Nói đến Giuse là nói đến con người của Mùa chay. Điều đó có nghĩa rằng Ngài yêu thích sự thinh lặng nội tâm. Ngài thinh lặng đến nỗi mà trong Kinh thánh, không hề nghe được một câu nói nào thốt ra từ chính môi miệng của ngài. Cho nên lễ thánh cả Giuse được Giáo hội mừng vào Mùa chay thánh cũng là dễ hiểu thôi.
Vì thế, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi nhân đức thinh lặng của thánh Giuse như thế này:
“Một sự thinh lặng cho thấy được một cách đặc biệt con người nội tâm của thánh Giuse. Các sách Tin mừng chỉ nói đến những gì “thánh Giuse làm,” nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được “trong những hành động” luôn luôn thấm nhuần sự thinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa. Hằng ngày thánh Giuse tiếp xúc với “mầu nhiệm được giấu kín từ bao thế hệ,” mầu nhiệm đã “cư ngụ” dưới mái gia đình của thánh Giuse.”
Ai đã từng một lần hành hương đến Nazaret, quê hương của Thánh gia, thì sẽ nhận thấy ngòai đường phố, trong cửa hiệu buôn bán, thậm chí ngay ở quầy tiếp tân của khách sạn, tuyệt nhiên không có lấy một bóng người phụ nữ. Sở dĩ như thế là vì đây là một xã hội của đàn ông, đàn bà không có quyền ăn nói, thậm chí không có quyền xuất hiện. Và trong một nếp sống như thế, lẽ ra Giuse có quyền và có bổn phận phải nói, nhưng ngài đã chọn thinh lặng.
Tin mừng cho chúng ta thấy rằng, cuộc đời của thánh Giuse là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh. Một cuộc đời có nhiều sóng gió, gian nan và thử thách. Thế nhưng người ta vẫn gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm, thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, rồi suy niệm, nhận ra ý Chúa và mau mắn thi hành.
Giuse, người thinh lặng lắng nghe
Có thể nói được rằng, Giuse thinh lặng là để lắng nghe tiếng Chúa. Trước biến cố Maria có thai, Giuse đau khổ lắm. Nhưng trong thinh lặng, Giuse vẫn rất mực yêu thương Maria và tin tưởng rằng Maria trong sạch tinh tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nỗi đau riêng mình với một quyết định: “Đào vi thượng sách.” Giuse không còn chọn lựa nào khác” vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Đừng sợ đón Maria về nhà mình”(Mt 1,20). Nhận ra thánh ý Thiên Chúa “Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24). Như vậy, trong thinh lặng, Giuse đã lắng nghe thánh ý của Chúa và mau mắn thi hành.
Rồi cuộc sống đang bình yên tại Bêlem, thì chính lúc đó, Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc chạy sang Ai Cập sống kiếp lưu đày. Trước mắt là gian truân vất vả, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14).
Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng, thì một lần nữa, Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để lên đường. Thật mau mắn trước Thánh ý Chúa, “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21).
Trước thánh ý của Thiên Chúa, Giuse thinh lặng lắng nghe, vâng phục và chu toàn giống như Đức Maria. Trong thinh lặng, Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm. Ngài hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt. Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững. Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, Ngài nghe và vâng theo, rồi mau mắn thi hành. Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài vẫn luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình.
Thinh lặng đồng hành với Thánh Gia
Sau khi mang Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người trở về từ Ai Cập, Giuse đã cùng sống và đồng hành với Thánh Gia tại Nazaret. Cùng với Đức Maria, Giuse dâng con trẻ Giêsu trong đền thánh. Trong khi đó, cụ già Simeon đã cất lên bài thánh ca chúc tụng, còn Giuse vẫn thinh lặng lắng nghe và suy gẫm những lời tiên tri về con trẻ Giêsu.
Khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cùng với gia đình đi hành hương đền thánh Jerusalem. Nhưng con trẻ Giêsu bị thất lạc. Sau khi tìm thấy con trong đền thờ, Đức Maria đã nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Còn Giuse vẫn thinh lặng không nói một lời nào. Nhưng ngài thinh lặng để lắng nghe Lời của Chúa Giêsu: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).
Trong cuộc sống đời thường tại Nadarét, thánh Giuse âm thầm thinh lặng lao động. Tin mừng không nói gì về cuộc sống của ngài tại Nadarét. Điều duy nhất biết được là ngài làm nghề thợ mộc và ngay cả chi tiết nhỏ này nữa, chúng ta cũng chỉ biết nhờ những người đồng hương gọi Đức Giêsu là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55) mà thôi. Rồi ngài qua đời khi nào và được an táng ở đâu nào có ai hay. T ất cả những điều đó nói lên cuộc đời thinh lặng của thánh Giuse.
Cuối cùng, chiêm ngắm cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta học hỏi nơi Người sự thinh lặng để lắng nghe, thinh lặng để thấu hiểu và thinh lặng để thực thi ý Chúa. Tắt một lời, thánh Giuse là vị thánh của thinh lặng. Thiên Chúa nói với ngài ngay trong thinh lặng và nếu như chúng ta cũng biết sống trong thinh lặng, thì Thiên Chúa cũng sẽ nói với chúng ta, và chúng ta lắng nghe tiếng của Ngài và thực thi thánh ý Ngài.
Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Nguồn: https://www.vanthoconggiao.net/2022/05/thinh-lang-thanh-chuong-v-nguoi-hung-thinh-lang-trong-kinh-thanh-tac-gia-lm-micae-trinh-ngoc-tu.html