Đôi khi trong cuộc sống có những sự thực không như chúng ta vẫn nghĩ. Bởi vậy, khi bạn đã trao yêu thương và coi mình là một phần quan trọng của người khác thì hãy cứ an tâm rằng bạn chắc chắn sẽ là một phần quan trọng với họ…
Tôi thường nghĩ rằng “cha mẹ kế” là từ dùng để chỉ những người đàn ông và đàn bà lấy nhau khi đã có con cái riêng, lý do đơn giản là chúng ta cần phải gọi họ bằng một cái tên gì đó. Chắc chắn từ “kế” rất quan trọng nhưng người ta thường không nghĩ thế, với họ “cha mẹ” mới có ý nghĩa thực sự. Đó là những gì tôi cảm thấy khi trở thành mẹ kế của bốn đứa con chồng tôi.
Chúng tôi kết hôn đã sáu năm, khi các con anh vẫn còn nhỏ và bây giờ đang ở tuổi vị thành niên. Dù sống chủ yếu với mẹ ruột, chúng vẫn có nhiều thời gian sống cùng chúng tôi. Nhiều năm qua, chúng tôi đã học cách thích nghi với nếp sống mới của gia đình và đối xử tử tế với nhau. Chúng tôi đi nghỉ cùng nhau, dùng những bữa cơm gia đình, cùng làm bài tập, chơi bóng chày và xem phim bên nhau. Tuy nhiên tôi cứ cảm thấy mình giống như kẻ ngoài cuộc, tệ hơn là một kẻ xâm phạm gia đình riêng của người khác. Có một lằn ranh ngăn cách rõ ràng mà tôi không thể nào vượt qua được. Tôi không có riêng cho mình một đứa con nào, những kinh nghiệm làm mẹ của tôi chỉ giới hạn trong bốn đứa con của chồng và tôi thường tội nghiệp mình không bao giờ có được sợi dây liên kết thiêng liêng giữa mẹ và con.
Khi đám trẻ phải dời đến một thành phố khác cách năm giờ xe chạy, chồng tôi rất buồn và nhớ chúng. Nhờ có internet chúng tôi có thể gởi thư cho nhau, kể cả trò chuyện với nhau mỗi khi chúng tôi cùng vào mạng. Mỉa mai thay, những dụng cụ liên lạc hiện đại này cũng là những dụng cụ làm người ta dễ xa nhau hơn. Chúng tôi cần biết bao sự tiếp xúc trực tiếp giữa người và người không qua máy móc. Những khi bức thư trên màn hình chỉ đề “Ba” tôi thấy như bị bỏ quên, không ai nhớ đến mình. Còn khi tên tôi cùng xuất hiện với anh ấy, niềm vui không thể diễn tả được, tôi cảm thấy mình cũng là một thành viên trong gia đình họ. Tuy vậy cũng còn khoảng cách nào đó cần phải vượt qua, ngay cả trên đường dây điện thoại.
Một buổi tối cũng khá khuya, chồng tôi ngủ gà gật trước tivi, còn tôi đang kiểm tra mình có thư hay không, máy tính báo tôi có một tin nhắn. Đó là của Margo, con gái kế lớn nhất của tôi. Con bé cũng thức khuya, cũng đang ngồi trước máy tính ở một nơi cách năm giờ xe chạy. Giống như đã làm nhiều lần trước đây, chúng tôi trò chuyện qua lại, chia sẻ cho nhau những tin tức mới nhất. Khi chúng tôi tán gẫu như thế này, con bé không cần biết tôi hay là ba của nó ngồi phía bên kia bàn phím – nếu như nó không hỏi. Tối nay con bé cũng không hỏi và tôi cũng không cần nêu đích danh mình. Sau khi nghe xong kết quả thi đấu bóng chuyền, chi tiết về buổi khiêu vũ sắp tới ở trường, bài tập lịch sử phải nộp, tôi nói đã khuya rồi và nên đi ngủ. Margo trả lời: “Vâng ạ, lần sau chúng ta sẽ nói tiếp! Thương nhiều”.
Khi đọc dòng chữ này, cảm giác buồn bã xâm chiếm khắp người tôi. Hẳn là con bé nghĩ nãy giờ mình viết cho ba. Con bé và tôi chưa bao giờ dùng những từ thương yêu, đầy tình cảm như thế. Cảm thấy tội lỗi vì đã không làm sáng tỏ, nhưng cũng không muốn làm con bé xấu hổ, tôi gửi lại đơn giản: “Thương con! Chúc con ngủ ngon!”
Tôi lại nghĩ về gia đình họ, về không gian riêng tư mà tôi là một kẻ xâm phạm. Một nỗi đau trống rỗng nhói lên trong tim tôi. Sau đó, ngay khi những ngón tay tôi chạm vào nút bấm, ngay khi màn hình chuẩn bị chuyển sang màu đen, tin nhắn cuối cùng của Margo xuất hiện: “Chúc ba ngủ ngon dùm con.” Nước mắt ràn rụa, tôi với tay tắt máy tính.
Sưu tầm