Nhìn lên trần nhà đầy mạng nhện đeo bám, càng tối càng không thấy, nhưng khi nhìn gần, nhìn có ánh sáng soi chiếu sẽ thấy rõ cả những nhện con, những mạng lưới chằng chịt. Tâm hồn con người cũng như thế, sống trong bóng tối thì không thấy mình tội lỗi, trái lại khi sống trong ánh sáng lại biết mình là tội nhân.
Môisen, có một lần lùa đàn cừu tận núi Khoreb, bỗng nhiên ông nhìn thấy một quang cảnh hùng vĩ: bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi. Trước Thiên Chúa thánh thiện, Môisen thấy mình nhỏ bé, tội lỗi (Xh. 3, 1-5).
Phêrô, trước mẻ cá lạ lùng cũng thấy mình yếu hèn, bất xứng, liền nói với Chúa Giêsu: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là người tội lỗi (Lc 5, 8).
Trước Thiên Chúa là Đấng Thánh, Chí Thánh, Ngàn Trùng Chí Thánh, con người chỉ là tội nhân cần đến lòng thương xót của Người. Vì thế mỗi người luôn cần đến sám hối và hoán cải.
Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể câu chuyện: Nhân sự kiện hai vụ án Philatô giết người vô tội và tháp Silôa đổ xuống đè chết 18 người, Chúa Giêsu cảnh tỉnh: nếu các ngươi không sám hối thì cũng bị chết như vậy (Lc 13:3-5).
Người đời thường nghĩ rằng: những kẻ bị tật nguyền, những ai bị tai hoạ là bởi tội của họ hoặc do tiên nhân để lại. Họ đã đau khổ lại càng đau khổ hơn bởi quan niệm sai lầm này. Trong thực tế mọi người phải chấp nhận giới hạn của mình và hậu quả do mình gây nên hay vì sự liên đới nào đó do người khác mang lại. Chẳng hạn, hai tai nạn Chúa Giêsu đưa ra trong trong đoạn Tin mừng đều có nguyên nhân của nó. Philatô cần có tiền để xây dựng hệ thống dẫn nước đem lại lợi ích cho toàn dân. Vì thiếu tiền nên đã vào đền thờ quyên góp. Nhóm cực hữu cho hành động này là xúc phạm sự thánh nên trang bị khí giới để chống đối và bảo vệ đền thờ. Thấy thế Philatô ra lệnh giết chết họ trong đền thờ. Hành động của họ dù với mục đích tốt nhưng lại thiếu khôn ngoan nên họ đã bị thiệt mạng. Vụ án mạng tháp Silôa sập đè chết 18 người vì lý do thiếu kỷ thuật trong việc xây cất. Vụ này cũng như vụ việc cầu Văn Thánh rạn nứt hay các công trình xây cất hiện nay bị xuống cấp mau chóng là do bớt xén vật liệu, làm dối làm ẩu.
Những tai họa đều có nguyên nhân của nó, hoặc là do mình, hoặc là do người khác. Những người Do thái nghĩ là do có tội nên Chúa phạt họ, còn mình vô tội thì được bình yên. Điều này đưa đến sự an toàn giả tạo. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều là tội nhân nên cần phải sám hối ăn năn. Lúc sống yên lành là lúc cần hoán cải. Cây vả trong dụ ngôn cũng ở trong tình trạng an toàn. Cây vả không cho trái độc, không làm hại cây khác, không phá cảnh quang. Nó chỉ có tội làm hại đất, sử dụng đất màu mỡ mà không cho trái. Nhiều người cũng cảm thấy an toàn như cây vả. Tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai. Thế nhưng họ lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt, những điều tốt có thể làm được và phải làm. Nhiều người thường tự hỏi: tại sao người tốt cần phải hối cải? Tôi là người thường đọc kinh dự lễ rước lễ, không làm điều xấu hại ai, tại sao tôi phải ăn năn sám hối? Sống đạo không phải chỉ lo tránh tội mà còn là gieo trồng cái tốt, cái thiện.
Có câu chuyện kể của ông chủ tiệm đồ cổ. Vào một đêm đông, trời đã khuya, bão tuyết rơi lạnh lẽo, gió thổi mạnh rít từng cơn. Bỗng dưng có tiếng gõ cửa. Ông chủ cảm thấy khó chịu vì bị quấy rầy giữa đên khuya. Khi cánh cửa vừa mở, một người thanh niên dáng bụi đời đang run rẩy với một bàn tay xoè ra van xin, một bàn tay đỡ cây gậy trên vai treo ít đồ đạc cá nhân. Thấy hoàn cảnh đáng thương, ông chủ đưa tay với lấy ít bánh mì, vài đồng bạc lẻ trao cho hành khách. Nhận được của bố thí, người thanh niên quay gót trở đi không nói lời cám ơn giã từ. Khi đó chợt một ý tưởng đến trong đầu ông chủ nhà là nên mời người đó vào nghỉ đỡ một đêm, nhà vẫn còn phòng khách trống, còn chăn nệm ấm êm. Tuy nhiên ông lại nghĩ nếu để cho người này ở lại thì căn nhà sạch sẽ của mình sẽ bị ẩm ướt, bị dơ bẩn. Thế rồi ông vội vàng đóng kín cửa. Hai ngày sau, có người thợ đem đến một cây gậy làm bằng gỗ quý. Khi đã thương lượng giá cả, người bán gậy cho biết, anh ta là người thợ chuyên đào mộ ở nghĩa trang. Anh vừa chôn một người thanh niên mới chết, người thanh niên này vô gia cư, không tiền bạc, không người thân. Tài sản anh ta chỉ là cây gậy, người thanh niên chết vì bị lạnh cóng, máu đông lại khi ngủ trên tuyết. Nghe đến đây ông chủ tiệm cảm thấy hối hận và xấu hổ. Ông hối hận không phải vì đã làm điều xấu mà vì điều tốt ông có thể làm cho người thanh niên nhưng ông đã không làm khiến cho anh phải chết rét. Ông chủ tiệm kết thúc câu chuyện với nỗi thao thức: điều tôi ao ước là những sự dữ chúng ta làm có lẽ Thiên Chúa sẽ tha thứ. Nhưng những gì tốt chúng ta đã không làm sẽ mãi mãi không được tha thứ.
Đó cũng chính là điều Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn cây vả. Mục đích cây vả là sinh trái. Người chủ vườn thất vọng không phải là cây vả sinh trái xấu, trái độc, trái chua mà là cây vả không sinh trái tốt. Cứ để thêm một năm chăm bón vun xới may ra cây vả sinh hoa trái. Chúa mời gọi thời gian sám hối hoán cải. Lời mời gọi sám hối không chỉ là lời mời gọi xa tránh sự dữ nhưng còn là lời mời gọi làm việc lành, sinh hoa trái tốt. Bởi đó, việc sám hối liên hệ ràng buộc mọi người. Ai cũng phải làm lành lánh dữ. Lánh dữ, không làm điều xấu chưa đủ, từ bỏ tội lỗi chưa đủ nhưng cỏn phải tích cực thực hành những điều tốt lành nữa.
Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn được yên thân, an phận, không muốn làm phiền ai và cũng không muốn ai gây phiền hà cho mình. Vì thế một người ngoan đạo có thể bị rơi vào tình trạng tự mãn, sống ích kỷ mà không hay biết.
Dụ ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt Thiên Chúa. Chúa Cha là người chủ vườn kiên nhẫn: “Ðã ba năm nay…” Ngài đã nuôi bao hy vọng: “Tôi ra tìm trái mà không thấy.” Quyết định chặt cây chỉ đến sau những lần hụt hẫng. Ngài chỉ phạt khi đã làm đủ cách để lay động tim ta. Chúa Giêsu là người làm vườn kiên nhẫn không kém: “Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa.” Ngài không ngừng ấp ủ chút hy vọng mong manh: “Tôi sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái.” Nhưng đừng quên lời đe dọa cuối cùng: “Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi.” Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng cương quyết đòi hỏi: đó là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Ðức Giêsu vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải, vừa chấp nhận cho ta có thời gian trì hoãn.
Mùa chay là mùa ân sủng. Người chủ vườn nhẫn nại và quảng đại cho cây vả thêm một năm nữa để hy vọng nó có thể sinh hoa trái. Mỗi Mùa Chay, Thiên Chúa cho chúng ta thêm cơ hội để đổi mới con người, làm nhiều việc lành bác ái phúc đức. Mỗi người không biết mình sẽ ra đi về với Chúa khi nào. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người kiểm điểm về cây vả đời mình. Thêm một cơ hội, thêm một kỳ hạn nữa. Điều quan trọng là mỗi người đã làm gì với cơ hội và với kỳ hạn đó?
LM Giuse Nguyễn Hữu An