Biến cố Chúa hiển dung trên núi Tabor được cả ba thánh sử Tin Mừng nhất lãm thuật lại. Sau khi Đức Giêsu loan báo về cái chết và sự thống khổ mà Ngài sẽ phải trải qua, một bầu khí u ám bao trùm trên các học trò. Vì vậy sáu ngày sau, Đức Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín lên núi cao và biến hình trước mặt các ông, để các ông được tận mắt mục kích vinh quang sáng chói nơi Ngài. Sứ điệp mà Đức Giêsu muốn ngỏ trao cho các môn đệ, là hãy can đảm đối diện mầu nhiệm Thánh giá, vì con đường Thập giá sẽ dẫn đến vinh quang. Tương tự như thế, thánh Phaolô cũng đã khẳng định: “Những ai cùng chết với Người, sẽ được cùng Người sống lại trong vinh quang” (2Tm 2, 11).
Vinh quang bị che dấu
Cha Phanxicô Amberat đã so sánh: “ Giống như một đám mây bị xé ra cho thấy ánh mặt trời rực rỡ, việc Chúa biến hình cũng xé toang đám mây trong kiếp người hèn hạ của Đức Giêsu để ba môn đệ được chiêm ngắm vinh quang bị che dấu nơi Ngài.”
Có nhiều ảo thuật gia tài ba như Coperfield đã khéo léo sử dụng kỹ xảo để đánh lừa thị giác con người, ví dụ biểu diễn màn ảo thuật chặt đôi thân xác, hay đi xuyên qua tường hoặc làm biến mất ngọn tháp Eiffel.. Thế nhưng, đó chỉ là xảo thuật nhờ những kỹ thuật hiện đại. Trong các câu chuyện cổ tích, người ta vẫn hay tạo ra những nhân vật có phép thần thông biến hóa như Tôn Ngộ Không chẳng hạn. Song, cuộc biến hình của Đức Giêsu không phải là một màn ảo thuật. Đây cũng không phải là một câu chuyện hoang đường mang tính giả tưởng. Đức Giêsu là một “Thiên Chúa – Người”, một vị Thiên Chúa đầy quyền năng nhưng lại ẩn dấu thiên tính cao sang trong dáng dấp của một người phàm thấp kém. Ngài tự bản tính là Thiên Chúa hằng sống, Đấng không bao giờ phải chết, nhưng lại mang thân phận con người vốn hay chết. Đó là một nghịch lý vĩ đại, không phải thách đố đầu óc suy lý con người, nhưng đây chính là lời mời gọi đức tin để chúng ta mạnh dạn tiếp bước dấu chân của Đức Giêsu trên con đường tiến về núi sọ. Mùa chay là thời gian tôi luyện giúp chúng ta tiến sâu vào cuộc hành trình này.
Tính phản diện trong phận người
Biến cố biến hình mà phụng vụ hôm nay gợi nhắc nêu bật tính phản diện ấy. Trên núi cao, ba môn đệ sung sướng mở to đôi mắt để ngắm nhìn vinh quang chói sáng nơi Đức Giêsu. Nhưng khi đối diện trước viễn ảnh Thập giá nơi vườn cây dầu, cả ba vị lại yếu đuối khép chặt đôi mắt trong giấc ngủ sâu, không thể cùng thức với Thầy mình dù chỉ một tiếng. Một Phêrô đã cao hứng xin dựng ba lều, lại là một anh học trò nhát đảm đã ba lần chối Chúa. Trong biến cố đầu tiên, cả ba vị vui mừng phấn khởi, nhưng trong biến cố sau, cả ba đệ tử nghĩa thiết đều đã nhát đảm thoái lui. Tính phản diện này cũng được thánh Phaolô lột tả khi Ngài viết: “Có những điều tôi muốn làm nhưng tôi đã không làm, ngược lại có những điều tôi không muốn làm, nhưng tôi lại cứ làm.”
Trong cuộc hành trình nội tâm mà Giáo hội gợi nhắc chúng ta suốt mùa chay này, chúng ta phải nhận ra tính phản diện ấy nơi mỗi người để can đảm đi vào cuộc chiến đấu thiêng liêng. Con người chúng ta ai cũng có những yếu đuối và sa ngã, nhưng không sao, Chúa Giêsu luôn ở với ta và Ngài sẽ nói với chúng ta như đã từng ngỏ lời với Phaolô: “Ơn Thầy thì luôn đủ cho anh” (2 Cor 12, 9).
Biến đổi nội tâm
Một câu chuyện ngụ ngôn Ấn Độ kể lại rằng, có một gia đình khỉ sống trong một khu rừng rậm. Trời buốt giá, lũ khỉ run rẩy vì lạnh. Chúng gom một ít củi khô để đốt hầu sưởi cho bớt rét. Một con đom đóm bay sà tới. Con khỉ đầu đàn tóm lấy và đặt vào giữa đám củi khô, vì đám khỉ tưởng đó là ánh lửa. Cả gia đình khỉ đều túm lại và phùng mang trợn má thổi mạnh. Nhưng con đom đóm mãi mãi vẫn chỉ là đom đóm, chứ không phải là ngọn lửa. Một con chim bay ngang qua nói với lũ khỉ: “Này các bác ơi, đó chỉ là con đom đóm chứ có phải là ngọn lửa đâu.” Bầy khỉ không nghe, bắt lấy con chim và đập chết. Sáng hôm sau, người ta thấy cả gia đình nhà khỉ nằm chết cóng bên đống củi khô cùng với xác của một con đom đóm.
Trong cuộc sống đời thường của chúng ta, có rất nhiều con đom đóm xuất hiện mà chúng ta cứ ngỡ tưởng là ngọn lửa thật. Đó là những con đom đóm của tiền bạc, của danh vọng, của những lạc thú trần gian. Nếu cứ bám mãi vào những con đom đóm đó, chúng ta sẽ chết một cách nghiệt ngã giống như đám khỉ trong câu chuyện nêu trên. Muốn thoát ra khỏi ánh sáng lập lòe của những con đom đóm giả hiệu này, chúng ta phải lột xác, phải biến hình với Chúa Giêsu, tức là phải đi vào cuộc biến đổi nội tâm một cách triệt để.
Kết luận
Một nhà tu đức nọ đã viết trong nhật ký của mình những dòng tâm tình sau đây. “Lúc còn nhỏ với bao tham vọng, tôi vẫn cầu xin Chúa giúp tôi biến đổi cả thế giới này. Lớn lên khi thấy chưa làm được gì, tôi chỉ cầu xin Chúa giúp tôi biến đổi những con người mà tôi vẫn thường gặp. Bây giờ khi cuộc đời đã xế chiều, tôi thấy mình rất mong manh chẳng làm được gì nên chuyện, tôi chỉ cầu xin Chúa hãy giúp tôi biến đổi chính con người của tôi.”
Michael Angelo, một điêu khắc gia tài ba, đã thổ lộ: “Đứng trước một phiến đá thô, để có được một bức tượng hoàn hảo, chúng ta cần phải biết đục đẽo và loại bỏ đi những gì thừa thãi, chứ không cần đắp thêm vôi vữa.” Cũng vậy muốn biến con người chúng ta trở nên một bức tượng sống, họa lại hình ảnh Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần phải biết đục bỏ những gì dư thừa trong cuộc sống. Đó là phương cách để chúng ta đi vào sự biến đổi cách sâu xa.
Chúa biến hình trên núi cao, cũng mời gọi chúng ta ở dưới đất thấp, hãy can đảm lột xác, biến đổi nội tâm cách triệt để. Sự biến đổi ấy là điều kiện cần thiết để chúng ta tiếp nối dấu chân của Đức Giêsu, và cùng bước đi với Ngài trên con đường Thập giá.
LM GB Văn Hào, SDB