Là người Việt Nam, hầu như ai cũng biết, hoặc được nghe kể lại về nạn đói năm Ất Dậu 1945. Đây là một vết thương lớn không phai trong lòng người dân Việt. Một khi cơn đói cồn cào, họ tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể ăn được dù đó là những củ chuối ngoài đồng, hay các lá non của cây cỏ, thậm chí ngay cả đến những con rắn mối, thằn lằn họ cũng bắt và cho vào miệng ăn không chút đắn đo. Nhưng cuối cùng những con người xấu số ấy cũng bị tử thần cướp đi vì đói.
Ngày nay, chuyện chết đói nào đâu đã hết, các nước nghèo trên thế giới vẫn còn thảm cảnh này xẩy ra. Chúng ta hãy xét đến sự tương trợ nhau phát sinh từ tình yêu nhân loại. Tuy cũng có viện trợ và giúp đỡ nhưng vẫn chưa bù đủ vào con số đói nghèo trên thế giới.
Trong lãnh vực niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa, hôm nay lễ Mình và Máu Thánh Chúa. Đây chính là lương thực thần linh nuôi sống linh hồn tín hữu chúng ta. Trong tiếng La Tinh “Corpus Christi” nghĩa là “Thân Thể Chúa Kitô.” Chúng ta cùng nhau tìm hiểu tình yêu trao ban của Ngài đối với nhân loại chúng ta.
1. Bánh nuôi nhân loại
Trong bài đọc một, sách Đệ nhị luật đã trình thuật việc dân Do Thái được Thiên Chúa Giavê bảo vệ và dẫn đưa ra khỏi đất Ai Cập, thoát khỏi hoang địa và nọc rắn độc. Thiên Chúa đã khiến nước từ tảng đá vọt chảy ra và cho Manna nuôi dân sống để tiến về đất hứa. Còn trong Tin Mừng chúng ta cũng thấy những phép lạ được nhân lên qua bánh và cá. Với năm chiếc bánh và hai con cá đã trở thành lương thực nuôi được 5000 người, sau đó thu lại còn dư những 12 thúng vụn. Riêng bài Phúc Âm hôm nay Chúa không còn dùng hình bóng hay úp mở gì nữa mà Người đã xác định với dân của Ngài: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời, và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống.”
Quá hiển nhiên và rõ ràng. Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đã trở nên lương thực cho linh hồn ta ăn. Con Chiên vượt qua lại càng rõ và tiêu biểu hơn. Hình ảnh này được yêu chuộng đến độ chính Chúa Giêsu cũng được xưng tụng là: “Chiên Thiên Chúa.”
Đọc Tin mừng, cả ba tác giả của Phúc Âm nhất lãm đều đề cập đến bữa tiệc ly. Chính trong bữa ăn tối này Bí tích Thánh Thể được thiết lập, và một lễ vượt qua cũ được chuyển đổi sang lễ vượt qua mới. Biến cố làm nên nhiệm tích Thánh Thể chính là cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Qua tình yêu này chúng ta thấy Thánh Thể ban cho chúng ta ví như một tuyệt tác và tặng ân của Ba Ngôi Thiên Chúa, toàn thể Ba ngôi đều cộng tác vào việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể: Ngôi Con tự hiến, Ngôi Cha đón nhận hiến lễ, và nhờ Ngôi Thánh Thần Ngôi Con hiến tế cho Ngôi Cha.
2. Thông hiệp với Mình và Máu Chúa Kitô
Theo tự nhiên, khi chúng ta ăn thực phẩm, dạ dày sẽ bóp, nghiền và biến thành chất bổ để châu lưu nuôi sống con người. Khi chúng ta rước lễ, chúng ta cũng được thông hiệp với mình và máu Chúa Kitô. Thánh Phao lô đã viết: “Chén chúc tụng Ta cầm lên tạ ơn không phải là thông phần Máu Chúa Kitô sao? Và bánh Ta bẻ ra không phải là thông phần Mình Chúa Kitô sao?” (1 Cr. 10,16). Mỗi lần hiệp lễ linh hồn và con tim chúng ta trở nên cung điện của Chúa Ba Ngôi cực thánh, và khi Thiên Chúa đến, thì toàn thể thiên đàng cũng hộ giá và đến với chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa chiếm trọn tâm hồn và chúng ta bước vào sự thông hiệp nhiệm mầu, xác thực, sâu xa với cả Ba Ngôi.
Hơn nữa, chúng ta cũng có thể thấy rõ rằng: khi hiệp lễ, chúng ta mở cửa tâm hồn ra đón nhận Chúa Giêsu ngự vào. Ngài là vị thượng khách của linh hồn ta. Chúng ta cũng nhận ra khi thân xác đói khát sẽ trở nên thờ thẫn và yếu đuối, nhưng khi đã no nê thì trở nên nhanh nhẹn và tỉnh táo. Linh hồn một khi được no thỏa bởi Mình và Máu Thánh Chúa cũng vậy. Khi ấy, căn nhà tăm tối sẽ trở nên sáng láng, căn phòng lạnh lẽo sẽ trở nên ấm áp. Sự đói khát tình yêu sẽ bù đắp vào thay thế một hạnh phúc đầy tràn dư dật. Lúc ấy, hết thảy những ai lãnh nhận từ tình yêu cách chân thật, thì họ cũng ban phát tình yêu ấy một cách tràn đầy. Thánh Thể Chúa là lò sưởi ân tình. Chúa phán: “Hết thảy những ai đến với Ta, họ sẽ không còn đói khát.” Sở dĩ Chúa xác định cách cụ thể như vậy vì chính lúc đó họ đã hoà nhập với Đấng Toàn Yêu của họ, và cũng từ nơi ấy, họ học được Tình Yêu từ Thầy Chí Thánh của họ: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”
3. Cảm nhận của Tình Yêu
Trong lời nói chậm rãi và trịnh trọng, tựa như một di chúc vọng ra sự truyền khiến, căn dặn tràn ngập ân tình: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Chúng ta có nhận ra đây là một kho tàng, gia tài vô giá mà Thiên Chúa đã để lại qua “Di chúc” của Ngài. Thử hỏi xem có người con hiếu thảo nào lại không thi hành di chúc của cha mẹ? Xét về lãnh vực thiêng liêng đây là kho báu Đức Giêsu Kitô để lại cho nhân loại. Kho tàng tình yêu không bao giờ tàn phai hay hủy hoại. Kho tàng Thánh Thể Chúa Kitô. Cảm nhận tình yêu của Chúa đối với chúng ta, thì chúng ta cũng có sự đáp lại ân tình ấy. Thánh Thể Chúa đợi mong ta từng giây phút, ao ước ta no thoả Ngài trong mọi phút giây. Ngài là Tình Yêu, mà đặc tính của tình yêu là trao tặng, cho đi. Đáp trả ân tình, chúng ta hãy đến với Thánh Thể bằng sự chiêm niệm với tâm tình người con hiếu thảo. Thánh Thể và Chiêm niệm là hai con đường dẫn linh hồn người tín hữu đến tận hưởng Thiên Chúa, làm cho linh hồn kết hợp mật thiết với Chúa cách hạnh phúc và no thoả. Tuy nhiên Thánh Thể mang tính khách thể, còn Chiêm niệm thiên về niệm hướng. Tuy có phần khác biệt hay độc lập nhau chút ít thế nhưng cốt lõi vẫn là một trao đổi tình yêu. Bảo rằng tôi kính thờ Thánh Thể nhưng không bao giờ hướng lòng chiêm ngưỡng thì sao gọi được là đầy tràn tình yêu? Thủy triều càng dâng cao thì những vẩn đục của giòng sông sẽ loãng lỏng dần rồi trở nên trong sạch hoàn toàn. Do đó tính phủ bọc và tha thứ của Thánh Thể tình yêu cũng luôn biến đổi chúng ta như thế. Miễn là chúng ta biết đáp trả lại tiếng gọi “Ta khát” liên tục phát ra trong nhà tạm hằng giây, hằng phút. Tiếc thay! Ngày nay cũng như ngày xưa, sự thờ ơ, lãnh đạm của tâm dạ con người thường hay đổi thay như chong chóng. Vào thời Chúa Giêsu, dân chúng cũng đã tung hô Ngài, nhưng sau đó lại hô to tiếng: “Đóng đinh nó vào thập giá.” Thì ngày nay trong các nhà tạm trên thế giới, Chúa Giêsu Thánh Thể cũng vẫn luôn cô đơn và chờ đợi. Phải, Ngài chẳng cô đơn sao được khi chính những con cái Ngài thương yêu hết mực lại quay đầu chống lại Chúa. Một Giuđa đã chứng minh cho nhân loại nhận ra sự bội phản không một chút thể hiện sám hối. Hơn nữa, những linh hồn sống trong tội lỗi vẫn chưa trở lại giao hòa với Chúa, họ tiếp tục sống trong tình trạng chết phần linh hồn. Những thái độ này là nguyên nhân làm cho Thánh Thể Chúa tiếp tục “khát.” Vậy hỡi nhân loại! Hãy mau thay đổi và hoán cải, và tức tốc an ủi Chúa đang ngày đêm cô đơn, giam cầm trong nhà tạm vì thiếu sự đáp trả tình yêu của loài người.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con ao ước và quyết tâm sống kết hợp mật thiết với Chúa, con luôn cố sống trong sạch để linh hồn con trở thành nhà tạm và đền thờ chứa Chúa Thánh Thể. Con tin Thánh Thể Chúa chính là Con Đức Chúa Cha xuống thế làm người đã giáng sinh ở Belem vào đêm đông giá lạnh. Con tin Tấm Bánh thần linh ngự trong các nhà tạm thánh chính là Đấng đã chết treo trên thập giá trên đồi Golgotha để qua cái chết, Chúa hủy diệt tội lỗi. Con vững tin hơn cả qua sự phục sinh của Chúa để hủy diệt sự chết. Tất cả là tình yêu, tất cả vì sự cứu độ trần gian.
Lạy Mẹ Maria, bằng tiếng Xin Vâng, Cung lòng Mẹ đã trở nên nhà tạm để Chúa Giêsu cư ngụ. Xin Mẹ cầu cho chúng con luôn biết trang điểm nhà tạm linh hồn mình bằng những quà tặng của đức bác ái để xứng đáng cho Chúa Giêsu con của Mẹ mãi mãi hiện diện trong tâm hồn con.
Br. Nguyễn Kim Thanh