ĐÓN CHÚA ĐẾN NHÀ

Thánh Luca là tác giả duy nhất thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu.  Giakêu là ai?  Tác giả cho biết, ông là người thu thuế và là người giàu có.  Thông thường, người thu thuế thời Chúa Giêsu đều là người giàu có, vì của cải họ kiếm được thường là do gian lận.  Họ bị người dân căm ghét, vì tiền thu thuế phải nộp cho ngoại bang là đế quốc Rôma.  Rất nhiều trường hợp trong Tin Mừng cho thấy sự khinh bỉ của người dân đối với những người hành nghề thu thuế.  Những người này cũng được đồng hoá với các tội nhân, như lời xầm xì của dân chúng: “nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ.”  Thánh Luca không nói rõ Chúa Giêsu lưu lại ở nhà ông Giakêu bao lâu, nhưng vào thời đi lại khó khăn, chắc hẳn thời gian Chúa viếng thăm không chỉ trong chốc lát.  Ông Giakêu, một người thấp bé về vóc dáng, nhưng lại thông minh về trí tuệ.  Ông muốn gặp Chúa.  Vì vóc dáng khiêm tốn của mình, ông đã trèo lên một cây sung để nhìn Chúa cho rõ.

Một chi tiết rất đặc biệt được Thánh Luca nhấn mạnh: Đức Giêsu là Thiên Chúa đã “nhìn lên” để gặp gỡ ông Giakêu.  Thiên Chúa đã hạ mình xuống để đi tìm kiếm con người.  Ánh mắt của Chúa Giêsu và ánh mắt của ông Giakêu đã gặp nhau.  Ánh mắt ấy đã thuyết phục ông.  Đáp lại, ông “vội vàng tụt xuống” và mừng rỡ đón rước Người.  Chúng ta tưởng tượng thấy một Giakêu rất vui vì được Chúa chủ động đề nghị đến thăm nhà ông.  Ông vốn mặc cảm trước ánh mắt của người đời, chỉ mong lén nhìn thấy Chúa, thì nay, ánh mắt của Thiên Chúa lại tìm kiếm ông.  Lòng thương xót của Thiên Chúa đã xoá đi mọi khoảng cách.  Đối với Chúa Giêsu, trước mặt Người không còn là thu thuế hay biệt phái, không còn là người giàu hay nghèo, mà là con cháu tổ phụ Abraham.  Con cháu Abraham tức là dòng dõi những kẻ tin.  Nhờ lòng tin mà ông được cứu rỗi.

Cuộc gặp gỡ và đón tiếp Chúa Giêsu đã làm cho cuộc đời ông Giakêu sang trang.  Trước những dị nghị của đám người đang ghen tức và bình phẩm, ông quả quyết tuyên bố sẽ canh tân bản thân.  Ông nhận ra những lỗi lầm do việc gian lận, và nay ông hứa, ông sẽ đền gấp bốn.  Ông cũng sẵn sàng chia sẻ phần nửa tài sản cho người nghèo.  Cuộc đời của ông Giakêu đã hoàn toàn đổi mới.  Ông tìm thấy niềm vui và bình an khi sám hối và chia sẻ.

Nhân vật ông Giakêu vừa diễn tả thiện chí tìm kiếm Chúa của con người, vừa chứng minh lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.  Nếu trước mặt những người đương thời, ông Giakêu bị coi là tội lỗi và bị quần chúng xa lánh, thì đối với Chúa Giêsu, tâm hồn ông vẫn luôn là mảnh đất thuận tiện để Lời Chúa gieo vào và sinh hoa kết trái.  Tác giả sách Khôn ngoan (Bài đọc I) như một lời cầu nguyện và lời chúc tụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.”  Trước mặt Chúa không có gì là “đổ bỏ đi”, dù phàm hèn và bất xứng đến đâu chăng nữa.

Nếu Thiên Chúa muốn cứu mọi người và muốn cho mọi người được sống, thì những con người – là chúng ta – lại muốn điều ngược lại.  Những thành kiến, ghen tương là nguyên nhân làm thương tổn danh dự và phẩm giá của người khác.  Ngày nay, mạng lưới thông tin trên Internet như một vũ khí nguy hiểm.  Người ta dễ dàng bình luận, phê phán và kết án người khác mà không cần kiểm chứng những thông tin.  Phương tiện thông tin, tưởng như đơn giản, lại trở thành một thứ độc dược giết người.  Khá nhiều nạn nhân đã bị dồn đến chân tường, do áp lực của hệ thống thông tin trên mạng.  Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa năm 2022, đã cảnh báo những nguy hiểm từ những thông tin nguỵ tạo thất thiệt, gây chia rẽ và nhằm mưu đồ loại trừ người khác.

Đối với Kitô hữu, mối ưu tư đầu tiên là nên giống Chúa Giêsu.  Thánh Phaolô (Bài đọc II), khuyên chúng ta nên kiên vững trước những lời đồn thổi và trước những trào lưu mệnh danh là “mạc khải.”  Lời của vị thánh Tông đồ vẫn mang tính thời sự đối với chúng ta hôm nay.  Xuất phát từ những quan điểm lệch lạc hoặc do bất mãn, một số người đã nhân danh Thiên Chúa, nhân danh mạc khải để tuyên truyền những điều trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội, trong đó có một số giáo sĩ và tu sĩ.  Họ tự cho mình được Chúa soi sáng, sẵn sàng ly khai khỏi Giáo Hội và lôi kéo người khác theo mình, ngấm ngầm chống lại các vị Bản quyền.  Thực sự những hiện tượng này không phải là mới mẻ.  Trong lịch sử, thời nào cũng có những kẻ giả danh.  Những gì không đến từ Thiên Chúa, tự nó sẽ tan rã, như lời ông Gamalien khẳng định trong Thượng Hội đồng Do Thái (x. Cv 5,34-39).

Mỗi lần cử hành Thánh Thể là chúng ta được gặp gỡ Chúa Giêsu.  Chúng ta được đón Chúa vào trong tâm hồn qua nghi thức rước Thánh Thể.  Hãy như ông Giakêu, thiện chí biến đổi cuộc đời, để trở nên con người mới, nên giống Chúa Giêsu ngay trong cuộc đời này.  Hãy có ánh mắt như ánh mắt của Chúa Giêsu, để nhận ra những người xung quanh mình đều là anh chị em.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên