“Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ!”
Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với Chúa, là chiếc cầu bắc qua mọi vùng vịnh, đưa bạn vượt mọi thung lũng hiểm nguy! Chúa không cần những con người vĩ đại, Chúa cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài. Vì thế, lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!”
Kính thưa Anh Chị em,
Cao trào của Lời Chúa hôm nay là tính cách trần trụi của ‘một vai phụ’ trong dụ ngôn Tin Mừng, một người thu thuế! Anh đã dâng một “lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình. Với những gì anh bộc lộ, Chúa Giêsu mách cho chúng ta điều Thiên Chúa yêu thích nơi con người là “tình yêu,” mà không cần bất cứ điều gì khác!
Hôsê cho biết, Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người, “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai”; Ngài chỉ muốn tình yêu, “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” – bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại chỉ ngần ấy!
Trái với điều Thiên Chúa chờ đợi, người biệt phái trong Tin Mừng dâng Thiên Chúa một điều gì đó hoàn toàn khác! Lời cầu nguyện của ông bị bóp méo khi ông coi Thiên Chúa như ‘Con Nợ’ và tệ hơn, lấy những ‘kỳ tích’ của mình để so sánh và khinh dể người khác. Thực ra, đó không phải là cầu nguyện mà là ‘diễn văn.’ Tuy không phải là người xấu, nhưng lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù lòa đến độ xúc phạm tình yêu khi ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu để không phạm tội; nhưng ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn với một ‘mức tối thiểu trần!’ Lời cầu ông là ‘vô trùng’ khi ông quên rằng, Thiên Chúa chỉ “muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”
Nhân vật thứ hai của dụ ngôn cũng lên đền thờ cầu nguyện! ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được khỏi tội.” Người này “khỏi tội” không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm nhường nhận ra tội của mình. Lời cầu của ông xuất phát từ một tấm lòng tan nát; ông ý thức sự bất xứng của mình trước một Đấng Toàn Thánh. Và có lẽ, đã nghe thấy những gì người Pharisêu nói và điều đó càng khiến ông càng đau đớn hơn để ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình, và ông chỉ đủ sức đấm ngực nài van, “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” Lạ thay, điều này rất đẹp lòng Chúa và Ngài thích thú!
Đức Phanxicô nói, “Nơi nào có quá nhiều cái “tôi”, nơi đó rất ít Chúa. Ở nước tôi, chúng tôi gọi những người này là “Tôi, chính tôi và tôi,” tên của những người đó. Người ta từng nói về một linh mục tự cho mình là trung tâm và thường bông đùa rằng: “Mỗi khi xông hương, thì ngài xông ngược; ngài xông chính mình!”; và điều đó khiến bạn buồn cười!”
Anh Chị em,
“Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!” Mọi sự trên trần gian đều thuộc về Chúa, Ngài cần gì hy lễ của ai! Ngài cần tình yêu từ tận trái tim mỗi người. Đừng quên, “Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!” Đây là điều làm cho kinh nguyện của chúng ta có kết quả! Chỉ những ai tự nhận mình ‘không có gì’ mới có thể nhận được tất cả; những ai biết mình trống rỗng mới có thể được lấp đầy. Mùa Chay, mùa ‘chìm vào vực bất xứng’ để chỉ biết cầu xin lòng Chúa xót thương!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con ‘xông hương ngược!’ Chúa không cần sự vĩ đại của con, Chúa cần con biết ‘con đáng thương’ ngần nào và dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!” Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế