Một người Do-thái sẽ rất khó nhận ra Đấng Mêsia khi đứng trước hang bò lừa ở Bê-lem đêm hôm ấy. Một đôi vợ chồng trẻ, lúng túng vì không tìm ra chỗ, vất vả với đứa con trai đầu lòng mới chào đời. Em bé được quấn tã, đặt nằm trong máng cỏ. Nghĩ đến Đấng Mêsia, người ta nghĩ ngay đến một vị vua, với hoàng cung cao sang và ngai vàng quyền lực. Khó lòng tin em bé tầm thường này là Đấng Mêsia, Đấng được sai đến để giải phóng Israel.
Một người Do-thái theo độc thần lại càng khó tin em bé này là Thiên Chúa trở nên người phàm. Giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách vô tận, Thiên Chúa có những phẩm tính siêu việt vô biên. Ngài là Đấng quyền năng, cai quản trên trời dưới đất. Ngài là Đấng vô hình nên không ai tô vẽ được. Ngài là Đấng tạo dựng muôn loài, Đấng ba lần thánh, Đấng tỏ mình long trời lở đất ở núi Sinai.
Chẳng ai thấy Ngài mà còn sống. Một Thiên Chúa như thế làm sao thành người được?
Điều con người không dám mơ, thì Thiên Chúa dám làm, vì Tình yêu làm được mọi sự. Thiên Chúa đã làm vượt quá những gì Ngài đã hứa. Ngài không chỉ ban một Mêsia hay một ngôn sứ như Môsê,
Ngài còn ban chính Ngôi Lời là Thiên Chúa Con Một, đã trở nên người phàm, đã sống trên trái đất, và đã đảm nhận toàn bộ phận người của chúng ta. Kitô hữu là người dám tin vào mầu nhiệm lạ lùng này.
Nơi Hài Nhi Giêsu, chúng ta gặp gỡ một Thiên Chúa chẳng những nghe được, mà còn thấy được và chạm được. Một Thiên Chúa hữu hình, gần gũi, yếu đuối, mong manh. Thiên Chúa ấy được cưu mang trong lòng một phụ nữ, được sinh ra, biết khóc, biết cười, sống nhờ sữa mẹ, ấm áp nhờ được quấn tã. Thiên Chúa ấy phải vâng theo lệnh của hoàng đế Rôma, nên chào đời xa nhà, thiếu thốn đủ điều, chỗ nằm là máng ăn của súc vật.
Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giêsu không làm ai sợ hãi. Không thấy quyền lực uy nghi, chỉ thấy tình yêu dịu dàng. Thiên Chúa thu hút con người bằng sự buông bỏ thẳm sâu. Hài Nhi dang hai tay để đón lấy cả nhân loại.
Không thấy Maria và Giuse nói gì trong đêm ở Bê-lem. Cả hai có nhiều điều cần làm và cần suy nghĩ. Khi Mẹ Maria sinh con trong sự thiếu thốn tư bề, Mẹ nghĩ đến lời thiên sứ Gabriel xưa báo về Hài Nhi. Con của Mẹ sẽ thừa kế ngai vàng của vua Đa-vít, sẽ trị vì một vương quốc đến muôn đời muôn thuở. Vậy mà bây giờ Con của Mẹ không có chỗ để nằm. Khi các người chăn chiên huyên thuyên kể chuyện về việc thiên sứ hiện ra, loan tin Đấng mới chào đời, kể chuyện đạo binh thiên quốc tưng bừng hát xướng, Maria đã chăm chú lắng nghe và kinh ngạc. Mẹ nghĩ đến bầu khí yên tĩnh ở Bê-lem đêm nay, có ít ánh sáng và tiếng ca, có nhiều bận tâm và lo lắng.
Không phải biến cố nào cũng dễ hiểu đối với Maria. Maria có thói quen giữ kỹ mọi chuyện (Lc 2,19.51), và nghiền ngẫm mọi chuyện trong trái tim của mình. Maria chấp nhận mình không hiểu ngay mọi biến cố, nên lúc nào cũng cần hồi tâm để đọc ra ý Chúa.
Như các mục đồng, chúng ta cũng được mời đến Bê-lem. Dấu hiệu để nhận ra Chúa đang đến hôm nay vẫn rất đơn sơ và làm chúng ta ngỡ ngàng. Thiên Chúa đến dưới dạng những người nghèo khổ, không cơm ăn áo mặc, không có chỗ để nằm. Nơi những phụ nữ không được đi học ở Afghanistan, những trẻ sơ sinh bị phá thai mỗi ngày trên thế giới, những gia đình tan nát vì chiến tranh.
Hãy vội vã đi Bê-lem với tất cả lòng tin đơn sơ, vui sướng vì gặp được dấu chỉ như lời sứ thần báo. Hãy làm một điều gì đó cho Chúa Giêsu hôm nay.
***************************
Lạy Chúa Hài Nhi Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho nhân loại,
nhưng chúng con thích xung đột và chiến tranh,
Chúa đến để bày tỏ tình thương của Chúa Cha,
nhưng chúng con thích chiếm đoạt hơn chia sẻ,
thích chinh phục hơn trao hiến.
Bởi đó thế giới này còn mang nhiều vết thương.
Xin cho chúng con đừng trách Chúa,
dù Chúa đã đến làm người từ hai ngàn năm qua.
Chúa đã gõ cửa, những chúng con không mở.
Chúa đã đến nhà mình, nhưng chẳng ai ra đón.
Xin cho chúng con nhận ra Chúa
nơi khuôn mặt của kẻ thù,
và nhận ra kẻ thù cũng là anh em cần được yêu thương.
Nhờ đó chúng con được hưởng bình an của Chúa:
“Bình an cho người thiện tâm.” Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.