Đang chơi với mấy đứa nhỏ trong sân nhà bỗng dưng nhìn thấy từ cổng bước vào bóng người quen quen. Tiến gần bên một chút thì ra là hai thầy ở Tập Viện. Các thầy đang ở Tập Viện mà xuất hiện vào giờ này chắc là có chuyện gì đây chứ không phải là bình thường.
Khi hỏi ra thì được biết là thầy nọ chở thầy kia ghé chào những người thân quen để thầy kia lên đường trở về với gia đình, sau quyết định rẽ ngã con đường ơn gọi mà mình đi tìm kiếm. Thế là sau nhiều năm trời theo đuổi ơn gọi, tìm kiếm thánh ý Chúa trên cuộc đời mình, hôm nay thầy kia chính thức chào anh em, chào người thân để rẽ sang một ngã khác của cuộc đời.
Trong khi tâm sự, Em cho tôi biết Em cảm thấy bình an với chọn lựa của Em. Em can đảm đến trình với vị phụ trách về suy nghĩ và chọn lựa của Em. Hôm nay Em chia tay để trở về lại đời thường như nhiều người ngoài bốn bức tường của tu viện.
Em đã đi khuất khỏi cổng nhà nhưng hình bóng của Em còn vương vương đâu đó.
Nói đúng ra chẳng ai muốn mình phải “rẽ ngã” sau chặng đường dài tìm kiếm. Tìm kiếm điều gì đó đã khó, và khó hơn là tìm kiếm ơn gọi, chọn lựa một ơn gọi cho cả cuộc đời dài của mình.
Người đào tạo cũng như người được đào tạo phải “làm việc” thật nhiều để tìm ra hướng đi của người được đào tạo. Nói là “làm việc” nhưng “việc làm” ấy không do bởi con người, nhưng phải nhìn dưới chiều kích của ơn Chúa, vì lẽ ai ai cũng biết ơn gọi là một huyền nhiệm. Phải có ơn Thánh Chúa, phải chìm sâu trong đời sống cầu nguyện mới có thể nhận ra được ơn gọi của mình, chứ không phải là chuyện giản đơn. Nếu chỉ vì một chút tình cảm riêng tư, chỉ vì một chút cái gì đó gọi là mang tính cá nhân, mang cảm tính của con người để người đào tạo quyết định, thì người đào tạo phải trả lẽ trước mặt Chúa trước quyết định của mình. Ngược lại, người được đào tạo vì lý do nào đó mà không can đảm trình bày cho người có trách nhiệm thì cũng khổ.
Nhớ lại gần chục năm trước, những anh em bạn cũng phải chia tay với anh em cùng lớp để chuyển sang hướng khác của cuộc đời. Những lần chia tay ấy, hình như lòng của ai cũng chùn lại. Kẻ ở người đi ai cũng ngậm ngùi vì những năm dài gắn bó với nhau: kinh nguyện, cơm nước, thể thao và thậm chí giận hờn cũng có nhau.
Sau ngã rẽ ấy, anh em lại mỗi người một ngã, người thì tiếp tục theo con đường tận hiến, người thì theo con đường sống ơn gọi hôn nhân gia đình. Ơn gọi nào cũng cao quý, ơn gọi nào cũng tốt đẹp cả. Chuyện quan trọng là ta có nhận ra và sống đúng ơn gọi mà Chúa mời gọi ta hay không mà thôi.
Nếu chọn đời hôn nhân, thật đẹp khi sống đời hôn nhân chung thuỷ và hạnh phúc.
Nếu chọn đời tận hiến, thật đẹp khi sống trọn vẹn đời tận hiến, thuỷ chung với Chúa, khiêm nhường phục vụ Chúa qua tha nhân, qua anh chị em đồng loại.
Nghĩ về Em, một chút gì đó cảm phục vì Em đã can đảm nói lên suy nghĩ của Em, nói lên tấm lòng thật của Em. Bên cạnh Em còn đó những người vì lý do này hay lý do khác đã không can đảm như Em. Tệ hơn nữa là họ chọn cho mình một con đường, mà họ cảm thấy bất an, nhưng bên ngoài họ vẫn nguỵ tạo cho sự bình an. Họ đã không can đảm để rẽ như Em. Khi không can đảm để rẽ như Em, người ấy không chỉ gây khổ cho mình mà còn gây khổ cho cộng đoàn, cho giáo xứ mà ta được gửi đến để phục vụ, để sống đời tận hiến.
Chuyện quan trọng không phải là tu hay không tu, nhưng quan trọng là ta có tìm ra Thánh Ý của Chúa trên đời, và ta có thật sự hạnh phúc trong ơn gọi đó hay không. Nếu như Chúa muốn ta sống đời tận hiến mà ta chọn con đường hôn nhân thì cũng trục trặc khi sống với đời sống ấy. Nếu như Chúa muốn ta sống đời hôn nhân mà ta gượng ép sống đời tận hiến thì cũng là bất hạnh. Tu không phải là tu một ngày mà tu cả cuộc đời. Nếu ta không hạnh phúc mà cứ kéo lê cuộc đời ta trong đời ơn gọi thì cả cuộc đời ta sẽ lê lết với chọn lựa không dứt khoát của ta.
Chọn lựa cho ơn gọi thật là khó. Một số người vẫn quở trách người rẽ ngã về đời thường là ăn cơm nhà Chúa mà phản bội Chúa, nhưng họ không hiểu ơn gọi là huyền nhiệm, là bởi ơn Chúa chứ không do tự con người. Vì áp lực của gia đình, của bè bạn, của dòng tộc nên đôi khi người ta không can đảm quyết định.
Chúc mừng Em vì Em đã can đảm sống thật với chính mình.
Con đường phía trước của Em còn nhiều gian khó để hội nhập, nhưng thà khó một lần cho xong, còn đỡ hơn là kéo lê cuộc đời không hạnh phúc.
Nguyện chúc Em sống “ngã rẽ” mới bình an hạnh phúc, và cũng xin ơn Thánh Chúa đổ tràn trên Em trên con đường mới này.
Thanh Tâm