Ngày lễ hôm nay được gọi là lễ “Hiển Linh.” Hiển Linh là việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người. Trong Cựu ước, Thiên Chúa thường “hiển linh” tức là tỏ mình cho con người thấy vinh quang và quyền năng của Ngài, đồng thời Ngài gửi một thông điệp, một giáo huấn để giúp con người sống đạo đức và ngay lành.
Hài Nhi Giêsu tại Hang đá máng cỏ là Thiên Chúa. Ngài tỏ mình trong vinh quang rạng ngời. Ngôn sứ Isaia đã diễn tả Giêrusalem tràn ngập ánh sáng. Đây không phải là ánh sáng mặt trời, nhưng là vinh quang của Chúa tỏ hiện. Khi Chúa đến, Giêrusalem sẽ là trung tâm quy tụ muôn dân. Muôn sản vật quý hiếm sẽ tuôn đổ về đó để dâng kính Chúa là Vua muôn vua và là Chúa muôn loài. Xin lưu ý, lời ngôn sứ được nói trong bối cảnh lưu đày. Lúc đó, người Do Thái phải sống xa quê hương. Không còn Đền thờ. Không còn lễ tế. Lời ngôn sứ Isaia như một tiếng thét vui mừng và như lời hiệu triệu, làm nức lòng dân đang sống trong cảnh tha hương.
Với việc ba nhà đạo sĩ đến Belem theo chỉ dẫn của ngôi sao lạ, Thiên Chúa tỏ mình ra, không chỉ với người Do Thái, mà cho muôn dân. Ba nhà đạo sĩ từ phương Đông là tượng trưng cho cả nhân loại đang tìm kiếm Chúa. Họ đã tìm đến với Hài Nhi Giêsu và đã dâng của lễ. Những lễ vật họ dâng là vàng, nhũ hương, mộc dược là những biểu tượng nhằm tôn vinh Đức Giêsu là Thiên Chúa (hương), là Vua (vàng), và là Đấng Cứu độ (mộc dược để xức xác theo thủ tục của người Trung đông).
Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân, và con người đón nhận Chúa bằng nhiều cách khác nhau. Bài Tin Mừng của lễ Hiển Linh cho chúng ta thấy có ba thể loại nhân vật:
Trước hết là Hêrôđê. Ông là một quận vương có uy quyền. Khi nghe ba nhà đạo sĩ nói về một vị vua mới sinh. Hêrôđê đã sinh lòng ghen tương. Ông cặn kẽ dò hỏi về ngày giờ các nhà đạo sĩ đã thấy ngôi sao lạ. Ông còn nói với họ: để trẫm cũng đi triều bái Người. Thực ra, Hêrôđê ghen tương và sợ mất ngai vàng. Ông chỉ làm ra vẻ quan tâm, nhưng thâm tâm ông muốn triệt hạ vị vua mới sinh, để ngai vàng của ông không còn bị đe dọa. Việc ông ra lệnh giết các trẻ từ hai tuổi trở xuống cho thấy dã tâm của ông.
Những nhân vật thuộc thể loại thứ hai là những người khôn ngoan tại Giêrusalem. Họ là những tư tế, luật sĩ và chuyên viên nghiên cứu Kinh Thánh. Những người này là những cố vấn của triều đình Hêrôđê. Khi được triệu tập, họ trả lời dễ dàng thông thạo. Họ trích dẫn ngôn sứ Mika nói về nơi Đấng Cứu Tinh sẽ sinh hạ. Tuy vậy, những kiến thức uyên thâm không giúp họ nhận ra Đấng Cứu độ đã đến trần gian. Sự thông thái của họ chỉ dừng lại ở lý thuyết và những bài học thuộc lòng, còn tâm hồn họ thì dửng dưng với những gì đang xảy ra.
Những nhân vật thuộc thể loại thứ ba là các nhà đạo sĩ. Họ cũng là những người uyên bác, và sự uyên bác ấy đã giúp họ nhận ra những dấu chỉ thời đại. Khởi đi từ những dấu lạ trong thiên nhiên vũ trụ, họ đã đón nhận thông điệp từ trời báo cho biết Đấng Cứu Thế đã sinh hạ. Họ đã lên đường, chấp nhận mọi vất vả gian nan, với ước mong gặp được vị vua mới sinh. Sau khi đã vượt qua những gian nan vất vả, khi gặp Hài Nhi Giêsu, họ chỉ đơn giản thờ lạy Người và lấy đó làm mãn nguyện, lên đường trở về.
Khi sống ngay thẳng và chân thành, những mưu mô của Hêrôđê không thể làm họ mắc bẫy. Trái lại, họ luôn sáng suốt và kiên trung. Nhờ lời hướng dẫn của Sứ thần, họ đã lên đường về bằng một lối khác.
Sau khi đã “nhận diện” những nhân vật được nhắc tới trong Tin Mừng Thánh Matthêu, mỗi chúng ta hãy đặt câu hỏi: tôi giống nhân vật nào trong những nhân vật trên đây? Có thể tôi như Hêrôđê, mặc dù tin Chúa, nhưng chỉ chấp nhận những gì tạo cho mình sự dễ dãi, còn những gì khó khăn và đòi hỏi phải hy sinh thì tôi lại khước từ. Có thể tôi giống như những người khôn ngoan ở thành Giêrusalem, học biết Lời Chúa nhưng lại không tuân giữ những gì Chúa dạy. Và, thật là may mắn, nếu tôi giống như những nhà đạo sĩ, cất bước lên đường tìm Chúa và thờ lạy Người.
Thiên Chúa hiển linh, tỏ mình cho muôn dân. Ngày hôm nay, Ngài cũng đang tỏ mình qua Giáo Hội và qua mỗi người tín hữu. Ước chi mỗi chúng ta hãy là một ngôi sao dẫn đường cho đồng loại tìm về Chúa Giêsu, Đấng cứu nhân độ thế và Đấng đã làm người để ở với chúng ta. Một cuộc sống thánh thiện, trung thực, ngay thẳng và yêu thương, chính là vì sao sáng giữa đêm đen trần gian, nhờ đó nhiều người biết Chúa và đến thờ lạy Người.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên