Ngày Đức Yêsu chịu phép rửa ở Bêtania, Mathias đã có mặt. Không ai chú ý đến ông. Và dưới cặp mắt thế gian, hình như Đức Yêsu cũng không để ý đến ông. Ông không có cái mạnh dạn của Yoan và Anrê để đi tìm Đức Yêsu mà hỏi chuyện. Ông không được Người tìm đến trao đổi như với Philip. Ông không được ai tiến cử như trường hợp Phêrô và Nathanael…
Nhưng, từ ngày Mathias nghe biết được về Chúa Yêsu, ông đã theo Người một cách âm thầm. Các tông đồ đi đến đâu thì Mathias đi đến đấy. Không đòi hỏi, Không bon chen…
Ngày Đức Yêsu chọn 12 người thân tín, Mathias không được chọn nhưng không hề thất vọng, ông vẫn tiếp tục theo Người. Khi nào có một đám đông đến nghe Người thì chắc chắ ông có mặt ở đó. Nhưng khi Người chia sẻ tình Thầy trò thân mật thì Mathias không được phép dự.
Mathias không có mặt ở Tabor, Mathias không được nghe lời dạy dỗ trong buổi tiệc ly,Mathias không được chia sẻ giây phút máu lửa ở Yêtsêmani… Mathias là một tín hữu hạng nhì, tín hữu như hàng triệu tín hữu vô danh khác. Suốt đời theo Chúa, nghe Lời Người giảng dạy mà chưa một lần được hưởng một dấu hiệu tình yêu nào.
Sẽ có bạn nhận định: “Biết đâu Đức Yêsu cũng có tỏ cho Mathias nhiều tình cảm đặc biệt mà Kinh Thánh không nhắc đến. Vả lại, dù ông không được trọng vọng thì duy một việc gặp gỡ được Đức Kitô và theo Người, nghe Người nói cũng đủ làm cho cuộc đời ông có ý nghĩa rồi…” Nhận định đó quả là hợp lý, nhưng dù sao thì thì dưới cái nhìn của thế gian, và có thể, theo đánh giá của bạn và tôi, cuộc sống của Mathias thật là đáng thương hại…
Trong 3 năm trời đằng đẳng, ông kiên trì theo Chúa mà không cầu xin một ân huệ nào cho chính mình. Ông chỉ biết đi theo thế thôi, đi theo một cách kiên trì… Ngày Chúa nói ra những điều nghe chói tai, bao nhiêu người đã bỏ đi, trừ các tông đồ, cố nhiên, vì họ là những người thân tín. Ngoài ra còn một số rất ít vẫn trung thành đi theo, trong số ít ngưới đó có Mathias.
Gia đình Mathias chắc hẳn đã hơn một lần phê bình trách cứ ông, cho ông là tào lao. Ông không cãi lại, cũng không lý luận, ông chỉ tiếp tục cuộc hành trình tưởng như vô vọng của mình. Bạn bè Mathias có lẽ đã có lần nhạo cười ông, cho ông là thiếu thực tế, không biết hưởng tuổi thanh xuân, mù quáng mà đeo theo một người hoàn toàn chẳng màng đến mình, lại không biết đi về đâu nữa chứ… Ông không biện minh một lời, ông chỉ tin tưởng tiếp tục chí hướng theo Chúa…
Niềm tin của Mathias quả là sắt thép. Trong số những người thường xuyên theo Chúa, có lẽ Mathias là người ít được chứng kiến phép lạ nhất. Chúa chỉ làm phép lạ trước mặt các tông đồ mà thôi. Ngay cả lần Chúa làm phép lạ bánh hóa nhiều, Mathias có mặt ở đó nhưng chắc gì ông đã ngờ đó là phép lạ. Ông chỉ biết các tông đồ phân phát bánh cho hàng mấy ngàn người ăn, còn bánh ấy lấy ở đâu ra thì làm sao ông biết được. Mathias vẫn theo Chúa, âm thầm tin tưởng nhưng không hề có một chứng cứ nào để biện minh cho niềm tin của mình.
Ngày Chúa chết đi, một số người như ông đã thất vọng rời Yêrusalem để trở về quê, những môn đệ về Emau chẳng hạn. Ngay trong nhóm 12, cũng có người muốn bỏ cuộc, như Tôma, ông bỏ không đến họp. Nhưng Mathias thì vẫn kiên trì ở lại.
Khi Chúa đã thăng thiên, có một nhóm người rất ít tế tựu lại, khoảng 120 người, thì ông vẫn còn đó… Thế rồi Phêrô tuyên bố: “Chúng tôi cần tìm một người đã cùng đi với chúng tôi suốt cả thời gian Chúa Yêsu ra vào giữa chúng tôi, khởi từ lúc Yoan Tẩy giả, cho đến ngày Đức Yêsu siêu thăng… người đó sẽ thay thế Yuđa Iscariốt…” (Cv 1). Lúc đó, mọi người nhìn quanh, người ta chú ý ngay đến một người quan trọng: ông Yuse. Ông này khá nổi tiếng, có biệt danh là Yustô (người công chính). Người ta gọi ông là Barsaba, (con của Sabba), người ta biết gốc gác lý lịch của ông rất rõ.
Và vì phải công bình, cộng đoàn cũng nhắc đến tên một người khác, người này tên là Mathias. Thế thôi, chấm hết. Không ai biết thêm chút gì về ông. Ông chỉ là một người lu mờ. Duy chỉ có một điều đáng lưu ý: Mathias đã kiên trì đi theo Chúa tự ban đầu…
Và rồi, giữa hai người, Thiên Chúa đã chọn người mang tên Mathias tầm thường đó. (Mathias gì? Tục danh? Biệt hiệu? Con ai? Thân thế sự nghiệp? Quả là không ai để ý, không ai ngờ!) Thế mà ông đã được chọn. Thiên Chúa đã chọn, thì người ta liệt Mathias vào hàng ngũ các tông đồ (Cv 1,26)… Thế là kể từ đây, Mathias sẽ được nhắc đến, mọi người sẽ chú ý đến ông, ông sẽ nổi danh. Có thế chứ! Một đời âm thầm theo Chúa rồi, đã đến lúc Thiên Chúa công bình trả công, trao cho ông hào quang chứ…
Xin lỗi! Sự thật lại không phải như thế. Mathias chỉ nổi bật lên có chừng ấy thôi, rồi lại tiếp tục đi vào quên lãng. Suốt cuốn tông đồ công vụ, Luca sẽ nhắc rất nhiều về Phaolô, đến Yoan, đến Phêrô. Luca dành hẳn hai chương cho tá viên Stêphanô, một chương cho tá viên Philip. Còn Mathias? Không có lấy một chữ. Mathias chỉ có một nhiệm vụ quan trọng, một chức năng: điền vào chỗ trống của Yuđa để đủ con số 12. Quan trọng là số 12 chứ không phải người được điền khuyết.
Ngày Chúa còn ở thế gian, còn thân mật, còn an ủi chuyện trò thì Yuđa lãnh nhận hết tất cả…
Giờ đây, cần một người “làm chứng tá cho sự sống lại của Người” nghĩa là cần một người để bị xỉ vả, bị hạch xách, bị đánh đập, bị tù đày vì Đức Yêsu, thì Mathias thế vào chỗ Yuđa. Mathias có lẽ là vị tông đồ bạc bẽo nhất, một người âm thầm, gần như là vô tích sự… Và Thiên Chúa đã chọn Mathias. Sự lựa chọn của Thiên Chúa quả là một mầu nhiệm: Tại sao ba năm rao giảng, Chúa Yêsu làm như không thấy Mathias,không chú ý đến Mathias, không chuẩn bị cho Mathias, không tạo niềm tin cho Mathias… để rồi khi đã siêu thăng, Chúa lại chọn Mathias ?
Tại sao lại chọn đúng vào Mathias tầm thường này? Tại sao lại không phải là Yuse Yustô Barsaba? Tại sao lại chọn Abel, Yacob, Yuse chứ không phải là những ông anh cả Cain, Esau, Ruben? Tại sao lại chọn Đavit “liễu yếu đào tơ” chứ không phải là Eliab, Abinadab, Samma, những người anh phương phi chững chạc?
Phải chăng vì… “Chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan. Và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ. Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt ra không những điều hiện có…” ( 1 Cr 1,27-28 )
Dù sao đi nữa thì việc Chúa chọn Mathias cũng là một niềm an ủi và là một sứ điệp cho mỗi chúng ta. Khi bắt đầu rao giảng, Chúa chọn 12 tông đồ và người đầu tiên là Anrê chứ không phải Phêrô. Khi Hội Thánh bắt đầu hoạt động thì người đầu tiên Người chọn là Mathias chứ không phải là Phaolô. Phaolô là người mở mang Nước Trời bằng những lời rao giảng, bằng những cuộc hành trình, bằng những chứng tích vang dội. Còn Mathias chỉ có làm một điều là Sống Tin Mừng.
Mathias chỉ có một chứng tích độc nhất là Lòng Kiên Trung. Mathias có một cuộc hành trình duy nhất là cuộc Hành Trình Theo Chúa Suốt Đời. Mathias chỉ để lại vỏn vẹn một lời rao giảng hùng hồn đó là Cuộc Đời Tận Hiến của mình. Chúng ta được yên ủi rất nhiều qua vị tông đồ “giờ thứ 11” là Mathias… Ông xuất hiện khi mọi việc hầu như đã hoàn tất: Chúa Yêsu đã nhập thể, đã chết, đã sống lại, và đã siêu thăng…
Trong chương 20, Matthêu đã kể lại dụ ngôn người chủ vườn nho. Gia chủ từ tảng sáng đã mời những người thợ đến làm việc trong vườn nho của mình. Giờ thứ 6 và giờ thứ 9, ông cũng làm như vậy. Đến giờ thứ 11, ông vẫn ra mời những người thợ khác. (Theo giờ hiện nay là 12g, 15g, và 17g). Nhưng đến khi trả công thì người thợ vào làm giờ thứ 11 cũng được trả bằng giá với những người thợ vào làm từ tảng sáng…
Lúc hừng đông của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã chọn Abraham, Môsê, Isaia, Yêrêmia…
Khi mặt trời lên tột đỉnh – giờ thứ 6 – là lúc Đức Kitô nhập thể và giờ thứ 9 là giờ Người chết để cứu rỗi, Người đã chọn nhóm 12… Khi mọi chuyện hầu như hoàn tất, giờ mà hình như không còn gì để làm nữa ngoại trừ tổng kết công việc thì Người đã chọn Mathias, người tông đồ giờ thứ 11. Và Mathias được đặt đồng hàng với những người đi trước, không phải đồng hàng trong cái hư danh là tông đồ, nhưng là đồng hàng dưới đôi mắt nhân lành của Thiên Chúa.
Thế đó: “Những kẻ cuối hết sẽ lên đầu hết” (Mt 20,16). Chúa đã chọn Mathias và chúng ta được an ủi, vì vấn đề không phải là được chọn trước hay chọn sau, nhưng vấn đề là Mathias có chấp nhận tự ý chân thành đáp lời kêu gọi vào làm vườn nho của Chúa hay không?
Ngày nay, mỗi chúng ta đều được kêu gọi trở nên tông đồ, chúng ta cũng phải gắng bước theo chân người anh cả Mathias. Những Phêrô, Phaolô, Anrê, đã chia tay trần thế, đã lìa đời khi thế kỷ thứ nhất chưa kết thúc, nhưng những Mathias thì sẽ sống mãi cho đến ngày Chúa trở lại.
Hai ngàn năm qua, những Mathias đã tủa đi khắp thế giới, trầm mình trong lòng của xã hội, từ công sở đến trường học, từ chợ búa đến nhà tù. Những Mathias khiêm nhường, không tăm tiếng, lẫn lộn trong mọi lớp người như men ở trong bột, để từ đó, lớp bột người vươn dậy nhờ chất men của Đức Kitô…
Và mỗi ngày, Mathias đã phải mục nát đi để cho ngọn lúa Đức Kitô đơm hoa kết hạt. Trong đời sống Kitô hữu, biết bao lần chúng ta thấy mình như một chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ bước đi mà không làm được gì cả. Chúng ta lữ hành trong đêm đen, từ ngày này đến ngày khác, gần Chúa mà vẫn không cảm thấy sự dịu ngọt của Người. Và phần nào như Mathias, chúng ta có cảm giác như Thiên Chúa không hề để ý đến chúng ta. Chúng ta ước ao được lựa chọn, được sai đi một cách cụ thể rõ ràng. Chúng ta còn mong muốn Chúa làm một phép lạ nào đó, bởi vì chúng ta khó chấp nhận cái phép lạ duy nhất là: “Tin tưởng khi không còn dấu hiệu nào để tin tưởng. Hy vọng khi không còn gì để hy vọng. Yêu thương khi chính mình chưa cảm thấy được yêu thương…”
Mathias đã là một phép lạ như thế. Và qua Mathias, chúng ta có một bằng chứng rằng mọi người đều được kêu gọi để trở nên đồng hàng với nhau trước mặt Thiên Chúa. Vì Người không xét đoán theo tài năng và công trạng đóng góp của chúng ta, nhưng chỉ xét theo Tình Yêu của Người. Điều duy nhất Người đòi hỏi chúng ta là bước vào vườn nho của Người. Qua Mathias, chúng ta được an ủi, nhưng cùng một lúc, chúng ta cũng nhận được một sứ điệp. Mathias không nhận lãnh nhiệm vụ trực tiếp từ Chúa Yêsu nhưng qua sự đề cử của cộng đoàn. Mathias là chứng tích cho sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội Thánh của Người. Mathias đã thay thế Yuđa, trong trường hợp mà chúng ta nghĩ rằng không thể nào có ai thay thế được, bởi lẽ Đức Kitô đã ra đi. Những người có ác ý chờ đợi những ảnh hưởng của Yêsu sẽ mờ đi, người sẽ đi vào quên lãng như những kẻ đã dấy động trước Người.
“Thêuđa đã dấy lên, xưng mình là một nhân vật nào đó và kết nạp được khoảng 400 người. Ông ta đã bị giết và mọi kẻ theo ông cũng tan rã không còn gì hết. Sau đó lại có Yuđa người Galilê nổi lên, nhưng ông này cũng chết và phe cánh bị tan tác…” ( Cv 5,36-37 ). Thế nhưng, Yêsu Nazareth bị tử hình thập giá thì nhóm 12 vẫn có đủ. Có một người thay thế Yuđa Iscariốt, đó là Mathias… Và câu chuyện về Mathias vẫn còn tiếp diễn đến nay, thế kỷ XX…
Trong tác phẩm: “Vinh danh và quyền lực” (The Power and the Glory), Graham Greene thuật lại về một ngôi làng bị bách đạo: “Mọi linh mục đều từ từ bị hành quyết, Chỉ còn lại duy nhất một người. Vị linh mục này đã nhiều lần định tìm cách bỏ xứ trốn đi, Nhưng lần nào cũng vậy, ông lại phải quyết định ở lại vì có một ai đó cần đến ông… Ông đã ở lại cho đến ngày bị phát giác và xử tử. Thế là xong, trên vùng đất này từ nay sẽ không còn ai làm chứng cho Đức Kitô… Thế nhưng, ngay vào đêm hôm vị linh mục cuối cùng bị xử tử, có một người thanh niên tìm đến gõ cửa một ngôi nhà trong làng. Anh ta nói: “Xin cho tôi trú ngụ, tôi là linh mục…”
Cuốn sách kết thúc ở đó, nhưng suy tư của độc giả vẫn tiếp tục… Một Mathias khác đã xuất hiện…
Trần Duy Nhiên