Epictète là một triết gia – nô lệ tại xứ Syracuse. Ông vua độc tài của Syracuse đọc sách của Epictète viết, thấy hay quá nên mới ra quyết định cho Epictète không phải làm nô lệ nữa. Epictète trả lời:
– Vua hãy tự giải thoát chính mình đi.
– Nhưng ta là vua mà, ông vua độc tài ngạc nhiên.
– Một nhà độc tài là kẻ phải làm nô lệ cho các dục vọng của mình, còn một người nô lệ làm chủ được các dục vọng của mình mới là một người tự do. Hỡi Đức Vua, hãy tự giải thoát chính mình đi.
****************************
Ai cũng thấy rõ sức mạnh rất lớn của các dục vọng trong lòng mình, như cổ nhân đã khéo ví von: “Vũ vô kiềm toả năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Mưa không xiềng xích vẫn lưu được khách, sắc chẳng ba đào dễ đắm lòng người).
Có dục vọng tốt nhưng cũng có dục vọng xấu lôi kéo con người và xích chặt tâm hồn họ vào tội lỗi. Trong Thánh Kinh, các dục vọng tội lỗi được diễn tả như bóng tối mịt mù ràng buộc và ngăn cản nhân loại trên đường tìm đến hạnh phúc đời đời: “Họ phải sống trong cảnh tối tăm mù mịt, kiếp lầm than xiềng xích gông cùm; vì họ chống cưỡng lời Thiên Chúa, dám khinh thường lệnh Đấng Tối Cao” (Tv 107,10).
Các dục vọng xấu là dư âm của cuộc sa ngã đầu tiên, khi người ta bị cám dỗ bước vào con đường vị kỷ, qui ngã, muốn trở nên Thiên Chúa.
Cái mất lớn nhất tính vị kỷ đã gây ra cho con người là làm cho họ mất khả năng nói lời yêu thương, tiếng nói của thần tính mà Thiên Chúa ban tặng cho loài người. Sau khi sa ngã, Ađam và Eva đã quên đi tình liên đới, không còn biết đến niềm vui của sự cho đi: Ađam đã đổ tội cho Eva: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3,12).
Để hoàn toàn loại trừ xu hướng vị kỷ – bóng tối dẫn đến sự chết và là cái ách đè nặng lên cuộc sống con người, Đấng Cứu thế đã chiếu sáng thế gian bằng một tình yêu tuyệt đối, một tình yêu trút bỏ chính mình vì người khác: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8).
Tình yêu Đức Kitô là ánh sáng phá tan gông cùm của bóng tối sự chết luôn đè nặng lòng người. “Cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gẫy” (Is 9,1). Tình yêu đó làm thoả mãn được cái đói từ sâu thẳm trong lòng người, nên có sức lôi cuốn người ta bỏ tất cả đi theo Ngài… không hề có việc trả giá: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người… Lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,20.22).
Thế nhưng giữa người tin vào Đức Kitô vẫn còn đó những bóng tối vị kỷ ngay trong việc truyền bá tình yêu cứu độ. Thánh Phaolô đã cảnh báo về một tình yêu đã bị đánh mất vẻ đẹp, nơi những người muốn rao giảng một Tin Mừng của riêng mình: “Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: ‘Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô”!
Vì thế, thánh Phaolô coi tình yêu quên mình của Đức Kitô chịu đóng đinh mới là tất cả những gì cần được rao giảng: “Đức Kitô … sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1Cr 1,12.17).
Đúng thế, thập giá Đức Kitô cũng có thể ra vô hiệu khi bị che chắn bởi bóng tối của lòng vị kỷ nơi các Kitô hữu, tình yêu tinh tuyền của Đức Kitô bị lu mờ bởi sự chia rẽ giữa những kẻ tuyên xưng niềm tin vào Ngài. Vì thế mà thánh Phaolô tha thiết nài xin: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,2-4).
Điêu khắc gia đại tài Michelangelo thường gắn một cây nến nhỏ trên nón mình để cái bóng của ông không đổ lên bức tranh đang vẽ, lên pho tượng đang đắp. Điều đó làm cho F.L.McKean suy nghĩ: “chúng ta cũng phải hết sức cẩn thận, đừng để cho cái bóng của mình, những kẻ tìm kiếm tư lợi, đổ trên điều mà chúng ta đang làm cho Chúa Kitô”.
****************************
“Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết ở nhiệt thành, biết mến Chúa cho xứng đáng, biết thi ân mà không xá kể, biết chiến đấu mà không sợ đau thương, biết hoạt động mà không tìm an nghỉ. Tận tình với chức vụ mà không mong phần thưởng nào khác, một biết mình làm theo ý Chúa luôn. Amen” (thánh Ignatiô Loyôla)
Lm. HK