Lợi ích gì nếu được cả thế gian mà phải đau khổ vì mất linh hồn mình?
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta như thế, và tôi ngờ rằng chúng ta thường không nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của lời này. Chúng ta thường hiểu những lời của Chúa Giêsu như thế này: Có gì tốt khi ai đó được giàu có, danh tiếng, khoái lạc, và vinh quang rồi chết đi và xuống hỏa ngục? Có gì tốt nơi vinh quang và khoái lạc trần gian, nếu chúng ta lỡ mất sự sống đời đời?
Đúng, lời dạy của Chúa Giêsu chắc chắn có ý như thế, nhưng có những bài học quan trọng khác nữa trong lời dạy này, chỉ cho chúng ta biết về sức khỏe và hạnh phúc ngay ở đời này. Chúng ta đánh mất linh hồn mình như thế nào? “Đánh mất linh hồn” ngay trong thế gian này nghĩa là gì? Linh hồn là gì, và làm sao có thể mất linh hồn?
Do bởi linh hồn là vô hình và thiêng liêng, nên không thể họa ra được. Chúng ta phải dùng các khái niệm mơ hồ để cố hiểu được linh hồn. Các triết gia, từ thời Aristotle, đã có khuynh hướng định nghĩa linh hồn như một nguyên tắc đôi trong mọi đời sống. Với họ, linh hồn vừa là nguyên tắc sự sống và năng lượng trong chúng ta, vừa là nguyên tắc của sự kết dính thấm nhập. Về căn bản, linh hồn là hai sự: Là ngọn lửa bên trong, cho chúng ta sự sống và sinh lực, và linh hồn cũng là chất keo kết dính chúng ta lại với nhau. Trong khi điều này có vẻ mơ hồ, nhưng không phải thế, bởi chúng ta đã được cảm nghiệm mắt thấy tai nghe về ý nghĩa của linh hồn.
Nếu có bao giờ bạn ở bên một người hấp hối, bạn biết chính xác lúc nào linh hồn rời bỏ thân xác. Bạn biết khoảnh khắc đó, không phải bởi bạn thấy có sự gì đó thoát ra khỏi thân xác người đó, nhưng đúng hơn là một phút trước, bạn thấy một con người, đầy đấu tranh và đau đớn, có sinh lực và ngọn lửa trong mình, rồi một phút sau, thân xác đó hoàn toàn trơ ra, hoàn toàn không có sinh lực và sự sống. Không còn sinh khí nữa. Thân xác đó trở thành một xác chết. Cũng vậy, dù già nua hay bệnh tật, thì cho đến trước giây phút cái chết, thân xác đó vẫn là một cấu thành hợp nhất. Nhưng ngay giây phút cái chết, thân xác đó không còn là một cơ thể, nhưng chỉ là một loạt sinh hóa bắt đầu phân rã. Một khi linh hồn ra đi, thì mọi sự sống và kết dính cũng ra đi. Thân xác không còn bất kỳ sinh khí nào cũng như không còn gắn kết với nhau nữa.
Và bởi linh hồn là một nguyên tắc đôi, làm cho chúng ta hai sự, thì cũng có hai con đường song song tương ứng của việc mất linh hồn. Chúng ta có thể khiến cho sức sống của chúng ta chết đi, hay chúng ta có thể trở nên xa cách tách rời, trong cả hai trường hợp, chúng ta đều đánh mất linh hồn mình.
Nếu thật như thế, thì điều này gợi lên một chất vấn khác về cách chúng ta làm sao để chăm lo cho linh hồn mình. Thức ăn bổ dưỡng cho linh hồn là gì? Ví dụ như, tôi đang xem truyền hình, điều gì tốt cho linh hồn tôi? Một kênh tôn giáo? Kênh thể thao? Một bộ phim hài vô nghĩa? Kênh về thiên nhiên? Một talk-show đả phá tôn giáo nào đó? Điều gì là lành mạnh cho linh hồn tôi?
Đây là một câu hỏi chính đáng, nhưng cũng là một câu hỏi gài bẫy. Chúng ta mất linh hồn theo một cách đối lập hẳn, và do đó việc chăm lo cho linh hồn như một thuật giả kim tinh xảo, phải biết lúc nào thêm lửa lúc nào cho nguội bớt. Xác định những gì là lành mạnh cho linh hồn tôi, dựa nhiều vào những gì tôi đang phải đấu tranh ngay lúc đó. Tôi có đang đánh mất linh hồn, vì tôi đang mất đi sức sống, năng lượng, hi vọng, và lòng nhân từ trong đời? Tôi có đang ngày càng cay đắng, khắc nghiệt, cằn cỗi, trở nên một con người đau đớn hay không? Hay ngược lại, tôi có đầy sinh lực nhưng lại quá đầy, đến nỗi tôi đang rời xa, phung phí, đánh mất ý thức về bản thân mình hay không? Tôi có đang bị tê liệt hay tan rã dần hay không? Cả hai đều là mất linh hồn. Trong dạng thứ nhất, linh hồn cần thêm lửa, một sự gì đó thổi bùng sinh khí trở lại. Trong dạng sau, linh hồn đã có quá nhiều lửa, cần phải dịu bớt và thêm chất kết dính.
Sự căng thẳng này giữa nguyên tắc của sinh lực và nguyên tắc kết dính, bên trong linh hồn con người, cũng là một trong những căng thẳng điển hình giữa tự do và bảo thủ. Nói một cách tối giản, nhưng dễ hiểu, sự thật là những người theo chủ nghĩa tự do có khuynh hướng bảo vệ và thúc đẩy cho nguyên tắc sinh lực, còn người theo chủ nghĩa bảo thủ lại có khuynh hướng bảo vệ và thúc đẩy cho nguyên tắc chung hiệp, chất keo kết dính. Cả hai đều đúng, cả hai đều cần thiết, và cả hai đều cần phải tôn trọng bản chất của người kia, bởi linh hồn là một nguyên tắc đôi, và cả hai nguyên tắc đều cần được bảo vệ.
Sau khi chết, chúng ta có thể vào thiên đàng hay hỏa ngục. Đây cũng là một cách nói về việc đánh mất hay cứu được linh hồn mình. Nhưng thần học Kitô giáo dạy chúng ta rằng, thiên đàng và hỏa ngục đã có ngay lúc này. Ngay ở đây, trong đời này, chúng ta có thể làm suy yếu hay hủy hoại sự sống Thiên Chúa ban trong chúng ta, bằng cách làm tê liệt hay tan rã sự sống đó. Chúng ta có thể đánh mất linh hồn mình bằng việc không có đủ lửa mến hay không đủ kết dính chung hiệp.
Rev. Ron Rolheiser, OMI