CÁC CÔNG THỨC TRONG KINH THÁNH VỀ THA THỨ

Không có gì quan trọng cho bằng tha thứ.  Tha thứ là chìa khóa mở ra cho hạnh phúc và là mệnh lệnh thiêng liêng quan trọng nhất cuộc đời chúng ta.  Chúng ta cần tha thứ, cần làm hòa với những tổn thương và bất công mình đã chịu để khỏi phải chết trong giận dữ và cay đắng.  Trước khi chết, chúng ta cần tha thứ, tha thứ cho người khác, cho bản thân, cho Chúa, vì mọi sự xảy ra trong cuộc đời chúng ta.

Nhưng không dễ để tha thứ, thật sự nhiều lúc không thể tha thứ nổi.  Cần phải nói rõ như thế, vì ngày nay, nhiều tác phẩm đủ thể loại, với ý định tốt, đem lại ấn tượng tha thứ chỉ là vấn đề có sẵn sàng và có bỏ qua hay không.  Cứ buông bỏ và đi tiếp!

Nhưng chúng ta đều biết, đâu có dễ như vậy!  Những vết thương hằn lên tâm hồn thì cần thời gian, có khi là một thời gian rất dài để chữa lành, và tiến trình đó vô cùng chậm rãi, một việc mà chúng ta không thể đi nhanh được.  Thật sự, chấn thương từ vết thương cảm xúc thường tác động lên sức khỏe thể xác chúng ta.  Chữa lành cần có thời gian.

Khi nhìn vào vấn đề chữa lành và tha thứ, chúng ta có một thấu suốt đầy giá trị nhưng lại lãng quên từ lâu linh đạo về ngày sa-bát trong Do Thái giáo và Kitô giáo.  Giữ ngày sa-bát không phải chỉ tôn vinh một ngày nhất định trong tuần, đó là một công thức của tha thứ.  Cách nó tiến hành như sau.

Thần học và linh đạo về ngày sa-bát dạy chúng ta, Thiên Chúa tạo dựng thế giới trong sáu ngày và ngày thứ bảy là ngày sa-bát, ngày Ngài nghỉ ngơi.  Hơn nữa, không chỉ Thiên Chúa nghỉ ngơi ngày sa-bát mà Ngài còn tuyên bố đó là ngày nghỉ ngơi cho tất cả mọi người đến muôn đời, và như thế, Thiên Chúa tạo một nhịp điệu nhất định cho cuộc sống chúng ta.  Nhịp điệu đó phải như thế này:

  • Làm việc sáu ngày, nghỉ một ngày.
  • Làm việc 49 (bảy lần bảy) năm, thì có năm đại xá, cả thế giới trải qua kỳ sa-bát.
  • Làm việc bảy năm, nghỉ một năm (kỳ nghỉ sa-bát).
  • Làm việc cả đời, rồi nghỉ kỳ sá-bat vĩnh hằng.

Nhịp điệu đó cũng nên áp dụng cho cách chúng ta tha thứ:

  • Chúng ta có thể giữ ác cảm nhỏ trong bảy ngày, nhưng rồi chúng ta phải buông bỏ nó.
  • Chúng ta có thể giữ ác cảm lớn trong bảy năm, nhưng rồi chúng ta cần buông bỏ nó. (Mức hạn định dựa trên điều này).
  • Chúng ta có thể giữ một vết thương khủng khiếp khắc sâu vào tâm hồn trong 49 năm, nhưng rồi chúng ta cần buông bỏ nó.
  • Chúng ta có thể giữ một vết thương làm cho tâm hồn chúng ta tan vỡ cho đến chết, nhưng rồi chúng ta cần buông bỏ nó.

Điều này nêu bật một chuyện vốn thường không xuất hiện trong giới tâm linh và trị liệu thời nay, đó là: chúng ta cần thời gian để có thể tha thứ, và thời gian đó tùy thuộc vào mức độ của vết thương.  Ví dụ như:

  • Khi bị đồng nghiệp xem thường trong cuộc họp, chúng ta cần chút thời gian để bực mình cho sự bất công này, nhưng thường thì một vài ngày là đủ để chúng ta hướng về phía trước và có thể buông bỏ nó.
  • Khi chúng ta bị đuổi việc một cách lạnh lùng bất công thì bảy ngày hay bảy tuần thường không đủ để chúng ta buông bỏ và tha thứ chuyện này. Có lẽ bảy năm thì thực tế hơn. (Xin lưu ý “mức hạn định” phỏng theo thấu suốt Kinh Thánh này).
  • Có những chấn thương chúng ta chịu đựng để lại vết thương sâu sắc hơn cả do bị đuổi việc bất công.

Có những vết thương chúng ta chịu do bị lạm dụng, thờ ơ, do nhiều năm cam chịu bất công, và chúng cần hơn bảy năm để chữa lành.  Có thể phải mất đến 49 năm, nửa thế kỷ, để làm hòa với những chuyện chúng ta bị bắt nạt khi còn nhỏ, hoặc bị lạm dụng về cảm xúc, tình dục khi còn niên thiếu.

  • Có những vết thương quá sâu sắc đễn nỗi phải đến giờ hấp hối, chúng ta mới chỉ có thể làm hòa với sự thật là chúng đã xảy ra với mình, buông bỏ chúng và tha thứ cho người hoặc nhiều người đã gây ra chúng.
  • Cuối cùng, có những vết thương quá sức sâu đậm, quá sức hủy hoại, quá sức đau đớn đễn nỗi chúng ta không thể xử lý trong đời này. Với chúng, may thay, chúng ta còn có cái ôm chữa lành nhân từ của Thiên Chúa sau khi chết.

Năng lực tha thứ dựa vào ân sủng hơn là ý chí.  Phạm lỗi lầm là thuộc tính con người, nhưng tha thứ là thuộc tính thần thánh.  Câu đơn giản này chứa đựng một sự thật thâm sâu hơn những gì chúng ta nắm bắt thoáng qua.  Điều làm cho tha thứ trở nên khó khăn và nhiều lúc bất khả thi, không phải chủ yếu do cái tôi của chúng ta bị bầm dập và tổn thương quá đỗi.  Đúng hơn, khó khăn thực sự chính là việc một vết thương của tâm hồn cũng như vết thương của thể xác, nó làm chúng ta suy yếu.

Điều này đặc biệt đúng với những chấn thương in sâu vào tâm hồn và làm tan nát tâm hồn, cần đến 49 năm hay cả đời để chữa lành, hoặc có lúc không thể chữa lành trong đời này.  Những vết thương như thế làm chúng ta cạn kiệt sức mạnh, nhất là khi đối diện với người đã gây cho chúng ta, làm chúng ta rất khó để tha thứ.

Chúng ta cần một linh đạo sa-bát để giúp đỡ cho mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI