Đức Bà Loreto, được Giáo Hội mừng lễ vào ngày 10-12, là Đức Bà phù hộ các phi công, các lữ khách đi máy bay… và của cả các công nhân chuyển nhà nữa. Nhưng tại sao lại có sự bảo trợ này?
Gần thánh phố Ancône, trong vùng Marches nước Ý, có một trong những ngôi đền thờ được tôn kính nhiều nhất trong thế giới Công giáo: đền thờ Đức Bà Loreto.
Câu chuyện về nơi này thật lạ lùng và có thật, tuy dù cũng có đôi chút tô điểm cho thêm phần dễ thương.
Tất cả khởi sự từ đầu thế kỷ 14, khi Rôma được tin người ta vừa khai sinh thêm một cuộc hành hương Đức Mẹ, ở một nơi gọi là Loreto, “một cánh rừng nguyệt quế nhỏ”; nơi đây người ta tôn sùng một tượng Đức Mẹ đen cổ kính có nguồn gốc phương Đông được tạc từ gỗ thông tuyết và một ảnh thánh Đức Mẹ được cho là do thánh Luca vẽ.
Đến đây thì mọi chuyện khá bình thường: những đền thờ như vậy thì rất nhiều trong thế giới Kitô giáo nên người ta không thắc mắc lắm về tính lịch sử của những thánh tích được tôn sùng – sự sùng kính của khách hành hương thường phủ một lớp ân điển lên những vật được trưng bày để tôn kính.
Tuy nhiên sự độc đáo của địa điểm này không nằm ở nơi ảnh thánh và bức tượng nói trên, mà ở nơi ngôi nhà đặt ảnh tượng đó. Nếu tin những gì người ta nói tại chỗ thì, ngôi nhà nguyện nhỏ vừa kể thật ra chính là ngôi nhà ở Nazarét, nơi thiên thần Gabriel hiện ra với Đức Maria – là nơi ơn cứu độ nhân loại được thể hiện… Đó là lý do tại sao các tín hữu đã tuôn đến và sờ vào những viên đá linh thánh đó một cách thành kính, trào nước mắt xúc động vì còn được đến tận nơi.
Một nỗi đau không thể tưởng tượng
Đến tận nơi ư? Đúng vậy, vì từ năm 1291 với sự thất thủ của thành Saint-Jean d’Acre – cứ điểm cuối cùng của vương quốc La tinh tại Giêrusalem, bị phe đạo Hồi chiếm giữ – Miền Đất Thánh gần như đóng cửa hoàn toàn với khách hành hương và hối nhân. Nhà cầm quyền Hồi giáo chỉ cấp giấy phép nhỏ giọt để vào những địa điểm thánh và những Kitô hữu hiếm hoi dám bước vào đây lại gặp vô vàn nguy hiểm.
Chúng ta ngày nay quá thiếu sốt sắng nên khó đo lường được sự thiếu thốn như vậy nặng nề ra sao đối với những bậc tiền bối của chúng ta. Không còn có hy vọng đến thăm xứ Galilê để cầu nguyện trong căn phòng mà Đức Maria đã thưa lời Fiat (Xin Vâng), không được theo dấu chân Chúa Giêsu, không được quỳ trong vương cung thánh đường Bêlem trên cái ngôi sao đánh dấu nơi đặt máng cỏ, không được tắm trên sông Giođan, không bao giờ được nhìn ngắm Giêrusalem, không được canh thức trong vườn Giêtsêmani, không được vừa đi vừa cầu nguyện vừa khóc trên con đường khổ nạn, không được leo núi Golgotha, không được ôm hôn hòn đá của ngôi mộ trống… mà biết rằng tất cả đều bị giao cho kẻ ngoại đạo, đó là một nỗi đau mà chúng ta không thể hình dung nổi.
Giáo Hội xót xa khi biết điều đó, nhưng làm gì được bây giờ? Thánh chiến thì không còn hợp thời. Do đó, để xoa dịu cái tang của giới Công giáo, Hội Thánh đưa ra những giải pháp khác cho các tín hữu đang than khóc. Trước hết là hướng họ về điều cốt yếu: sùng kính Bí tích Thánh Thể. Không cần thiết phải đi qua đầu kia của thế giới để tìm thấy Chúa Kitô vì Người có mặt hằng ngày trên bàn thờ và trong nhà tạm, dù là ở một nhà nguyện nhỏ bé nhất. Chính trong bối cảnh đó mà lòng tôn kính Mầu Nhiệm Thánh Thể phát triển chưa từng thấy.
Thánh tích và đền thờ thay thế
Một cách khác là khiến người ta chú trọng đến những thánh tích của cuộc Khổ Nạn – có rất nhiều và đôi khi vô giá – như một mảnh của cây Thánh Giá mà nữ hoàng Radegonde đã có được cho tu viện của bà tại Poitiers (Pháp), mão gai được vua Thánh Louis mua, hay Khăn Liệm Chúa được trưng bày ở Lirey vùng Champagne (Pháp), hay những mảnh của máng cỏ đặt tại vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rôma; những đồ vật này được đưa tới Châu Âu theo dòng thời gian, chủ yếu là đến Pháp vì các vua dòng họ Capet rất xem trọng chúng. Vì không đến Miền Đất Thánh được nữa, nên đi viếng những chứng tích của mầu nhiệm Nhập Thể, của cuộc Thương Khó và cuộc Phục Sinh của Chúa được xem như tương đương.
Cũng vậy đối với việc cố gắng tìm đến những linh địa khiêm tốn hơn nhiều với chỉ một cục sỏi nhặt được ở Palestine, thậm chí chỉ ít bụi từ nơi này… Có những lãnh chúa hay những giám mục khá giả không ngần ngại xây dựng những đền thờ thay thế – được cho là tái hiện cách chân thật ít nhiều – những kiến trúc ở Miền Đất Thánh, như bản sao của Mộ Thánh ở Neuvy-Saint-Sépulcre, vùng Berry (Pháp), hay tái tạo ở Ý những nơi đáng chú ý nhất của Giêrusalem lúc đó.
Phải chăng đền thờ Loreto chỉ đơn giản là một trong những cách bắt chước mang tính đạo đức sùng mộ như vậy? Hay, như những người sùng kính nơi đó tin tưởng, đây đúng là ngôi nhà ở Nazarét, được mang từ Palestine về, nhờ một phép lạ nào đấy? Vấn đề này đã làm chảy không biết bao nhiêu mực.
Một điều có thực: đền thờ đã mọc lên trên một thửa đất của gia đình De Angelis – một gia đình thương nhân và chủ tàu giàu có thành Ancône, đã làm giàu nhờ buôn bán giữa phương Đông và phương Tây, thời kỳ có mặt người Franc tại Palestine. Cho rằng vương quốc La tinh sẽ tồn tại được ở Giêrusalem – điều này xem ra không phải là ý hay – nhà De Angelis đã đầu tư một phần vốn liếng vào bất động sản ở đây; có thể họ đã mua nhiều miếng đất ở Nazarét, trong đó có đất của ông bà Gioakim và Anna, cùng với đó là căn nhà của ông bà – căn nhà mà vào buổi sáng ngày Truyền Tin, thiên sứ Gabriel đã hiện ra với Đức Maria.
Một ngôi nhà từ trời rơi xuống
Người ta phản bác rằng, vào thời Chúa Kitô, những căn nhà địa phương chủ yếu là nhà hang, nghĩa là được đào trong đá, và mặt khác họ còn chỉ ra cho thấy căn nhà được coi là của Đức Maria ở Nazarét. Tuy nhiên, có thể vào một lúc nào đó, căn nhà ấy đã được cơi nới với một căn phòng ở mặt tiền, có diện tích nhỏ, xây bằng gạch và bao quanh là ba mặt tường; cái nhà hang nguyên thủy trở thành căn phòng cuối nhà. Chính cái phòng ngoài của căn nhà đã được nhà De Angelis – đang lo ngại vì diễn biến của tình hình và tin chắc vào sự tái chiếm của người Hồi giáo trong nay mai – cẩn thận tháo dỡ và chất lên một trong những tàu buôn của họ đem về cất ở Ý, vào khoảng năm 1290.
Mới đầu, không hiểu vì lý do gì, cái kiện hàng tuy linh thánh nhưng cồng kềnh đó lại cập bến cảng Trast ở Croatia – nơi nhà De Angelis có một cửa hàng thương mại. Đáng lẽ Ngôi Nhà Linh Thánh đó sẽ ở lại đây – ở Trast người ta vẫn còn tôn kính kỷ niệm về lần “dừng chân” đó. Nhưng các chủ tàu vì linh cảm thấy rồi ra đạo Hồi sẽ tràn ngập vùng Balkans nên quyết định chở ngôi nhà về Ý năm 1294 và dựng lại y như cũ trên miếng đất của mình ở Loreto. Sự kiện đã xảy ra như thế. Rất mau chóng, các phép lạ diễn ra hàng loạt, danh tiếng của đền thờ vang xa, còn người hành hương thì ngày càng đông.
Cuối thế kỷ 15, ông Pietro Tolomei de Terramo – “sử gia” đầu tiên của Loreto – trình bày phiên bản của riêng mình về chuyện đó; ông khẳng định ngôi nhà linh thánh này được đưa đến đây trực tiếp từ hành trình trên không qua trung gian của các thiên thần. Thực ra trong tiếng la tinh, De Angelis có thể dịch như vậy (nhờ thiên thần); như vậy thì không phải gian dối mà chỉ là một trò chơi chữ khôn khéo, kiểu đùa nghịch ngoan đạo của các nhà La tinh học uyên bác. Tuy nhiên, có một điều có thể tạo sức nặng nào đó cho phiên bản nói về phép lạ này, khiến người ta phải bối rối, đó là ngôi nhà ở Loreto lại không có nền móng: nhà nằm ngay trên mặt đất, như thể các thiên thần đã đặt nó ở đó và bay đi mất mà không quan tâm gì đến nó nữa.
Nơi Ngôi Lời làm người
Tất nhiên, phiên bản quá thơ mộng này khiến giới Tin Lành, sau cuộc Cải Cách, cười nhạo không ít; mà không chỉ có họ, đến ngay trong lòng Giáo Hội, những bậc tu hành rất thông thái cũng từ chối không tin vào điều đó, cho rằng cái nhà được cho là của Đức Maria, nhờ một sự quảng cáo khôn khéo, đã kịp thời thúc đẩy lại nền thương mại địa phương đang gặp khó vì mất Miền Đất Thánh…
Một số người khác, cũng thông thái không kém, lại ủng hộ sự thật về sự chuyển dịch nhiệm lạ, khẳng định rằng chỉ có một sự kiện khác thường nào đó mới có thể giải thích được sự thành công của đền thờ Loreto. Sự kiện xuất hiện tức thời và siêu việt của ngôi nhà ấy phải chăng là đã được chính các thiên thần đặt xuống ở nơi đó, hay để xây dựng lại ngôi nhà thật ở Nazarét? Vấn đề này còn lâu mới có sự đồng thuận, nhưng có điều chắc chắn là các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những nét giống nhau thật sự giữa ngôi nhà thánh này và địa điểm Truyền Tin tại Nazarét.
Sự sùng kính Đức Bà Loreto phổ biến tới mức rất nhiều nhà thờ và nhà nguyện được đặt dưới sự cầu bầu của Đức Bà Loreto, nhất là tại Pháp, Áo và vùng Bavière, Đức.
Dù sao đi nữa, ngay giữa lúc bùng nổ lòng sùng kính Đức Mẹ, đền thờ Loreto đã được khoác lên một sự tôn vinh toàn cầu.
Năm 1450, Đức Giáo hoàng Phaolô 2 đã tặng cho ngôi nhà nhỏ này một “cái hộp đựng” tuyệt đẹp và giao cho kiến trúc sư Bramante việc dựng lên một đại thánh đường hoành tráng ôm trọn căn nhà. Trước mặt tiền vừa xây xong, Đức Giáo hoàng Sixto 5 cho khắc dòng chữ: “Đây là nhà của Mẹ Thiên Chúa nơi Ngôi Lời nhập thể làm người”.
Năm 1669, lễ mừng sự di dời của ngôi nhà linh thánh Loreto được ghi vào lịch phụng vụ, ngày 10-12, với phụng vụ giờ kinh riêng. Mặc dù từ dạo đó đã có nhiều lời kinh khác do các Đức Giáo hoàng thêm vào để tăng phần phong phú, những kinh cầu cùng Đức Mẹ, được sọan theo hình thức hiện hành chính là tác phẩm của Giám mục Giulio Candiotti – giám quản vương cung thánh đường này – đã soạn chúng năm 1578, lấy cảm hứng từ những phiên bản cổ khác nhau, nên được gọi là những kinh cầu Loreto. Những kinh cầu này được Đức Giáo hoàng Grêgôriô 13 chúc lành và được các tu sĩ dòng Tên đọc để cầu nguyện, đặc biệt là Thánh Phêrô Canisius; thánh nhân xem đây là vũ khí hữu hiệu nhất chống lại cuộc Cải Cách (Tin Lành), và phổ biến những kinh này ra toàn thế giới. Việc sùng kính Đức Bà Loreto phổ biến đến mức rất nhiều nhà thờ và nhà nguyện được đặt dưới sự cầu bầu của Đức Bà Loreto, nhất là ở Pháp, Áo và xứ Bavière, Đức.
Cuối cùng, do truyền thuyết chuyển dời ngôi nhà trên đôi cánh các thiên thần, Đức Bà Loreto trở thành quan thầy của các phi công và tất cả những ai đi máy bay. Và cũng hợp lý thôi khi cũng là quan thầy của những công nhân chuyển nhà.
Anne Bernet (Aleteia) – Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/loreto-va-phep-la-thien-than-chuyen-nha-67965