HÃY SỐNG NHƯ SẼ CHẾT

Một học sinh miệt mài học tập, sau những năm dài chăm chỉ, hy vọng sẽ nắm trong tay mảnh bằng cấp, nhờ đó có thể vun đắp cho tương lai đời mình.  Tương tự, người lao động muốn làm việc thành thạo, phải có một thời gian gắn bó với việc mình làm, biết đâu nhờ đó tương lai rạng sáng hơn…  Như vậy, sau những năm dài học tập hay làm việc đều là một quá trình.  Để làm thành quá trình, đòi phải có thời gian…

Cùng là một quá trình, đời người là sự góp nhặt thời gian.  Để làm thành một cuộc đời, ai cũng phải một lần có mặt trong thời gian.  Thời gian là cánh cửa mở rộng với cuộc đời của người này, nhưng cũng có thể khép chặt nơi cuộc đời của người khác.  Vì có những cuộc đời dài đến trăm năm, nhưng không ít mảnh đời chỉ mới thành thai trong lòng dạ một ai đó đã vội tắt.  Dẫu thời gian có một chiều dài hay chỉ là khoảng ngắn, đủ để ta gọi đó là cuộc đời.  Cuộc đời là một quá trình dài ngắn khác nhau, cũng giống như học tập hay làm việc đòi cả một quá trình.

Giống nhau đến vậy.  Nhưng lại không giống chút nào với quá trình học tập, làm việc của một học sinh hay một người lao động.  Rất khác, khác xa, khác đến nỗi không thể so sánh!  Sao giống rồi khác?  Chẳng phải mâu thuẫn lắm sao?

Một quá trình học tập, làm việc của một người, đưa tới niềm hy vọng và tương lai sáng sủa phía trước.  Nhưng cái đích cuối cùng mà mỗi cuộc đời phải chạm tới không bao giờ là tương lai sáng sủa, ngược lại, rất oan nghiệt, vì đó là cái chết.  Chết là kết thúc của một hành trình sống.  Chết là không bao giờ hiện diện nữa, là mất hút, là thối rữa, hoặc chỉ còn một chút tro tàn.  Nói cho cùng: Nếu chỉ nhìn trên bình diện thể xác và vật chất, con người chẳng khác một con vật: sống để rồi chết; chết để rồi tàn phai.

Nói như thế, có thể bị coi là bi quan.  Nhưng đó là sự thật.  Vì chân lý cuối cùng trong cuộc đời mỗi người sẽ quy về một sự thật hiển nhiên Là: Có sống, sẽ có chết!  Bạn và tôi đều đặn nhịp bước trong cuộc đời, vẫn cần những khoảnh khắc dừng chân nhìn thẳng vào sự thật bị coi là bi quan ấy để nhận ra mình, nhận ra lẽ sống mà mình đang chọn, cách sống mà mình đang thực hiện.  Nếu cần, điều chỉnh cho phù hợp.

Thật ra, sống hay chết chẳng bi quan với hết mọi người.  Chỉ những ai thiếu đức tin, không tin, nếu có lúc bất chợt suy tư, trước mặt họ đúng là đáng sợ, bi quan, là cả một bầu trời vô định và đen tối, một khoảng không vô tận không biết lấy gì lấp đầy.

Nhưng với người có đức tin, lẽ sống họ chọn sống là chính đức tin, sẽ cung cấp cho họ lối sống phù hợp với đức tin.  Đức tin ấy nung đốt trong lòng họ niềm mến yêu con người, mến yêu cuộc đời.  Chính vì lẽ sống đức tin, niềm mến yêu ấy, họ sống vị tha, khoan dung, biết khước từ sự sang trọng giả tạo, khước từ đam mê sở hữu, đam mê vật chất một cách tha hóa, biến chất đến độ mất lương tri, chẳng còn nhân phẩm…

Bởi đó, nếu thời gian là thước đo những tháng năm dài học tập, làm việc của người học trò hoặc của người lao động, thì thời gian cũng sẽ là cán cân đong đếm cuộc đời mỗi người.  Chiếc cán cân ấy khắc ghi từng con số.  Nếu bạn là người có đức tin, hãy sử dụng cuộc đời mình để khi thời gian càng dài, cán cân thời gian đo cuộc đời càng thêm những chỉ số của sự cộng tác với ơn Chúa, lòng đạo đức, sự thánh thiện, chứ không phải khắc thêm chỉ số của bần tiện, gian dối, giả trá, tội lỗi…

Nếu nói nghĩ về cuối hành trình của cuộc đời mỗi người để nhận ra cái chết đang chờ đón là bi quan, thì hôm nay, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi hãy nhìn thẳng vào nỗi bi quan ấy và suy nghĩ cách thấu đáo về lối sống và lẽ sống mà mình chọn sống.  Đó là câu chuyện nhà phú hộ có dư thừa của cải kia, chỉ biết xây dựng cuộc sống của mình trên đống của cải ấy.  Chính khi ngụp lặn trong đam mê vật chất, nhà phú hộ đã đánh đổi Thiên Chúa, thay vào đó là cái kho của cải to lớn mà ông còn đang dự định xây lại một cái kho khác còn to lớn hơn.

Nhưng khốn nạn cho ông!  Chính khi nhà phú hộ khép kín đời mình trên đống của; khi còn đang ảo tưởng về sự tính toán khôn ngoan của mình; khi ông chất chứa, không chỉ trong kho, nhưng trong chính lòng ông mọi thứ tham vọng trần tục, kiêu ngạo và hưởng thụ, là chính lúc cái chết đang ập đến trên ông.  Lời của Thiên Chúa qua môi miệng Chúa Giêsu còn đó, như một bản án khắc nghiệt dành cho những ai đam mê thế tục đến mức che mờ đức tin, nặng hơn: chối từ đức tin: “Nhưng Thiên Chúa bảo anh ta rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’”  Và Chúa kết luận, một lời kết luận cũng khắc nghiệt không kém: “Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy.”

Hóa ra nghĩ về cuối hành trình của sự sống để chuẩn bị cho giờ chết chẳng phải bi quan, nhưng là thái độ lạc quan, rất lạc quan và khôn ngoan, rất khôn ngoan.  Vì nếu ai biết sống như sẽ chết, nghĩa là chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của bản thân như đức tin dạy bảo, chắc chắn người đó thanh thản lắm, tâm hồn thơ thới bình an lắm.  Những người như thế sẽ để lại trong lòng người ở lại nhiều niềm thương, nỗi nhớ vô cùng.

Ngược lại, kẻ chỉ biết xây dựng đời mình bằng cách loại trừ đức tin, bằng hưởng thụ, tham lam, đam mê xấu, tha hồ ngụp lặn trong tội lỗi, suốt đời là những bước đi vô định, để cuối cùng, đứng trước cái chết, rơi vào nỗi hoang mang, lo sợ, lương tâm dằn xé, đó mới chính là nỗi bi quan đến tột cùng, bi quan không gì bằng!  Nỗi bi quan lớn như vậy là bởi sống không định hướng.  Mà sống đã không định hướng, chết tất sẽ mịt mù, bi đát.

Bạn và tôi là người có đức tin, hãy nhớ điều này: Thật ra của cải không xấu.  Xây kho hay hưởng thụ vừa phải những gì Thiên Chúa ban cũng không xấu, “nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (Lc 12, 15).  Đừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích.  Vì người giàu đáng yêu trước mặt Chúa là người biết cho đi.  Làm sao để cuối hành trình trần thế, đến trước tòa Chúa, chúng ta thấy kho của mình trống trơn, vì vừa mới cho đi tất cả.

Lm. Vũ Xuân Hạnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *