“Một suy nghĩ hướng đến tha nhân. Cách thức mà chúng ta thinh lặng, lắng nghe, tha thứ, nói năng và hành động. Đấy là những giọt dầu chân chính giúp cho ngọn đèn chúng ta cháy mãi suốt cuộc đời mình.” Mẹ Têrêxa.
Ngày 5 tháng 9 năm 1997, một vĩ nhân đã ra đi….. Vâng, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đúng là vĩ nhân của thế kỷ XX nếu ta nhớ lại rằng Mẹ đã nhận được Giải Nobel Hoà Bình năm 1979, và ngày qua đời Mẹ được một vinh dự mà chưa một vĩ nhân nào có được: Ba nước trên thế giới chịu quốc tang, đó là Ấn Độ, Anbani và Hoa Kỳ.
Mẹ có dịp qua Việt nam hai lần, năm 1994 và năm 1995, và hai lần đó, tôi được may mắn tiếp kiến mỗi lần gần một giờ. Lạ lùng thay, hình ảnh Mẹ để lại trong tôi không có gì là của một vĩ nhân cả, mà của một người khiêm nhường đến độ quên đi bản thân mình. Tôi không còn nhớ Mẹ đã nói gì với tôi, nhưng Mẹ để lại hai hình ảnh vẫn còn theo tôi cho đến ngày hôm nay.
Điểm đầu tiên gây ấn tượng là cảm thức về Thiên Chúa nơi Mẹ. Khi đến Việt nam, Mẹ tạm trú trên lầu 3, tại 38 Tú Xương. Người ta dành một phòng cho Mẹ và một phòng cho ba nữ tu theo Mẹ (trong số đó có vị Bề Trên tổng quyền hiện nay là Sr Nirmala Joshi). Thế nhưng Mẹ đã biến phòng của mình thành nhà nguyện với sự hiện diện của Mình Thánh Chúa, rồi cùng chia sẻ với ba chị em phòng còn lại. Mẹ đã hẹn anh chị Soi và tôi đến gặp Mẹ lúc 11 giờ trưa.
Đúng hẹn, chúng tôi lên lầu 3. Vì không có chỗ tiếp khách, Sr. Nirmala mời chúng tôi ngồi ở hành lang và Mẹ ra tiếp chúng tôi tại đấy. Sau nụ cười chào đáp, Mẹ chỉ ngay vào nhà nguyện và bảo: “Chúa kìa”, với một thái độ tự nhiên giống như một bà mẹ bảo con mình chào ông ngoại khi đi đâu về. Mẹ vào quì trước Thánh Thể với chúng tôi một vài phút trước khi bắt đầu câu chuyện. Và cuối buổi nói chuyện, Mẹ cũng chỉ vào nhà nguyện bảo chúng tôi chào Chúa trước khi ra về. Thái độ mẹ đơn sơ như thể Chúa luôn có mặt bằng xương bằng thịt ở bên Mẹ. Cái cảm thức về Chúa nơi Mẹ rõ rệt đến độ tôi có cảm giác rằng nó hùng biện hơn bất cứ bài giảng nào của bất cứ ai nói về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.
Điểm thứ hai gây ấn tượng là cách nói chuyện của Mẹ. Mẹ không nói chuyện với ba người, mà nói với từng người một. Mẹ cúi mình xuống và nhìn lên với cái nhìn thật trân trọng, cứ như là Mẹ muốn tiếp thu một bài học nào đó từ người đối thoại mà quên mất mình là ai. Nói chuyện với Mẹ mà trong đầu tôi cứ lờn vờn hình ảnh của Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho môn đệ mình. Qua thái độ lắng nghe và ánh mắt, Mẹ đã cho người đối thoại thấy rằng mình vô cùng giá trị… Có những cái nhìn đè bẹp người người đối thoại và làm cho họ trở nên nhỏ bé và đầy mặc cảm; có những cái nhìn làm cho người đối diện lớn lên và tự hào về giá trị của mình: Mẹ Têrêxa là người có cái nhìn thứ hai đó.
Mẹ Têrêxa thành Calcutta! Một danh xưng đem tự hào về cho Giáo Hội, cho các quốc gia của Mẹ, cho toàn thể nhân loại. Thế nhưng qua hai lần gặp gỡ, tôi không bị choáng ngộp vì một vĩ nhân, mà chỉ đọc được nơi Mẹ một Kitô hữu điển hình: một người “đã hóa mình ra không” trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh chị em nhân loại, dù cho người ấy có thấp hèn đến đâu.
Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được nâng lên hàng chân phước. Mẹ là người được phong chân phước nhanh nhất trong lịch sử giáo hội, vỏn vẹn 6 năm sau ngày qua đời. Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ chính thức hóa một điều mà mọi người gặp Mẹ đã công nhận từ lâu: Mẹ quả là hình ảnh sống động của Chúa Kitô trên thế gian này.
Giờ này Mẹ đã về bên Chúa, tôi bỗng nghĩ đến 4690 nữ tu Thừa Sai Bác Ái đang tiếp tục sống đời sống ,”Kitô hữu mẫu mực” của Mẹ tại 710 nhà trong 132 nước trên thế giới. Bất giác tôi nhớ lại lời Mẹ dặn: “Con hãy cảm tạ Chúa cùng với Mẹ, vì Việt Nam là nước thứ 100 mà các Thừa Sai Bác Ái hoạt động và nhà tại Việt Nam là nhà thứ 500 của họ”. Tôi không biết sau 2 năm hiện diện tại Việt Nam, các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa có được gia hạn giấy phép hoạt động hay không. Nếu không được thì kể cũng xót xa cho Giáo Hội tại Việt Nam đấy. Nhưng dù các con của Mẹ có hoạt động công khai hay âm thầm, thì Mẹ vẫn còn sống mãi trong họ để tiếp tục khẳng định cho mọi người mà họ gặp gỡ: Chúa đang sống cạnh bạn và Ngài tôn trọng bạn với trọn vẹn trái tim yêu thương của Ngài.
Để kết thúc những cảm nhận này, tôi ghi lại đây một chuyện nhỏ. Khi trao đổi danh thiếp với nhau, Mẹ cho biết rằng mình không bao giờ có danh thiếp.
Sr. Nirmala trình cho Mẹ ‘danh thiếp’ sau đây với những lời vàng ngọc của Mẹ. Mẹ cầm bút viết lời chúc phúc, rồi trao cho tôi như một kỷ vật:
(1) Ghi chú: Trên “danh thiếp” có hàng chữ viết tay God Bless you (Xin Chúa chúc lành cho con) và chữ ký của Mẹ. Tác giả cũng đã dịch những hàng chữ trên ra tiếng Việt như sau:
The fruit of SILENCE is Prayer
The fruit of PRAYER is Faith
The fruit of FAITH is Love
The fruit of LOVE is Service
The fruit of SERVICE is Peace.
( Hoa quả của THINH LẶNG là Cầu Nguyện
Hoa quả của CẦU NGUYỆN là Ðức Tin
Hoa quả của ÐỨC TIN là Tình Yêu
Hoa quả của TÌNH YÊU là Phục Vụ
Hoa quả của PHỤC VỤ là Bình An )
(Kỷ niệm 6 năm ngày Mẹ Têrêxa Calcutta về thiên quốc)
Trần Duy Nhiên