ĐỪNG QUÊN ĐIỀU CỐT YẾU

Một người đàn bà bồng con trên tay đi ngang qua một cái hang.  Bỗng có tiếng từ trong vọng ra “Con hãy vào và lấy tất cả những gì con muốn, nhưng đừng quên rằng con được tự do chọn lựa mà không được quên mất điều cốt yếu.”  Tiếng vọng lại nhắc thêm một chi tiết: “Con hãy nhớ một điều nữa: “Sau khi con ra khỏi cái hang, cánh cửa sẽ tự động đóng lại vĩnh viễn.  Song hãy tận dụng cơ hội mà đừng quên mất điều cốt yếu.”

Người đàn bà tò mò bước vào và thấy chung quanh mình toàn là vàng bạc, châu báu và những món trang sức lấp lánh hấp dẫn.  Bà vội đặt đứa con xuống và bắt đầu chọn những gì bà ưa thích nhất. Tiếng nói lúc nãy lại vang lên: “Con chỉ có 8 phút thôi, đừng chậm trễ!”

Tám phút mau mắn trôi qua, người đàn bà ôm đầy vàng bạc và đủ thứ trang sức quý giá chạy vội ra khỏi hang và cửa hang đóng lại.  Bấy giờ bà ta mới sực nhớ rằng mình đã bỏ quên đứa con lại trong hang.  Bà quăng tất cả mọi thứ đã chọn xuống đất, than khóc kêu la như điên như dại trong tuyệt vọng…

Người đàn bà khốn khổ này đã có được đủ thứ nhưng lại quên mất điều cốt yếu nhất đối với bà (Theo Internet).

**************************************

Câu chuyện về người đàn bà là câu chuyện con người sống ở 513đời.  Tám phút vắn vỏi trong hang là ví như bảy tám chục năm hay thậm chí trăm năm ở trần gian.  Chúng ta không có nhiều thời gian lắm để định đoạt về số phận mình.  Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười! (Nguyễn Công Trứ).  Vậy mà, chung quanh ta có quá nhiều thứ làm ta hoa mắt, tưởng đó là những thứ quan trọng nhất, cần thiết nhất, không thể thiếu đối với ta.  Ta mất nhiều thời giờ, công sức theo đuổi chúng.  Nhưng tục ngữ Pháp có câu: Không phải cái gì óng ánh cũng đều là vàng cả.  Chính kinh nghiệm sống cũng cho ta nhận ra chân lý đó, đôi khi kịp thời, lắm lúc quá muộn.  Không ít lần trong đời, chúng ta đã tỉnh ngộ khi thấy nhiều thứ mà ta say sưa tìm kiếm, xây đắp hoá ra cũng chỉ là tạm bợ. Trong nháy mắt, hỡi ôi, tất cả đã sụp đổ rồi (Thánh vịnh). “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!” (Ôn Như Hầu).  Biết thế, nhưng chúng ta vẫn thấy rất khó cưỡng lại sức thu hút của các thứ vàng giả mỗi khi nó mời mọc: Hãy chớp lấy cơ hội!  Lần này, vận may của bạn đã đến rồi, đừng chần chừ!…

Đọc lại câu chuyện dụ ngôn trên trong thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, chúng ta càng thấm thía bài học nó nêu lên.  Đã có hàng trăm tỉ phú đô la trên thế giới “đếm tiền mỏi tay” nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã thấy tài sản mình bốc hơi gần hết.  Thử lấy hai thí dụ.  Tỉ phú Nga Abramovich và ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea nổi tiếng nước Anh đã mất hàng chục triệu USD ở thị trường chứng khoán Luân Đôn chỉ trong 6 tháng khi cổ phiếu Evraz (công ty mẹ của ông ta) giảm từ 28 tỉ euro xuống còn 3,2 tỉ euro.  Hoặc Adolf Merckle, nhà giàu đứng hàng thứ năm của Đức, nhà thầu khoán tài năng sử dụng 100.000 nhân viên,với doanh số 30 tỉ euro/năm, ông đã mua hết cổ phiếu của hãng xe hơi Volkswagen vào mùa thu năm ngoái và đã bị phá sản hoàn toàn khi hãng này sụp đổ.

Nhưng không phải chỉ có những người giàu có nhất thế giới mới sạt nghiệp vì cơn khủng hoảng này, mà vô số những người bình thường cũng khốn đốn vì nó.  Trong nền kinh tế toàn cầu hoá ngày nay, nó chẳng chừa một tầng lớp nào, từ những công nhân nhập cư…, đến ông chủ tiệm buôn bán nhỏ lẻ nơi một góc phố, người nông dân trồng lúa hay cây công nghiệp, bà nội trợ ở những vùng xa xôi, v.v… tất cả đều là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp, lớn hay nhỏ của nó.  Nó phủ xuống trên thế giới một màn tang tóc khi hàng trăm người mượn cái chết để tự giải thoát khỏi nỗi thất vọng, tuyệt vọng vì những gì họ coi là chỗ dựa cuộc đời bổng chốc sụp đổ!

Điều gì là cốt yếu?  Câu hỏi đó, mỗi người, mỗi gia đình phải tự trả lời.  Cuộc khủng hoảng kinh tế nói trên chỉ là cơ hội giúp hồi tỉnh mà thôi, còn thực ra thì nó luôn luôn đặt ra cho chúng ta trong cuộc sống bình thường.  Sau bài “Lạnh và trống rỗng” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 3 tháng 4 vừa qua, một người đã chia sẻ: “Nhìn vào nhà tôi ai cũng bảo là hạnh phúc ấm êm: chồng làm giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, vợ là giáo viên mầm non, con trai đang học năm nhất đại học.  Chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau, chồng tôi rất ít nói, cái tính ít nói ngày xưa hấp dẫn tôi thế nào thì bây giờ là nguyên nhân của cái tổ lạnh này.  Anh có thể huyên thuyên với bạn bè, với đồng nghiệp, với hàng xóm… nhưng bước vào nhà anh ít nói một cách đáng sợ.  Hỏi gì anh chỉ trả lời cụt lủn: ừ, vậy à, có, không… Dần dần chúng tôi cũng ít trao đổi công việc với nhau, dù ngày xưa là bạn học cùng ngành, cùng lớp.  Sáng, ăn sáng, uống cà phê, mỗi người một tờ báo im lặng đọc.  Chiều, anh không la cà nhậu nhẹt mà về rất đúng giờ, cùng ăn cơm với vợ con, xem tivi, lên mạng hoặc đi chơi thể thao… Thú thật lòng tôi đã đóng băng rồi tôi không còn thấy khó chịu…  Tôi tìm vui trong công việc hằng ngày.  Ngày nào anh ấy đi công tác vắng nhà, tôi lại thấy dễ chịu, hai mẹ con nói chuyện, cười giỡn suốt ngày.  Mấy từ “gia đình hạnh phúc” sao nghe xa lạ quá!” (TT, 8-5-2010, tr 9).

Đâu là điều cốt yếu?  Có nhiều thứ cốt yếu, tùy từng lãnh vực, từng phương diện, nhưng cũng phải có một trật tự trong các giá trị theo đuổi, ví dụ: tinh thần phải được đặt cao hơn vật chất; con người, tình người, nhân phẩm, đạo đức, trách nhiệm v.v… cao quý hơn của cải, danh vọng, thành công, hiệu năng của công việc…  Con người ta khát vọng nhiều thứ nhưng chung quy ai cũng tìm kiếm hạnh phúc cả. Điều được coi là cốt yếu trong phạm vi nào cũng chỉ là tương đối so với cái mục tiêu cuối cùng là cuộc đời hạnh phúc.

Trong khi tìm kiếm hạnh phúc ở đời, người Kitô hữu chúng ta còn được nhắc nhở rằng điều cốt yếu đối với ta còn nằm xa hơn: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?  Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 16,26; x. Mc 8,36; Lc 9,25)”.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM – trích Người Tín Hữu

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *