Ngày mồng ba Tết, chúng ta cầu nguyện cho việc làm ăn trong năm mới được thịnh đạt, đồng thời cũng xin Chúa thánh hóa chúng ta qua cuộc sống lao động hằng ngày.
Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyện cho việc làm ăn?
Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều người tưởng rằng mình đã chiếm được chỗ đứng của Thiên Chúa. Có một thời chúng ta thường nghe thấy người ta nói: “Thằng trời xếp lại một bên, để cho nông hội tiến lên làm Trời!” Hoặc những câu như “biến sỏi đá thành cơm gạo, thay trời làm mưa.”
Thế nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy nếu Chúa không cho thì chúng ta chẳng làm được gì. Cơn động đất và sóng thần cũng như dịch cúm gà vừa qua là bài học rất quí giá cho chúng ta. Chính vì thế mà người xưa đã có câu: mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Người nông dân ý thức được thân phận của mình nên đã cầu xin: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp.”
Về vấn đề này thánh Phaolô viết rất hay: “Phaolô trồng, Apolô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên.” Vì thế ngày mồng ba tết chúng ta cầu nguyện cho việc cày cấy làm ăn là phải lẽ, vì không có Thiên Chúa thì: “người lính canh đêm cũng hoài công.”
Một vị linh mục nọ qua đời, và được đưa đến trước mặt thánh Phêrô để làm một thẩm tra.
Thánh Phêrô hỏi:
– Ở dưới thế cha làm được điều gì?
Vị linh mục nhanh nhẹn và tự hào trả lời:
– Thưa thánh Phêrô, con xây được một ngôi thánh đường lớn.
Thánh nhân lấy bút ghi trên giấy: Một điểm.
– Cha còn làm được gì nữa?
– Dạ, con còn xây một trường học cho một ngàn học sinh.
Thánh Phêrô ghi tiếp: một điểm.
– Và gì nữa?
Vị linh mục bắt đầu suy nghĩ, rồi trả lời:
– Dạ, con công tác nhiều vào các công việc xã hội, từ thiện.
Thánh Phêrô ghi thêm: một điểm.
– Còn gì nữa? Thánh Phêrô hỏi tiếp.
Lần này vị linh mục lo lắng hỏi thánh Phêrô:
– Dạ thưa thánh cả Phêrô, được bao nhiêu điểm thì vào thiên đàng?
Thánh Phêrô vui vẻ trả lời: một ngàn điểm.
Nghe nói thế, vị linh mục bỗng chột dạ, nghĩ thầm: “Chết mình rồi, làm sao có được chừng ấy điểm đây?” Nếu có moi óc kể tất cả các sự việc mình làm ở dưới thế e cũng không đủ…”
Và vị linh mục bắt đầu lo sợ, rồi thất vọng, không còn tự tin.
Trong lúc đó, thánh Phêrô nhắc lại:
– Cha còn làm được điều gì nữa, cứ kể hết đi!
Với giọng nói nhuốm màu sắc khiêm tốn và lo sợ, vị linh mục nói:
– Thưa thánh cả, NHỜ ƠN CHÚA con cũng làm được đôi ba việc nhỏ.
Nghe vậy, thánh Phêrô lấy bút ghi ngay: một ngàn điểm.
Ngài nói:
– Thế là cha được một ngàn lẻ ba điểm rồi đấy. Cha đã dư được ba điểm. Mời cha vào!
Phải! Tất cả là nhờ ơn Chúa.
Những giá trị của lao động.
Chúa Giêsu đã nói: Cha Ta hằng làm việc, và Ta cũng vậy. Khi quả quyết như thế Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng: lao động làm việc là qui luật của tình yêu và cũng là qui luật của sinh tồn.
- Làm việc là qui luật của Tình yêu
Thiên Chúa đã không dựng nên một vũ trụ hoàn hảo mà Người đã chỉ dựng nên một vũ trụ còn dang dở. Người muốn con người cộng tác với Người để làm cho công trình của Người càng ngày càng hoàn hảo hơn. Trong bài đọc (sách sáng thế), tác giả nói: “Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt nó trong vườn địa đàng, không phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để canh tác giữ vườn.” Như thế làm việc là sứ mạng cao cả Thiên Chúa đã giao cho con người ngay từ khi mới tạo dựng nên nó, và khi làm việc là con người thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.
Nếu con người không làm việc thì quả họ đã không chu toàn được sứ mạng của mình. Điều này chính mỗi người phải quyết định cho mình. Nếu không muốn làm việc thì con người có muôn vàn cái cớ để thoái thác. Nhưng nếu đã muốn làm việc thì họ chẳng sợ bất cứ một trở ngại nào.
Một ông chủ kia giao cho bảy người thợ cưa, mỗi người phải cưa một khúc cây.
Người thứ nhất nói: khúc cây của tôi còn tươi quá, không khéo lưỡi cưa sẽ mắc trong đó. Tôi chờ cho đến khi khúc cây đó khô rồi tôi mới cưa, thế là anh ta nghỉ.
Người thứ hai: lưỡi cưa của tôi cùn quá, tôi chờ ông chủ đổi cho tôi lưỡi cưa khác bén hơn rồi tôi mới cưa. Và anh ta cũng nghỉ.
Người thứ ba: khúc cây này cong bên này cong bên kia. Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi khúc cây khác thẳng hơn. Anh cũng đi nghỉ.
Người thứ bốn: khúc cây của tôi quá cứng, cứng gấp hai lần khúc cây thường. Tôi chờ có khúc khác mềm hơn. Anh ta cũng nghỉ.
Người thứ năm: hôn nay trời nóng quá, đợi ngày nào mát trời hãy cưa. Anh ta cũng nghỉ.
Người thứ sáu: hôm nay tôi nhức đầu đợi tới khi nào khỏi tôi mới cưa. Và anh ta cũng nghỉ.
Người thứ bảy cũng nhận một khúc cây còn tươi, nó cũng cong bên này cong bên kia, thịt nó cũng rất cứng, lưỡi cưa của anh cũng cùn, trời hôm đó cũng nóng và anh đó cũng nhức đầu. Nhưng anh đi mài lưỡi cưa và bắt tay vào việc. Nhờ lưỡi cưa đã được mài, khúc cây đã được cưa xong, do trời nóng và do làm việc, anh ta đổ mồ hôi ra và hết nhức đầu. Anh sung sướng vì hoàn thành công tác được giao. Hôm sau anh xin ông chủ cho anh một khúc cây khác để cưa. (A.R Wells)
Vâng! Dù ở vườn địa đàng, Ađam cũng vẫn phải “canh tác.” Cuộc sống ở địa đàng rất hạnh phúc, nhưng cái hạnh phúc ấy con người phải “canh tác,” nghĩa là phải ra tay kiến tạo. Chính trong lúc làm việc con người mới cảm thấy hạnh phúc. Ngôi vườn hạnh phúc con người phải “giữ gìn” bằng việc làm của mình.
- Đàng khác làm việc còn là qui luật của sinh tồn
Lao động ngoài mục đích giúp ta thánh hóa cuộc sống, nó còn có mục đích giúp bảo tồn cuộc sống của chúng ta.
Trong Kho tàng những câu chuyện ngụ ngôn người ta đọc được câu chuyện này: Một người nông dân nọ có một con lừa già. Một hôm con lừa bị rơi xuống giếng và đau đớn kêu la thống thiết. Sau khi cẩn thận đánh giá tình hình, dù rất thương cảm cho con lừa, nhưng người nông dân cũng phải quyết định nên nhanh chóng giúp nó kết thúc sự đau đớn. Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa với ông.
Lúc đầu con lừa bị kích động vì những gì người ta đang làm đối với nó. Nhưng khi từng xuổng từng xuổng đất tiếp theo nhau rơi trên vai nó, một ý nghĩ chợt lóe lên:
Cứ mỗi lần xuổng đất rơi xuống đè lên vai, mình sẽ lắc cho đất rơi xuống và bước lên trên.
Và nó đã làm như vậy, từng chút từng chút một. Hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên – con lừa lặp đi lặp lại để tự cổ vũ mình.
Mặc cho sự đau đớn phải chịu sau mỗi xuổng đất. Mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống đang gánh chịu, con lừa liên tục chiến đấu chống lại sự hoang mang, hoảng sợ, và tiếp tục theo đúng phương châm “hất nó xuống và bước lên trên.”
Không mất nhiều thời gian, cuối cùng con lừa già, dù bị bầm dập và kiệt sức, đã hoan hỉ và đắc thắng bước ra khỏi cái giếng. Những gì tưởng như sẽ đè bẹp và chôn sống nó, trên thực tế đã cứu sống nó… đều là nhờ cái cách mà con lừa đối diện với nghịch cảnh của mình.
Cuộc sống là như vậy đó. Nếu chúng ta đối mặt với những vấn đề của mình một cách tích cực, khước từ sự hoảng loạn, sự cay đắng và sự thương hại…, những nghịch cảnh tưởng như chôn vùi chúng ta sẽ tiềm ẩn trong chính nó những phần thưởng không ngờ tới. Hãy “Hất nó xuống và bước lên trên,” để bước ra khỏi cái giếng mà bạn đang gặp phải. (Nước Biếc)
Cuộc đời đâu phải là thiên đàng. Đâu có phải lúc nào cuộc đời cũng trải thảm đỏ để chào đón chúng ta. Cuộc đời là một bãi chiến trường. Nó đang chờ đợi chúng ta bước tới với tinh thần chiến đấu. Hãy can đảm đối đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống đừng lẩn tránh. Thái độ lẩn tránh chẳng khác gì thái độ đầu hàng. Khi nói về việc Giêsu vác Thánh Giá lên đỉnh đồi Golgotha, một nhà văn hào của Pháp đã nói: Đồi Calvê ở đầu đường và vinh quang cũng xuất hiện ở đó.” Hãy hất xuống và bước lên trên cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn. Amen!
Lm. Giuse Đinh Tất Quý