Ông có phải là vua không? Đó là câu hỏi Philatô đặt ra cho Chúa Giêsu trong một phiên toà xét xử. Ông là Tổng Trấn đại diện cho chính quyền Rôma. Trong vụ việc này, ông là Thẩm phán và Chúa Giêsu là “bị can.” Câu trả lời không dễ. Nếu Đức Giêsu không phải là vua, thì Người cũng chỉ như mọi vĩ nhân đã từng hiện hữu trong lịch sử và đã qua đi. Nếu còn lại thì chỉ là những giáo huấn như di sản cho hậu thế. Nhưng, nếu Người là Vua thì sao? Chấp nhận Người là Vua sẽ làm đảo lộn cả thế giới. Tuyên xưng Người là Vua sẽ làm cho lòng người day dứt khôn nguôi. Bởi lẽ vị Vua ấy sẽ xét xử mỗi người chúng ta, không chỉ vào lúc tận cùng của thời gian, nhưng mỗi giây mỗi phút của cuộc đời.
Để trả lời câu hỏi này của Philatô, Chúa lại đặt một câu hỏi khác: Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi? Trong các Tin Mừng, ta thấy có những lần Chúa áp dụng hình thức này. Người không khẳng định mà cũng không phủ nhận nội dung câu hỏi được nêu ra, nhưng Người đáp lại bằng một câu hỏi khác. Khi một chàng thanh niên hỏi Chúa: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được cuộc sống đời đời làm gia nghiệp, Chúa hỏi lại: Sao anh gọi tôi là nhân lành. Khi Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? (Lc 12, 41- 42). Phải chăng Chúa thấy rõ Philatô không thể hiểu đúng chức vị vua của Người, nên Người chỉ tỏ cho ông ta thấy sứ mạng của Người hơn là danh tính hay chức vị. Chúa đã giải thích: Người đến từ thế giới trên cao. Người không làm vua theo nghĩa trần tục, nhưng Người là Vua Chân lý. Điều này, Philatô không thể hiểu. Ông đặt một câu hỏi khác có vẻ không đúng lúc: Chân lý là gì? Vì vậy mà Chúa im lặng không trả lời. Chân lý không thể tóm gọn trong một câu định nghĩa. Chân lý chỉ được đón nhận với một con tim rộng mở và với một tấm lòng hướng thiện chân thành, để rồi, mọi ngôn hành của con người đều nhằm sống theo Chân lý mà mình khám phá và tôn nhận. Sống theo Chân lý tức là nỗ lực cố gắng suốt cả cuộc đời.
Ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, người tín hữu cùng với Giáo hội tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu thế, Đấng Giải phóng và là Vua. Chúa là Vua không theo cách hiểu của người đời. Vương quốc của Người là vương quốc vĩnh cửu. Vương quốc ấy không giới hạn bằng ranh giới biên cương, nhưng tất cả những ai sống theo Sự thật thì là công dân của vương quốc này. Luật của vương quốc này chỉ vỏn vẹn hai chữ: Yêu Thương, vì khi yêu thương thì đã chu toàn lề luật (Rm 13,10).
Khi nhắc lại câu hỏi của Philatô: Ông có phải là vua không? Người tín hữu khẳng định niềm xác tín của mình và tuyên xưng Người là Vua vũ trụ. Một khi tôn vinh Người là Vua, thì Bí tích Thanh tẩy đã làm cho người tín hữu trở thành công dân của vương quốc có Chúa Giêsu cai trị. Người công dân có bổn phận phải lắng nghe và tuân giữ những chỉ thị của vua mình, hầu kiến tạo sự hoà bình và làm cho vương quốc ấy thăng tiến.
Chúa Giêsu đến trần gian để loan báo Nước Trời: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người cũng dạy chúng ta cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến.” Vương quốc của Đức Giêsu đã được khai mở ở trần gian này rồi, nhưng vẫn chưa được thành toàn. Sự thành toàn của vương quốc Thiên Chúa sẽ được thực hiện trong tương lai, lúc ấy, Con Người sẽ từ mây trời ngự đến, thống trị vinh quang mãi mãi (Bài đọc I). Tác giả sách Khải Huyền (Bài đọc II) nhắc chúng ta: chính Chúa Giêsu, vị Chứng Nhân trung thành, sẽ đến trong vinh quang vào ngày tận thế để xét xử con người. Như thế, hình ảnh “Con Người” mà ngôn sứ Đanien đã được chiêm ngưỡng, đã được các Kitô hữu từ thuở ban đầu áp dụng cho Chúa Giêsu. Người là Vua vũ trụ và là Đấng thống trị lòng người bằng tình yêu.
“Ông có phải là Vua không?” Nhân loại hôm nay đang đặt ra câu hỏi ấy. Là Kitô hữu, chúng ta hãy trả lời và khẳng định: Phải, Chúa là Vua. Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được Chúa Cha ban cho Người. Người vẫn đang hiện diện giữa chúng ta để yêu thương và dẫn dắt chúng ta trên mỗi bước đường của cuộc sống, nhờ đó mà chúng ta vững một niềm tin, sẽ đạt tới bến bờ của hạnh phúc.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên