương.  Tôi đã đi qua những quán kem chiều xa xứ, quán kem không có gì để nhớ, nhưng ở quán kem trên thành phố cũ, hôm nay, tôi thấy phân vân giữa lòng mình và cuộc đời.  Thìa kem gần ở môi mà như xa lắm ở trong lòng.  Tôi ngồi bên này vỉa hè, chầm chậm những thìa kem nhỏ.  Ở vỉa hè bên kia, mấy vành xích lô mệt mỏi đang đợi chờ tìm khách. Mặt họ hằn những gian khổ của cuộc sống.  Vai áo bạc vì mồ hôi.  Chắc vợ con họ đang đợi tiếng xe cọc cạnh đạp về với hy vọng một ngày đủ sống.

Một em bé đến nhìn tôi, xin tôi cho uống ly nước cam còn dở.  Mắt em vẫn theo dõi sợ chủ quán đuổi. Liệu em có chờ những thìa kem còn sót lại trong đáy ly em đang nhìn?  Tôi sẽ để lại ít kem cho em, hành động ấy là yêu thương hay xúc phạm?

Tôi đã đi qua những quán kem tây phương.  Buổi chiều ở bờ biển Laguna Hills hay San Francisco tôi thấy cuộc đời bay trôi theo những đám mây.  Những quán kem tây phương đưa tôi vào cõi mộng.  Quán kem quê hương đưa tôi vào cuộc sống thật.  Cả bầu trời mơ ước của một con người nằm gọn dưới đáy ly kem.

********************************

Sau khi làm phép lạ bánh hóa ra nhiều cho mấy ngàn người ăn, và họ ăn no rồi, Chúa nhìn những mẩu bánh vụn rất tiếc, căn dặn các môn đệ nhặt hết lại: “Anh em hãy thu lấy những miếng thừa, đừng để hư phí” (Yn. 6:12).

Ðó là câu chuyện hai ngàn năm xưa.  Nếu hôm nay giảng Tin Mừng, Chúa sẽ bảo đừng đổ phí những sợi mì vì có nhiều người nghèo đói đang dang dở mong buộc cuộc đời mình bằng những miếng bánh phở dư. Nếu hôm nay Chúa vào quán kem, Chúa sẽ thấy có những thìa kem đưa một buổi chiều vào cõi mộng.  Chúa cũng thấy có những con người kéo cả bầu trời mơ ước vào thìa kem còn sót lại.

“Anh em hãy thu lấy những miếng bánh thừa, đừng để hư phí”.  Chúa muốn nói gì với chúng ta về “mấy cái bánh và vài con cá nhỏ” trong tương quan giữa con người với nhau?  Có những nơi dư thừa trong khi có những nơi thiếu thốn.

Có hai thứ thương xót.  Các môn đệ thấy trời chiều mà người ta mệt mỏi rồi, các ông tội nghiệp họ.  Các ông đã nói với Chúa: “Ðây là nơi vắng vẻ, và trời đã gần tối, xin Thày cho dân chúng về để họ vào các làng mua ăn” (Mt. 14:15).  Ðó là thương xót nhập đề.  Lòng thương xót này cần thiết vì là khởi điểm, nhưng có khi chỉ là xót thương không muốn nhận trách nhiệm, lúc đó khởi điểm chấm dứt ở nhập đề. Chúa trả lời các môn đệ bằng một lệnh truyền thật ngạc nhiên: “Họ không cần phải đi, anh em hãy lo cho họ ăn” (Mt. 14:16).  Chúa muốn các môn đệ bước qua ngưỡng cửa xót thương khởi điểm, đem thương xót nhập đề mà vào xót thương nhập cuộc.  Chính các con phải lo cho họ ăn!

********************************

Phản ứng của các môn đệ ghi trong bốn Phúc Âm như sau:

– Máthêu: Ở đây chúng tôi chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá thôi (Mt. 14:17).

– Máccô: Thế thì chúng tôi phải đi mua hai trăm đồng quan bánh mà cho họ ăn sao? (Mc. 6:37).

– Luca: Chúng tôi không có hơn năm chiếc bánh và hai con cá, họa chăng là chúng tôi phải đi mua thức ăn cho cả toàn dân này (Lc. 9:13).

– Yoan: Philiphê thưa: Có mua hết hai trăm đồng cũng chẳng đủ phát cho mỗi người một miếng nhỏ.  Anrê nói: Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá.  Nhưng ngần ấy thì thấm vào đâu cho bấy nhiêu người? (Yn. 6:7-8).

Xem ra họ thất vọng trước vấn đề vì “chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá thôi”.  Lo cho mình còn chưa đủ còn lo cho ai.  Những phản ứng của bốn Phúc Âm chung nhau ở một cửa ngõ là không có lối vào.  Họ bế tắc.  Theo Phúc Âm Yoan thì chưa chắc các môn đệ đã có bánh và cá, mà là của thằng bé bán rong. Bởi đó, làm sao các môn đệ dám đề cập tới chuyện lo cho đám đông ăn dù biết họ đói và mệt lắm.  Hôm nay, nghèo đói như một bãi rác mênh mông, không biết bắt đầu dọn dẹp từ đâu.  Thái độ của con người hôm nay cũng là tâm trạng của các môn đệ ngày trước, “ngần ấy thì có thấm vào đâu”.  Trong cái nghèo khó của tôi, làm sao tôi dám cho đi.  Và có khi để xoa dịu lương tâm, tôi cũng lập lại cùng mệnh đề đó, “ngần ấy thì có thấm vào đâu”.  Cho đi là mất, bởi thế, kẻ biết mất mà vẫn cho đi là kẻ có lòng thương xót lớn hơn niềm tin.  Trong ý nghĩa này, khi niềm tin bế tắc mà có lòng thương xót thì lòng thương xót sẽ mở ngõ cho niềm tin đi về.  Khi khóa ngõ lòng thương xót thì niềm tin sẽ đứng ở ngoài.  Chính lòng thương xót của Chúa đã làm cho mấy chiếc bánh và hai con cá nhỏ thành lương thực nuôi đám đông.

Khi Chúa giơ “năm chiếc bánh và hai con cá” lên đọc lời nguyện thì cửa ngõ bế tắc lo âu không lối vào của các môn đệ đã trở thành lối vào không còn cửa ngõ.  Ðám đông ăn no và còn dư thừa.  Cũng vậy, những giúp đỡ của ta cho tha nhân, dù nhỏ nhưng đến từ lòng thương xót thì Chúa sẽ giơ lên trời cầu nguyện và nó sẽ thành hiến lễ.

********************************

Chỉ có mấy cái bánh mà hàng ngàn người ăn no, làm sao chỉ có hai con cá nhỏ mà họ ăn không hết? Có những cho đi rất nhỏ mà nhận về thật lớn lao, vì những tia nắng nhỏ ấy đã qua lăng kính quang phổ trăm màu của Chúa.  Có khi nào bạn bị bệnh và phải dùng thuốc trụ sinh chưa?  Ðây là câu chuyện thuốc trụ sinh.

Ngày nọ, một gia đình giầu có, quý tộc nước Anh dẫn con về miền quê chơi.  Trong khi nô đùa, tai nạn đã xẩy đến, cậu trai nhỏ của họ sa chân vô vọng dưới vực nước sâu.  Kẻ nghe tiếng kêu và đã đến cứu cậu là một chú bé, con của người làm vườn nghèo.

Một đứa bé nhà giàu, có thể bàn tay ấy đã được tán thưởng vì tiếng đàn trên phím ngà, nhưng lại không biết bơi.  Một đứa bé nhà nghèo thôn quê, bàn tay xạm nắng vì cuốc rẫy nhưng hôm nay đã cứu đời.  Cha của cậu bé giàu có kia đã biết ơn cậu bé nhà nghèo.  Nhưng thay vì lời cám ơn, ông ta không muốn nhìn ước mơ tuổi thơ của cậu bé nằm dưới đáy ly kem.  Ông muốn đẩy ước mơ của cậu bé vào bầu trời ở trên cao.  Ông hỏi cậu bé:

– Khi lớn con muốn làm gì?

– Chắc là con tiếp tục nghề làm vườn của cha con.

– Con không còn ước mơ nào lớn hơn sao?

– Dạ, nhà con nghèo thế này thì con còn ước mơ gì.

– Nhưng nếu con có mơ ước thì con ước mơ gì?

– Thưa ngài, con muốn đi học, muốn là bác sĩ.

Sau này, cậu bé được cứu sống vì không biết bơi đã trở thành vĩ nhân của thế giới, đã giữ vai trò quan trọng trong cục diện thay đổi thế chiến đệ nhị, đã làm cho nước Anh hãnh diện vì tài ba chính trị.  Ðó chính là thủ tướng Winston Churchill.

Nhờ lòng thương và biết ơn chân tình của cha cậu bé Churchill, cậu bé nhà nghèo đã không còn đặt mơ ước của đời mình ở những cụm cỏ, bờ đê.  Cậu đã trở thành bác sĩ lừng danh của thế giới và là ân nhân của nhân loại cho đến ngàn đời, vị bác sĩ này đã tìm ra thuốc trụ sinh Penicillin.  Tên của cậu là Fleming!

Rồi cậu bé Churchill là thủ tướng.  Rồi Fleming là bác sĩ.  Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đây.  Những áng mây rực sáng, với ánh mặt trời sẽ còn rực sáng nữa.  Khi thủ tướng nước Anh lâm bệnh trầm trọng, vương quốc Anh đã đi tìm những danh y lừng lẫy để cứu sống thủ tướng của nước mình.  Kẻ danh y ấy chẳng phải ai xa lạ mà lại chính là bác sĩ Fleming, người đã cứu ông năm xưa.

********************************

“Chính các con hãy lo cho họ ăn”.  Chúa bảo các môn đệ vậy.  Ðấy là hình ảnh của một cậu bé can đảm lao xuống dòng nước trước tiếng kêu của một người hấp hối.  Số tiền nuôi cậu bé nhà nghèo Fleming ăn học, đối với gia đình quý tộc kia có thể đó chỉ là “năm cái bánh nhỏ và hai con cá”.  Nhờ mấy cái bánh nhỏ này mà chính người con của nhà quý tộc ấy, thủ tướng của nước Anh đã được cứu sống lần thứ hai, và cả nhân loại hàng triệu triệu người được thừa hưởng công trình y khoa từ những cái bánh nhỏ đó.

Nhờ năm chiếc bánh và mấy con cá mà Chúa nuôi cả ngàn người.  Phép lạ của những liều thuốc trụ sinh hôm nay và cho đến mãi mãi thế kỷ sau này mở đầu là do sự giúp đỡ mà cậu bé nhà nghèo Fleming đã nhận được.

Những buổi chiều tây phương và những quán kem.  Ngồi bên ly kem người ta thả hồn vào những vùng trời ước mộng mây trôi.  Những buổi chiều đông phương và những quán kem.  Những thìa kem sót lại mà chứa cả bầu trời mộng ước của một tuổi thơ.

Chúa gọi lòng thương xót ở chúng ta, đừng nói chúng tôi “chỉ có năm cái bánh và hai con cá”, Chúa có thể cho một viên than hồng âm ỉ trong đám tro than hôm nay thành biển lửa dữ dội ngày mai.  Vấn đề không phải là “chỉ có năm cái bánh và hai con cá”, nhưng là có bao nhiêu lòng can đảm dám cho đi.

Khi Chúa mời gọi ta cho nhau những cái bánh nhỏ là Chúa mời gọi ta cùng làm phép lạ với Chúa.

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ – Trích trong “Con Biết Con Cần Chúa”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *