NGHI THỨC HOÀN HẢO

Đôi khi, cần người ngoài cuộc để giúp chúng ta thấy được vẻ đẹp và chiều sâu của một cái gì mà chúng ta chưa hề cảm kích trọn vẹn.  Tôi cho rằng câu này đúng với nhiều người chúng ta, kể cả bản thân tôi, về việc cử hành Phép Thánh Thể trong nhà thờ.

Giáo sư David P. Gushee, thuộc Phái Phúc Âm gần đây đã xuất bản quyển sách có tựa đề Hậu Phúc Âm hóa (After Evangelicalism), mô tả cuộc đấu tranh hàng chục năm trời của ông để hòa hợp với một vài vấn đề trong giáo hội của ông.  Ông vẫn ở lại giáo hội của ông dù hiện nay, ông cũng đi lễ ngày chúa nhật với vợ (vợ ông theo đạo công giáo La Mã).  Và ông mô tả những gì ông chứng kiến như sau:

“Tôi thấy thánh lễ công giáo như một viên ngọc được đánh bóng, tinh tế hơn qua thời gian đến mức độ tuyệt mỹ – nếu như chúng ta hiểu những gì mình đang xem…  Động tác thánh lễ đạt được rất nhiều điều trong vòng một giờ – một nghi thức rước với thánh giá giương cao, lời chào hỏi nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, lời thú nhận tội lỗi trước, ngắn gọn mà quá hay, một bài Cựu Ước do giáo dân đọc, hát Thánh vịnh, một bài thánh thư do giáo dân đọc, Phúc Âm do linh mục đọc cùng những nghi thức cử hành quanh bài đọc, bài giảng ngắn gọn, nghi thức hướng nội của Kinh Tin Kính và lời nguyện giáo dân.  Phần dâng lễ và âm nhạc.  Rồi đến phần Dâng lễ – giáo dân mang lễ vật dâng lên Chúa, rồi cũng những lễ vật này về lại giáo dân trong Mình và Máu Chúa Kitô, khiêm nhường quỳ gối, Kinh Lạy Cha, và chúc bình an cho nhau trước khi nhận của ăn, lại quỳ gối là lúc nhìn người khác lên rước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện cho họ hoặc bình tâm thinh lặng trước Chúa, lời chúc lành nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi và đoàn rước khi kết thúc thánh lễ.”

Thật là một mô tả thấu suốt về nghi lễ mà chúng ta cử hành Phép Thánh Thể!  Đôi khi, là người trong cuộc, chúng ta không thấy rõ như người ngoài cuộc.

Tôi xin được phép mô tả thêm hai yếu tố nêu bật nghi thức cử hành Phép Thánh Thể theo cách mà chúng thường không nghĩ đến, cũng không thường gặp trong thần học và giáo lý thường lệ.

Trước hết, là lời của một người ngoài công giáo thuộc giáo phái Mêthôđista đã chia sẻ: “Tôi không phải là người công giáo La Mã, nhưng thỉnh thoảng, tôi đi lễ ở nhà thờ công giáo La Mã chỉ để được tham gia vào nghi lễ.  Tôi không chắc họ có biết chính xác mình đang làm gì không, nhưng họ đang cử hành một điều đầy uy lực.  Ví dụ như thánh lễ ngày thường.  Không như thánh lễ Chúa Nhật, họ cử hành thánh lễ ngày thường đơn giản hơn, với nghi thức giảm hơn. Những gì tôi thấy, về căn bản, là cái gì đó tương tự như một buổi hội của “Hội Cai nghiện Ẩn danh.”  Vì sao ông lại có liên kết như vậy?

Tôi xin trích nguyên văn của ông. “Những người đi lễ ngày thường, họ không đi để trải nghiệm một chuyện gì đó mới lạ hay thú vị.  Nó lúc nào cũng như nhau, và vấn đề là thế.  Như những người đến Hội Cai nghiện Ẩn danh, họ đến đó để nhận sự nâng đỡ họ cần để vững vàng trong cuộc sống, và sự vững vàng đó đến qua nghi lễ.  Hẳn mỗi người đang thầm nói lên rằng, ‘Tôi tên là A. B. C, và đời tôi mong manh lắm.  Tôi biết là nếu tôi không dự nghi lễ này một cách đều đặn, đời tôi sẽ bắt đầu rối lên.  Tôi cần nghi lễ này để sống.’  Nghi thức cử hành Phép Thánh Thể cũng hoạt động như các buổi hội ‘12 bước’.”

Quan điểm còn lại là của thần học gia người Anh Ronald Knox.  Ông cho rằng chúng ta chưa hề thật sự trung tín với Chúa Giêsu.  Chân thành mà nói, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta không yêu kẻ thù mình, không đưa má kia cho người ta đánh, không chúc phúc những ai nguyền rủa mình, không tha thứ cho kẻ giết người thân yêu của mình, không đến với người nghèo cho đủ, và không yêu thương người xấu và người tốt như nhau.  Đúng hơn, chúng ta làm một cách kén chọn các giáo huấn của Chúa Giêsu.  Nhưng, ông Knox nói rằng, chúng ta đã trung tín theo một cách rất quan trọng, là qua nghi thức Phép Thánh Thể.  Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta tiếp tục cử hành nghi thức này cho đến khi Ngài trở lại, và 2000 năm sau, chúng ta vẫn cử hành như thế.  Nghi thức Phép Thánh Thể là một trong những hành động trung tín lớn lao của chúng ta, và thật mừng là nghi thức này xét tận cùng là đủ rồi.

Chúa Giêsu để lại cho chúng ta hai điều: Lời Ngài và Phép Thánh Thể.  Các giáo hội khác nhau ưu tiên một trong hai điều này mỗi cách khác nhau.  Một số giáo hội, như công giáo La Mã, Tân giáo, Anh giáo, ưu tiên Phép Thánh Thể như là nền tảng để xây dựng và giữ vững cộng đoàn.  Các giáo hội khác, hầu hết các cộng đoàn tin lành và giáo phái Phúc âm, thì ngược lại, ưu tiên Lời Chúa là nền tảng để xây dựng và giữ vững cộng đoàn.  Lời Chúa và Phép Thánh Thể hợp nhau như thế nào?

Chúng ta nhớ lại, trên đường Ê-mau, khi hai môn đệ không thể nhận ra Chúa Giêsu dù cho Ngài đã đi cùng họ cả quãng đường, thì Chúa Giêsu khơi dậy lòng họ bằng Lời của Ngài, đủ để họ nài nỉ Ngài ở lại với họ.  Rồi Ngài ngồi lại với họ để cử hành Phép Thánh Thể, và đó là lúc họ nhận ra Ngài.

Rev. Ron Rolheiser, OMI