PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ HAI VỊ THÁNH CỦA LÒNG SÁM HỐI

Phêrô và Phaolô là hai khuôn mặt vĩ đại ở thượng nguồn niềm tin Công giáo, là hai cột trụ vững chắc nâng đỡ Giáo hội dọc dài thời gian, và là hai vị thánh “cả” trong mắt nhìn của mọi tín hữu. Nhưng chỉ tập trung vào những nét cao cả, người ta dễ nghĩ rằng các ngài ở quá xa trong thời gian, ở quá cao trong gương mẫu và có nguy cơ đặt các ngài ở bên lề Giáo hội, trong khi đời sống và ơn gọi của hai đấng lại rất gần với đời kẻ tin. 

Phêrô và Phaolô là hai vị thánh của lòng sám hối.

1. Các ngài đã trải qua kinh nghiệm tội lụy

Phêrô qua trang Tin mừng xuất hiện dưới bộ mặt dễ thương ở đỉnh cao tuyên tín đến nỗi đã được Chúa Giêsu khen tặng và tín nhiệm trao gởi chìa khóa Nước Trời.  Nhưng đời sống của ngài cũng có những vực thẳm vấn vương tội lỗi.  Chỉ sau phút tuyên xưng đức tin để đời, ngài đã bị Chúa Giêsu quở là “Satan hãy xéo đi” khi có ý ngăn cản Chúa Giêsu lên Giêrusalem thụ nạn.  Rồi khi đang ung dung bước trên ngọn sóng để đến với Chúa Giêsu thì vì yếu tin ngài đã bị ngập chìm.  Nhất là trong thảm kịch Thương khó của Đấng Cứu Thế, Phêrô đã xuất hiện trong một dáng dấp khó thương hơn mọi tông đồ khác.  Ngủ vùi trong vườn cây dầu lúc Chúa hấp hối, đó có phải là tội quên Chúa?  Rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế, đó có phải là tội không làm theo ý Chúa?  Sợ quá bỏ trốn nhìn Chúa bị bắt, đó có phải là tội xa Chúa?  Và chối Chúa 3 lần trước người đầy tớ gái là một điều mà truyền thống xem như phản bội Chúa.  Rõ ràng Phêrô là người đã biết đến kinh nghiệm sa ngã.

Phaolô cũng thế, trước khi là tông đồ nổi tiếng, ông đã là một người khét tiếng trong dư luận cộng đoàn tín hữu sơ khởi đến nỗi nghe đến tên ông mọi người phải chạy trốn như chạy tà.  Ông là kẻ bách hại đạo Công giáo trước bất cứ ai.  Thời trẻ ông săn lùng các tín hữu.  Thế giá ông đe dọa họ và bàn tay ông đã từng vấy máu thánh tử đạo tiên khởi.  Ông ghét đạo đã đành lại còn tự nguyện xin lệnh đi bắt đi ruồng đi bố ráp những người theo đạo nữa.  Quả thật Phaolô cũng là người trải qua kinh nghiệm tội lụy.

2. Các ngài đã quyết chí tìm về và hết mình sống cho sứ mạng được trao phó

Nhưng điều quan trọng không phải là kể tội các ngài cho đủ cho nhiều cho nặng, mà là khởi đi từ tình trạng tội lụy ấy, nhận ra một khi đã được Chúa đánh động, các ngài đã quyết chí tìm về và hết mình sống cho sứ mạng được trao phó.

Phêrô sau biến cố Phục sinh dường như đã là một Phêrô khác hẳn.  Được biến đổi.  Nên mới, nên mạnh, nên lành, nên sạch, nên đẹp, nên tốt hơn làm điều kiện cần thiết để nên thánh hơn.  Ông đã thể hiện vai trò tông đồ trưởng với một độ cao của tinh thần trách nhiệm và đã chu toàn sứ mạng thủ lãnh Giáo hội Công giáo với nét đẹp của dạ can trường.  Để rồi cuối cùng chịu án đóng đinh tại Rôma làm sáng lên hình ảnh của một niềm tin bất khuất vào Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống.  Nhờ sám hối Phêrô đã nên thánh.

Còn Phaolô thì sau biến cố xảy ra trên đường Damas, ông không còn giữ lại điều gì cũ nữa, mà tất cả đã được biến đổi.  Nếu trước đây lòng nhiệt thành và ngu dốt về đạo đã trở thành phá hoại và gây khó khăn không ít cho Giáo hội thì sau này chính lòng nhiệt thành ấy với ơn thánh và tìm hiểu, Phaolô đã trở nên mẫu người không ai theo kịp về việc xây dựng Giáo hội.  Nhiệt thành yêu Chúa, nhiệt thành yêu mến Tin mừng và nhiệt thành đến ngổ ngáo trong việc truyền giáo.  Tung hoành ngang dọc trên những cánh đồng dân ngoại để mỗi ngày đem về cho Chúa các tâm hồn.  Cuối cùng, cũng tại Rôma, Phaolô đã bị xử trảm để mãi còn âm vang tiếng nói của một lòng nhiệt thành đến sẵn sàng dâng hiến mạng sống vì Tin mừng.  Nhờ sám hối Phaolô cũng đã nên thánh.

3. Các ngài đã kêu gọi sám hối

Nghiêng mình trước hai vị thánh đáng kính, người tín hữu bỗng hiểu ra rằng: cái cao cả hai đấng có được hôm nay không phải là điều tất nhiên, nhưng đã được đánh đổi bằng cả cuộc sống sám hối không ngừng: từ bỏ cái cũ và xây dựng cái mới.  Nếu trong thư, Phêrô có lần viết “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng nhưng ban ơn cho người khiêm nhu”, thì đó là vì ông đã từng kinh nghiệm trong vai trò của nhà lãnh đạo sám hối tự nhìn vào mình, và chắc chắn đó là rút ruột tâm sự của một đời cầm chìa khóa Nước Trời, luôn tỉnh táo vật lộn với chính mình để vươn lên trong ơn thánh của Chúa.  Và nếu trong thư, Phaolô đã nhiều lần kêu gọi “hãy giũ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới” thì đó chẳng phải là lời khuyến thiện bờ môi chót lưỡi, nhưng chính là khởi đi từ một chuyện lòng rất riêng của một con người đã kinh qua chặng đường sám hối đi từ cái cũ kỹ tội lỗi để bước sang cái mới mẻ trẻ trung tuyệt vời.

Thì ra cái cao cả là cái phải trả giá bằng dò tìm trong sám hối, là cái phải khổ công trong thắng vượt mà vươn lên, là cái phải kiểm tra xây dựng chỉnh đốn không ngừng.  Không biết có nên phát biểu rằng: Hôm nay Phêrô và Phaolô cao cả bao nhiêu là vì hôm qua đã sám hối bấy nhiêu.  Giống như những ngôi nhà cao tầng đứng vững là vì móng đã được chôn sâu và những tòa nhà chọc trời không nghiêng ngả ắt là vì móng phải sâu nền phải rộng…

Tạ ơn Chúa đã không gọi những vị thánh trong sạch hoàn toàn để đứng đầu Giáo hội.  Tạ ơn Chúa đã không gọi những vị thánh chưa kinh nghiệm tội lỗi để rao giảng Tin mừng mà đã gọi Phêrô và Phaolô, hai vị thánh của lòng sám hối để hôm nay nên hai thánh “cả” tuyệt vời.

4. Các ngài mãi gần gũi với đời kẻ tin:

Ý nghĩ ấy, những tâm tình ấy đã nên nguồn cổ vũ đời sống tín hữu:

–  Để thêm tin tưởng: Tại sao tôi phạm tội hoài?  Tại sao trong Giáo hội vẫn đầy dẫy những tội nhân? – Bởi vì bản chất Giáo hội là thánh, nhưng trong cuộc lữ hành vẫn cưu mang trong lòng mình những tội nhân.  Điều quan trọng là biết sám hối tìm về vươn lên.  “Không vị thánh nào mà không có dĩ vãng, nên chẳng tội nhân nào mà chẳng có tương lai.”

–  Để thêm hy vọng: Tội lỗi quá làm sao nên thánh?  Đừng lo.  Bằng dạn dày kinh nghiệm, Phêrô và Phaolô sám hối đã “đầu xuôi” để ta hôm nay nếu biết sám hối cũng “đuôi lọt” và nhờ lời chuyển cầu của hai vị cột trụ Hội thánh, ta thêm chí bền mà thắng lướt.  “Không phải vì mạnh mẽ mà người ta trỗi dậy, nhưng vì biết trỗi dậy người ta trở nên mạnh mẽ.”

–  Để thêm yêu mến: Phêrô và Phaolô hai gương mặt cao cả, nhưng không ở cao ở xa ở ngoài để lạnh lùng nhìn vào đời sống tín hữu.  Trái lại mãi mãi các ngài vẫn ở trong Giáo hội để ân cần gần gũi với mọi tâm hồn.

Phêrô với chìa khóa miệt mài đóng lại những quá khứ tội lỗi để mở ra tương lai ân sủng cho những ai chân thành muốn biến đổi đời mình trong niềm tin đạo giáo, và Phaolô với thanh gươm khai phá không ngừng khai quang tâm hồn cho kẻ thiện chí đón nhận Phúc âm cứu rỗi.

GM. Giuse Vũ Duy Thống