Một thơ sĩ người Anh tên là Leigh Hunt đã viết một bài thơ rất nổi tiếng về một người tên là Abou Ben Adhem như sau:
Một đêm kia, khi Abou Ben Adhem choàng tỉnh dậy, anh thấy trong phòng ngủ của anh một thiên thần nhỏ đang cắm cúi viết trên một cuốn sách bằng vàng tên của những người yêu mến Thiên Chúa. Anh rón rén lại gần và hỏi nhỏ: “Có tên của con trong sách đó không, thưa ngài?” Vị thiên thần nhỏ lắc đầu: “Chẳng có tên của anh.” Abou nài nỉ: “Nếu thế, con xin ngài hãy ghi tên con là người biết yêu mến những người anh chị em của mình thôi.” Đêm hôm sau, vị thiên thần trở lại với danh sách của những người yêu mến Thiên Chúa. Lần này, tên của Abou Ben Adhem đứng ở đầu danh sách.
Bài thơ này cho thấy tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho tha nhân thì tựa như hai mặt của một đồng tiền. Người ta không thể tách rời hai thứ tình yêu này ra khỏi nhau được. Đó cũng chính là những gì mà Tin Mừng ngày hôm nay muốn nói với chúng ta. Khi người ta hỏi Đức Giêsu rằng đâu là giới răn quan trọng nhất trong lề luật, thì câu trả lời vẫn là giới luật về tình yêu đối với Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở đó. Ngài tiếp tục đưa ra một câu trả lời thực tế hơn. Ngài trình bày cho chúng ta thấy mặt khác của đồng tiền: đó là tình yêu dành cho tha nhân. Tình yêu mến Thiên Chúa cách đích thực và tình yêu thương tha nhân chân thành chỉ là một. Đức Giêsu đã nói: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môi-sen và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 37-40).
Ở đây, chúng ta thấy Đức Giêsu không chấp nhận lối hiểu tình yêu chỉ trong một chiều kích thôi. Đối với Ngài, tình yêu đích thực phải diễn tả trong 3 chiều kích, đó là (1) tình yêu đối với Thiên Chúa, (2) tình yêu đối với tha nhân, (3) và tình yêu đối với bản thân. Hai thứ tình yêu đầu được đòi hỏi cách tích cực, còn tình yêu thứ ba được đưa ra như một cơ sở của mọi tình yêu. Việc đòi hỏi yêu thương tha nhân như chính bản thân, đã giả định rằng bạn phải biết yêu thương chính mình.
Vì câu trả lời của Đức Giêsu đề cập tới cả ba chiều kích của tình yêu, vậy đâu là điểm mà Đức Giêsu thực sự muốn nhấn mạnh?
Khi bạn hỏi ai đó một câu hỏi, và trong câu trả lời của người ấy, người ấy còn nói thêm một điều khác nữa mà bạn đã thực sự không muốn hỏi, thì hẳn rằng người ấy đang muốn bạn chú tâm đến yếu tố thêm vào đó. Tuần vừa qua, khi Đức Giêsu bị chất vấn về việc có phải nộp thuế cho hoàng đế Xê-da không, thì Ngài trả lời: “Của Xê-da, thì trả cho Xê-da;” và Ngài còn nói tiếp: “Của Thiên Chúa, thì trả cho Thiên Chúa.” Đó chính là điểm nhấn mạnh của Đức Giêsu khi được hỏi về việc nộp thuế cho Xê-da. Ngài không chỉ nói đến một điều xem ra hiển nhiên về quyền của Xê-da, nhưng còn nhấn mạnh đến quyền của Thiên Chúa mà con người vốn thờ ơ, không coi trọng. Cùng cách thế này, đứng trước vấn nạn đâu là giới răn quan trọng nhất trong lề luật, thì tình yêu đối với Thiên Chúa là chuyện hiển nhiên, nên điều nhấn mạnh của Đức Giêsu ở đây chính là tình yêu đối với tha nhân mà vốn bị con người không để ý tới hoặc coi thường.
Bạn nên nhớ việc bắt bớ Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài là do chính những người lãnh đạo tôn giáo. Những kẻ này tưởng rằng họ làm thế để thể hiện lòng nhiệt thành và yêu mến Thiên Chúa của họ, để bảo vệ uy quyền tối cao của Thiên Chúa. Cũng những con người này khi hỏi Đức Giêsu đâu là giới răn quan trọng nhất, thì chính họ là những kẻ đang giăng bẫy nhằm giết Đức Giêsu. Họ rất ý thức về tình yêu phải dành cho Thiên Chúa, nhưng tại sao họ lại trở nên vô cảm trước tình yêu phải dành cho tha nhân? Sao-lê sau này trở thành Thánh Phao-lô, đã từng là một ví dụ điển hình về thứ quan niệm tôn giáo lệch lạc này. Đức Giêsu cũng nói tiên tri rằng: “Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2).
Điều sai lầm của những người Biệt phái ngày xưa có thể vẫn đang tồn tại nơi bản thân chúng ta. Vẫn có nhiều người Ki-tô hữu đang cố tách rời tình yêu đối với tha nhân ra khỏi tình yêu đối với Thiên Chúa. Sự dấn thân trong niềm tin của họ không bao hàm việc dấn thân cho những quyền lợi của tha nhân, cho sự công bằng và hòa bình.
Chúng ta hãy biết mau mắn đáp trả trước lời mời gọi của Đức Giêsu trong sứ điệp của Ngài ngày hôm nay: Tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa và tình yêu đích thực dành cho tha nhân là hai mặt của một đồng tiền. Mọi cố gắng nhằm tách rời hai điều này, sẽ làm sai lệch sứ điệp của Đức Giêsu. Thánh Gioan đã viết trong thư thứ nhất của ngài: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).
Văn Chính, SDB chuyển ngữ