LÁ THƯ NGỎ GỬI BÀ GÓA NGHÈO

Bà Đại Tâm kính mến!

Tôi là dân Galilê về thủ đô dự lễ.  Tình cờ tôi thấy Thầy Giêsu ca tụng tấm lòng to lớn của bà.  Vì thế tôi mạn phép đặt tên cho bà là Đại Tâm.  Bà hiểu tôi rồi chứ.  Bây giờ xin mời bà nghe tôi kể chuyện.

Ở ngoài Bắc, dân chúng say mê thầy Giêsu như một siêu sao.  Người đi đến đâu, thì dân đeo theo tới đó.  Người ta chen lấn nhau, để được Người đặt tay trị bệnh.  Lắm lúc Người không còn thời giờ ăn uống và nghỉ ngơi.  Có khi vừa ăn vừa giảng.  Giảng mải mê đến mức độ ổ bánh mì cầm ở tay, mà lâu lắm mới cắn được một miếng.  Khi nào đuối sức quá, thì Người phải trốn sang bên kia sông Giođan, hoặc lên tận miền cực Đông Bắc, vùng núi Hermon để nghỉ ngơi đôi chút.

Vừa về tới thủ đô, tôi vội vã đi tìm Thầy Giêsu.  Tìm mãi chả thấy.  Bỗng thấy Người ngồi trên bậc thềm.  Rất đăm chiêu.  Thấy người nghiêm nghị quá, tôi không dám lại gần, chỉ đứng xa xa mà chiêm ngưỡng.  Người quan sát thiện nam tín nữ bỏ tiền vào thùng công đức.  Dường như Ngài hiểu hết tâm tư của người dâng tiền.

Có những người Do Thái kiều từ nước ngoài trở về.  Quanh năm họ sống trên mảnh đất của người ngoại.  Hằng ngày họ giao tế với người không cắt bì.  Họ giàu lắm, nhưng lương tâm họ không lúc nào mà không cắn rứt.  Họ mang mặc cảm tội lỗi đầy mình.  Hôm nay về quê hương, họ bỏ tiền vào thùng công đức thật nhiều, vừa có ý đền tội, vừa có ý khoe: khoe đạo đức; khoe giàu sang.  Thầy Giêsu nhìn họ bằng nét mặt vô tư.

Có những bà mệnh phụ giàu sang: vòng vàng đeo rủng rỉnh; lại có vài cô hầu đi theo.  Họ đứng bên thùng tiền, nói chuyện với nhau thật rôm rả, moi tiền trong bóp ra một cách chậm rãi, bỏ tiền vào thùng một cách trang trọng và nhiều lần.  Khách bàng quan nhìn họ bằng cặp mắt thèm thuồng và kính trọng.  Nét mặt của Thầy Giêsu cứ vô tư.

Có những chàng thanh niên tay này cầm ổ bánh mì, miệng nhai nhóp nhép; tay kia cầm đồng tiền bỏ vội vào thùng, rồi quay ngoắt một cái.  Vừa chạy đi vừa cười toe toét, y như một trò chơi vô duyên.  Không ai nói gì, vì đấy là chuyện bình thường.  Thầy Giêsu cúi đầu, cắn môi tỏ vẻ buồn phiền.

Có một ông trung niên, khăn áo chỉnh tề, dõng dạc đi tới trước thùng tiền.  Mọi người lui ra để nhường chỗ.  Ông moi từ hầu bao ra bảy đồng tiền bóng láng, xếp một hàng ngay ngắn trên mặt thùng, rồi nhón từng đồng, nhẹ nhàng bỏ vào thùng.  Bỏ xong đồng tiền thứ bảy, ông dang tay cầu nguyện một lúc lâu, rồi trang trọng lui gót.  Mọi người cúi đầu chào.  Ông mỉm cười, giơ tay vẫy chào.  Thầy Giêsu xòe hai bàn tay bưng vội lấy mặt.  Dường như Ngài thổn thức…

Có một người đàn bà rụt rè đi tới.  Khăn áo lùng bùng, cũ kỹ, nhưng không tồi tàn.  Bà cầm giữa hai ngón tay một đồng xu mỏng dính, nhét vào kẽ thùng công đức, rồi thẹn thùng rút lui.  Thầy Giêsu đứng bật dậy, tập trung lập tức mười hai đệ tử đang đứng xớ rớ xung quanh đó.  Người dang tay chỉ về phía người đàn bà đang lủi vào đám đông, phấn khởi tuyên bố: “Đó là người dâng cúng nhiều nhất.  Người giàu có bỏ vào thùng nhiều tiền lắm, nhưng dù nhiều thì cũng chỉ là tiền lẻ trong sinh hoạt của gia đình thôi.  Còn bà góa ấy tuy chỉ bỏ vào thùng một đồng xu thôi, nhưng đồng xu ấy là tất cả những giọt mồ hôi của một ngày tất bật lao động, là nồi cơm mỏi mắt trông chờ của một gia đình.”

Mười hai đệ tử kiễng chân và rướn người để tìm người đàn bà ấy.  Còn tôi thì ba chân bốn cẳng, rượt theo người đàn bà ấy.  Người đàn bà ấy chính là bà đấy…

Tôi lặng lẽ và lẽo đẽo theo bà cho tới tận xóm ổ chuột.  Bà chui vào căn chòi tồi tàn.  Còn tôi thì đi từ đầu đến cuối xóm.  Nhà nào tôi cũng vào, để điều tra lý lịch của bà.  Tôi phải hiểu thật nhiều về bà, để hiểu thật nhiều về Thầy Giêsu của tôi.

Bà Đại Tâm kính mến!

Bây giờ bà đang lúi húi bên bếp lửa, trong cái chòi tồi tàn ở xóm ổ chuột.  Còn tôi thì đang ngồi xếp bằng trên giường nệm của một nhà trọ.  Tôi không muốn ăn, vì không thấy đói.  Tôi không muốn ngủ, vì lòng trí tôi không chịu ngưng đọng.  Tôi muốn nghĩ thật nhiều: nghĩ về Thầy Giêsu trong bối cảnh đại lễ tại thủ đô; nghĩ về bà, một người “Bần cư trung thị, vô nhân vấn” (người nghèo ở giữa chợ, chẳng ai thèm hỏi), thế mà lại được sư phụ Giêsu tôn vinh như một hoa hậu, như một siêu sao.

Ở ngoài Bắc dân chúng đeo theo Thầy Giêsu trùng trùng điệp điệp.  Thế mà hôm nay về thủ đô tôi thấy Ngài ngồi thơ thẩn một mình.  Ngài rảnh rỗi đến độ ngồi xem người ta bỏ tiền vào thùng.  Quần chúng đi lại nườm nượp, đi qua ngay trước mặt Ngài, mà cứ phớt lờ như không biết.  Tức quá, tôi mở ngay một cuộc điều tra.  Ra ngoài phố, gặp ai tôi cũng hỏi.  Hỏi từ ông kinh sư, đi đứng đàng hoàng như ông thiên triều, cho tới người hành khất ngồi co ro, dúm dó như con khỉ già sắp chết.  Chừng đó tôi mới hiểu.

Sau sự cố Thầy Giêsu cho ông Ladarô chui ra từ hầm mộ, nơi ông được an táng đã bốn ngày, thì uy tín của Thầy bao trùm trên mọi tâm tư của toàn thể dân cư ở thủ đô Giêrusalem.  Uy tín của Ngài lên cao bao nhiêu, thì uy quyền của thượng tế Caipha và Công nghị xuống thấp bấy nhiêu.  Bị dồn vào chân tường, Caipha ra vạ tuyệt thông cho bất cứ ai tin theo Thầy Giêsu.  Bị vạ tuyệt thông đồng nghĩa với bị truất quyền tín đồ và công dân Do Thái.  Một nỗi sợ bao trùm.  Mọi lương tâm áy náy.  Thương Thầy Giêsu quá, nhưng lại sợ vạ tuyệt thông quá thể.  Đành cắn răng, cúi mặt làm thinh.

Thầy Giêsu cô đơn giữa một rừng người hâm mộ.  Chuyện ngược đời.  Nhưng đời là thế và vẫn thế.  Tức quá, tôi đi tìm Thầy Giêsu và phỏng vấn Ngài.  Ngài không buồn không tủi, trả lời một cách bình thản: “Chúa Cha đã an bài hết rồi.  Tôi sẽ bị bắt, bị hành hạ, bị giết.  Nhưng ngày thứ ba tôi sẽ sống lại.”  Tôi nghe Thầy tâm sự mà như vịt nghe sấm.  Không dám hỏi, vì không muốn tỏ ra là mình dốt.  Tôi để đấy, để ngẫm nghĩ từ từ.  Sau chừng mười giây im lặng, tôi chuyển đề tài phỏng vấn sang hướng khác.

Tôi hỏi: “Tại sao một người đàn bà nghèo mạt chỉ bỏ vào thùng công đức một đồng xu quèn, mà Thầy hứng chí và ca tụng rùm beng làm chi vậy?”  Thầy âu yếm nhìn tôi và tâm sự rất lâu.  Giọng nói ôn tồn và ánh mắt trìu mến của Thầy làm tôi xúc động đến ứa lệ.

Bây giờ tôi mới biết Thầy yêu người nghèo da diết.  Thầy sống nghèo như người nghèo và với người nghèo để chia sẻ kiếp sống lầm than của họ.  Thầy tự đồng hóa với họ để dạy loài người một bài học: yêu người nghèo là yêu Chúa, khinh dể người nghèo là xúc phạm đến Chúa.  Ngài quyết tâm nâng đạo yêu người lên ngang tầm với đạo yêu Chúa.  Ngài kể lại cho tôi nghe dụ ngôn “Ngày thẩm phán cuối cùng.”

Con Người ngự trên ngai phán với người lương thiện rằng: “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc…”  Mọi người lương thiện đều trợn mắt lên tỏ vẻ bỡ ngỡ cực kỳ: “Chúa ơi, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, thấy Chúa khát mà cho uống đâu…”  Đức Vua từ trên ngai vui sướng dang tay, niềm nở giải thích ngay tức thời: “Ta bảo thật: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, thì là làm cho chính Ta.”  Người lành kéo nhau vào thiên đàng vừa đi vừa bỡ ngỡ nhìn nhau.

Sau đó Đức Vua dòm sang bên trái, gay gắt phán với bọn ác nhân rằng: “Hỡi quân bị nguyền rủa, hãy cút đi mà vào lò lửa đời đời dành sẵn cho Ác Quỷ.  Ngày xưa Ta đói mà không cho ăn; Ta khát mà không cho uống…” Hàng ngàn cánh tay vung lên phản đối ầm ĩ: “Chúng tôi có thấy Chúa bao giờ đâu mà Chúa bảo chúng tôi không cho Chúa ăn, không cho Chúa uống…?” Chúa nghiêm nghị trả lời: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những kẻ nhỏ nhất đây, thì là đã không làm cho Ta…”  Bọn ác nhân khóc òa lên một cách tuyệt vọng.

Bà Đại Tâm ơi, sau khi Thầy Giêsu ngỏ bày hết nỗi lòng của Ngài đối với người nghèo, Ngài xúc động nhắc đến bà, quý mến bà như cục vàng trong hũ, như ngàn hoa trên rừng Xuân.  Chỉ vì cái tấm lòng của bà: cao quý quá, chân thành quá.  Đối với Thầy Giêsu, cái tâm ấy là tuyệt vời.  Cái tâm ấy mà ẩn chứa trong thân phận nghèo khổ như bà, thì là trên tuyệt vời.

Bà Đại Tâm ơi! Mừng cho bà!

Lm Piô Ngô Phúc Hậu