Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện, có thể có bất kỳ sự xao lãng nào khiến chúng ta không thể trò chuyện thân mật với Chúa của chúng ta. Điều đó có thể là một sự gì đó bên ngoài chúng ta, như một con chó sủa bên cạnh hoặc một người nào đó trong nhà nguyện đang thờ phượng lại đùa chơi với chuỗi hạt Mân Côi của họ. Hoặc sự chia trí có thể là một điều gì đó bên trong tâm trí hoặc trong cõi lòng, như những suy nghĩ vẩn vơ, hoặc “danh sách những việc cần phải làm” liên tục hiện ra trong tâm trí chúng ta.
Dù đó là gì đi nữa, chúng ta nhận thấy rằng hầu hết các sự chia trí trong khi cầu nguyện đều thuộc bốn loại:
Địa điểm (ví dụ không thể cầu nguyện tại một địa điểm cụ thể)
Thời gian (ví dụ liên tục nhìn vào đồng hồ)
“Danh sách những việc cần phải làm” (ví dụ liên tục nghĩ về tất cả những việc cần phải hoàn thành)
Suy nghĩ lang thang (ví dụ thấy mình đang nghĩ về bộ phim đã xem hôm qua)
Vì mục đích giúp cầu nguyện đích thực, chúng ta sẽ đề cập đến những thứ gây mất tập trung rơi vào bốn nguồn cơn do “con người” này. Thông thường những sự xao nhãng này có nguồn gốc từ con người hoặc “tự nhiên”, chứ không phải là nguồn gốc ma quỷ. Tuy nhiên, ma quỷ có thể lợi dụng những sai lầm của con người chúng ta và sử dụng những điều xao lãng này để làm hại chúng ta. Chúng ta cũng sẽ cần phải đề cập đến những trở ngại đối với việc cầu nguyện có nguồn gốc siêu nhiên hơn và sẽ xem xét cách phân biệt, liệu điều gì đó đến từ Thiên Chúa hay từ Thần dữ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nghiên cứu kỹ những phiền nhiễu “do con người” này vì chúng có thật và ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của chúng ta. Hầu hết chúng ta gặp khó khăn trong khi cầu nguyện, và rất ít người ngay lập tức được rơi vào trạng thái ngây ngất và bị cuốn hút vào sự hiện diện của Chúa trong nhiều giờ liên tục.
Yếu tố ngoại cảnh đầu tiên giúp ta cầu nguyện đích thực có tầm quan trọng cơ bản đó là “địa điểm.” Điều ta nhận thấy là nơi cầu nguyện của chúng ta ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa. Chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện ở một số nơi mà chúng ta thấy tốt hơn những nơi khác, và vì vậy điều quan trọng là phải xác định những đặc điểm chính có thể giúp thúc đẩy đời sống cầu nguyện của chúng ta ở những địa điểm khác nhau này.
“Nhà nguyện nhỏ”
Nơi cầu nguyện của chúng ta được gọi là “nhà nguyện của chúng ta.” Từ “oratory” xuất phát từ từ ngữ “orare” trong tiếng Latinh, có nghĩa là “cầu nguyện” và được sử dụng phổ biến nhất để chỉ một nhà nguyện nhỏ.
Nơi chốn phổ biến nhất để cho một người tín hữu cầu nguyện là tại nhà. Người ta thường không sống đối diện với nhà thờ hoặc nhà nguyện, và không thích ghé qua nhà thờ hàng ngày. Điều này có nghĩa là lời cầu nguyện cá nhân thường được thực hiện tại nhà.
Thật không may, việc cầu nguyện trong nhà hoặc “nhà nguyện nhỏ” có thể là một thách thức. Khả năng có một phòng dành riêng cho việc cầu nguyện là cực kỳ hiếm, có nghĩa là việc cầu nguyện thường diễn ra trong phòng ngủ hoặc phòng khách.
Những thách thức chính của việc cầu nguyện tại nhà là sự tập trung và bắt đầu cầu nguyện như thế nào. Thật không dễ dàng để cầu nguyện khi bạn ngồi xuống chiếc ghế dài và nhìn chằm chằm vào chiếc TV đã tắt hoặc nhìn loanh quanh, và thấy tất cả đồ chơi trẻ em nằm rải rác trên sàn nhà.
Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải dành một phần của ngôi nhà, của căn hộ hoặc phòng của bạn để cầu nguyện. Đây thường được gọi là “chỗ cầu nguyện.” Ngay cả Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo cũng khuyến nghị thực hành này:
“Để cầu nguyện riêng, có thể chọn một “chỗ cầu nguyện” trong nhà, có ảnh tượng và Sách Thánh; ở đó chúng ta “đóng cửa lại cầu nguyện cùng Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6). Trong các gia đình Kitô hữu, một chỗ cầu nguyện đơn sơ như thế rất thuận lợi cho việc cầu nguyện chung” (GLGHCG 2691)
“Chỗ cầu nguyện” của bạn về mặt vật chất có thể là một góc trong một trong các căn phòng của bạn, hoặc đơn giản là một nơi thoát khỏi sự hối hả và nhộn nhịp của ngôi nhà. Trên thực tế, các lựa chọn là vô tận và chỉ bị hạn chế bởi sự sáng tạo của chính bạn. Khi dự định dành một phần cụ thể trong ngôi nhà của bạn để cầu nguyện, hãy tìm cách kết hợp các mục sau:
Bàn thờ tại gia:
Nếu bạn có đủ không gian để dành một chiếc bàn phụ để cầu nguyện, thì việc biến nó thành “bàn thờ tại gia” sẽ rất hữu ích. Đó là một nơi mà bạn có thể đặt các vật dụng khác nhau, chẳng hạn như nến và một cuốn kinh thánh, để nhắc nhở bạn về bàn thờ ở nhà thờ. Thậm chí ích lợi hơn khi bạn dùng khăn phủ bàn và có thể thay đổi tùy theo màu của mùa phụng vụ hiện tại.
Tác phẩm nghệ thuật tôn giáo:
Một khía cạnh quan trọng trong góc cầu nguyện của bạn là có tác phẩm nghệ thuật tôn giáo để đưa bạn vào trạng thái cầu nguyện. Bạn nên sử dụng một hoặc hai tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, hoặc biểu tượng truyền cảm hứng cho bạn. Thông thường, người ta sẽ đặt hình ảnh nổi bật của Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm, và đặt hình ảnh các thánh ở hai bên để gây cảm hứng cho người ta sống đời sống thánh thiện.
Nến & Hương;
Tầm quan trọng của nến và hương trong cầu nguyện thường bị bỏ quên. Bằng cách đó, “mùi hương và ánh nến” của Thánh lễ có thể được mở rộng đến tận nhà và giúp nuôi dưỡng tinh thần cầu nguyện. Nến rất tốt trong việc giữ sự tập trung của một người và thường được kết hợp với suy niệm.
Khi lập kế hoạch cho “buổi cầu nguyện nhỏ” của bạn, điều quan trọng là phải cân nhắc kỹ lưỡng về điều đó. Hãy coi đó là cách mời Chúa vào nhà của bạn. Việc có “chỗ cầu nguyện” này là một khía cạnh phổ biến của các Giáo hội Công giáo Đông phương, và được gọi là “nơi chốn biểu tượng.”
Nếu bạn quan tâm đến những ý tưởng thiết thực hơn về cách sắp xếp thứ tự “buổi cầu nguyện nhỏ” của mình, bạn nên tìm một cuốn sách Kinh Hướng Dẫn Cầu Nguyện: hướng dẫn cho người mới bắt đầu cầu nguyện tại nhà. Đây là một nguồn tài liệu cần thiết cho những ai đang tìm kiếm sự chọn lựa một chỗ cầu nguyện.
“Nhà nguyện di động”
Bên cạnh việc cầu nguyện tại nhà, một cuộc chiến đấu lớn đối với nhiều người trong chúng ta là cầu nguyện khi đang đi trên đường. Điều này có thể là bạn đang làm việc trên tàu điện ngầm, trong văn phòng khách sạn, hoặc thậm chí tại nhà của người thân trong kỳ nghỉ. Chúng ta không thể đoán trước được những nơi này sẽ như thế nào và chúng ta không thể mong đợi sẽ có một “nhà nguyện nhỏ”, như chúng ta vừa nói đến ở trên, ở bất cứ nơi nào chúng ta đến.
Đó là lý do tại sao việc mang theo bên mình một “nhà nguyện lưu động” có thể giúp khơi dậy trong chúng ta một thái độ cầu nguyện là điều có ích. Kiểu nhà nguyện này có thể bao gồm một cây thánh giá đơn giản mà bạn mang theo trong túi hoặc một số các ảnh về Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các thánh mà bạn luôn để kèm theo trong sách cầu nguyện của mình.
Một ý tưởng khác khi nghĩ về “nhà nguyện di động” là:
“Nhà nguyện chung”
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, điều quan trọng là phải tận dụng các “nhà nguyện chung” khác nhau xung quanh chúng ta. Đây có thể là những nhà thờ hoặc nhà nguyện thờ phượng khác nhau mà chúng ta có thể dừng chân để cầu nguyện. Dù chúng ta cầu nguyện hầu hết là tại nhà, nhưng thành thật mà nói thì những nơi tốt nhất để cầu nguyện cho chúng ta là trong nhà thờ và nhà nguyện.
Lợi ích rõ ràng của “nhà nguyện chung” là sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Đó không phải là thứ chúng ta có thể có được tại nhà. Hiện nay các nhà nguyện có giờ Chầu Thánh Thể liên lỉ nằm rải rác nhiều nơi trên khắp đất nước, và là những thiên đường cầu nguyện tuyệt vời. Vấn đề là chúng ta có muốn ghé vào những nơi đó không?
Để bổ sung cho lời cầu nguyện của chúng ta ở nhà, bạn nên dành một giờ (hoặc nửa giờ) chầu thánh thể hàng tuần tại một nhà nguyện, hoặc đơn giản là tại một nhà thờ có mở cửa. Rất ít người có điều kiện làm việc này hàng ngày, vì vậy bạn nên dành thời gian để cầu nguyện tại một “buổi cầu nguyện chung” ít nhất một lần một tuần. Có lẽ những khoảnh khắc cầu nguyện mạnh mẽ nhất của chúng ta thường diễn ra trước Thánh Thể.
Tóm lại, tất cả chúng ta đều là con người và nơi chốn cầu nguyện ảnh hưởng đến cách thế chúng ta liên hệ với Thiên Chúa. Để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc cầu nguyện, chúng ta nên cân nhắc và thiết kế các địa điểm cầu nguyện trong nhà của mình, mang theo “nhà cầu nguyện di động” và đến những nơi cầu nguyện chung cộng đoàn thường xuyên bất cứ khi nào chúng ta có thể.
Đây chỉ là những mẹo đơn giản giúp loại bỏ một số trở ngại ban đầu trong việc chúng ta chuyện vãn với Chúa và lắng nghe những lời Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta.
Phêrô Phạm Văn Trung
dựa theo Aleteia.com