Một đoạn trích từ cuốn Hướng Dẫn để Cầu Nguyện Dành cho Người Bận Rộn.
Bởi: DEACON GREG KANDRA
Khi tôi còn là một thiếu niên, tôi đã dành mùa hè để đi rửa chén bát và dọn bàn tại tiệm kem Gifford ở Silver Spring, Maryland. Tôi vẫn có thể nhớ mùi khó chịu giữa kem tan chảy hòa quyện với mùi hương xà phòng của nước rửa chén. Thật là kinh dị.
Thú thật, cả mùa hè năm đó tôi không tài nào ăn nổi một chút kem. Nghĩ đến nó tôi đã buồn nôn. Chiều tối nào tôi cũng ăn đầy miệng các loại kem trái cây với sôcôla, phô mai chảy, quả xơri (đã lấy hạt) và những vụn cốm đủ màu ỉu xìu. May thay, tôi đã lấy lại được phong độ. Kem không còn là vấn đề đối với tôi nữa (dù bác sĩ của tôi và vợ tôi có thể không đồng tình với tôi).
Dù sao, tôi đã có lý do để nhớ vào mùa hè đó khi tôi nhặt được một bản sao Việc thực hành về sự hiện diện của Thiên Chúa của một tu sĩ dòng Camêlô (Cát Minh) ít ai biết, tên là Nicolas Herman, anh được biết đến nhiều hơn với tên gọi Anh Lawrence.
Nhiều thế kỷ trước, anh Lawrence đã tạo ra một hình thức tâm linh đơn giản nhưng sâu sắc làm say mê các thế hệ tín hữu. Tôi nghĩ rằng nó cung cấp cho chúng ta một mô hình để thực hiện việc cầu nguyện không chỉ là một phần trong cuộc sống của chúng ta mà còn thực sự là phần tuyệt vời nhất. Thực hành sự hiện diện của Thiên Chúa biến đổi chính hành động sống thành một lời cầu nguyện bền bỉ, liên tục, một cách cầu nguyện không ngừng.
Một Khởi Đầu Không Cảm Hứng. Nicolas Herman sinh ra ở Pháp vào năm 1614. Anh bị thương trong nghĩa vụ quân sự và trong khi hồi phục, ông quyết định muốn trở thành một thầy tu. Khi hai mươi sáu tuổi, anh gia nhập Dòng Carmel (Cát Minh) đi chân đất (khổ hạnh) ở Paris với tư cách là anh em giáo dân và lấy tên trong dòng là Lawrence.
Đó không phải là điều mà bất cứ ai cũng có thể coi là hấp dẫn. Lawrence làm việc trong nhà bếp tu viện, nấu các bữa ăn cho các anh em tu sĩ. Trong những năm sau đó, anh chuyển sang làm sandal. Đó là khoảng thời gian thú vị như cuộc sống của anh.
Nhưng thật là bận rộn, tẻ nhạt,… không cảm hứng.
Anh Lawrence nhận thấy cuộc sống trong một tu viện gần như không thăng hoa như anh mong đợi. Anh cầu nguyện, suy gẫm và dành hàng giờ trong thinh lặng. Và không gì trong số đó thực sự lấp đầy được anh. Thay vào đó, anh ta đã phát triển hình thức tâm linh độc đáo của riêng mình bằng cách rèn luyện bản thân để thực hành sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Và nó đã xảy ra chỉ bằng cách rửa chén đĩa. Như anh đã viết: Tôi đã từ bỏ tất cả những hình thức đạo đức và những lời cầu nguyện không cần thiết và tôi tận hiến chính mình cách độc chiếm để luôn luôn ở trong sự hiện diện linh thiêng của Chúa . Tôi giữ mình trước sự hiện diện của Chúa bằng sự chăm chú đơn giản và nhận thức yêu thương chung về Thiên Chúa mà tôi gọi là “sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa” hay tốt hơn, một cuộc trò chuyện thầm lặng và bí mật của linh hồn với Chúa đang kéo dài.
Anh Lawrence đã chết trong lặng lẽ ở tuổi bảy mươi bảy, và cuốn sách mỏng manh anh để lại là một kho báu nhỏ nhưng cao đẹp. Nó tương đương với “quy tắc” của riêng anh, một sự hướng dẫn cho tất cả những ai muốn biến cuộc sống hàng ngày thành một lời cầu nguyện không ngừng (liên lỉ).
Khả Năng Thích Ứng của Việc Cầu Nguyện. Về cuộc sống trong bếp, Anh Lawrence viết: “Thời gian hoạt động hoàn toàn không khác với những giờ cầu nguyện, vì tôi có Chúa cách bình an trong sự hỗn loạn của nhà bếp, nơi mọi người thường hỏi tôi về những điều khác nhau cùng một lúc, tôi làm như khi tôi quỳ trước Bí tích Thánh Thể vậy.”
Cho đến ngày nay, Anh Lawrence vẫn là một nhân chứng quan trọng cho một điều mà nhiều người trong chúng ta bỏ bê hoặc bỏ qua: cầu nguyện thì vô cùng sáng tạo và thích nghi. Nó có thể và nên liên quan đến tất cả những gì chúng ta là. Chúng ta cầu nguyện với Chúa như sự sáng tạo của Người, như những con vật đang vất vả, vật lộn, vui mừng, và, vâng, đang làm việc. Bạn muốn “cầu nguyện không ngừng?” Hãy bắt đầu bằng cách biến mọi hành động, mọi cử chỉ, mọi nhiệm vụ thành một hình thức cầu nguyện. Hãy dâng tất cả cho Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện tại bồn rửa, trong nhà để xe, trên xe buýt, trong vườn, trong phòng ngủ nhỏ phía sau một đống giấy tờ đang chờ nộp.
Bất kỳ công việc nào, được dâng lên với tình yêu dành cho Chúa, có thể là một lời cầu nguyện nếu chúng ta muốn. Có thật không. Trả lời điện thoại, chăm sóc khu vườn, đánh máy một tờ giấy về thời hạn, cân bằng sổ séc, thay tã, băng bó vết thương – tất cả những điều này và hơn thế nữa là một phần của thế giới vô cùng kỳ diệu và không hoàn hảo của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể làm nhiều hơn là chỉ thực hiện các nhiệm vụ này. Chúng ta có thể cầu nguyện với chúng.
Khi tôi lớn lên, mẹ tôi có một tấm bảng cầu nguyện nhỏ treo trên bồn rửa trong nhà bếp của chúng tôi. “Lời cầu nguyện trong nhà Bếp” nói về sự tận tâm của Anh Lawrence và lòng đạo đức hàng ngày mà rất nhiều người trong chúng ta cố gắng sống.
Klara Munkres, một giáo viên đã nghỉ hưu từ Savannah, Missouri, đã viết lời cầu nguyện. Chị chết năm 1971 và mặc dù hầu hết mọi người chưa bao giờ nghe nói về chị, nhưng vô số người biết những lời của chị, được trích ra dưới đây.
Lạy Chúa của tất cả mọi sự.
Vì con không có thời gian để trở thành
một vị thánh bằng cách làm những điều đáng yêu hoặc
thức khuya với Chúa; hay mơ màng dưới ánh bình minh hoặc
gõ Cổng thiên đàng. Xin Chúa hãy làm cho con thành một vị thánh
qua việc nấu những bữa ăn và rửa chén đĩa.
Klara Munkres đã tiếp tục với một thứ gì đó – chị có được sự thanh thản có thể đến từ việc làm bất cứ điều gì và mọi thứ cho Chúa.
Hãy Hiến Dâng Chính Mình cho Chúa. Anh Lawrence, năm thế kỷ trước đó, hiểu rằng cầu nguyện không ngừng không khó như nó có vẻ. Anh nắm vững thần học về sự hiện diện, ân huệ về sự hiện diện với Thiên Chúa và biến nhận thức sâu sắc đó thành một thực hành từng phút giây trong cuộc đời mình.
Bí mật của anh Lawrence? “Tôi chuyên tâm không làm gì và không nghĩ gì có thể làm mất lòng Chúa. Tôi hy vọng rằng khi tôi đã làm những gì tôi có thể, Chúa sẽ làm với tôi những gì Người muốn.”
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thách đố rất lớn. Đó là công việc của một người trọn cả cuộc đời, khi tôi còn là một thiếu niên, đó là cách tôi cảm nhận về việc rửa chén bát tại một tiệm kem.
Nhưng những lợi ích của kiểu cầu nguyện trọn đời được mô tả bởi Anh Lawrence kéo dài lâu hơn. Và mùi hương thì vô cùng ngọt ngào.
Phó tế Greg Kandra là phó tế vĩnh viễn cho Giáo phận Brooklyn. Ông viết blog tại patheos.com và phục vụ như là biên tập viên đa phương tiện cho Hiệp hội phúc lợi Công giáo Cận Đông.
Cuốn sách mới của ông, Hướng Dẫn Cầu Nguyện cho Người Bận Rộn có sẵn tại wau.org và amazon.com.
Theo The Word Among Us
July/August 2019 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương