Ai được Thiên Chúa cảm thương? Chúng ta nên cầu nguyện đặc biệt cho ai? Chúng ta nên xin Thiên Chúa ban phúc lành cho ai?
Thế giới đang diễn Thế vận hội. Cái chúng ta thấy là những cơ thể khỏe nhất thế giới, được tô điểm với nụ cười trẻ trung và những bộ đồ thể thao đủ sắc màu. Thế vận hội là để mừng sức khỏe. Bất chấp bất kỳ thứ gì bao vây hay lẩn khuất bên dưới những cuộc thi đấu này (buôn bán, tham vọng, sản phẩm cấm dùng, bất kỳ thứ gì), thì có lẽ phản ứng đầu tiên của chúng ta luôn là vui sướng. “Chà! Đẹp quá! Điều này nói lên sự tuyệt diệu về cuộc sống và về Thiên Chúa.”
Hơn nữa, cái chúng ta thấy, không chỉ là các vận động viên. Bao quanh các cuộc thi là ngân sách hàng tỷ đô la, nước chủ nhà đang thể hiện tất cả tinh hoa của mình, các đài truyền hình gởi đi những hình ảnh rực rỡ muôn màu khắp thế giới, và khắp nơi là những màn trình diễn được tính toán cẩn thận của tuổi trẻ, sức khỏe, vẻ đẹp, sung túc, như thể chỉ có chúng mới làm thế giới vận hành.
Đáng buồn thay, sức khỏe, vẻ đẹp và sung túc không phải là những thứ bẩm sinh đã công bằng hay được phân bổ và chia sẻ cách công bằng. Cứ mở một hai kênh truyền hình khác là sẽ thấy các hình ảnh đối cực, các kênh tin tức liên tục truyền đi những hình ảnh về đau khổ, đói nghèo, bất công, nạn đói, tàn phá, hàng triệu người chạy trốn bạo lực, hàng triệu người sống trong cảnh khổ sở, và hàng triệu người sống với chút ít ỏi hy vọng tại những lằn ranh biên giới. Và đó chỉ là những gì chúng ta thấy trên bản tin. Cái chúng ta còn chưa thấy là hàng triệu người thất nghiệp, hàng triệu người là nạn nhân của bạo lực và xâm hại, hàng triệu người gặp vấn đề về thể lý và tâm lý đủ loại, và hàng triệu người mắc các chứng bệnh nan y đang chờ chết. Những cuộc đời và những cơ thể này có gì tương xứng với những cuộc đời và cơ thể của các vận động viên Thế vận hội không? Đây là một câu đáng hỏi.
Chúng ta đánh giá sự tương phản đắng lòng này giữa những gì được thấy ở Thế vận hội và những gì chúng ta thấy trên bản tin này như thế nào? Nó có làm chúng ta suy nghĩ về cầu nguyện và đồng cảm không? Liệu đau khổ của người nghèo có áp đảo trước sức khỏe của người giàu, đến mức trái tim và lời cầu nguyện của chúng ta chỉ hướng đến người nghèo thôi sao? Nếu là thế, liệu chuyện này có đem lại cái nhìn tiêu cực về các ơn sức khỏe và sự sung túc tuyệt vời hay không?
Có một số bài học có thể rút ra từ kinh dâng lễ trong nghi thức Thánh Thể. Trong nghi thức Thánh Thể, linh mục dâng hai bánh và rượu lên Thiên Chúa và chúng ta xin Ngài chúc lành cả hai. Bánh và rượu đại điện cho hai khía cạnh khác nhau của thế giới và cuộc sống chúng ta. Đến đây, tôi xin trích lời thần học gia Pierre Teilhard de Chardin: “Thứ thật sự được thánh hiến mỗi ngày chính là sự phát triển của thế giới trong ngày hôm đó, bánh biểu trưng cho những gì được tạo nên, rượu là biểu trưng cho những gì mất đi trong lao công và đau khổ trong tiến trình của nỗ lực đó.”
Về căn bản, lời nguyện dâng lễ xin hai phúc lành.
“Lạy Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, hôm nay chúng con dâng lên Chúa mọi sự trên thế giới này, cả vui mừng lẫn đau khổ. Chúng con dâng lên Chúa bánh là những thành tựu của thế giới, cũng như dâng lên Chúa rượu là những thất bại của thế giới, là dòng máu đổ ra khi đạt những thành tựu này. Chúng con dâng lên Chúa những người quyền thế, giàu có, nổi tiếng, các vận động viên, nghệ sĩ, ngôi sao điện ảnh, các doanh nhân, tuổi trẻ, vẻ đẹp và mọi thứ đầy sáng tạo cũng như đầy sức sống. Chúng con cũng dâng lên Chúa những người yếu đuối, mỏng manh, già nua, tan nát, bệnh tật, hấp hối và những nạn nhân của đau khổ. Chúng con dâng lên Chúa mọi vẻ đẹp, thú vui và niềm vui ngoại giáo của đời này, kể cả khi chúng con đứng với Chúa dưới thập giá, khẳng định rằng Đấng đã bị loại trừ khỏi thú vui trần thế chính là hòn đá tảng cho cộng đồng nhân loại. Chúng con dâng lên Chúa kẻ mạnh cũng như kẻ yếu, xin Chúa chúc phúc cho cả hai, và mở rộng tấm lòng của chúng con để chúng con cũng như Chúa, có thể ôm lấy và chúc lành cho tất cả. Chúng con dâng lên Chúa mọi kỳ công và đau đớn của thế giới này, thế giới của Chúa.”
Chúa thương người nghèo, người đau khổ, người bệnh tật và yếu đuối hơn, và chúng ta cũng phải như thế. Đức tin của chúng ta khẳng định rằng người nghèo vào nước thiên đàng dễ hơn người giàu có và mạnh mẽ. Tuy nhiên, dù đúng là thế, nó không ngụ ý rằng khỏe mạnh, sung túc là xấu. Chắc chắn là chúng đem lại nguy cơ. Trẻ trung, khỏe mạnh, hấp dẫn và tài năng, thường (dù không phải luôn luôn) là công thức dẫn đến tự phụ, xem đời mình đặc biệt hơn đời người khác. Ít người có thể xử lý tốt những tặng vật phi thường này.
Tuy nhiên, dù có thế, chúng ta vẫn phải xác định, Thiên Chúa mỉm cười với sự tự hào và hài lòng với những gì sống động, những nơi mà sự sống được thịnh vượng, khỏe mạnh, trẻ trung tài năng và hấp dẫn. Thiên Chúa mỉm cười với các vận động viên Thế vận hội. Thiên Chúa thương người nghèo hơn, nhưng không vì thế mà ngăn cản tình yêu của Ngài dành cho người mạnh. Như một người cha, người mẹ tốt lành, Thiên Chúa tự hào về những đứa con tài năng của mình, kể cả khi Ngài yêu thương đặc biệt những đứa con gặp đau khổ.
Trong mọi nghi thức Thánh Thể, chúng ta ôm lấy cả những vận động viên Thế vận hội và những người tị nạn bên rìa biên giới của chúng ta.
Rev. Ron Rolheiser, OMI