CHỈ VÀI BƯỚC THÔI

Đức Cha Bùi Tuần viết: “Tôi thấy từ nhà ông phú hộ đến chỗ ông ăn mày Ladarô chỉ khoảng vài bước, nghĩa là cách nhau chỉ có cái cổng.  Khi sống, ông phú hộ đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và cứu khổ cho người hành khất Ladarô luôn nằm đó (x. Lc 16,19-26).  Hậu quả là khi chết rồi, người phú hộ đó đã phải ném vào vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng cao sang vời vời.  Vài bước vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận…  Dụ ngôn người Samari tốt lành (x. Lc10,30-32) cho thấy: cũng chỉ vài bước thôi, thầy Tư tế và thầy Lêvi đã tránh sang bên kia đường, để khỏi cứu nạn nhân.  Lý do họ vịn vào để tránh cứu nạn nhân, có thể là vì quá bận với những công tác tôn giáo ở nhà, hoặc vì không rõ lý lịch nạn nhân.  Và họ an tâm.  Nhưng Chúa Giêsu coi đó là một an tâm xấu, có thể là một tội đáng phải phạt.”

Lối hành xử của ông Phú hộ “mackeno” hay thầy Tư tế và Lêvi “tránh sang một bên”, biểu tượng cho thái độ sống thờ ơ, dửng dưng, mặc kệ, đó là căn bệnh thời đại: vô cảm.

Có ba cấp độ vô cảm khác nhau trong đời sống hàng ngày.

Thứ nhất là vô cảm trước người khác, hiểu theo nghĩa là một hay nhiều người cụ thể, ở ngay trước mặt, như người thân trong gia đình, hàng xóm hay bất cứ ai đó gặp tai nạn ngoài đường.

Thứ hai là vô cảm trước đất nước hiểu theo nghĩa một cộng đồng mà mỗi người là một thành viên.

Thứ ba là vô cảm trước đồng loại, bao gồm cả những người ở xa, xa xôi và xa lạ, thuộc một đất nước khác hay một lục địa khác.

Tạm thời, xin gác loại vô cảm thứ ba lại. Chỉ tập trung vào hai loại vô cảm thứ nhất và thứ hai.  Lý do: một, đó là những vấn đề bức xúc nhất hiện nay; hai, sự vô cảm thứ ba chỉ khắc phục được nếu người ta đã vượt qua được hai loại vô cảm đầu tiên: Không hy vọng có người biết xúc động trước nỗi đau khổ của ai đó, ở châu Phi chẳng hạn, nếu người ta cứ dửng dưng trước những đau khổ ngay trước mặt và trước mắt mình.  Nếu có, đó chỉ là chút cảm xúc mang mùi lãng mạn chủ nghĩa; nó thoáng qua, rồi tắt, chứ chắc chắn sẽ không dẫn đến bất cứ một hành động cụ thể nào cả.

Vô cảm trước đất nước có nhiều biểu hiện, nhưng trung tâm vẫn là sự dửng dưng, hay nói theo chữ quen thuộc ở Việt Nam lâu nay, là mặc kệ.  Đất nước nghèo đói ư?  Mặc kệ!  Đất nước càng ngày càng lạc hậu ư?  Mặc kệ!  Sự bất bình đẳng trong nước càng ngày càng trầm trọng; khoảng cách giữa giàu nghèo càng ngày càng lớn; người giàu càng ngày càng giàu và người nghèo càng ngày càng nghèo ư?  Mặc kệ!  Nạn tham nhũng càng ngày càng hoành hành, càng phá nát nền kinh tế quốc gia ư?  Mặc kệ! Xã hội càng ngày càng băng hoại; văn hóa càng ngày càng suy đồi; giáo dục càng ngày càng xuống cấp ư?  Mặc kệ!  Trung Quốc xâm lấn Việt Nam, làm lũng đoạn kinh tế Việt Nam, bắt bớ và giết hại ngư dân Việt Nam ư?  Mặc kệ!  Dửng dưng hay mặc kệ trước những vấn đề liên quan đến danh dự quốc gia cũng là một sự vô cảm.

Nhưng tại sao người ta lại trở thành vô cảm?  Câu trả lời tương đối dễ: Một, người ta bị tước trách nhiệm đối với đất nước; và hai, bất cứ người nào còn có trách nhiệm và muốn biểu lộ trách nhiệm ấy thì bị chụp mũ, sỉ nhục, bắt bớ, giam cầm.  Trách nhiệm đối với đất nước trở thành một cái tội.  Dân chúng bị xem là những kẻ ngoại cuộc đối các vấn đề quốc sự.  Người nào không chấp nhận điều đó thì bị trừng phạt nặng nề.  Kẻ thì bị đạp vào mặt.  Kẻ thì bị bắt bớ.  Kẻ thì bị đe dọa.  Kẻ thì bị bêu xấu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.  Trong hoàn cảnh như thế, người ta không vô cảm đối với đất nước mới là chuyện lạ. (x. Blog của tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc).

Một trong những phát minh vĩ đại của khoa học là sáng chế ra rôbốt.  Nhưng khoa học không thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến rôbốt biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận.  Căn bệnh vô cảm biến con người thành rôbốt, vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh.  Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức.  Thấy những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục.  Gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn ra tay giúp đỡ dù có điều kiện.  Đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối.  Thời nay, ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém… nhưng lại ít thấy ai ra can ngăn, cứu giúp.  Không dại gì dây dưa vào, mackeno, là biểu hiện của bệnh vô cảm.

Lối sống dửng dưng, thờ ơ, mặc kệ đang hình thành một nền “văn hóa vô cảm” trong xã hội chúng ta.  Thái độ này đang được thể hiện tràn lan trong cuộc sống.  Hình ảnh những người trẻ nhường chỗ trên xe buýt cho người lớn tuổi hoặc phụ nữ có thai như là chuyện cổ tích; chuyện dửng dưng chứng kiến người thanh niên lừa một người mù đi bán vé số để cướp số tiền mưu sinh nhỏ nhoi được coi như chuyện nhỏ không đáng phải can thiệp, hay như chuyện một người phụ nữ bị đánh đập, bị lột hết quần áo và bị trói nằm trước mặt người qua đường mà chẳng ai quan tâm tới…  Môi trường sống hôm nay tràn lan những câu chuyện vô cảm như thế xảy ra hằng ngày.

Chỉ vài bước thôi ông nhà giàu có thể đến với Ladarô nghèo khổ.  Chỉ vài bước thôi thầy Tư tế và Lêvi sẽ chạm đến người bị nạn trên đường.  Chỉ vài bước thôi, sao mà khó đến vậy?  Âu cũng chỉ vì họ mắc bệnh vô cảm.

Sự vô cảm vì con người ích kỷ, tham lam.  Vì thế, suy cho cùng, bệnh vô cảm là do thiếu vắng tình yêu, xa cách với tình yêu, không quen nói về tình yêu, không quen thể hiện yêu thương, không bao giờ nuôi dưỡng tình yêu trong cuộc sống.

Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay với hai hình ảnh trái ngược.  Tư tế và Lêvi tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu ước.  Người Samari tượng trưng cho những người sống tình yêu.  Tư tế và Lêvi là những người đại diện tầng lớp đáng kính trọng nhất trong xã hội.  Họ chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa nhưng lại dửng dưng trước đau khổ của anh em đồng loại.  Một người Samari (thường bị người Do thái khinh bỉ, khai trừ, coi là ngoại đạo, tránh giao tiếp) tình cờ đi ngang qua, thấy cảnh ngộ đáng thương của người bị nạn nên động lòng thương.  Chuyện tình cờ xảy ra trên đường: đức ái không luôn luôn đến từ nơi người ta chờ đợi.  Chẳng quan tâm đến việc xem nạn nhân là người Do thái hay không, anh làm tất cả những gì có thể để cứu giúp người bất hạnh này.  Săn sóc tại chỗ, đưa về quán trọ, anh còn dự liệu cả hoàn cảnh khó khăn mà người này có thể gặp phải khi không có anh bên cạnh, vì thế anh nói với chủ quán: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”  Chính hành động làm cho anh em khốn khổ của mình trong đời thường mới làm nên con người tôn giáo chứ không là địa vị hay chức vụ, dù đó là thầy Tư tế hay thầy Lêvi đi nữa.  Đối với nghĩa vụ đức ái, không có bất kỳ hạn định nào.  Bác ái là miệng nói tay làm, là giúp đỡ người khác thật sự theo khả năng của mình.

Tin Mừng hôm nay là câu chuyện đẹp về tình yêu thương.  Người Samari nhân hậu đã sống đức yêu thương cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm.”  Anh đã cho đi mà không tính toán, không chờ đợi một lời cảm ơn nào, và có lẽ anh vừa đi vừa hát bài ca hạnh phúc.  Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống và thực thi yêu thương: “Hãy đi và làm như vậy”.

Lạy Chúa Giêsu,

Nếu chỉ với vài bước thôi, chúng con đã có thể cứu được một người cả xác cả hồn, thì xin cho chúng con có nhiều bước chân đi để đến với mọi người.  Chúng con biết, cuộc sống đạo sẽ trở nên phù phiếm nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là điều phụ thuộc, Kitô hữu mà không thực hành bác ái bằng việc làm trong đời sống thì cũng chỉ là hữu danh vô thực.  Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ, chai đá, dửng dưng trước những bất hạnh khổ đau của anh em.  Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con.  Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *