LỄ THĂNG THIÊN

Sau khi sống lại 40 ngày, và sau những lần gặp gỡ với các môn đệ, Đức Giê-su đã thực hiện lời Người đã nói trước, người đã từ biệt các ông và lên Trời.

Nhưng tại sao Đức Giê-su dạy các môn đệ làm phép Rửa đã, sau đó mới giảng dạy cho họ? Tại sao không nói Chúa về Thiên đàng mà lại lên Trời, dễ làm người ta hiểu lầm ở một điểm nào trên không gian? Tại sao cho đến lúc này vẫn có những môn đệ còn hoài nghi?  Theo Ma-thêu thì Đức Giê-su lên Trời tại Ga-li-lê-a, vậy tại sao thánh Luca (Lc 24,50-53) lại nói Chúa lên Trời ở Bê-ta-ni-a?

  1. zzGa-li-lê-a

Mat-thêu không có ý nhấn mạnh tới địa danh nơi Chúa lên Trời, nhưng tác giả muốn nhấn những sự kiện có liên quan tới công trình cứu thế của Đức Giê-su tại Ga-li-lê-a:

Ga-li-lê-a là một địa danh rộng lớn thuộc phía bắc It-ra-en, nơi có đủ các thứ dân sinh sống. Đây là khu vực mà người It-ra-en ở Giê-ru-sa-lem coi khinh, cho là vùng đất của dân ngoại.  Nơi đây được coi như trung tâm của các giao tiếp, sắc tộc, ngôn ngữ, thương mại, hoà trộn tín ngưỡng và vô tín ngưỡng.

Ga-li-lê-a được coi là điểm hẹn lí tưởng giữa Thiên Chúa và con người: Trên núi Si-nai, nơi Môi-sen đã ở trên đó 40 ngày đêm và được Thiên Chúa mạc khải cho 10 điều răn.  Ngôn sứ I-sa-i-a và sau này là thánh Mat-thêu nhắc tới địa danh Ga-li-lê-a như một điểm sáng: “Hỡi Ga-li-lê-a miền đất của dân ngoại, những dân đang ngồi trong bóng tối tử thần được nhìn thấy ánh sáng” (Is.9,1).

Ga-li-lê-a gắn liền với sứ vụ của Đức Giêsu: Na-da-ret nằm trong vùng đất Ga-li-lê-a, nơi gia đình Đức Giê-su sinh sống, lớn lên và làm việc.  Trên núi Ô-liu, nằm phía đông Giê-ru-sa-lem, là nơi Đức Giê-su thường xuyên đến để cầu nguyện.  Tại đây còn có vườn Giêt-si-ma-ni, có làng Bê-ta-ni-a, nơi Người đã cho La-da-rô chết bốn ngày sống lại, có ngọn núi Bet-pha-giê nơi khởi điểm cuộc rước Đức Giê-su long trọng vào thành Giê-ru-sa-lem và tiên báo thành này bị tàn phá không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào.

Galilêa còn là dấu chỉ hẹn cuối cùng của Đức Giê-su với các môn đệ: Cũng có mây mù che phủ, như đã từng che phủ Môi-sen trên núi Si-nai, cũng như Đức Giê-su với ba môn đệ yêu dấu ở Ta-bo-rê; cũng con số 40 kì diệu: 40 ngày trên núi Si-nai của Môi-sen hay 40 ngày chay tịnh của Chúa; 40 ngày sau khi Đức Giê-su sống lại, Người đã gặp gỡ lần cuối với các môn đệ như đã chỉ định trước: “Các bà hãy mau về nói với các môn đệ rằng người đi Ga-li-lê-a trước các ông” (Mt.28,7).

Như vậy Ga-li-lê-a là nơi Chúa Giê-su đã sống gương mẫu, rao giảng chân lí, thành lập Giáo Hội và tuyển môn đệ.  Đức Giê-su đã làm xong nhiệm vụ và đi trước để dọn chỗ cho những ai tiếp tục sứ mệnh Người giao phó.

  1. Cõi Trời

Chúa Giê-su về Trời, là về nơi Người phát xuất: Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ của Người ở trần gian, Người cần được hưởng vinh quang với Ba Ngôi Thiên Chúa.  Mười một Tông đồ đã đến điểm hẹn, có một số còn hoài nghi.  Thực ra tất cả các môn đệ đều khởi đầu từ chỗ hoài nghi rồi đến tin tưởng, và dám đổ máu mình ra để chứng tỏ niềm tin đó.  Các ngài vẫn còn những hạn chế của con người, như Phê-rô, Tô-ma, hay hai môn đệ Em-mau; các ngài còn phải được học hỏi các màu nhiệm mặc khải, các ngài phải được thử thách đủ, trước khi làm nhiệm vụ.  Các Tông đồ còn được chứng kiến Thầy mình về Trời để các ông hi vọng.  Chỉ có sự thật mới thuyết phục được các ngài theo Chúa; tất cả nói lên rằng, Đức tin là một hành động hoàn toàn tự do dành cho con người.

Chúa lên Trời là đi từ chỗ hữu hình vào nơi vô hình: Nói Chúa lên Trời, là nói theo kiểu thế gian. Người ta thường quan niệm trời là tất cả không gian ngoài trái đất, trời là nơi Đấng Tạo Hoá ngự trị và điều khiển muôn loài.  Tuy nhiên, Trời đây không phải là một điểm nào, không phụ thuộc chiều cao của không gian vật lý, không phụ thuộc vào quy luật của vũ trụ, thời gian, có thể cân đong đo đếm. Chúa lên Trời không phải là lánh xa trái đất, đến ngự trị trong một vì tinh tú hào quang, Chúa lên Trời là thay đổi từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái siêu nhiên.  Trời hay Thiên đàng là một, Người hiện diện khắp mọi nơi.

Đức Giê-su về Trời để nhận nhiệm vụ mới: Người duy trì sự hiện diện của Người nơi nhân loại: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).  Đức Giê-su được trao toàn quyền trên trời, dưới đất, vũ trụ hữu hình và vô hình.  Người đánh bại cái chết, Người làm Vua vũ trụ, Đấng sáng tạo và bảo tồn vũ trụ, không có gì nằm ngoài quyền của Người.

  1. Thế gian

Đức Giê-su đã về Trời và trao lại nhiệm vụ cho Giáo Hội. Người đã lệnh cho mọi người trên trái đất phải thi hành chỉ thị của Người:

Vậy anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ Thầy.  Môn đệ đây được hiểu là các Kitô hữu. Đức Giê-su gọi các môn đệ và muốn họ nhân rộng ra, tăng mạnh lên.  Chúa tạo dựng con người và muốn cho họ hưởng hạnh phúc.  Các Tông đồ được coi là người kế nghiệp Chúa Ki-tô, là những thợ gặt lành nghề.  Họ phải biết đưa mọi người vào Nước Chúa.  Chúa từ chối Sa-tan với tất cả vinh hoa của nó, Người muốn các Tông đồ tiếp tục chinh phục toàn thể vũ trụ để đưa mọi người vào Nước Trời hạnh phúc mà Người đi trước dọn chỗ, để mọi người có thể tận hưởng muôn đời.

Hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và  Thánh Thần.  Đức Giê-su muốn thâu nạp nhiều môn đệ qua phép Thanh Tẩy.  Người đã thánh hoá nước, để nước có sức thánh hoá nhờ Thánh Linh. Người muốn họ nối kết với nhau trong một tập thể, mà Ba ngôi Thiên Chúa là mối dây, là tình yêu liên đới, là sức sống sung mãn dồi dào trong toàn thể, cũng như từng cá nhân.  Không thể nhân danh cá nhân nào, không nhân danh thụ tạo nào, thần thánh nào, mà là nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, để họ được gia nhập vào gia đình thánh thiện của Chúa.

Hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.  Việc Đức Giê-su đặt nhiệm vụ này cuối cùng, không phải là Người dạy họ phải làm theo thứ tự như vậy, đó chỉ là câu nói nhằm mục đích kêu gọi môn đồ.  Người muốn họ phải hiểu biết đầy đủ, để chia sẻ Lời dạy của Chúa, phải biết được giá trị của việc làm, để thực thi nhiệm vụ của một môn đệ.

Nhiệm vụ Chúa giao phó cho các Tông đồ cũng là nhiệm vụ của chúng ta.  Chúa không muốn riêng ai quản lí màu nhiệm Mạc khải, Chúa ra lệnh mỗi người phải mạnh dạn ra đi rao giảng và làm chứng về Người, hầu được hưởng phúc Nước Trời với Thiên Chúa Ba Ngôi.

 Jos Trần Xuân Chiêu

****************************************

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con tin bằng trái tim, tuyên xưng bằng miệng và bày tỏ bằng việc làm, rằng Chúa ngự trong chúng con ngõ hầu nhân loại thấy rõ những việc lành chúng con làm mà tôn vinh chúc tụng Cha chúng con trên trời.  Vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng muôn đời vinh hiển.  Amen!

Origênê

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *