Cứ mỗi độ tháng Năm về, người Công giáo Việt Nam cùng Giáo hội hoàn vũ tưng bừng, rộn rã bước vào mùa dâng hoa kính Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa thiên đình với tên gọi rất dân dã là “tháng Hoa Đức Bà.” Các giáo xứ lại nô nức bước vào mùa dâng hoa kính Đức Mẹ với nhiều thể loại phong phú như rước kiệu, dâng hoa… tùy vào tập quán, điều kiện của mỗi địa phương.
“Hoa thắm nở đẹp đồng nội xa
Mùa hoa về hương ngát trời bao la
Con yêu Mẹ nhiều hái về ngàn đóa mà tiến dâng.”
Khúc hát dâng hoa (Hải Triều)
Bài hát diễn tả lòng mến tha thiết của những người con mộc mạc chân chất với những đóa hoa đồng cỏ nội mộc mạc đã dần dần đi vào lòng tín hữu với những điệu múa dâng hoa tràn đầy hương sắc và dạt dào tình cảm. Hoa được Thiên Chúa tạo tác với muôn sắc xinh tươi, hương thơm ngào ngạt đã điểm tô thêm cho vẻ đẹp vũ trụ. Hoa cũng trở thành bạn thân thiết với con người: người ta dùng hoa trong các nghi lễ thờ cúng, các lễ hội…, tặng hoa cho nhau nhân những dịp lễ kỉ niệm, kết thân với nhau bằng những nụ hoa và cũng có thể xa nhau bằng những vòng hoa tiễn biệt.
Tại Châu Âu, tháng Năm là thời điểm chuyển giao của mùa xuân và mùa hè, là thời điểm muôn hoa đua nở, vạn vật tràn đầy sức sống và màu sắc. Theo Lm. Đoàn Quang, CMC (Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ tháng 5-08 trg 4), vào những thế kỷ đầu, người Rôma tổ chức những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân, đánh dấu sự kết thúc một mùa đông dài. Các Kitô hữu ban đầu đã thánh hóa tập tục trên và tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú. Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh” bằng việc đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.
Tập tục này đã được Đức Thánh Cha Piô VII khuyến khích, Đức Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức này. Đức Thánh Cha Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, nhấn mạnh “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ.” Và năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã nêu lên những giá trị cao quý của việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm:
“Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số I).
Đất nước Việt Nam với muôn ngàn “kỳ hoa, dị thảo” và những tín hữu có lòng mến mộ đặc biệt đối với Đức Mẹ đã tổ chức các hình thức rước kiệu, dâng hoa vào tháng kính Đức Mẹ theo lịch phụng vụ của Giáo hội từ những thế kỷ trước. Muôn hoa ngàn sắc đã được cha ông ta chắt lọc và đưa vào lời ca, điệu múa dâng hoa chúc tụng cảm tạ và mừng kính Mẹ. Vãn hoa dâng kính Đức Bà là một trong số những thể loại mà những ai đã từng lớn lên ở những xứ đạo đồng bằng miền Bắc không thể không biết.
Đức Bà thờ Chúa một bề,
Hoa Quỳ chăm chắm hướng về thái dương.
Tội nguyên không nhiễm khác thường.
Hoa Sen trên nước chẳng vương bùn lầy.
Lòng đầy thánh sủng giáng lâm,
Hoa Lê tuyết đượm mầu thơm khác vời.
Tuổi cao phúc đức càng đầy,
Lạ lùng hoa Cúc nở ngày vãn thâu.
Toà cao thần thánh kính chầu,
Hoa Mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa.
Muôn loài cám mến âu ca,
Hoa Đơn phú quý gần xa vui vầy.
Các ơn Chúa phó trong tay,
Hoa Lan vương giả hương bay ngạt ngào.
Nghinh hoa tụng kỳ chương (Phạm Trạch Thiện – 1852)
Những nét đẹp của cuộc đời Mẹ đã được xưng tụng qua ý nghĩa của bảy loài hoa theo quan niệm truyền thống Việt Nam: hoa Quỳ hướng về vầng thái dương, Mẹ luôn một niềm quy hướng về Chúa. Mẹ tinh tuyền như hoa Sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Mẹ tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa giáng lâm như hoa Lê tuyết thấm đượm hương sắc tuyệt vời. Như hoa Cúc sung mãn trong nắng hanh vàng của mùa thu, tuổi càng cao phúc đức Mẹ càng tràn đầy. Mẹ được muôn loài tôn kính như hoa Mai đỉnh núi được phong tặng ngôi vị đứng đầu trăm hoa. Mẹ Thiên Chúa phú quý cao sang như hoa Mẫu đơn nhưng lại gần gũi và bao dung với mọi người bằng tình thương của một người mẹ. Như hoa Lan tinh tế dịu dàng mà tỏa hương ngát thơm, Mẹ Thiên đình vương giả vì được các ơn Chúa phó trong tay.
Bảy loại hoa cùng năm sắc màu đã hòa thành một tấu khúc tuyệt vời tôn vinh Mẹ đầy ơn phúc vì Mẹ chính là đóa hoa Huyền Nhiệm trong vườn hoa Thiên quốc đầy hương sắc!
Xin dâng lên Mẹ sắc hoa đỏ là màu Máu Thánh Con Mẹ đã đổ ra trong hy tế của giao ước mới cứu độ con người. Màu đỏ còn diễn tả sự đau khổ hy sinh của Mẹ “chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình” dưới chân thập giá để hiệp thông với người Con yêu dấu. Đó cũng là màu của những giọt máu tử đạo âm thầm của các chứng nhân Tin Mừng, là màu hoa thắm sắc hy sinh, là đời sống khó khăn, vất vả của tất cả mọi thành phần dân Chúa.
Nhiệm thay hoa đỏ hồng hồng,
Nhuộm thêm Máu Thánh thơm chung lòng người.
Vì thương Con gánh tội đời,
Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình.
Sắc hoa trắng chỉ sự trong sạch của tâm hồn, màu trắng tinh khôi của đức đồng trinh vẹn tuyền của Mẹ. Xin dâng lên những tâm hồn non trẻ, đang thiếu vắng niềm tin, sự đơn sơ trong trắng và lòng nhiệt thành. Xin Mẹ thương gìn giữ và dìu dắt để tất cả các bạn trẻ luôn biết nhận thức được đâu là những giá trị tốt xấu của cuộc sống. Biết xa tránh những cạm bẫy xấu xa của tội lỗi và gìn giữ tâm hồn luôn được sạch trong như tấm áo trắng lãnh nhận khi chịu phép rửa tội.
Xinh thay hoa trắng tốt lành,
Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà.
Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà,
Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương.
Như hoa quỳ, hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời. Mẹ là biểu tượng của lòng tin kiên vững, luôn hướng về Thiên Chúa. Màu hoa vàng còn chỉ đức mến vẹn toàn, diễn tả lòng yêu mến và trung thành của Mẹ. Xin dâng lên những người cha, những người mẹ nặng gánh gia đình. Xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì, để họ biết noi gương Mẹ, luôn trung kiên tin tưởng vào tình yêu Chúa để chu toàn trọng trách giáo dục con cái nên người và là chứng nhân của Tin Mừng Chúa Kitô giữa lòng đời.
Quí thay này sắc hoa vàng
Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn.
Một niềm tin kính nhơn nhơn,
Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu,
Màu hoa tím chỉ sự tuân phục, xin vâng theo thánh ý Chúa của Mẹ ngay từ giây phút sứ thần truyền tin đến trọn cuộc đời. Màu tím đơn sơ mà thấm nhuần nhân đức khiêm nhu tuyệt hảo của Mẹ. Sắc tím u buồn còn như muốn che khuất cả con đường đức tin khi điểm đến là đỉnh cao Thập Giá. Nguyện xin Mẹ giúp chúng con biết sáp nhập những đau thương, bệnh tật, tang tóc, cô đơn, thử thách trong đời với hiến tế Thập Giá của Đức Kitô. Xin cho những tâm tình, những cố gắng, những dấn thân âm thầm, những quên mình để đem lại niềm vui cho người khác của mọi thành phần dân Chúa trên khắp hoàn vũ này được trở nên của lễ cứu độ cùng với Chúa Kitô Phục Sinh.
Dịu thay hoa tím càng màu.
Ý trên bà những cúi đầu vâng theo.
Bằng lòng chịu khó trăm chiều,
Khiêm nhường nhịn nhục hằng yêu hãm mình.
Sắc hoa xanh ca tụng nhân đức trọn lành thánh thiện của Mẹ. Hoa xanh cũng tượng trưng cho tuổi thơ hồn nhiên, tươi đẹp và đầy trong sáng mà Chúa đã ban cho chúng con qua con cái của chúng con. Ngày xưa Mẹ đã nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ thơ Giêsu như thế nào; thì hôm nay cúi xin Mẹ dạy cho chúng con biết noi gương Mẹ để lo lắng cho con cái chúng con luôn biết bước đi trong đường lối của Chúa.
Lạ thay là sắc hoa xanh.
Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao.
Dờn dờn sau trước một màu,
Quản chi sương nắng dãi đầu ngày đêm.
Cũng xin dâng lên Mẹ những đóa “hoa lòng” thánh thiện: những gương sáng, những việc lành, những nghĩa cử bác ái với tha nhân trong đời sống thường ngày, những kinh nguyện chung mỗi tối trong gia đình. Xin cho những đóa hoa chúng con tiến dâng được kết trái nhân đức, những nhân đức trọn lành mà suốt đời Mẹ đã thi hành vâng theo ý Chúa. Từ trời cao, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt mến tâm thành hướng về Mẹ trong tháng hoa đầy hương sắc và dạt dào tâm tình con thảo. Amen!
Jos. Hoàng Mạnh Hùng